Chào mừng 20/11 với 10 bộ phim về nghề giáo "siêu cuốn" không nên bỏ qua!

Tin điện ảnh · ynhi0603 ·

Một mùa 20/11 lại sắp về, bạn đã tìm được một bộ phim "ấm lòng" về tình thầy trò để thưởng thức chưa?

Kéo xuống để xem tiếp

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để các bạn học sinh, sinh viên ghi nhớ và tri ân cho các thầy cô giáo - người luôn cần mẫn với sự nghiệp trồng người, ươm mầm tri thức cho cả một thế hệ trẻ. Không chỉ có ở Việt Nam, các nước trên thế giới cũng xem nghề giáo là một nghề cao quý rất đáng được tôn vinh, thậm chí còn đem lại nhiều cảm hứng cho các nhà làm phim. Điều đó đã được minh chứng thông qua những tác phẩm điện ảnh mang đậm tính giáo dục và nhân văn. Điển hình là 10 tác phẩm dưới đây. Hãy cùng Moveek điểm qua nhé!

1. Dead Poets Society (1989)

Dead Poets Society có lẽ là bộ phim về đề tài nhà giáo nổi tiếng nhất mọi thời đại. Phim kể về việc giáo sư Keating (Robin Williams) quay trở lại trường cũ và làm thay đổi thói quen giáo dục ở ngôi trường này. Vào ngày đầu tiên đi dạy, người thầy ấy đã để học sinh xé giáo trình và làm việc riêng vô cùng thoải mái. 

Kịch bản xuất sắc, dàn diễn viên thực lực cùng sự chỉ đạo tài tình của ekip làm phim, kết hợp với các góc chuyển động máy và ánh sáng nhằm tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời; chứa đựng rất nhiều thông điệp sâu sắc, những câu thoại như những câu quotes (trích dẫn) gối đầu giường và đầy cảm hứng. 

Dead Poets Society gieo những xúc cảm khó quên vào trái tim của bạn. Bộ phim không dựa trên một câu chuyện có thật, nhưng nó thể hiện một cách chân thực về mối quan hệ giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên. Phim đã giành được giải Oscar danh giá cho hạng mục Kịch bản hay nhất và được đề cử cho hạng mục Phim hay nhất. Nam diễn viên Williams cũng được đề cử cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Peter Weir đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

2. Freedom Writers (2007)

Freedom Writers dựa trên câu chuyện có thật lấy bối cảnh lớp học 203 tại trường trung học Wilson, Long Beach, bang California. Ngay ngày đầu tiên nhận lớp, cô giáo ngữ văn Erin Gruwell đã phải đối mặt với những học sinh lớp 203 cá biệt, mang nặng tư tưởng “thù hằn” và phân biệt chủng tộc. 

Khi xem phim, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được nạn phân biệt chủng tộc tại ở California trong những năm 90 khá chân thực. Tuy thế, bằng tình yêu nghề và trái tim nhiệt thành của bản thân, cô giáo Erin đã thắp sáng những lý tưởng về đạo đức cho những người học trò ấy. Bởi lẽ, giáo dục không chỉ cung cấp cho người học kiến thức, mà còn có thể khai thác những điểm sáng trong tâm hồn của chúng ta. 

3. Precious (2010)

Precious xoay quanh câu chuyện của một cô gái trẻ 16 tuổi tên Precious Jones, sinh ra và lớn lên ở khu nhà của người da màu. Cô bé có tư tưởng bài xích bản thân khá lớn. Cuộc sống bất hạnh vì bị người mẹ bạo hành, bố đẻ hiếp dâm, cộng thêm điều kiện phát triển không được tốt biến cô trở thành kẻ thất học dù đạt trình độ lớp 9 cũng không thể đọc hay viết. Cô gái trở thành một người béo phì, xấu xí, nghèo khổ thấp kém dưới đáy vực.

Câu chuyện thay đổi khi cô bé đi học một lớp học đặc biệt của cô giáo Rain. Bằng sự nhẹ nhàng, cảm thông, kiên định của mình mà cô Rain đã giúp các học viên nữ thức tỉnh tâm trí và trái tim của họ. Sau quá trình phát triển kiến thức, các cô gái tìm thấy sự chữa lành từ bên trong nội tại. Đây là một bộ phim thể hiện khá rõ nét vai trò của một người giáo viên có tầm vóc, giáo viên không chỉ là một cái nghề, mà nó còn đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của bản thân.

