Găng Tay Đỏ - Hành trình tìm lại ký ức của "chị Bảy" sát thủ
Tin điện ảnh · PhucDu ·
Găng Tay Đỏ của đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh với sự tham gia của khá nhiều tên tuổi được quan tâm như Ninh Dương Lan Ngọc, Hiếu Nguyễn, Quang Sự, Trang Pháp và được giới thiệu như một bộ phim hành động lôi cuốn, cảm động nhưng thực tế chỉ là một cuốn phim nhạt nhẽo được trình chiếu trên màn ảnh rộng.
Găng Tay Đỏ của đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh với sự tham gia của khá nhiều tên tuổi được quan tâm như Ninh Dương Lan Ngọc, Hiếu Nguyễn, Quang Sự, Trang Pháp và được giới thiệu như một bộ phim hành động lôi cuốn, cảm động nhưng thực tế chỉ là một cuốn phim nhạt nhẽo được trình chiếu trên màn ảnh rộng.
Phim mở đầu bằng cảnh quay trong một quán bar "ở đâu đó tại châu Âu", sát thủ số 7 (Ninh Dương Lan Ngọc) và số 3 (Trần Tuấn Lương) của một tổ chức bí ẩn (đến cuối cùng vẫn bí ẩn) đang cùng nhau trà trộn thực hiện một nhiệm vụ ám sát. Sau khi thành công, số 7 tiếp tục nhận một nhiệm vụ mới: ám sát đại ca Huỳnh Đại (Hoàng Sơn) của một tập đoàn làm ăn phi pháp tại Việt Nam. Dù không muốn nhưng số 7 vẫn phải nhận lệnh trở về Việt Nam, quê hương cô. Chính từ đây, hành trình thực thi nhiệm vụ lẫn tìm lại bản thân của số 7 bắt đầu.
Nội dung chính nghe qua khá hấp dẫn nhưng thực chất cách kể chuyện của phim vô cùng có vấn đề. Sau màn mở đầu khá ấn tượng bằng những đoạn đánh tay đôi đẹp mắt kết hợp với slow-motion khá mượt mà (phân đoạn "số 3" quăng cây súng lên trời rồi đánh đối thủ thật sự rất điện ảnh) thì khán giả rất trông chờ diễn biến câu chuyện sẽ ngày càng hào hứng. Ấy nhưng mà sau đó hầu như chỉ là những cảnh nói chuyện với nhiều tình tiết rề rề cứ như đang xem những phim truyền hình Việt Nam thời "giờ vàng cho phim Việt" mới rộ lên. Phải mất gần nửa phim khán giả mới được biết nhân vật của Lan Ngọc là một người không còn nhiều kí ức về gia đình và chỉ có mỗi cái tên "No.7". Từ đó mới dần định hình được nội dung bộ phim này là gì.
Những tưởng nửa phim sau, khi mà bản thân nhân vật biết mình sẽ làm gì để nội dung thú vị hơn thì vẫn tiếp tục là một hỗn hợp những phân đoạn, tình huống được cài cắm vô cùng lung tung. Tính cách nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính, thì mơ hồ đến nỗi có lẽ bản thân Lan Ngọc cũng chẳng biết mình đang làm gì. Dường như để che đậy một kịch bản còn quá nhiều lỗ hổng, biên kịch và đạo diễn đã phải dùng chiêu "cù nhây" với khán giả. Liên tục xen kẽ những phân đoạn hành động và tình cảm vào nhau để vừa khai thác tâm lý vừa từ từ đẩy câu chuyện đi lên nhưng rốt cuộc chính sự lộn xộn trong thể loại này là sự tệ hại nhất của bộ phim.
