Đạo diễn Việt Linh - "Bông hồng gai" tài năng trong nền điện ảnh Việt
Tin điện ảnh · ynhi0603 ·
Nữ đạo diễn nổi tiếng Việt Linh đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho các nhà làm phim trẻ ngày nay, đặc biệt là các nữ đạo diễn. Xem lịch chiếu & Mua vé xem phim dễ dàng tại Moveek.
Chắc hẳn bạn cũng biết, đạo diễn là một nghề áp lực, đòi hỏi sự sáng tạo và sức khỏe bền bỉ. Phụ nữ làm đạo diễn đã ít, phụ nữ thành công với vai trò đạo diễn lại càng không nhiều. Thế nhưng, nữ đạo diễn Việt Linh là một trong những cái tên hiếm hoi gây được tiếng vang trong hành trình chinh phục môn nghệ thuật thứ 7 bằng những tác phẩm điện ảnh tuyệt vời của mình.
1. Bén duyên với nghề đạo diễn nhờ tình yêu điện ảnh to lớn
Niềm đam mê của bà bắt nguồn từ khi bà còn là một nữ sinh lớp 10 khi có sự hậu thuẫn từ cha là nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Việt Tân. Bà từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Gia đình, cụ thể là cha tôi đã cho tôi tình yêu điện ảnh, nhưng để giữ và vun đắp được tình yêu đó dĩ nhiên cần sự nỗ lực lâu dài. Tôi quan niệm, điện ảnh nói riêng, nghệ thuật sáng tác nói chung chỉ có ý nghĩa thật sự khi chia sẻ và thấu hiểu con người. Tôi tự cho mình một phần bổn phận đó".
Bà bắt đầu sự nghiệp điện ảnh với vai trò dựng phim, biên tập, biên kịch phim tài liệu ở xưởng phim Giải Phóng. Năm 1980, với sự cố gắng không ngừng nghỉ, bà được hãng phim Giải Phóng gửi đi du học ngành Biên Kịch ở Liên Xô. Thế nhưng, sau đó bà đột nhiên rẽ hướng, nộp đơn thi tuyển và đậu vào khoa đạo diễn phim truyện của trường đại học Điện ảnh Liên bang Xô Viết (VGIK). Năm 1985, bà tốt nghiệp và quay về nước bắt đầu sự nghiệp chinh phục điện ảnh, rồi tạo được thành công vang dội trong lòng khán giả yêu phim với vai trò đạo diễn và biên kịch.
Bộ phim đầu tay của bà sau khi về nước có tên Nơi Bình Yên Chim Hót (1986), đó cũng là bộ phim đầu tiên được sản xuất bởi một nữ đạo diễn ở Việt Nam. Năm 1987, bộ phim Phiên Tòa Cần Chánh Án ra đời. Hai bộ phim sau khi ra mắt đều nhận được vô số lời khen từ báo chí và giới phê bình phim ảnh lúc bấy giờ.
Điều làm nên thành công cho những bộ phim của đạo diễn Việt Linh chính là cách kể chuyện bằng điện ảnh "rất thực". Phim của bà đều khai thác từ văn học và những vấn đề xoay quanh cuộc sống rất gần gũi, nhưng cái “gần gũi” ấy lại khiến chúng ta lặng người suy ngẫm và tự đúc kết ra những bài học cho riêng mình.
Ngoài ra, khi xem phim của Việt Linh ta có thể hiểu hơn về nét văn hóa cũng như suy nghĩ của con người Việt Nam qua từng bối cảnh và từng mốc thời gian khác nhau. Nữ đạo diễn cũng hóm hỉnh chia sẻ, khi làm phim bà như một gã đàn ông luộm thuộm, xấu xí, hết lòng xả thân vì điện ảnh. Thế nhưng, khán giản vẫn cảm nhận được năng lượng nữ tính cùng góc nhìn tinh tế mà bà gửi gắm qua những đứa con tinh thần của mình.
Xem lịch chiếu & Mua vé xem phim dễ dàng tại Moveek
3. Bốn bộ phim tiêu biểu của đạo diễn Việt Linh mà bạn nên xem
Gánh Xiếc Rong (1988)
Gánh Xiếc Rong được xem là một trong những bộ phim để đời của bà. Bộ phim từ khi mới ra mắt đã được công chiếu ở các rạp phim ở Thụy Sĩ và nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong nước lẫn quốc tế tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX, liên hoan phim Quốc tế Nantes (Pháp), liên hoan phim Quốc tế Uppsala (Thụy Điển), liên hoan phim Quốc tế Fribourg (Thụy Sĩ), lên hoan phim Quốc tế phụ nữ Madrid (Tây Ban Nha),...
Nội dung phim xoay quanh câu chuyện thường nhật vụn vặt nhưng ẩn sâu trong đó là số phận lênh đênh của những con người trong một gánh xiếc rong. Phim có tình tiết mới lạ, khai thác nhiều góc nhìn mới mẻ cộng thêm kỹ thuật quay phim, xử lí hậu kì vô cùng chỉn chu tạo nên một tác phẩm tràn đầy tính nhân đạo với những bài học về tình người và cuộc sống.
