Hannibal Lecter – Con quỷ trong quý ông đỏm dáng
TV Series · Tin điện ảnh · FuriousFish ·
Xuất hiện từ phiên bản mẫu Hannibal Lecter trong tiểu thuyết Sự Im Lặng Của Bầy Cừu của nhà văn Thomas Harris, Hannibal không còn xa lạ gì đối với những người yêu thể loại Psychological Crime Thriller.
Xuất hiện từ phiên bản mẫu Hannibal Lecter trong tiểu thuyết Sự Im Lặng Của Bầy Cừu của nhà văn Thomas Harris, Hannibal không còn xa lạ gì đối với những người yêu thể loại Psychological Crime Thriller. Lần đầu xuất hiện trên màn ảnh năm 1991, màn trình diễn của Anthony Hopkins tuyệt vời đến nỗi ông đã giành 1 giải Academy Awards cho Nam chính xuất sắc nhất. Người ta đã quá quen thuộc với một Hannibal có đôi mắt xanh lơ tọc mạch, nhìn thấu vào tâm can người khác, bàn tay 6 ngón dị dạng, thái độ tưng tửng nhưng ma quái, ranh mãnh, đặc biệt, là phong thái ung dung, lịch thiệp khi thưởng thức nghệ thuật cũng như giao tiếp.
Tuy nhiên, khi Series Hannibal xuất hiện vào năm 2013, mọi chuyện dường như bắt đầu thay đổi, người hâm mộ háo hức chào đón, và bắt đầu say mê với “Hannibal” mới. Bỏ qua những yếu tố như một cốt truyện mới mẻ, những tình tiết sáng tạo, góc quay tuyệt hảo, nhạc nền ấn tượng… thứ hút hồn người xem lần này nằm ở chính tên giết người hàng loạt – Hannibal Lecter do Mads Mikkelsen thủ vai.
Sinh ngày 22/11/1965 – (Ngày cuối cùng của cung Bọ cạp), cao lớn (1m82), vầng trán rộng, đôi mắt nâu nhiều chân chim phía khóe mắt, sống mũi thẳng, tóc vàng chải mượt, miệng rộng và luôn thường trực nụ cười “mím chi cọp” bí ẩn. Mads dường như sinh ra để thủ vai phản diện, những kẻ mà người xem có thể mường tượng là khó đoán, thông minh, bình tĩnh nhưng lại ẩn giấu sự điên loạn sâu thẳm.
Đã ấn tượng chưa? Có, nhưng không đủ. Tôi, và bạn, đều sẽ thấy là không đủ. Có một sự thật, dù cùng sắm vai villain (phản diện), nhưng Hannibal của Mads tách mình ra khỏi Loki, Joker…những vai phản diện được yêu thích nhất trên mà bạc (tất nhiên, Loki đẹp trai khỏi bàn, nhân vật cũng thú vị vừa đáng ghét vừa đáng thương, còn Joker có tính cách phức tạp và khai thác đến những góc cạnh sâu nhất của mâu thuẫn trong một con người), tôi cho rằng là nhờ thần thái của Mads, và quan trọng hơn nữa: cách ăn mặc.
Tôi tin đã có rất nhiều bài viết nói về cái gọi là “phong thái kẻ sát nhân” – Các bạn có thể tìm đọc ở đây nếu thích một cái gì đó văn vẻ, tuy nhiên, tôi vẫn muốn viết thêm, sâu hơn, kỹ hơn về sự phức tạp trong cách ăn mặc của gã điên quyến rũ này.
Tổng quan, style của Hannibal là gì?
Thật dễ để tóm lại:
Ấn tượng / Có chiều sâu / Lịch thiệp là những ý chính, thú vị hơn:
- 99% đồ của gã là đồ bespoke: vừa vặn tuyệt đối, cử động thoải mái. “Lecter có một chút diêm dúa đỏm dáng của những gã ưa thích sự hoàn hảo tuyệt đối trong cuộc sống. Gã này chắc chắn phải dùng đến một tủ đồ hoàn toàn là đồ Bespoke”- Theo như lời của Bryan Fuller, người tạo hình Hannibal trong series.
- 90% Hannibal xuất hiện trong suit 3 mảnh với họa tiết chìm ấn tượng, rất hiếm khi mặc suit trơn; Sơ mi cổ widespread hoặc cut away vải linen hoặc lụa, cà vạt họa tiết paisley thắt nút Windsors lớn, khăn vuông màu đối lập so với suit. “Tôi nghĩ Hannibal Lecter là một gã ưa thích cái đẹp, do vậy, sẽ thích những sắc màu và hoa văn, cùng với những chất liệu nhìn quyến rũ một chút” – Tiếp tục lời của Bryan, còn cụ thể hơn, lý do tại sao, tôi sẽ phân tích cụ thể dần dần.
- 100% outfit của Hannibal hợp tuyệt đối với phân cảnh, và cảm xúc của nhân vật trong từng khung hình gã xuất hiện. Tại sao tôi có thể khẳng định điều này. Nói không quá, trong một thế giới mà những series chủ yếu phục vụ giải trí, những câu chuyện ngu ngốc như “Keeping Up with the Kardashians”, “The Housewives of (tên một nước nào đó) …” được yêu thích bởi số đông, thì sự phức tạp, vốn dĩ là “key factor” của Series này, thể hiện rõ nhất qua Hannibal lại càng khó để cảm nhận.
