Dòng Nhớ trôi về đâu?

TV Series · Đánh giá phim · Phan Duy Văn ·

Dòng Nhớ là một ví dụ điển hình khi người làm phim biết đồng cảm, gắn bó với những giá trị truyền thống thay vì chạy theo những hình ảnh thượng lưu hời hợt.

Dòng Nhớ là một ví dụ điển hình khi người làm phim biết đồng cảm, gắn bó với những giá trị truyền thống thay vì chạy theo những hình ảnh thượng lưu hời hợt.

Được trình chiếu trên đài truyền hình Vĩnh Long vào giữa tháng 10 năm 2016, bộ phim Dòng Nhớ thực sự đã tạo nhiều cảm xúc cho người xem khi khai thác những yếu tố văn hóa miền Tây Nam Bộ: những thân phận long đong trên sông, tình mẫu tử thiêng liêng, nếp nhà có chút cổ hủ ở miền quê. Câu chuyện bắt đầu từ đêm định mệnh, khi cha của Hiền (Thanh Hiền) vì cứu cả nhà của Ân (Hoàng Anh) mà phải bỏ mạng dưới dòng nước lũ. Hai gia đình mất đi trụ cột nên nương tựa vào nhau sống tiếp. Vì lẽ đó mà mẹ Ân là bà Hai đã hứa hôn anh với Hiền. Cuộc sống đáng lẽ sẽ êm ấm cho Ân và Hiền, nếu như một ngày kia, anh không vô tình cứu một cô gái tên Thà (Vân Trang) để rồi phải day dứt cả đời.

Xuất hiện trong vai “người thứ ba” nhưng Vân Trang thực sự là người gánh vác cốt truyện của bộ phim truyền hình này. Trong nửa đầu phim, cô vào vai một người phụ nữ bất hạnh nhưng vẫn mạnh mẽ, đa cảm nhưng không quỵ lụy. Việc xuất hiện nhiều trong phim truyền hình đã cải thiện khả năng diễn xuất của cô diễn viên 9x này rất nhiều. Ánh mắt trong veo khi nhận được tình yêu, sự cảm thông từ chàng trai trung hậu tên Ân, hay cái dáng quỳ cam chịu mọi chỉ trích của cô thực sự lấy nước mắt người xem.

Và ở nửa sau bộ phim, diễn xuất của cô thực sự được đẩy lên một tầm mới khi Thà quyết định giả điên để có thể dõi theo con trai của mình là Nghĩa. Trong trang phục luộm thuộc, xơ xác, từng tiếng cười điên, từng giọt nước mắt giấu kín của cô khiến người ta lặng người. Nếu đời là dòng thác cuồng bạo, thì tình mẹ như nhánh sông đượm phù sa, ôm lấy con thuyền trở về sau bao lần tan tác.

Ở phía bên kia câu chuyện là một người phụ nữ khác: Hiền do Thanh Hiền đóng. Với khuôn mặt hiền hậu, nụ cười ngọt ngào, cô là mẫu phụ nữ truyền thống Việt Nam mà chúng ta thường ca ngợi: thương gia đình, biết hi sinh, và đồng cảm với nỗi đau của người khác, dù người khác đó là cô Thà, cô gái duy nhất mà chồng mình yêu. Nếu nhân vật Thà khiến người ta đau lòng mà cảm thông, thì nhân vật Hiền khiến người ta cảm phục nhiều lắm.

Những nhân vật phụ cũng làm tốt vai trò của mình khi thể hiện khung cảnh gia đình ở miền Tây Nam Bộ. NSƯT Thanh Nam vào vai cậu Út, người cậu thương cháu, tốt bụng của Ân. Hay bà Tư Mắm, người vì thương cậu Út mà mãi chờ đợi, và chăm lo cho gia đình Ân như chính gia đình mình. Câu chuyện của cậu Út và bà Tư Mắm là một khía cạnh khác trong đời sống tình cảm con người: những con người đã qua tuổi xế chiều, gặp nhau muộn màng nên sống với nhau vì nghĩa, vun đắp cho đời sau. Đồng thời, những tranh cãi tủn mủn của họ mang lại chất hài hước, làm dịu đi sự căng thẳng của chuyện tình tay ba Ân- Thà – Hiền.

Nếu phải chê bộ phim, thì có lẽ là do đài từ của phim. Câu chuyện muôn thủa của phim Việt nằm ở lời thoại và đài từ. Có những câu thoại mà nếu cắt ngắn thì sẽ tạo cảm giác cộc lốc, thô, nhưng nếu để nguyên thì lại khiến diễn viên phải ngắt câu, dài giọng ra theo 1 kiểu rất thiếu tự nhiên. Dòng Nhớ vẫn bị lỗi ở đó, làm câu chuyện của các nhân vật đôi khi nghe thiếu tự nhiên. Và một ưu điểm của Vân Trang đã biến thành khuyết điểm: cô quá đẹp. Chính vì vậy mà trong nửa sau của phim, dù đã cố tạo hình nhân vật xơ xác, luộm thuộm cho giống một người điên, thì nhân vật Thà của Vân Trang vẫn đẹp, và trẻ hơn nhiều so với những người ngang tuổi mình như Ân, Hiền. Sự phi logic này tạo một sự khó chịu nhẹ cho những người xem thích xét nét, nhưng cũng may diễn xuất của Vân Trang đã bù lại.

Nhìn chung, trong bối cảnh phim truyền hình Việt vì chạy theo thị hiếu mà làm những bộ phim thần tượng hời hợt, diễn xuất chưa tới, thì bộ phim Dòng Nhớ thực sư ghi điểm với tôi. Những gia đình Việt trong phim thể hiện được chất dân dã, hiền hậu của con người quê Việt Nam, thay vì những gia đình giàu có nhưng vô hồn trong những bộ phim Việt khác. Cốt truyện đơn giản nhưng không cẩu thả, tình tiết được thực hiện một cách chỉn chu. Và đặc biệt, nhạc phim lấy chất liệu từ những điệu hò, vọng cổ, tạo nên những giai điệu da diết, đi vào lòng người. Có thể các bạn trẻ thích sự sôi động, kịch tính sẽ không thích bộ phim này, nhưng những ai đã từng tan vỡ, từng nếm trải thăng trầm của cuộc đời, sẽ thích thú trước bộ phim này.

Trong nghệ thuật, muốn chinh phục người khác thì phải làm chính mình trước đã. Và Dòng Nhớ thực sự có hồn, có cái Tôi và có sự sống trong đó!