English Vinglish - câu chuyện nhỏ, thông điệp lớn

Tin điện ảnh · Moveek ·

Mang tính giải trí cao nhưng bộ phim mới của điện ảnh Ấn Độ vẫn chứa đựng những yếu tố về xung đột văn hóa khiến người xem phải suy ngẫm.

Điện ảnh Ấn Độ trong vài năm trở lại đây có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc với nhiều tác phẩm gây tiếng vang tại các thị trường quốc tế. Vẫn là những câu chuyện gần gũi kết hợp với các màn nhảy múa đặc trưng nhưng phim Ấn ngày nay khác rất nhiều so với trước kia, từ cách thể hiện cho tới việc đầu tư bối cảnh, trang phục, hình ảnh. Sau Ek Tha Tiger, CocktailZindagi Na Milegi Dobara, khán giả Việt Nam tiếp tục được thưởng thức một tác phẩm đặc sắc nữa của Bollywood có tên English Vinglish.

Phim lấy bối cảnh xã hội Ấn Độ hiện đại với ba nhân tố tiền tài, danh vọng và tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và nhìn nhận một người nào đó. Nhân vật chính của English Vinglish là Shashi – một mẫu phụ nữ truyền thống điển hình của Ấn Độ. Cô không có học thức cao, ngày ngày ở nhà làm bánh, nấu nướng và chăm sóc chồng con. Trình độ tiếng Anh yếu kém của Shashi luôn bị cả gia đình chế giễu, từ chồng tới hai con. Bước ngoặt xảy đến khi chị gái cô ở Mỹ mời cả gia đinh sang dự tiệc cưới người cháu gái.

Lần đầu tiên bước chân ra khỏi Ấn Độ, Shashi đầy bỡ ngỡ khi tới New York hoa lệ, rực rỡ. Cô quyết định tham gia một lớp đào tạo tiếng Anh ngắn hạn ở xứ cờ hoa để có thể giao tiếp với mọi người nơi đây và hơn hết là tìm kiếm sự tôn trọng. Qua nhiều tình huống khó xử và hài hước phải đối mặt, Shashi dần vượt qua được mặc cảm của bản thân và trở thành một người phụ nữ tự tin, can đảm với tư tưởng phóng khoáng hơn trước.

English Vinglish khá giống với tác phẩm từng giành giải Oscar cho Phim hay nhất năm 2011 – The King's Speech. Cùng kể câu chuyện về những con người khiếm khuyết trong giao tiếp vượt lên bản thân nhưng bộ phim của điện ảnh Ấn Độ mang màu sắc hài hước, tươi tắn hơn tác phẩm của Anh. Tình huống trong phim khá đơn giản, chỉ là một phụ nữ truyền thống của Ấn Độ muốn học tiếng Anh để tìm kiếm sự chấp nhận và tôn trọng nhưng các nhà làm phim đã biết cài cắm những yếu tố về xung đột văn hóa rất độc đáo trong phim.

Shashi chưa từng ra khỏi Ấn Độ, chưa từng ngồi máy bay, ngày ngày chỉ biết phục vụ chồng và con cái từ sáng và ở nhà làm bánh. Cách phát âm tiếng Anh của cô luôn bị cả nhà lôi ra làm trò cười. Người chồng gia trưởng thì luôn nghĩ Shashi "sinh ra là để ở nhà làm bánh gạo". Một mình tới xứ sở xa lạ - New York với vốn tiếng Anh gần như "zero", Shashi bị choáng ngợp, sốc, hoang mang, vừa háo hức nhưng cũng đầy sợ hãi.

Yếu tố văn hóa Ấn thể hiện ở đám cưới theo kiểu truyền thống Ấn Độ, những màn ca hát nhảy múa nhưng được bộc lộ rõ nhất ở cách giao tiếp trong một gia đình hiện đại. Người chồng làm công việc liên quan tới tiếng Anh nhiều, những đứa trẻ cũng được tiếp nhận nhiều kiến thức mới nên luôn có cái nhìn trịch thượng và đầy vẻ thương hại với vợ hay mẹ mình. Trong English Vinglish, chỉ có ở lớp học tiếng Anh, Shashi mới được cất lên tiếng nói của bản thân, mới được mọi người nâng niu và gọi bằng cái tên yêu kiều là "nhà kinh doanh thực phẩm". Xung đột văn hóa trong tư tưởng của người phụ nữ Ấn được truyền tải vừa hài hước, lại vừa cảm động trong chiều dài hơn hai tiếng của phim.

Khán giả sẽ không thể nhịn cười khi theo dõi quá trình đi tới nước Mỹ một mình của Shashi hay những mẩu chuyện phiếm trong lớp học tiếng Anh đa sắc tộc ở New York. Nhưng đằng sau tiếng cười luôn có những giọt nước mắt. Nhiều nhà phê bình điện ảnh từng nói rằng thường thì trong mỗi bộ phim, khi nhân vật khóc thì người xem cười và ngược lại, lúc nhân vật cười thì người xem sẽ khóc. English Vinglish là một bộ phim như vậy. Khán giả có thể cười về sự lúng túng của Shashi với bộ môn tiếng Anh nhưng khi cô vượt lên bản thân làm được những điều kỳ diệu thì lúc ấy, khán giả lại phải suy ngẫm và xúc động.

Một câu chuyện nho nhỏ nhưng thông điệp của English Vinglish lại rất lớn lao về hơi thở của xã hội hiện đại, mà cụ thể là trong xã hội Ấn Độ - vốn có cái nhìn khắc nghiệt, cực đoan và áp đặt với những người phụ nữ truyền thống. Phim còn mang đến cảm giác lạc quan, nhẹ nhõm và khuyến khích con người luôn phải tự tin dù cho có bao nhiêu khiếm khuyết đi chăng nữa bởi "khi biết yêu chính bản thân mình thì những thứ vốn nhàm chán cũng trở nên đẹp đẽ hơn" – lời của nhân vật Shashi.

English Vinglish đánh dấu sự trở lại của Sridevi – một trong những nữ diễn viên vĩ đại nhất của điện ảnh Hindi – sau một thập kỷ vắng bóng. Gần 50 tuổi nhưng gương mặt bà vẫn đẹp hút hồn với những đường nét thanh tú làm mê hoặc người xem. Diễn xuất của Sridevi cũng hoàn toàn thuyết phục và thôi miên khán giả đi theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật Shashi trong cuộc xung đột nội tâm. Âm nhạc cũng là một điểm nhấn hấp dẫn trong English Vinglish với những ca khúc rộn ràng, hiện đại, đặc biệt là bài hát "đồ hiệu" xuất hiện giữa phim rất thú vị và gây ấn tượng mạnh mẽ.

English Vinglish khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 21/12.

Bài viết liên quan