Dưới đây, tôi sẽ phân tích từng chi tiết, đi kèm với nó là lý giải tại sao những thức đó lại phù hợp với tính cách cũng như khắc họa chân dung Hannibal, những thứ mà bạn khi xem film có thể “cảm nhận” được, nhưng có thể chưa rõ lý do tại sao. Ok, cùng đi mổ xẻ thôi.
1. Suits
- Tại sao lại là 3 mảnh?
Thứ nhất, suit 3 mảnh thể hiện rõ nhất sự cổ điển, của những gã yêu thích dòng thời trang không bao giờ lỗi mốt. Hannibal có tuổi, hắn cần có sự chín chắn cần thiết.
Thứ 2, suit 3 mảnh tạo được sự cân bằng từ cổ xuống vai áo, xuống ngực và xuống eo, là điểm nối giữa jacket (lớp áo vest ngoài cùng) và cà vạt + sơ mi. Với form người to lớn, Hannibal cần điều này hơn sự năng động trẻ trung của suit 2 mảnh.
Cuối cùng, suit 3 mảnh là điểm mấu chốt để tạo nên các layers, tạo độ “sâu” cho tổng thể outfit. Một gã yêu màu sắc, yêu cái đẹp (từ cách giết người, món ăn, đến âm nhạc, tất yếu sẽ yêu cả các loại vải và màu sắc của chúng nữa) cần độ sâu nhất định để sử dụng gu của mình, để bớt “nhàm chán”. Hắn chọn suit 3 mảnh. Đôi khi kết hợp cùng Overcoat hoặc Trenchcoat trong những phân cảnh dưới mưa, ngoài trời, suit 3 mảnh tạo lên những lớp layer thời trang tuyệt đẹp. Hơn thế nữa, tính cách của Hannibal như thế nào? Phức tạp, nhiều vỏ bọc. Do vậy, hắn ưa một cái gì đó nhiều lớp lang, vừa để che giấu, vừa để thể hiện và tô vẽ cá tính.
- Tại sao chủ yếu là peak lapel (ve áo nhọn) và có độ rộng lên tới ½ vai áo, không độn vai?
- Thứ nhất, peak lapel thể hiện sự tự tin, kiêu hãnh.
- Thứ hai, với thân hình cao lớn và vai rộng, mở rộng ve áo tạo sự cân xứng và khỏe khoắn, nam tính hơn.
- Thứ ba, vai của Mads vốn rộng và ngang sẵn, không cần độn thêm làm gì nữa.
Giống như Harvey Specter trong series SUITS, luôn mặc peak lapel; cả 2 đều toát lên sự tự tin khi giao tiếp với người đối diện, và phần nào đó là “dominate”
Hannibal có “dominate” người đối diện không? Có. Luôn bình tĩnh, điều khiển Will, điều khiển thanh tra, điều khiển nạn nhân… hầu như làm chủ mọi hoàn cảnh. Sẽ có những cảnh gã chọn ve áo thường, nhưng bạn thấy đấy, thay đổi style một chút là cần thiết, vì gã cũng ghét sự nhàm chán mà, đúng không.
- Tại sao lại là họa tiết?
Chủ yếu Hannibal mặc suit với pattern dạng windowpane, prince of wales, chalk stripe kết hợp với các sắc tối của màu xanh lá, màu tía… nếu có là suit trơn cũng sẽ là những màu rất “dị dạng” như chocolate brown chẳng hạn. Bạn sẽ ngạc nhiên khi không tìm đâu thấy một bộ suit trơn màu đen, màu xám, hoặc màu navy, những màu sắc an toàn và chuẩn mực của suit?
Lý do: Vì Hannibal ưa sự đỏm dáng. Ngay trong cuốn tiểu thuyết, Thomas Harris cũng đã miêu tả Hannibal như một gã “ăn mặc đẹp và diêm dúa”, và Mads đã làm rất tốt điều này. Những loại họa tiết mà Hannibal sử dụng, kết hợp với cách phối màu bằng những màu ấn tượng: xanh cổ vịt, xanh tía, nâu chết, xanh cobalt ngả rêu, xám sọc vàng…
Những cách phối màu đó khiến cho gã trở nên nổi bật. Và nó KHÓ MẶC. Đừng nghĩ rằng gã mặc đẹp nghĩa là chúng ta cũng có thể mặc đẹp như vậy. Nếu bạn muốn trở thành thảm họa, thử đi. Còn nếu bạn biết vì sao gã mặc những thứ đó lại trở thành “đẹp”, hãy cùng đọc tiếp những lý giải của tôi.
Chất liệu: Gã giết người đỏm dáng, chọn chất liệu cũng đỏm nốt. Vào mùa hè, là linen hoặc wool, thoải mái, mát mẻ, dễ vận động. Vào mùa đông: cashmere pha với wool, flannel hoặc vải tweeds. Lý do: những loại vải dầy này có thể ẩn giấu nhiều họa tiết chìm, lại một lần nữa giúp hoàn thiện ý đồ “tăng độ sâu” trong cách ăn diện của nhân vật.
Đòi hỏi với chiều cao, cân nặng, thần thái: Bạn không muốn trở thành một chú lùn nếu cao 1m65 mà vẫn muốn mặc những sọc vuông to khổ lớn trên bộ suit của mình đâu. Hannibal cao 1m82, và “chân dài tới nách”, mặt “badass”, tóc vàng chải mượt, nên đừng hỏi tại sao.
Hết part 1, ở part 2 tôi sẽ tiếp tục đi vào các chi tiết quan trọng khác: Sơ mi, cà vạt, khăn vuông, và tổng thể sự hài hòa của bộ trang phục đi kèm với tính cách Hannibal.
Nguồn: Diệt Anh