Nếu bạn chưa có tiết mục gì vào Tết này, thì đây là 6 phiên bản Tây Du Ký cải biên 'chất chơi' nên xem

Tin điện ảnh · _bylyy16 ·

Moveek đã chọn ra các phiên bản cải biên hoặc lấy cảm hứng từ Tây Du Ký khác lạ và đặc sắc đến từ nhiều nước trên thế giới, mời các bạn cùng khám phá.

Tây Du Ký là thương hiệu phim ảnh lâu đời đã tồn tại qua nhiều thập niên, rất nhiều phiên bản điện ảnh, truyền hình lấy chất liệu về 4 thầy trò Đường Tăng lên đường thỉnh kinh đã ra đời và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thế nhưng, việc làm đi làm lại một cốt truyện và các tình tiết giống nhau sẽ rất dễ gây nhàm chán. Vì thế mà các nhà làm phim đã càng lúc càng mạnh tay cải biên Tây Du Ký để phim in đậm dấu ấn của riêng mình.

Moveek đã chọn ra các phiên bản cải biên hoặc lấy cảm hứng từ Tây Du Ký khác lạ và đặc sắc đến từ nhiều nước trên thế giới, mời các bạn cùng khám phá.

1. Dragon Ball – Bảy Viên Ngọc Rồng

Đối với những ai hâm mộ manga/anime Dragon Ball huyền thoại thì gần như đều biết tác giả Toriyama Akira lấy bối cảnh của truyện từ tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

Các nhân vật quan trọng của truyện bao gồm Goku, Bulma, Oolong, Yamcha được xây dựng dựa trên hình tượng 4 thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký.

Goku chính là Ngộ Không (Tên tiếng Nhật của Tôn Ngộ Không chính là Son Goku), Bulma giống Tam Tạng, không có võ công và thường phụ thuộc vào Goku. Một nhân vật khác cũng được cho khá giống Tam Tạng là Krillin. Oolong ham ăn, lười biếng và nhát như cầy sấy, lấy cảm hứng từ Trư Bát Giới. Cuối cùng là Yamcha tương đồng với Sa Tăng ở chỗ… mờ nhạt, ban đầu là cướp sau được nhóm bạn thu phục, tuy nhiên gần như chẳng có vai trò gì quan trọng trongn nhóm. 

Một số tình tiết trong Dragon Ball cũng khá giống Tây Du Ký như Ox King (bố vợ Goku) sống tại một ngọn núi trông giống Hỏa Diệm Sơn, có cặp sừng giống Ngưu Ma Vương; tập truyện đầu tiên của Dragon Ball được đặt tên là Monkey King – Vua Khỉ; truyện là hành trình đi tìm ngọc rồng...

Dù vậy, Dragon Ball cũng chỉ có một số chi tiết được tác giả lấy cảm hứng từ Tây Du Ký, chứ thực tế thì bộ truyện đi theo hướng hoàn toàn khác, chẳng liên quan gì đến chuyện thỉnh kinh cả.

2. Đại Thoại Tây Du (1994-1995)

Đây là bộ Tây Du Ký gồm 2 phim đến từ “Vua hài” Châu Tinh Trì với nhiều tình tiết hài hước tạo tiếng cười cho khán giả. Trong phim, Châu Tinh Trì vào vai Chí Tôn Bảo, là hậu thân của Tôn Ngộ Không, một lần tình cờ xuyên không về quá khứ. Anh phát hiện ra năm xưa mình là Vua Khỉ, nhưng vì bội nghĩa thầy trò với Đường Tăng mà bị Quan Âm trừng phạt, kẹt trong hình hài con người 500 năm sau.

Đây là phim của Châu Tinh Trì nên chuyện ông mạnh tay cải biên đương nhiên cũng không có gì lạ. Dù vậy, phim vẫn tạo ra nhiều phản ứng trái chiều đến từ những fan hâm mộ tiểu thuyết gốc. Bất chấp các luồng ý kiến đó, phim vẫn nhận được nhiều lời khen và được xếp thứ 19 trong danh sách 100 phim Hoa ngữ hay nhất lịch sử, riêng Châu Tinh Trì giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của Hiệp hội Phê bình điện ảnh Hồng Kông.

