Money Heist: Korea - Joint Economic Area (Netflix) - Cải thiện một điều để không lặp lại sai lầm của Squid Game
TV Series · Tin điện ảnh · bluemoon28 ·
Money Heist Korea có là thành công lớn nếu học hỏi được sai lầm của tiền bối Squid Game.
Money Heist: Korea - Joint Economic Area được dự đoán là bom tấn tiếp theo của Hàn Quốc được phát hành trên Netflix, với sự cải biên từ bộ phim gốc tiếng Tây Ban Nha Money Heist (La Casa de Papel) đã thu hút khán giả trên khắp thế giới, trở thành bàn đạp cho nhiều diễn viên trẻ bước ra thế giới như Úrsula Corberó (Tokyo), Miguel Herrán (Rio) hay những cái tên kỳ cựu Álvaro Morte (Giáo sư), Pedro Alonso (Berlin).
Tuy nhiên, ngay cả Money Heist cũng không thể sánh được với thành công đáng kinh ngạc của Squid Game năm 2021 khi loạt phim sinh tồn này đã hạ bệ The Professor và đồng bọn để trở thành phim truyền hình quốc tế không chỉ hàng đầu của Netflix, mà còn là phim truyền hình ăn khách nhất trong lịch sử của ông lớn phát trực tuyến này. Phim gây bão suốt thời gian dài trên các nền tảng mạng xã hội và chiếm lĩnh ngôi vương top 1 Netflix trong nhiều tuần liền.
Với sự nổi tiếng của Squid Game, không có gì ngạc nhiên khi Netflix muốn mở rộng mảng chương trình tiếng Hàn của mình và Money Heist: Korea - Joint Economic Area thực sự là một cách khôn ngoan để nâng cao danh tiếng của nền công nghiệp phim ảnh xứ sở kim chi. Với cả Money Heist và Squid Game đều là phim chính kịch căng thẳng và đẫm máu truyền tải thông điệp chống tư bản sâu sắc, khán giả có thể thấy một mối quan hệ đồng điệu thực sự giữa hai bộ phim. Với mức độ nổi tiếng của Squid Game và sức hấp dẫn từ bản gốc, Money Heist: Korea - Joint Economic Area được kỳ vọng sẽ làm lu mờ cả Money Heist gốc lẫn Squid Game, trở thành series kinh điển và phổ biến nhất của Netflix. Tuy nhiên, Money Heist: Korea - Joint Economic Area phải tránh thất bại lớn nhất của Squid Game nếu muốn tận dụng tiềm năng và danh tiếng mà tác phẩm do Hwang Dong Hyuk nhào nặn đã đặt nền móng.
Trong khi Squid Game giành được sự hoan nghênh đáng kể về cốt truyện, chỉ đạo và diễn xuất, một yếu tố đã bị các nhà phê bình và người xem như nhau chế giễu: phần lồng tiếng. Với tông giọng chói tai và đều đều đến mức buồn ngủ, bản lồng tiếng Anh của Squid Game thực sự làm tác phẩm xuất sắc này trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều. Trên mạng xã hội, nhiều người xem thừa nhận rằng họ chán nản với khâu lồng tiếng của Netflix. Một số khán giả đơn thuần sẽ chấp nhận đọc phụ đề nhưng chính phụ đề của phim cũng có vô vàn vấn đề về dịch thuật ảnh hưởng đến sắc thái và ý nghĩa của cuộc đối thoại. Những chi tiết này cũng đã bị mang ra mổ xẻ và chê bai trên khắp các mặt báo như cú tát vào mặt Netflix vậy.
Bên cạnh đó, việc lồng tiếng vẫn cực kỳ phổ biến vì khả năng tiếp cận. Trong guồng quay bận rộn của cuộc sống, không phải ai cũng có thời gian dán mắt vào màn hình để theo dõi từng giây phút của phim. Do đó, Money Heist: Korea - Joint Economic Area phải cải thiện đáng kể khâu lồng tiếng nếu muốn tiếp cận và giữ chân được càng nhiều khán giả càng tốt.
Thật vậy, việc lồng tiếng đóng một vai trò quan trọng trong việc vươn lên vị trí đầu tiên trên Netflix của Money Heist bản gốc. Sau những lời chỉ trích từ người xem, Netflix đã lồng tiếng lại hai mùa đầu tiên của chương trình để cải thiện chất lượng của các đoạn hội thoại trước đó. Điều này đã làm cho phiên bản tiếng Anh của series trộm cướp nghe tự nhiên hơn nhiều và nâng cao đáng kể sức hấp dẫn từ khán giả quốc tế của phim.
Nếu Netflix rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình, Money Heist: Korea - Joint Economic Area rất có thể trở thành một series nổi tiếng trên nền tảng này. Mặc dù lồng tiếng có thể đại diện cho một phần nhỏ của quy trình sản xuất rộng hơn nhiều, nhưng nó có tác động lớn đến sản phẩm cuối cùng và quan trọng nhất là đến trải nghiệm của người xem. Rõ ràng Netflix nhận thức đầy đủ tiềm năng của Money Heist: Korea - Joint Economic Area nên không có lý do gì để ông lớn này lại bỏ bê phần lồng tiếng và phụ đề cả.
Nguồn: Screen Rant