Nếu là Lan Ngọc, có lẽ bạn cũng sẽ phải bối rối khi phải diễn cảnh mới vừa mắng bạn trai rất dữ dội thì đã lập tức nắm tay kéo anh ta đi làm nhiệm vụ chính nghĩa cùng mình. Ấy nhưng cảnh ngay sau đó là cả hai ngồi trên ban công "tâm sự mỏng" rồi mới bắt đầu hành động. Thật sự là đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh còn quá non tay để có thể "thao túng" một bộ phim (được biết trước đây anh là cascadeur trong nhóm Cascadeur Quốc Thịnh). Anh lúng túng giữa việc khai thác tâm lý nhân vật và sự câu giờ nên những nhân vật của anh trở nên cực kì khó hiểu. Chẳng hạn như nhân vật Huỳnh Côn của Hiếu Nguyễn. Có một phân đoạn khiến khán giả phải bật cười trong khi chủ đích của đạo diễn là thể hiện sự biến thái trong tâm lý của nhân vật này. Đáng tiếc, chẳng có một cái nền đủ vững trước đó để khán giả phải "cắn câu" mà thực chất là đạo diễn với biên kịch đang tự nuốt lấy lưỡi câu của mình. Hiếu Nguyễn nên cẩn trọng và bình tĩnh hơn trong việc nhận lời tham gia vào các phim. Anh đã đóng rất nhiều phim, rất nhiều vai nhưng cho đến bây giờ chẳng có vai nào thật sự ấn tượng và tôn được lối diễn khá đặc biệt của anh.
Một nhân vật khác cũng đáng bàn không kém là Huỳnh Mỹ do Linh Chi thủ vai. Nhân vật này là điển hình của tuýp nhân vật "thánh nữ bạch liên hoa" mà mọi người đều không thể ưa nổi: ăn mặc đẹp, hình tượng hiền diệu, hay nói điều hay lẽ phải và cũng kiêm luôn cả việc thay đổi tâm lý xoành xoạch không có cơ sở. Sự thất bại của nhân vật này là cộng hưởng từ việc xây dựng tâm lý quá mơ hồ và lối diễn xuất gượng gạo của Linh Chi.
Hầu hết những nhân vật trong Găng Tay Đỏ đều vấp phải vấn đề chung ở mảng tâm lý này. Nó khiến cho câu chuyện trở nên bị chắp vá bởi những hành động và suy nghĩ không rõ ràng của các nhân vật. Đến cả nhân vật hay nhất, ổn nhất và "có màu" nhất là Hồng Việt (Quang Sự) ở phần đầu rốt cục cũng bị rơi vào điểm yếu này khi bị "cài" vào sự bất ngờ ở đoạn cuối. Phải, hầu hết những "sự bất ngờ" trong phim đều không tạo được cảm giác của "plot twsit" mà là những "sự thật" buộc khán giả phải chấp nhận theo kiểu... đó dù gì cũng đã là sự thật rồi, không phục nữa thì thôi. Thật sự rất tiếc cho vai của Quang Sự vì anh diễn có duyên nhất phim, nhân vật của anh cũng tạo cho khán giả một thiện cảm nhất định nhưng rốt cuộc vì biên kịch quá tham lam mà phá hỏng tất cả. Cuối cùng thì chỉ còn hai nhân vật phụ có thể làm khán giả thấy thoải mái, cười vì họ một cách thật tâm là nhân vật cô gái ở tiệm hoa do Puka thủ vai và tay xã hội đen ngô nghê của Lê Bửu Đa. Sự duyên dáng của hai nhân vật này là minh chứng cho việc kịch bản của Găng Tay Đỏ thật sự có tiềm năng nếu được điều tiết và phân bổ hợp lý.
Âm nhạc trong phim lại là một sự tệ hại khác. Ngoài ca khúc "Giấu" do Trang Pháp sáng tác và thể hiện (cô cũng tham gia một vai nhỏ trong phim) nghe rất bắt tai thì phần nhạc nền (không nhớ do ai làm) lại cực kì khó chịu. Có lẽ nhạc sĩ cũng bị chới với theo nhịp phim quá "lên voi xuống chó" mà bị ảnh hưởng chăng? Thật sự phần dựng phim đã phá hủy toàn bộ những khâu khác của bộ phim, khiến cho tổng thể phim trở nên dở dở ương ương. Mà thực tế đáng buồn là những khâu khác vốn cũng chẳng khá khẩm hơn.