Năm 2013, Châu Tinh Trì tiếp tục khai thác Tây Du Ký và cho ra phiên bản Mối Tình Ngoại Truyện, kể về câu chuyện tình yêu giữa thợ săn yêu quái Huyền Trang và một nữ pháp sư. Dù bị chỉ trích là hài nhảm và phản cảm, nhưng phim vẫn đạt được thành công rất lớn về mặt thương mại.

Năm 2017, phần nối tiếp được Từ Khắc đạo diễn, Châu Tinh Trì viết kịch bản và sản xuất, do Ngô Diệc Phàm và Lâm Canh Tân chia nhau thủ vai Đường Tăng và Tôn Ngô Không.

3. Tây Du Ký của đài TVB năm 1996

Đây là phiên bản Tây Du Ký đầu tiên của đài TVB sản xuất, giao cho Lưu Sĩ Du làm đạo diễn. Trong phim Trương Vệ Kiện vào vai Tôn Ngộ Không và nhiều người cho rằng nhờ phim mà anh đổi đời do tỷ suất xem khi phát sóng khá cao, vừa giúp đài TVB lấy lại được lượng khán giả đã mất, vừa giúp anh được nhắc đến nhiều hơn sau khoảng thời gian dài bị lãng quên.

Thế nhưng, sau khi hiểu được anh đã phải hi sinh nhiều thế nào cho vai diễn, họ đã có cái nhìn khác và cho rằng nếu phim không thành công thì thật là mất mát lớn đối với Trương Vệ Kiện.

Phim cải biên khá nhiều so với tiểu thuyết do được làm theo gu phim của khán giả Hồng Kông, chọn một số chương hay và những nhân vật thú vị trong nguyên tác để đưa lên màn ảnh, lồng thêm một số chi tiết cảm động và vui nhộn để khiến bộ phim hấp dẫn hơn. Tạo hình của nhân vật cũng khá dễ thương, phù hợp và không đáng sợ như nhiều phiên bản hiện đại khác.

Phim còn có sự tham gia của Giang Hoa trong vai Tam Tạng, Lê Diệu Tường vai Trư Bát Giới, Mạch Trường Thanh vai Sa Tăng, cùng nhiều diễn viên khách mời nổi tiếng. Khi Trương Vệ Kiện đề nghị tăng cát sê cho phần 2, TVB đã đổi vai Tôn Ngộ Không có một diễn viên mới toanh là Trần Hạo Dân. Trương Vệ Kiện xin TVB giao cho mình vai diễn này mà không cần thù lao, nhưng tất cả đã quá muộn. Về sau, Vệ Kiện rời đài, sang Trung Quốc diễn hài và lần nữa sắm vai Ngộ Không trong một phiên bản khác.

4. Hoa Du Ký

Hoa Du Ký là phiên bản Tây Du Ký hiện đại gây tranh cãi đến từ Hàn Quốc. Nếu phiên bản của TVB làm theo gu khán giả Hồng Kông thì Hoa Du Ký làm theo gu khán giả Hàn, với chuyện tình cảm lãng mạn và drama được khai thác triệt để.

Tam Tạng được "chuyển giới" thành nhân vật nữ tên Jin Sun Mi do Oh Yeon Seo thủ vai. Trong phim cô yêu Son Oh Gong - Tôn Ngộ Không do Lee Seung Gi đảm nhiệm. Các nhân vật khác bao gồm Cha Seung Won vai Woo Hwi Chul - Ngưu Ma Vương; Trư Bát Giới thay vì là một nhân vật to béo thì cuối cùng được "phẫu thuật thẩm mỹ" thành P.K, một yêu quái giả dạng ca sĩ chuyên hút sinh lực đến từ sự cuồng nhiệt của khán giả, do chàng Lee Hong Ki điển trai của ban nhạc nổi tiếng FT Island thủ vai; Sa Tăng thì bị biến thành ông chú Yoon Dae Sik do Jang Gwang đóng.

Phim còn thêm nhiều nhân vật thú vị khác như zombie, tiên nữ, gangster… Đường Tam Tạng thay vì đi thỉnh kinh thì lãnh sứ mạng giải cứu thế giới, tiêu diệt yêu ma. Chiếc vòng kim cô đeo trên đầu được đổi sang đeo ở tay, khiến Tôn Ngộ Không yêu Tam Tạng đến điên cuồng. Dù được thay đổi nhiều nhưng có một chi tiết trong phim không mấy khác lạ, đó là sự… vô dụng của nhân vật Huyền Trang.

