Họa bì 2 bội thu phòng vé nhờ 'lắm chiêu'

Tin điện ảnh · Moveek ·

Họa bì 2 đoạt nhiều kỷ lục doanh thu nhờ thời điểm ra mắt, dàn diễn viên ngôi sao và chiến thuật tuyên truyền. Tuy nhiên, đây được coi là 'tin vui đáng xấu hổ' của điện ảnh Hoa ngữ vì bộ phim chỉ được đánh giá 'trên mức trung bình'.

Nửa đầu năm nay, Trung Quốc hầu như không có bộ phim nào hấp dẫn đông đảo người xem tới rạp chiếu. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6, khán giả đổ xô tới rạp xem Họa bì 2. Sau 16 ngày công chiếu, phim đã thu về 98 triệu USD tiền bán vé, gần bằng tổng doanh thu phòng vé của Đường Sơn đại địa chấn - phim Hoa ngữ gây chấn động Trung Quốc của đạo diễn Phùng Tiểu Cương năm 2010 (101 triệu USD). Trước đó, Họa bì 2 là phim Trung Quốc lập kỷ lục về doanh thu suất đầu công chiếu và ngày đầu công chiếu.

Triệu Vy - Châu Tấn có nhiều ân oán trong Họa bì 2. Ảnh: Baidu.
Triệu Vy - Châu Tấn có nhiều ân oán trong Họa bì 2. Ảnh: Baidu.

Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận quan tâm là Đường Sơn đại địa chấn được đánh giá cao cả về nội dung và nghệ thuật, nhận được sự đồng thuận của cả giới chuyên môn và khán giả. Trong khi đó, Họa bì 2 là phim "chỉ trên mức trung bình", tình tiết thiếu chiều sâu, nhân vật nhạt nhẽo, tạo hình cũng bị cho là "bắt chước phim Hollywood". Chính vì vậy, thành công của Họa bì 2 bị gọi là "tin vui đáng xấu hổ" của điện ảnh Hoa ngữ.

Giới phân tích điện ảnh Trung Quốc đã có nhiều bài viết đánh giá Họa bì 2, trong đó chỉ ra những nguyên nhân khiến bộ phim này giành được những thành công mà cả các bom tấn của kinh đô điện ảnh Mỹ cũng mơ ước.

Nguyên nhân đầu tiên khiến Họa bì 2 lôi kéo được nhiều khán giả đến rạp chiếu nằm ở yếu tố diễn viên. Ba cái tên Trần Khôn, Triệu Vy, Châu Tấn đủ để tạo sự tin tưởng vào một bộ phim chất lượng. Thêm nữa, sự xuất hiện của Dương Mịch - nữ diễn viên có lượng fan đông đảo ở độ tuổi teen - cũng góp phần thu hút khán giả.

Chiến thuật tuyên truyền chuyên nghiệp và hình thức công chiếu là yếu tố thứ hai được nhắc đến. Trong các buổi họp báo phim trước thời điểm ra mắt, đoàn làm phim Họa bì 2 không nhắc nhiều đến yếu tố nội dung. Điều nhà sản xuất nhấn mạnh là hình thức công chiếu. Hồi tháng 5, Titanic bản 3D đạt doanh thu 153 triệu USD ở Trung Quốc. Dường như nhận ra Titanic chưa đủ làm "đã thèm" cơn sốt 3D trong nước, đoàn làm phim thay đổi cách thức công chiếu phim. Từ 28/6, Họa bì 2 được công chiếu chỉ với phiên bản 3D, thay vì chiếu đồng thời 2D và 3D như kế hoạch trước đó. Giá vé 3D Họa bì 2 cao hơn 30% so với vé các phim 2D khác.

Tuy nhiên, hai nguyên nhân trên không phải là những yếu tố quyết định làm nên thành công của Họa bì 2. Theo các nhà phân tích, thời điểm công chiếu phim mới là yếu tố quan trọng nhất khiến Họa bì 2 làm chao đảo các phòng vé.

Họa bì 2 công chiếu vào lúc học sinh, sinh viên Trung Quốc nghỉ hè và bắt đầu với những kế hoạch tiêu pha, giải trí. Quan trọng hơn, đúng lúc này, ngoài phim hoạt hình Madagascar 3, Trung Quốc không nhập khẩu thêm bộ phim lừng danh nào của thế giới. Vấn đề còn lại của Họa bì 2 là cạnh tranh với những bộ phim ra sau đó một chút như Đại võ đang, Tìm kiếm...

Doanh thu khổng lồ của Họa bì 2 đã phản ánh hai vấn đề hiện nay của điện ảnh Trung Quốc. Thứ nhất, không nhờ vào chất lượng, một bộ phim trung bình cũng có thể dẫn đầu doanh thu phòng vé nhờ nhiều yếu tố khác. Thứ hai, không bị cạnh tranh bởi bom tấn nước ngoài, phim Trung Quốc mới có thể vươn lên "đại náo" các rạp chiếu nội địa.

10 bộ phim dẫn đầu về doanh thu trong lịch sử Trung Quốc (theo Mtime)

  1. Avatar (2010): 216 triệu USD
  2. Transformers 3 (2011): 170 triệu USD
  3. Titanic 3D (2012): 153 triệu USD
  4. Nhượng tử đạn phi (Let The Bullets Fly) (2010): 105 triệu USD
  5. Đường Sơn đại địa chấn (2010): 101 triệu USD
  6. Nhiệm vụ bất khả thi 4 (2012): 101 triệu USD
  7. Họa bì 2 (2012): 98,7 triệu USD
  8. Kung Fu Panda 2 (2011): 95,4 triệu USD
  9. Kim lăng thập tam thoa (2011): 92,9 triệu USD
  10. The Avengers (2012): 90 triệu USD

Hoạ bì 2 sẽ được khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 24/8/2012.