Ngày Đen Tối - Hay nhưng vẫn thiếu

Tin điện ảnh · PhucDu ·

Cũng có thể xem là một tác hại khi mà có quá nhiều người Anh trong phim chăng? Vì họ vốn rất nghiêm túc, lịch sự, chỉ thích tự chỉ trích bản thân chứ không mỉa mai người khác?

Trong một ngày Sài Gòn mưa giật cục từ sáng, máy lạnh công ty cộng hưởng với không khí u ám ngoài trời nên lạnh hơn mọi ngày, quãng đường từ công ty đến rạp phim cũng sũng nước mưa chiều. Rõ ràng, hành trình đến với Bastille Day – Ngày Đen Tối của người viết cũng gian nan và khắc nghiệt như chuyện phim: một gã người Mỹ điển trai hành nghề móc túi chuyên nghiệp ở Paris vô tình thó được túi xách của một cô gái mà không biết trong đó có một quả bom. Sau khi bom nổ, hắn trở thành tội phạm truy nã vì bị cho rằng có liên quan đến âm mưu khủng bố Paris trước ngày Quốc Khánh sắp tới. Một gã người Mỹ khác là đặc vụ của CIA được giao xử lý vụ đánh bom thông qua việc truy tìm gã nghi phạm kia. Vì thế này rồi thế kia, hai gã người Mỹ phải cùng nhau ngăn chặn vụ khủng bố trên đất Pháp.

Bastille Day có một kịch bản không quá xuất sắc nhưng cách triển khai và xử lý tình huống rất tốt. Từ cách giới thiệu nhân vật đến cách đặt vấn đề đều có những điểm rất thú vị. Chẳng hạn như hai nhân vật có tính cách hoàn toàn khác nhau lại được giới thiệu theo hai kiểu hoàn toàn trái ngược: một chuỗi các hành động để giới thiệu khả năng của một gã "have a plan" và một tràng đối thoại để phác họa một tay đặc vụ hành động nhiều hơn nói. Cách đạo diễn để các nhân vật gặp nhau cũng được sắp đặt hợp lý và có tính toán đến nhịp điệu lẫn tính cách nhân vật.

Câu chuyện sau đó cũng được phát triển với nhiều cao trào và bất ngờ. Những đoạn hành động rất thật và đã mắt, thế mạnh về đánh đấm của Idris Elba cũng như sự tinh ranh trong diễn xuất của Richard Madden được khai thác khá tốt, sự chemistry của họ qua những cuộc đối thoại tranh thủ trong quá trình đuổi theo tội phạm cũng rất thú vị, khiến phim có cái chất hài rất là đặc thù của người Anh - không quá nghiêm túc và luôn luôn bình tĩnh - vì đạo diễn lẫn hai diễn viên chính đều là người Anh.

Có khá nhiều điểm tốt là thế nhưng Bastille Day vẫn thiêu thiếu một thứ gì đó khiến khán giả sau khi xem phim sẽ không có cảm giác thỏa mãn mà chỉ gật gù như rất nhiều phim hành động hạng B mà hồi đó hay thuê về nhà xem. Sau khi tỉnh táo và phân tích lại thì thấy rằng, cái thiếu sót ở Bastille Day chính là phần chìm của câu chuyện. Bastille Day là cách gọi trong tiếng Anh của ngày Quốc Khánh nước Pháp (14 tháng 7), lấy cột mốc từ một sự kiện quan trọng ở Paris là cuộc khởi nghĩa đẫm máu vào năm 1789. Chuyện phim của Bastile Day cũng xoay quanh vấn đề về khởi nghĩa là bạo loạn, khi một lần nữa lịch sử lặp lại trong sự hỗn loạn của rất nhiều phe phái trước ngày Quốc Khánh. Chủ đề hay ho, cách triển khai hấp dẫn nhưng rốt cuộc lại thiếu hẳn những châm biếm hay giễu nhại về thời cuộc và con người từ chính vấn đề này, làm cho phim thiếu một chiều sâu cần thiết để khán giả cảm thấy thấm thía. Cái này cũng có thể xem là một tác hại khi mà có quá nhiều người Anh trong phim chăng? Vì họ vốn rất nghiêm túc, lịch sự, chỉ thích tự chỉ trích bản thân chứ không mỉa mai người khác? Vâng, là những người Anh trong vai người Mỹ nhưng lại hoạt động ở nước Pháp, nên chúng ta đã phải tặc lưỡi hối tiếc cho câu chuyện nhanh và mạnh nhưng lại thiếu chiều sâu này. Thêm một điều lạ lùng nữa là hầu như những phim có diễn viên người Anh phải đóng vai người Mỹ thì đều chẳng có ý nghĩa khi họ phải đóng vai người Mỹ. Ví dụ như trong Bastille Day, nhân vật Briar là một điệp viên CIA, người Mỹ nhưng vì lý do gì đó lại xuất hiện ở Pháp, chẳng liên quan gì đến Mỹ và nếu là một cơ quan điều tra khác thì cũng chẳng có vấn đề gì.

Tựu trung thì Bastille Day là một phim coi được, mãn nhãn, giải trí tốt. Nhưng rồi cũng sẽ quên nhanh như nước chảy trên sông Seine.

Nguồn: Nic