Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối – Lằn ranh giữa sự thật lịch sử và chất điện ảnh
Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối dùng lát cắt nhỏ của lịch sử trong địa đạo để kể lại chiến tranh đau thương.
Trong Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không chọn cách làm phim chiến tranh truyền thống – với tiếng súng vang rền, khói lửa rực trời và chiến thắng đầy hào quang. Thay vào đó, ông đưa khán giả vào lòng đất, vào một đoạn hầm nhỏ, nơi những con người nhỏ bé sinh tồn, yêu thương và giằng xé trong im lặng. Liệu bộ phim đã phản ánh đúng sự khốc liệt của địa đạo Củ Chi, hay chỉ là một lát cắt được "gọt tỉa" cho phù hợp với điện ảnh?
Hiện thực địa đạo Củ Chi: Kỳ tích dưới lòng đất
Theo các tài liệu lịch sử, đến năm 1965, hệ thống địa đạo Củ Chi đã dài hơn 200km, gồm ba tầng kiên cố. Đây không chỉ là nơi trú ẩn, mà còn là một thành phố ngầm với phòng hội họp, bệnh xá, kho lương thực, ụ chiến đấu và hệ thống thông hơi. Địa đạo có thể chịu được sức nặng xe tăng, đạn pháo, thậm chí một phần bom cỡ nhỏ khi được thiết kế đủ sâu.
Tuy vậy, điều kiện sống trong địa đạo khắc nghiệt đến mức không thể lãng mạn hóa: thiếu ánh sáng, ẩm thấp, nóng ngột ngạt, là nơi sinh sôi của ký sinh trùng, bệnh da liễu và các loại dịch bệnh. Bộ đội không chỉ chiến đấu với quân thù mà còn chống chọi với chính môi trường sống.

Kẻ thù thì dùng mọi biện pháp: chó Bẹcgiê đánh hơi, lính “Chuột Cống” đột kích, bơm nước bằng máy, dùng trực thăng dội nước, xả hơi độc, lái xe cơ giới phá hầm. Nhưng kết quả thường không hiệu quả: Mỹ chỉ phá hủy được khoảng 70m địa đạo bằng phương pháp bơm nước – vì phần lớn nước ngấm sạch vào lòng đất. Hay như chiến dịch Cedar Falls với mục tiêu “bóc vỏ trái đất” cũng không thể đánh sập hệ thống địa đạo sâu tầng.

Điện ảnh “gọt tỉa” sự thật khi chọn lọc để kể chuyện
Trong phim, địa đạo không còn là một hệ thống rộng 200km, mà chỉ là một đoạn hầm cấp làng dài khoảng 200m, với một trung đội trấn thủ. Phim có nhắc đến việc đường hầm thông sang nơi khác, nhưng tuyệt nhiên không có viện binh hay lực lượng phối hợp. Các ụ chiến đấu vốn là cơ chế chiến đấu hiệu quả trong thực tế không xuất hiện như một phần của chiến thuật luân phiên, mà chỉ tồn tại như bối cảnh.

Nhiều chi tiết được cường điệu hoặc hư cấu để tạo cao trào cảm xúc: ví dụ, lính “Chuột Cống” lọt vào tận phòng thông tin – điều gần như bất khả thi trong thực tế nếu hệ thống phòng thủ được bố trí đúng cách. Cảnh bơm nước khiến hầm ngập chỉ sau vài phút – trong khi ngoài đời, nước rất khó dâng vì ngấm vào đất. Hay việc xe cơ giới Mỹ xúc được một chiến sĩ – nhưng không bị tấn công phản kháng như trong thực tế chiến đấu ban ngày lẫn đêm.
Tuy nhiên, những chi tiết này không phải là "lỗi lịch sử", mà là lựa chọn nghệ thuật để phục vụ nhịp phim. Một hầm cụt sẽ tăng nỗi sợ ngạt nước. Một không gian nhỏ, không lối thoát sẽ khiến khán giả cảm nhận rõ sự bức bối. Đó là cách điện ảnh chuyển hiện thực vật lý thành trải nghiệm cảm xúc.

Phim chiến tranh có nên phản ánh chính xác lịch sử?
Đây là câu hỏi thường gặp mỗi khi một bộ phim tái hiện chiến tranh ra mắt. Khán giả, nhất là người biết nhiều về lịch sử, dễ rơi vào tâm thế soi từng chi tiết: có đúng không, có sát không? Nhưng kỳ vọng mọi phim chiến tranh phải là tài liệu lịch sử sẽ khiến điện ảnh đánh mất chức năng lớn nhất của mình: truyền tải cảm xúc và ký ức.

Phim không phải sách sử. Phim không cần mô phỏng đầy đủ hệ thống địa đạo, sơ đồ chiến dịch hay số lượng xe tăng. Phim chỉ cần cho người xem hiểu: chiến tranh là gì với con người ở trong đó. Là sợ hãi, là giằng xé, là yêu đương lặng lẽ dưới lòng đất, là nỗi ám ảnh khi nghe tiếng giày lính thù trên nắp hầm. Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối chọn không kể về cả cuộc chiến, mà chỉ kể một lát cắt – một phòng hầm, một vài con người, một thời khắc.
Một cách làm mới của thể loại phim chiến tranh

Trong dòng phim chiến tranh, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người anh hùng được khắc họa rất can trường: không sợ hãi, không lùi bước, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Họ được xây dựng như một biểu tượng để làm bừng lên tính sử thi tráng lệ cho tác phẩm. Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối thì có hướng đi thiên về nội tâm nhân vật.
Những nhân vật trong phim có run rẩy, có mâu thuẫn, có buông xuôi và có cả khao khát yêu nhau mãnh liệt. Nhưng sau cùng, họ vẫn cầm súng, vẫn chiến đấu, vẫn hy sinh. Sự thật lịch sử đã đủ lớn lao, đủ dữ dội. Bộ phim lựa chọn không làm nó hoành tráng hơn, mà chỉ cần kể lại nó từ bên trong, từ phía người đang sống giữa lòng đất, giữa mùi ẩm mốc, máu và nước.

Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối không phải là một bộ phim kể lại toàn bộ địa đạo Củ Chi. Phim chỉ chọn một lát cắt nhỏ nhưng chính từ lát cắt ấy, khán giả hiểu được một phần ký ức tập thể. Nó là sự tưởng tượng dựa trên tư liệu – một câu chuyện được kể lại bằng cảm xúc, để làm hiện thực thêm sống động và con người thêm thấu cảm.