4. Good Will Hunting (1999)

Good Will Hunting khá đặc biệt vì nó được chắp bút bởi hai diễn viên chính và đây cũng là bộ phim làm nên tên tuổi của họ - Matt Damon và Ben Affleck. 

Nội dung bộ phim xoay quanh cậu thanh niên 20 tuổi tên là Will Hunting. Anh là trẻ mồ côi, ham đọc sách, có trí nhớ tốt và là một thiên tài về toán học. Tuy nhiên Will có một quá khứ lêu lỏng. Anh thường xuyên làm bạn với một đám thanh niên không có tương lai, suốt ngày chỉ biết cong lưng với công việc phụ hồ, vào quán bar rồi quậy phá và phạm tội. Cuộc đời Will đã rẽ sang ngã khác khi anh được nhận vào làm bảo vệ cho Học viện Công nghệ Massachusetts. Ở đây, anh được giáo sư toán học Gerald Lambeau (Robin Williams) “phát hiện” và giúp anh phát triển được năng lực của mình.

Đối với những bộ phim về giáo viên, bộ phim này đem lại bài học về sự “thông minh tiềm năng” của bất kỳ em học sinh nào. Trong Good Will Hunting, nhân vật chính đã biết mình thông minh, nhưng lại chọn một lối sống mòn, ngại bộc lộ hết khả năng của mình. Sự thấu hiểu tâm lý đi kèm diễn xuất xuất sắc đã góp phần đẩy bộ phim trở nên thú vị và đáng xem hơn bao giờ hết.

5. The Class (2008)

The Class là bộ phim giành được 2 giải thưởng lớn là Oscar và liên hoan phim Cannes. Vậy điều gì đã tạo nên sức hút của bộ phim? 

Thứ nhất, The Class được chuyển thể từ bản tự truyện cùng tên của giáo viên Francois Begaudeau - cũng là diễn viên chính trong phim. Vì vậy, nội dung của phim rất sát với câu chuyện thực tế, như thể người xem đang được coi 1 bộ phim tài liệu chính hiệu - nơi diễn xuất của diễn viên cũng không hề bị “gượng gạo” mà nó chỉ đơn giản như đang khắc họa rồi xâu chuỗi những sự kiện lại với nhau.

Thứ hai đây là bộ phim cũng không hề mang đến những thông điệp xa rời thực tế, trong phim cũng không xây dựng kiểu nhân vật thầy cô giáo “anh hùng” làm nhiều điều phi thường hay thay đổi cuộc đời của học sinh. Thông điệp nhẹ nhàng, không kịch tính nhưng vẫn truyền tải đúng những ý nghĩa mấu chốt của giáo dục: bài học nghề giáo, tình cảm thầy trò, tâm lý của người dạy và người học,...

6. Karate Kid (2010)

Bộ phim khai thác đề tài võ thuật, khác một chút so với những bộ phim phía trên. Tuy nhiên, nó vẫn là một phim hay và rất đáng xem. Karate Kid từng được công chiếu ở phiên bản năm 1984. Vào năm 2010, ngôi sao điện ảnh võ thuật Thành Long bắt tay remake bộ phim và cũng giống với phiên bản gốc, phiên bản 2010 cũng được được những thành công rực rỡ. 

Nội dung cũng không có thay đổi gì nhiều so với bản gốc, kể về cuộc sống của cậu bé 12 tuổi tên Dre Parker chuyển từ Mỹ đến Trung Quốc sinh sống, do có sự khác biệt văn hóa và ngôn ngữ nên Dre đã vô tình đánh nhau với những học sinh người Trung Quốc cùng trường, Dre quyết tâm “tầm sư học võ” để lấy lại danh dự và cũng để chinh phục "crush”.

Bộ phim không chỉ gây mãn nhãn với những màn võ thuật được thực hiện công phu, mà còn khắc họa được tinh thần thượng võ đáng quý của 2 thầy trò được thể hiện trong từng thước phim mang đậm phong cách hiện đại của Hollywood, nhưng vẫn không hề thiếu vắng nét hài hước khó lẫn vào đâu được của Thành Long.

