Điều gì đang xảy ra với con người?

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Gần đây tôi đọc được tin trường đại học Austin ở Texas, Mỹ cho phép sinh viên mang súng vào trường. Điều đó làm tôi nghĩ đến bộ phim God Bless America vào năm 2011.

Bộ phim God Bless America không có gì quá sâu sắc về triết lý, cũng không đòi hỏi phải dạy đời người xem. Nó đơn thuần là một lời phát biểu về xã hội Mỹ (hoặc có thể là xã hội loài người hiện đại) đầy bệnh hoạn và một chút cường điệu, thế thôi.

Nhân vật chính là Frank (Joel Murray), một viên chức bình thường với cuộc sống nhàm chán. Ngoài giờ làm, anh gật gù bên cái tivi đầy những chương trình thực tế rẻ tiền và những talk-show làm mụ mị người xem.

Cho đến một ngày anh bị đuổi việc vì một lý do vớ vẩn, bị tuyên bố mắc bệnh nan y. Frank đã chịu hết nổi và anh xách súng đi giết những kẻ đáng chết trong xã hội: Chloe, một tiểu thư hỗn láo với cha mẹ, những gã cuồng tín đòi giết người Do Thái hay ban giám khảo chương trình American Superstar (nhái theo American Idol).

Trên hành trình của mình, Frank bị cô bé Roxanne (Tara Lynne Barr) bám đuôi vì trót để cô bé thấy cảnh anh hạ sát Chloe. Thế là hai người giết chóc cùng nhau dù mục đích của cả hai không hoàn toàn giống nhau.

Tuy chỉ là một phim có kinh phí thấp, nhưng God Bless America có đủ những cung bậc cảm xúc của con người trong xã hội hiện đại, cũng như có những phân đoạn “cười ra nước mắt” hay còn gọi là black comedy. Bộ phim làm rất tốt khi khiến khán giả phải suy nghĩ: liệu chỉ có ở nước Mỹ mới có sự phá hoại tư tưởng con người thông qua truyền hình như trong phim?

Có vẻ như càng sống trong môi trường hiện đại đầy đủ tiện nghi thì con người lại càng khó kiếm được niềm vui. Họ tìm niềm vui trong những show truyền hình được dàn dựng với cái mác "thực tế", hay trong những trò chọc cười thô tục thường thấy trên truyền hình (TV) Nhật (ví như khi một người vào toilet thì toilet tự động sụp xuống, hay mời các ngôi sao ngồi vào ghế gãy để họ té ngã), và không thiếu những scandal của làng giải trí (cái này ở Việt Nam cũng không thiếu).

Những kiểu "vui" đó khiến con người ta dần dễ dãi, chấp nhận tổn thương lẫn nhau, tổn thương cả những hệ tư tưởng đã tồn tại lâu đời trong xã hội. Những giới hạn dần được nới ra chỉ vì hai chữ "vui mà". Nhưng thực sự "vui" được bao nhiêu? Những ai mê các website ảnh như 9gag, epic.vn chắc cũng biết sơ qua về cái tên 4chan. 4chan là một gã khổng lồ so với 9gag, trên đó người ta up đủ thứ ảnh để kiếm một chút danh tiếng ảo trên mạng. Đã từng có vụ việc những thành viên 4chan đùa cợt và đòi ảnh nude của một cô gái khiến cô ta tự tử, và mẹ cô ta đã chụp một bức ảnh tuyên bố nếu 4chan còn tiếp tục đùa cợt thì sẽ lôi việc này ra tòa.

Rõ ràng, con người chưa bao giờ phát điên vì hai chữ "niềm vui" nhiều đến thế. Điều này không gói gọn trong những cộng đồng blogger ở Mỹ hay hikimori (kẻ sống trong phòng) ở Nhật. Bất cứ ai với một máy tính nối mạng hay một cái TV có truyền hình cáp đều có nguy cơ trở nên như thế. Những đêm dài thức trắng bên facebook, hay ngủ gật trước cái TV phát hình 24/24 sẽ ngày càng nhiều trong sinh hoạt của một người, cho đến khi chúng ta mục ruỗng hoàn toàn từ bên trong, lệ thuộc hoàn toàn vào truyền thông trong đời sống tinh thần.

Và khi linh hồn hoàn toàn tan vỡ, chúng ta có những vụ xả súng ở trường học Mỹ, những vụ “đâm chết bạn nhậu, chém chết hàng xóm” vì lý do vớ vẩn ở Việt Nam.

Vậy thì lối thoát nào cho con người? Câu trả lời nằm trong chính God Bless America. Chúng ta chỉ cần tắt TV, laptop, và bước ra thế giới bên ngoài, giao tiếp và quan tâm nhau nhiều hơn. Bạn có thể công kích một người dễ dàng qua bình luận trên mạng xã hội, nhưng bạn sẽ không dễ chửi thẳng vào mặt ai đó khi tiếp xúc với họ, hay biết được câu chuyện cuộc đời của họ.

Hãy đi và nghe nhiều hơn, đừng để cuộc đời không còn lựa chọn như Frank.