Cớm Già Gân - Người Pháp bỏ qua thói cao ngạo rồi sao?

Tin điện ảnh · IAMOLD ·

Hễ nói tới phim Pháp là tôi luôn có một ấn tượng hằn sâu rõ ràng một yếu tố mà mình sẽ phải gặp trong phim. Nếu là phim không phải cho con nít xem, thì nó sẽ dành cho người trưởng thành hoàn toàn. Không có chuyện dành cho vị thành niên hay mấy kẻ chưa qua nổi dậy thì. Bởi vì hầu như tất cả các phim Pháp đều rất mạnh dạng về các khoảng máu me, tình dục, chính trị… nói chung là vấn đề nhạy cảm. Và điều đó cũng không làm nhiều người phiền hà lắm bởi Hollywood vài năm gần đây lại tung ra mấy phim hành động nửa vời kiểu bắn nhau “ình chéo” mà chả ai chết hay đánh đấm chả thấy miếng lực chỉ thấy cơ. Nhưng đôi khi chúng ta, hoặc mình tôi cũng không nghĩ rằng một ngày người Pháp lại bỏ cái “cao ngạo” của mình để cưa sừng làm nghé như người Mỹ với bộ phim Cớm Già Gân.

Câu chuyện kể về người cảnh sát Pháp gạo cội Buren (Jean Reno) cùng cái đội quân “nhí nhố” của mình phải đối mặt với công việc hành chính, dư luận báo chí, định kiến từ ngàn xưa, người sếp khó ưa, và cuối cùng là đi bắt cướp. Với một cái nền như vậy như tưởng họ sẽ làm một phim tràn ngập tiếng cười hay chí ít cũng là sự sáng suốt của kịch bản. Nhưng không, những tình tiết như trên chính là cái xườn của cả bộ phim, cứ như chúng ta đang xem một tập phim của CSI trên AXN nhưng trừ mấy cảnh điều tra thú vị.

Nói riêng về cốt truyện thì bộ phim là một chuỗi các sự kiện củ sến mà bạn dễ dàng đoán trước, và nó cũng không được làm cho thú vị hay màu mè gì cả. Lúc nào cũng là những kiểu nói móc hay bóc mẽ thô thiển và kém hài hước. Ngay cả các mối quan hệ của các nhân vật cũng được làm một cách sơ sài. Chỉ có vài người trong nhóm là được chú trọng chút xíu, còn lại thì chỉ sơ sơ vài ba dòng thoại với lâu lâu “xi nhan” khuôn mặt.

Nhắc tới những cảnh hành động thì thật sự rất thất vọng. Trước hết, thì khoảng giữa phim chính là điểm sáng giá nhất. Đó là một cảnh bắn nhau khá thú vị kèm đã mắt, hiển nhiên là do mức độ ngầu của Jean Reno nên những cảnh có ông thì không phải bàn. Nhưng còn lại thì hầu hết không có một cảnh nào mà phải gọi là “đã tay” cả. Nói vậy không phải phim đánh không đẹp, mà là nó rất là Hollywood, không có “đanh thép” hay “chắc nịch” gì cả. Có một cảnh kia khi một nhân vật trúng đạn súng ngắn liền tử ẹo trong khi một nhân vật khác “ăn” nguyên cái xe, làm cú “lộn ngược” nhưng cuối cùng chỉ có vết sẹo bé xíu. Nhiêu đó cũng đủ cho thấy là đối tượng mà phim này nhắm tới rồi.

Họ mướn một đạo diễn tài năng với một diễn viên gạo cội chỉ để làm một cái phim cho con nít xem… bó tay.

Lời kết thì bộ phim cứ như là một cái ngã mũ cho những thể loại phim cảnh sát của Mỹ thời trước như Lethal Weapon. Nhưng với việc những phim về cảnh sát của Mỹ hiện giờ đã bắt đầu bước vào con đường “đen tối” và “chuyên nghiệp” thì việc bộ phim Pháp này cảm thấy cần phải tôn vinh “người đi trước” có lẽ không đúng lúc.