Phim nhận nhiều chỉ trích đến từ fan của nguyên tác và gặp phải vận đen vướng lùm xùm hậu trường khi chỉ mới có 1-2 tập phim được công chiếu. Nhưng đến nay thì Hoa Du Ký đã đi đến tập 10 và càng lúc càng nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả do những tình tiết dễ thương và mới lạ đúng “chuẩn Hàn”.

5. Saiyuki

Thêm một tựa manga/anime nữa dựa trên nguyên tác của Ngô Thừa Ân, do tác giả Minekura Kazuya xây dựng và minh họa. Cũng tương tự như Dragon Ball, Saiyuki mặc dù là tác phẩm phóng tác, nhưng ngoại trừ một số tên nhân vật và địa danh thì còn lại hoàn toàn không giống tiểu thuyết Tây Du Ký.

Saiyuki lấy bối cảnh Trái Đất nơi con người và yêu quái có thể chung sống hòa bình, nhưng rồi một ngày, sự cân bằng ấy bị phá vỡ, yêu quái quay trở về bản tính cũ, bắt đầu tàn sát nhân loại. Genjo Sanzo – Huyền Trang Tam Tạng, một vị cao tăng đắc đạo lãnh sứ mạng đi đến Tenjiku (từ cổ của người Nhật để chỉ Ấn Độ, ám chỉ Tây Du Ký). Đi cùng Sanzo có Son Goku – Tôn Ngộ Không, Cho Hakkai – Trư Bát Giới và Sha Gojyo – Sa Ngộ Tịnh.

Sanzo mặc dù được lấy hình tượng từ Tam Tạng nhưng chẳng có vẻ gì giống Tam Tạng cả bởi nhân vật này rất lạnh lùng và tàn nhẫn, hút thuốc, uống rượu và chửi thề thì như cơm bữa, các nhân vật còn lại cũng đều khác hẳn so với nguyên tác, với quá khứ đau khổ và tính cách tưởng như chẳng thế nào hòa hợp được. 4 người có số phận khác nhau nhưng đi chung một con đường, cùng hợp lực ngăn cản sự hồi sinh của Gyuu Maou – Ngưu Ma Vương, sự kiện sẽ mang nhân loại đi đến diệt vong.

Đây là một shounen rất hấp dẫn dù bạn có là fan hay không phải fan của Tây Du Ký.

6. Tây Du Ký 3: Nữ Nhi Quốc

Tây Du Ký 3: Nữ Nhi Quốc là phần tiếp theo của series phim Tây Du Ký bản mới của Trung Quốc (Phần 1 là Tây Du Ký: Đại Náo Thiên Cung, phần 2 là Tây Du Ký: Tôn Ngộ Không Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh). Tiếp nối câu chuyện của phần 2, thầy trò Đường Tăng đi qua Vong Xuyên Hà, nhưng vô tình chọc giận Hà Thần mà lạc vào Tây Lương Nữ Quốc, nơi chưa từng có bóng một nam nhân nào đi qua. Dân Tây Lương cũng khá giống dân… Amazon khi luôn xem đàn ông như kẻ thù. Có một lời tiên đoán được truyền lại ở Tây Lương rằng ngày mà một vị hòa thượng dẫn theo một con khỉ, một con heo và một người đàn ông đến đây, Tây Lương Nữ Quốc sẽ đi vào diệt vong.

Nữ diễn vên xinh đẹp Triệu Lệ Dĩnh (Hoa Thiên Cốt, Tru Tiên, Sở Kiều Truyện) sẽ vào vai Quốc vương của xứ Tây Lương, người đã đem lòng yêu Đường Tam Tạng (Phùng Thiệu Phong) ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng cuối cùng đành nhìn người mình yêu đi theo nghiệp lớn. Vai Trư Bát Giới sẽ do Thẩm Tiểu Dương đảm nhiệm, và nhân vật Sa Tăng sẽ thuộc về La Trọng Khiêm.

Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc khai thác đề tài tình yêu và được công chiếu đúng 13 giờ 14 phút vào ngày Lễ Tình Nhân với con số 1314 ngụ ý một đời một kiếp trong phát âm của tiếng Trung. Đây cũng là bộ phim có kinh phí khủng 550 triệu NDT, hứa hẹn những cảnh quay đẹp mắt và câu chuyện tình lãng mạn nhưng ngang trái.

Phim sẽ ra mắt khán giả Việt vào ngày 16.02.2018 tức Mồng 1 Tết Nguyên Đán.