Lát cắt xã hội xưa qua các phim chuyển thể từ tác phẩm của Nhà văn Nam bộ Hồ Biểu Chánh

TV Series · Tin điện ảnh · Moonbui ·

Hồ Biểu Chánh rất am hiểu vùng đất này, vì thế mà dưới ngòi bút tài hoa, sắc sảo của ông, xã hội Nam bộ thời bấy giờ hiện lên một cách sâu sắc nhất, chân thực nhất.

Những năm 20 – 40 là giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam. Điều này được ghi nhớ, tái hiện qua rất nhiều ngòi bút đình đám. Nếu miền Bắc có Nam Cao, Kim Lân, thì miền Nam không thể không nhắc tới Hồ Biểu Chánh. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Nam Bộ, hơn ai hết Hồ Biểu Chánh rất am hiểu vùng đất này, vì thế mà dưới ngòi bút tài hoa, sắc sảo của ông, xã hội Nam bộ thời bấy giờ hiện lên một cách sâu sắc nhất, chân thực nhất. Hồ Biểu Chánh viết khỏe, về nhiều loại người, về nhiều số phận khác nhau. Chính vì tính lịch sử, tính nhân văn nên rất nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim. 

1. Con Nhà Nghèo

Ra mắt năm 1998 dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Hồ Ngọc Xum, phim kể về Lựu (Bảo Châu) là cô gái mô côi. Lựu ở cùng anh trai (Lê Vũ Cầu) và chị dâu (Hồng Vân) ở Xóm Đập Ông Canh. Có chút nhan sắc, Lựu lọt vào mắt xanh của cậu Hai Nghĩa (Thanh Hoàng) con bà Cai Hiếu và bị cưỡng bức có thai, sau đó Lựu lấy Cư (Cao Minh Đạt). Nghèo là khổ, nghèo là chấp nhân, là câm nín, phim tái hiện cuộc sống của người nghèo mà đâu đấy ta thấy thấp thoáng trong xã hội hiện nay. Đồng thời, phim còn là tiếng còi cảnh tỉnh “sai lầm của đời trước để lại hậu quả cho đời sau”. 

Không PR rầm rộ, phim thu hút khán giả nhờ các tình huống trong phim xây dựng mạch lạc, lôi cuốn người xem. 

2. Nợ Đời

Lấy bối cảnh những năm 30 thế kỷ trước, Nợ Đời kể về cái nặng nợ của hai người đàn bà Hai Phục (Việt Trinh) và Ba Có (Mỹ Uyên). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống trong thân phận con ở trong nhà chú thím, rồi trong cái thời kỳ đẹp đẽ nhất của người con gái chấm dứt khi Hai Phục bị dụ dỗ và trở thành đàn bà. Bị khinh bỉ, đánh đập, đuổi đi, may mắn Hai Phục được Ba Có cưu mang. Duyên nợ của hai người cũng bắt đầu từ đây. Từng gặp trắc trở trong tình yêu, Ba Có trở nên hận đời, hận đàn ông, vì vậy cô lợi dụng vẻ đẹp của Hai Phục để trả thù đời, trả thù đàn ông, và biến Hai Phục trở thành người đàn bà được săn đón nhất vùng. Ngót nghét một thế kỷ trôi qua, thế nhưng đâu đó người ta vẫn nhìn thấy những vấn đề trong Nợ Đời ở thời điểm hiện tại. Nhân văn và ý nghĩa, Nợ Đời là tiếng nói đòi bình đẳng, bình quyền giữa nam và nữ, hơn nữa là khát vọng giải phóng phụ nữ mạnh mẽ.