Thêm một chi tiết có thể gây "ức chế" với khán giả chính là chi tiết "găng tay đỏ". Theo như chuyện phim thì do "No.7" mang đôi găng tay màu đỏ trong cuộc ám sát nên phía Cảnh sát chú ý và quyết định đặt tên chiến dịch là "Găng tay đỏ". Khúc sau nhân vật cũng có nói về lý do tại sao lại chọn đeo găng tay màu đỏ khi làm nhiệm vụ. Thế nhưng, chẳng có một cảnh quay nào với hình ảnh chiếc găng tay đỏ đủ để khán giả ấn tượng. Nó được nói ra như một sự hiển nhiên vì kịch bản đã viết như vậy. Một minh chứng nữa cho những ý tứ bị sụp đổ trước sự non tay của đạo diễn.
Tuy nhiên, không phải phim không có những điểm mạnh. Vì đạo diễn từng là cascadeur nên những cảnh hành động (đa phần là đánh tay đôi và rượt đuổi) đều được dàn dựng khá tốt. Các diễn viên, đặc biệt là Lan Ngọc, đều có những ngón đòn gây ấn tượng và tay chân không bị lọng cọng. Cách thể hiện quá khứ trong phim cũng khá đặc biệt khi tận dụng được các vai diễn nhân vật lớn nhỏ để cùng kết hợp trong một cảnh quay. Lời thoại tuy là không có được những câu đặc sắc nhưng những màn đối đáp của hai nhân vật chính ở những phân đoạn tay đôi khá thú vị.
Nói tóm lại Găng Tay Đỏ là một món ăn được nấu trong một căn bếp tiện nghi với những nguyên liệu chưa tốt và người bếp trưởng thì chưa có kinh nghiệm. Làm cho thành phẩm dọn ra chưa đạt được độ chín mùi để mọi thực khách phải gật đầu. Có người sẽ tạm chấp nhận, có người bảo rằng chưa chín, cũng có người chê vì quá lửa mà thành ra nhão nhoét.
Cuối cùng, xin nói về Lan Ngọc. Bản thân người viết rất thích Lan Ngọc từ sau vai Nương quá ấn tượng trong Cánh Đồng Bất Tận. Những phim sau đó Lan Ngọc dù xuất hiện ít thôi nhưng vẫn tạo được cảm giác dễ chịu. Ví dụ như vai cô bé bán vé số trong Trúng Số (đạo diễn Dustin Nguyễn) là một vai rất thú vị. Hay thậm chí vai nhỏ Lụa khùng khùng điên điên trong Vừa Đi Vừa Khóc (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) cũng để lại ấn tượng tốt. Bởi thế mà khi biết Lan Ngọc sắp sửa xuất hiện trong một loạt 4 phim gần nhau (Tấm Cám, Găng Tay Đỏ, Nắng và Phim Trường Ma) thì người viết thầm mừng cho cô, vì nghĩ đã đến lúc Lan Ngọc nên được tỏa sáng thật sự.
Ấy nhưng mà cuối cùng đành phải ngậm một chữ "tiếc". Tiếc vì vai Cám đã bị cắt quá nhiều để khán giả có thể công tâm nhìn nhận xem Ngọc "ác" có đạt không. Tiếc vì "No.7" của Găng Tay Đỏ quá lộn xộn để Ngọc có thể kiểm soát nó. Tiếc vì trong Nắng vai của Ngọc cũng chỉ bình thường và nho nhỏ. Chỉ còn Phim Trường Ma, chưa biết thế nào nhưng chỉ mong là một vai đủ hay để Ngọc bộ lộ được tài năng của mình. Bởi vì thực tế cho thấy rằng Ngọc không dở nhưng Ngọc đang phải đóng những vai rất dở.