Dấu Ấn Của Quỷ (1992)
Dấu Ấn Của Quỷ lại một lần nữa khẳng định tài năng và góc nhìn tinh tế trong lĩnh vực làm phim của nữ đạo diễn và được công nhận bằng giải đặc biệt tại liên hoan phim môi trường châu Á - Thái Bình Dương Fukuoka (Nhật Bản, 1993).
Nội dung phim kể về cuộc đời của một thiếu nữ bị dân làng quay lưng vì họ cho rằng cô là con gái của quỷ dữ. Cô gái bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng vì cái bớt xấu xí, lớn lên giữa chốn hoang dã cách biệt với thế giới loài người. Tưởng rằng sẽ cô đơn đến suốt đời, nhưng cuối cùng cô gái vẫn tìm được sự đồng cảm của hai con người cũng bị xua đuổi là lão cùi và tên tù. Cách kể chuyện tự nhiên nhưng vẫn thể hiện được cái hồn vô cùng “thơ” của điện ảnh. Bộ phim đem lại những bài học sâu sắc, đủ khiến chúng ta mãi khắc khoải và chiêm nghiệm khi nhớ về nó.
Chung Cư (1999)
Chung Cư nhận được bằng khen của Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII (1999), đoạt giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam (1999). Năm 2000, bộ phim được trao giải Đạo diễn xuất sắc của Liên hoan phim Cộng đồng Pháp ngữ Nemours (Bỉ).
Chung Cư đã khắc họa thành công cuộc sống cơ cực của những con người cách mạng sau khi đất nước được giải phóng. Họ được nhà nước chu cấp cho chung cư Victory để làm chỗ ở. Trong đó, gây ấn tượng mạnh nhất có lẽ là nhân vật bác Thẩm - quản lý chung cư. Bác Thẩm luôn lưu giữ những hoài niệm đẹp về khu chung cư đã từng gắn bó với bác và mọi người sau giải phóng mặc dù các gia đình đều đã chuyển đi và không còn sống ở đây nữa. Đoạn kết phim đã chạm đến trái tim của khán giả khi bác Thẩm đã không nhận phần tiền bán chung cư và để lại cho con của anh Ba - người thông báo sẽ bán chung cư cho một công ty du lịch và chia tiền cho mọi người. Bộ phim phản ánh rất chân thật cuộc sống ở giai đoạn đổi mới còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng lại tràn đầy niềm vui.
Trong một phỏng vấn năm 1999 về tác phẩm Chung Cư đạo diễn Việt Linh đã nói: “Tôi đã từng sống ở chung cư, có nhiều kỷ niệm vui buồn khó quên. Khái quát, chung cư là một xã hội thu nhỏ có đủ loại người, đủ thành phần. Qua nhân vật ông già, tôi muốn nói đến nỗi niềm của một con người. Có thể đúng, có thể sai. Chưa chắc là tôi đã đồng tình, nhưng tôi rung động và chia sẻ”.
Mê Thảo Thời Vang Bóng (2002)
Trong phim, nổi lên hình ảnh của vị chủ ấp tên Nguyễn. Vốn là một con người anh minh, hiểu biết nhưng trong lúc chuẩn bị lễ cưới cho người con gái mình yêu, vợ chưa cưới của anh gặp tai nạn xe hơi và qua đời. Kể từ khoảnh khắc ấy, Nguyễn bắt đầu căm ghét thế giới văn minh. Anh tự cách ly mình với thế giới xung quanh, đắm chìm trong nỗi nhớ thương và hoang tưởng về người con gái anh yêu. Hằng ngày, trong cơn quẫn trí, anh liên tục đưa ra yêu cầu và luật lệ “quái gở” khiến người dân Mê Thảo trở nên bất mãn với chủ ấp của mình.
Tuy nhiên, Nguyễn vẫn nhận được tình cảm của những con người hết lòng phò tá anh như Tam - người gây tội ngộ sát được anh che chở cho về đất Mê Thảo và Cam - cô gái giúp việc bị câm đem lòng yêu đơn phương cậu chủ. Vì muốn cứu ân nhân, Tam đã đi tìm Tơ - người tình tri kỉ cũ của mình. Tam ngỏ ý muốn đàn hát cùng cô và chấp nhận trả giá bằng cái chết khi chạm vào cây đàn bị “ma ám” mà người chồng quá cố của Tơ để lại. Như một phép màu, khi ngón đàn điêu luyện của Tam và tiếng hát ngọt ngào của Tơ hòa quyện, cậu chủ Nguyễn chợt bừng tỉnh như một người sau cơn say rượu, còn về phần Tam, các ngón tay đều nhuốm máu đỏ cả phím đàn và chết gục. Người ta đưa xác Tam về ấp để chôn cất. Trên đường về, Nguyễn bắt gặp cảnh xây dựng đường sắt. Bệnh cũ tái phát, anh trở nên điên loạn và đập phá hết các vò rượu đã từng được chôn cất. Cuối phim là cảnh người đàn ông ôm một nỗi niềm đau khổ tự sát trong đám lửa trong sự chứng kiến đầy đau đớn của Cam.