Khi phát sóng lần đầu tiên, phim nhận được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp khán giả không chỉ bởi cái mác “chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh” mà còn ở cốt truyện ít được khai thác lúc bấy giờ, cùng dàn diễn viên đẹp và nổi tiếng như Việt Trinh, Mỹ Uyên…

3. Cay Đắng Mùi Đời

Đời người ai chẳng trải qua cay đắng, bộ phim do Hồ Ngọc Xum làm đạo diễn đã lột tả được những đắng cay trong cuộc qua hành trình dài của cậu bé Được (Hoàng Thanh). Là đứa trẻ bị bỏ rơi và được nhận nuôi bởi một người phụ nữ, sau này Được bị cha nuôi bán cho thầy Đàng (Minh Hoàng). Thầy Đàng vốn là người thông ngôn nhưng chán ghét cảnh hà hiếp dân lành của bọn quan lại, ông chọn cuộc sống phiêu bạt với nghề dạy đàn, dạy chữ. Nhưng chẳng bao lâu thầy Đàng qua đời, Được tiếp tục cuộc sống phiêu bạt với một cậu bé khác tên Bỉ, cùng tham gia hành trình tìm về nhà của mình.
Không diễn viên ngôi sao, nhưng Cay Đắng Mùi Đời vẫn kéo sự quan tâm của khán giả bởi kịch bản chặt chẽ, thoại đậm sắc Nam bộ. Có câu chuyện từa tựa phim Đất Phương Nam, nhưng Cay Đáng Mùi Đời không hề trùng lắp mà có cách xây dựng rất riêng, từ đó gây dấu ấn nơi khán giả, đặc biệt khi nó hướng đến đối tượng lớn hơn.

4. Tại Tôi

Năm 2010, Tại Tôi được đạo diễn Võ Việt Hùng thực hiện. Bộ phim là một chuỗi bi kịch không lối thoát, bắt đầu khi Như Thạch (Minh Cường) chống đối mẹ của mình là bà Cả Kim (Kim Phương) để lấy một người con gái Bắc tên Nhung (Thùy Trang). Hai người trải qua cuộc sống mưu sinh cực khổ trên Sài Gòn. Bất hạnh xảy ra khi Nhung qua đời sau khi sinh con, rồi chẳng bao lâu Như Thạch cũng qua đời vì lao phổi. Anh để lại người con gái tên Thanh Nguyên cho một người bạn nuôi. Thanh Nguyên lớn lên (Jodie Phương Trinh) trở thành thiếu nữ xinh đẹp và có mối tình đẹp đẽ với Hữu Nhơn (Hà Trí Quang). Sự thật được phơi bày hai người biết được mình là anh em họ. Đau khổ khiến Hữu Nhơn phát điên, còn Thanh Nguyên vẫn tiếp tục cuộc sống bình lặng với cha nuôi của mình. Tại Tôi, khắc họa lại những con người rất mới trong xã hội cũ kỹ thời điểm đó. Ở đó có Như Thanh sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu có, chấp nhận cuộc sống bần cùng đến chết để được sống với người mình yêu thương.

Dù vẫn được TFS khai thác với các thế mạnh vốn có như chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng, dàn diễn viên trẻ đang được yêu thích, thoại trau chuốt… nhưng Tại Tôi không gây được tiếng vang lớn nơi người xem, một phần do cái kết quá bế tắc, khác với quan điểm mạnh mẽ và khát vọng vươn đến hạnh phúc bất kể những ràng buộc của giới trẻ ngày nay.

5. Tân Phong Nữ Sĩ

Ra mắt năm 2009 bởi đạo diễn Võ Việt Hùng, cũng giống như tên gọi của nó, bộ phim kể về một cô gái mang tư tưởng tiến bộ tên Thanh Tân (Quế Phương). Vượt qua muôn vàn sóng gió cuốc đời, định kiến lễ giáo của phong kiến cô lập ra tờ báo Tân Phụ Nữ. Bộ phim tiếp tục là một cái nhìn mới của Hồ Biểu Chánh. Bản thân ông là một người đàn ông, sống trong xã hôi cũ kỹ, lạc hậu như thế nhưng ông đã ý thức được về bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền lợi chị em. Phim có sự góp mặt của một số cái tên quen thuộc Mai Huỳnh, NSƯT Phi Điểu… và những gương mặt mới như Quế Phương, Minh Luân… 

Phim cho thấy sự nghiêm túc TFS khi đầu tư vào những tác phẩm đậm đà phong vị miền Nam, những bộ phim nghiêm túc và truyền đi thông điệp nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, do khai thác liên tiếp các tác phẩm của cùng một nhà văn, với bàn tay của cùng một đạo diễn, với cốt truyện na ná nhau… nên không tạo được ấn tượng nơi người xem như trước.

