Hậu trường Dưới Đáy Hồ - Ma rêu được hoá trang công phu
Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Moveek ·
Hậu trường hóa trang phim kinh dị Dưới Đáy Hồ hé lộ quá trình tạo nên nhân vật ma rêu, drag queen và bối cảnh lạnh sống lưng không dùng CGI. Phim kinh dị Việt gây ấn tượng mạnh với kỹ thuật thủ công công phu.
Trong làn sóng phim kinh dị Việt đang ngày càng khẳng định chất riêng, Dưới Đáy Hồ nổi bật bởi cách xây dựng không khí rùng rợn không dựa hoàn toàn vào kỹ xảo mà đặt tâm huyết và sự đầu tư vào kỹ thuật hóa trang thực tế. Ê-kíp làm phim đã tái hiện những hình ảnh ám ảnh bằng cách kết hợp hiệu ứng thủ công, phục trang và ánh sáng điện ảnh tinh tế, mang đến trải nghiệm "chạm được" cho khán giả trong thế giới đầy u ám dưới lòng hồ đá tử thần.
Không CGI, không filter - mà là rêu thật, nước thật
Một trong những yếu tố được bàn luận nhiều nhất về Dưới Đáy Hồ là tạo hình của nhân vật phản diện - ma rêu. Thay vì sử dụng kỹ xảo vi tính (CGI), đạo diễn Trần Hữu Tấn lựa chọn phương pháp hóa trang thủ công với mục tiêu đưa cảm nhận chân thật cho khán giả lên màn ảnh. Trong video hậu trường chuyên gia hóa trang Chang Belevia tiết lộ đã mất nhiều giờ mỗi ngày để đính từng mảng rêu lên tóc và cơ thể của diễn viên Mạc Trung Kiên.
Hình ảnh hoá trang ma rêu trong phim Dưới Đáy Hồ

Kỹ thuật này không chỉ tạo độ chi tiết cao mà còn phải tính toán đến môi trường nước – nơi nhân vật ma rêu thường xuyên xuất hiện. Rêu được chọn từ chất liệu vải có độ xốp, nhẹ, giúp bay bồng dưới nước như thật. Nhờ đó, mỗi lần nhân vật bước ra từ hồ, khán giả có cảm giác như rêu đang sống, quấn lấy cơ thể và lan ra cả không khí xung quanh. “Tôi không nghĩ mình đang hóa trang cho một nhân vật. Tôi đang tạo ra một sinh vật sống”, Chang chia sẻ trong clip hậu trường Dưới Đáy Hồ.

Căn phòng, tấm gương và những khoảng tối
Bên cạnh hóa trang, Dưới Đáy Hồ cũng ghi điểm ở phần thiết kế mỹ thuật. Giám đốc nghệ thuật - Lê Trường và Đạo diễn hình ảnh - FA Châu Trần cũng đã chia sẻ về việc sử dụng ánh sáng, bối cảnh phim và màu sắc như một công cụ dẫn truyện. Những gam màu lạnh, mờ ảo chiếm lĩnh phần lớn không gian, đặc biệt trong căn phòng của nữ chính Tú – nơi diễn ra các phân đoạn căng thẳng và tràn ngập nỗi ám ảnh.
Đạo cụ gương vỡ được dùng lặp đi lặp lại trong phim không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh. Trong bối cảnh siêu nhiên, gương trở thành cầu nối giữa hai thế giới, là nơi bóng tối lọt vào thực tại.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Tôi không muốn lạm dụng jump-scare, mà muốn khán giả rùng mình vì cảm giác có điều gì đó đang nhìn mình từ chính chiếc gương trong nhà”.

Không khí drag queen trong phim kinh dị Việt
Một yếu tố hiếm gặp ở dòng phim kinh dị Việt – nhân vật drag queen cũng được khai thác sâu trong Dưới Đáy Hồ. Nhân vật Hùng (do ca sĩ Thanh Duy thủ vai) là điểm nhấn quan trọng cả về nội dung lẫn thị giác. Từ phục trang, tóc giả đến lớp make-up dày, mỗi lần Hùng xuất hiện trên sân khấu là một bữa tiệc thị giác nhưng đồng thời cũng chứa đựng sự mâu thuẫn nội tâm.
Video hậu trường cho thấy đội ngũ thiết kế sân khấu đã phải mô phỏng lại không gian biểu diễn thực thụ với đèn sân khấu, ánh sáng đỏ - tím, và hiệu ứng khói mờ để mang lại đúng cảm giác “lột xác” mỗi khi Hùng hóa thân.
Không khí rùng rợn xây từ chi tiết nhỏ
Không giống nhiều phim kinh dị Việt chỉ tập trung vào yếu tố ma quái, Dưới Đáy Hồ được đánh giá cao bởi cách xây dựng bầu không khí rùng rợn thông qua từng chi tiết nhỏ: một cái gương đặt lệch, bóng người không rõ nét, tiếng nước nhỏ giọt kéo dài.
Ngay cả việc lựa chọn chất liệu sàn gỗ mục, đèn bàn cũ kỹ, hay chăn mền cũ mèm trong phòng ngủ của nhân vật cũng là có chủ đích – tái hiện sự mục ruỗng, ẩm ướt đúng như cảm giác khi bạn đang "sống dưới đáy hồ".
Dưới Đáy Hồ là minh chứng cho sự tiến bộ đáng kể của phim kinh dị Việt không chỉ ở mặt nội dung mà còn ở yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Bộ phim chính thức ra rạp vào 06.06.2025.