7. Finding Forrester (2000)

Bộ phim được xây dựng và lấy cảm hứng từ nhà văn J.D. Salinger, tác giả của cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” nổi tiếng. Trong phim, nhà văn Forrester đã đưa ra nhiều lời khuyên cho nhân vật nam chính - một cây bút trẻ đang tập tành viết lách. Ông đưa ra nhận xét: trước khi viết bằng lí trí, hãy cảm nhận con chữ bằng trái tim. Hoặc người viết văn phải luôn mở rộng tâm trí để cảm nhận tác phẩm của mình… 

Finding Forrester chứa đựng rất nhiều lời khuyên bổ ích cho những người làm nghề, hoặc chỉ là có đơn giản với con đường văn chương. Song song đó, ta có thể cảm nhận được hình ảnh người thầy - đóng vai trò là một người dẫn đường vô cùng thực tế. Bởi lẽ, dù trưởng thành rồi chúng ta cũng cần phải học, cũng như cần một người thầy dẫn dắt trên hành trình phát triển.

8. Stand and Deliver (1988)

Stand and Deliver dựa trên một câu chuyện có thật về thầy giáo Jaime Escalante khi thầy về phụ trách một lớp học cá biệt. Khi mới nhận lớp, các em học sinh tỏ ra rất chán ghét, thậm chí còn đe dọa thầy; nhưng bằng sự nhiệt tình cộng với áp dụng các phương pháp sư phạm tuyệt vời, Jaime dần dần thu phục được học trò. 

Phim đem đến một thông điệp cực kì nhân văn: người làm thầy không nên chê bai học sinh ngu dốt. Ngoài ra, bộ phim cũng đem lại những phương pháp sư phạm rất thú vị. Nếu bạn là một sinh viên chuyên ngành sư phạm chắc chắn nên xem thử Stand and Deliver đó!

9. Lean On Me (1989)

Lean on me là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về thầy hiệu trưởng Joe Clark của trường trung học Eastside. Cách giáo dục của thầy tuy vẫn có những ý kiến trái chiều nhưng lại góp phần cải thiện và mang lại một diện mạo mới cho ngôi trường tưởng như không còn gì để cứu vãn. Năm 1987, trường trung học Eastside ở Paterson, New Jersey đang dần trở nên mục nát với những băng đảng bạo lực trong trường, không những đánh nhau mà học sinh còn đánh cả thầy cô giáo và buôn bán ma túy. Các cơ quan nhà nước đã quyết định đóng cửa trường học nếu 75% học sinh không vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cơ bản. 

Trước tình hình này, Joe Clark (Morgan Freeman) đã tạo nên một cuộc cải cách giáo dục vô cùng cứng rắn, bằng sự kỷ luật của mình mà thầy Joe Clark đã khiển trách và giúp các giáo viên trong trường nhận ra sự thiếu sót trong việc giáo dục, là tiền đề khiến sự việc trở nên tệ hơn. Ông cũng thẳng tay đuổi hàng trăm học sinh tham gia buôn bán ma túy và gây rối. Điều này đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều học sinh và phụ huynh nhưng lại giúp ngôi trường có một bước “lột xác” ngoạn mục.

10. Music of the Heart (1999)

Music of the Heart kể về Roberta – 1 giáo viên dạy violin khá chật vật với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, những đứa trẻ theo học Roberta lại có hoàn cảnh khá khó khăn. Người thì điều kiện kinh tế kém, người thì thiếu tình thương của gia đình do bố mẹ ly dị, hay thậm chí có em học sinh bị bố lạm dụng. 

Với những mảnh đời bất hạnh như thế, cô Roberta đã rất nỗ lực để dùng âm nhạc chữa lành và chạm đến trái tim của học trò. Music of the Heart đã thành công khi chạm vào sâu cảm xúc của người xem. Ngoài việc đồng cảm với hoàn cảnh của nhân vật, chúng ta còn có thể chìm đắm trong sự lãng mạn của âm nhạc trong phim. Không đáng ngạc nhiên khi ca khúc nhạc phim cùng tên nằm trong danh sách BFCA cho ca khúc trong phim hay nhất.