6. Tình Án

Một bộ phim nữa được phụ trách bởi đạo diễn Võ Việt Hùng. Ra mắt vào năm 2009, Tình Án kể về một vụ án ly kỳ. Khởi nguồn cho tình án đó là Thanh Thúy (Quế Phương) con gái ông huyện Hàm Tân (Huỳnh Anh Tuấn) – cự phú giàu bậc nhất Cần Thơ – say mê và rơi vào lưới tình của gã nhà văn phóng túng Chí Cao (Trương Minh Quốc Thái). Hai người diễn ra mối tình vụng trộm, và mối tình này bị phát giác khi Chí Cao bị giết. Điều gì đã xảy ra và rốt cục ai là hung thủ thật sự. Phim mang đậm dấu ấn, cái chất Nam bộ, và có sức hút bởi nhiều cái tên diễn viên nổi tiếng khác như Thiên Hương, Quốc Cường, Tấn Beo...

Sau nhiều tác phẩm chuyển thể chưa thật sự nổi bật, Tình Án kéo khán giả là màn ảnh nhỏ mỗi chiều với một câu chuyện lôi cuốn cùng dàn diễn viên đang được yêu thích. Đặc biệt, biên kịch đã thay đổi rất nhiều tình tiết và nhân vật so với nguyên tác, làm phiên bản chuyển thể trở nên hấp dẫn hơn.

7. Lòng Dạ Đàn Bà

Tiếp tục là một bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn Hồ Ngọc Xum, phát hành năm 2011. Lòng Dạ Đàn Bà là câu chuyện dài về âm mưu của ba người đàn bà Kim Diệp (Ngọc Lan), Ba Huyền (Vân Trang) và Thanh Thủy (Cẩm Lynh) dưới lời kể của Lê Tấn Thành (Cao Minh Đạt). Cuộc đời Lê Tấn Thành được mất đều gắn liền với đàn bà, tham vọng đàn bà, âm mưu đàn bà, để rồi sau cùng ông không còn niềm tin vào đàn bà. Có thể nói đây là bộ phim hay ấn tượng, và đặc biệt là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của nữ diễn viên xinh đẹp Vân Trang.

8. Thế Thái Nhân Tình

Là bộ phim chuyển thể gần đây nhất từ tác phẩm Ông Cử của nhà văn Hồ Biểu Chánh, phim lấy bối cảnh những năm 30-40 thế kỷ trước. Thế Thái Nhân Tình là bi kịch của Ngô Minh Tâm (Trí Quang), bị chính người vợ (Như Phúc) và người bạn thân của mình Cao Xuân Quỳnh (Cao Minh Đạt) hãm hại vì đố kỵ. Ông ra đi với hai bàn tay trắng, đổi tên thành Ông Cử và bắt đầu cuộc sống phiêu bạt. Dù trải qua bao khó khăn nhưng Ông Cử vẫn sống cuộc đời bình thản, giản dị, được mọi người yêu mến. Bộ phim phản ánh chân thực một giai đoạn xã hội con người dẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích, đến cuối cùng mới tỉnh ngộ. Phim là sự góp mặt các diễn viên gạo cội ở mảng truyền hình phía Nam như: Trí Quang, Như Phúc, Cao Minh Đạt, Quỳnh Lam, Đoàn Thanh Tài, danh hài Hồng Tơ. Phim do Lasta thực hiện, mang một làng gió mới cho các tác phẩm chuyển thể của nhà văn nổi tiếng xứ Nam bộ.