Nguy hiểm quá! Xem xong 10 phim này hết muốn đám cưới!

Góc Nghệ Thuật · EmmyVuong ·

Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã đẩy người xem đến giới hạn cực độ và giúp họ thấy được mặt trái của hôn nhân.

Abraham Lincoln từng nói rằng: “Hôn nhân không phải thiên đường hay địa ngục mà đơn giản là nơi chúng ta chuộc tội”. Lincoln không sống được đến thời kì khai sinh của điện ảnh nhưng câu nói của ông đã được thể hiện rõ ràng qua 10 bộ phim trong danh sách sau đây. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã đẩy người xem đến giới hạn cực độ và giúp họ thấy được mặt trái của hôn nhân.

1. Blue Valentine

Câu chuyện về cuộc tình giữa Dean và Cindy vào dịp Blue Valentine mang đậm phong cách làm phim dữ dội của cố đạo diễn John Cassavetes. Bộ phim là thử thách cho một mối quan hệ bị tổn thương. Nó đan xen giữa quá khứ và hiện tại, đặt cảm xúc ngất ngây lãng mạn mới mẻ bên cạnh những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân.

Đạo diễn chính Derek Cianfrance và đạo diễn hình ảnh Andrij Parekh đã nhấn mạnh sự thay đổi trong mối quan hệ thông qua cách quay phim. Quá khứ được tái hiện bằng ống kính 50mm đối với phim 16mm. Hình ảnh từ ống kính 50mm mang lại cho phép nắm bắt đôi mắt nhìn cuộc sống ở cự ly gần nhất, từ đó gợi lên những khoảnh khắc bốc đồng trong tình yêu của Dean và Cindy.

Bằng cách quay hình ảnh 16mm, cảnh phim gợi cảm giác xưa cũ và hoài niệm. Họ xinh đẹp, chân thành nhưng không thể chạm đến nhau. Cảnh ở hiện tại được quay dưới định dạng kĩ thuật số, sử dụng ống kính zoom dài. Độ rõ nét đến cứng nhắc của kỹ thuật số không thể hiện những đam mê bên trong như ở quá khứ và máy quay zoom đã cô lập Dean và Cindy trong thế giới tuyệt vọng, đau đớn tột cùng của riêng họ. Hiện tại sẽ chẳng bao giờ tươi đẹp bằng quá khứ.

Diễn xuất của Ryan Gosling và Michelle Williams cho thấy quá trình tiếp theo của một cặp đôi yêu nhau là suy nghĩ quá nhiều và ích kỉ. Chúng ta cảm thấy dằn vặt cùng nhân vật khi họ nảy sinh vấn đề, la hét và nghi ngờ lẫn nhau. Nhưng điều đau buồn nhất trong sự đổ vỡ này là làm thế nào con gái của họ, Frankie trưởng thành. Cuối phim, cô bé chạy theo sau mẹ, khóc mà nói rằng: “Con yêu ba” khi Dean tàn tạ chìm dần vào màn sương.

2. Eyes Wide Shut

Stanley Kubrick ra mắt bản cắt hoàn chỉnh của Eyes Wide Shut cho hãng Warner Brothers vào ngày 1/3/1999. Ông qua đời ngày 7/3. Gia đình Kubrick nói rằng ông rất tự hào về bộ phim và dường như xem nó là “đóng góp vĩ đại nhất cho nghệ thuật điện ảnh” của ông. Câu chuyện xoay quanh cặp đôi trưởng giả ở New York: chồng là một bác sĩ và vợ là nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật (do Tom Cruise và Nicole Kidman thủ vai). Alice nói với Bill rằng cô từng một lần suýt chút phản bội chồng khiến anh bị đẩy vào cuộc phiêu lưu tình dục méo mó.

Bộ phim thể hiện nỗi sợ và sự ham muốn, trùng hợp (hoặc có lẽ là không) với tựa đề phim đầu tay của Kubrick (Fear and Desire). Alice và Bill sợ hãi lòng ham muốn tình dục của họ cũng như cách mà họ nhìn nhau khi những ham muốn ấy bị tiết lộ dẫn đến những cư xử không lý trí. Kubrick không phơi bày hôn nhân dưới cái nhìn trần trụi như là Blue Valentine. Phim của ông kì quái và huyền ảo qua hành trình tự khám phá của Bill.

Bộ phim khắc họa hôn nhân như cuộc xung đột của những cái tôi. Khi cả hai cái tôi đều được tôn trọng, mọi thứ sẽ ổn. Nhưng ngay khi một trong hai cái tôi bị tổn thương, hôn nhân sẽ rơi vào nguy hiểm. Tên nhân vật có lẽ cũng mang ý nghĩa nào đó. Alice gợi nhớ đến câu chuyện Alice in Wonderland, Bill có nghĩa là tiền, nhạc sĩ Nightingale… mật khẩu hắn đưa cho Bill là Fidelio, tựa vở opera duy nhất của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Vở opera kể về người phụ nữ cải trang thành đàn ông để tìm cách cứu người chồng bị giam cầm.

Đầu phim, hai người phụ nữ cố gắng quyến rũ Bill và khi được hỏi họ sẽ đưa anh đi đâu, một trong hai đã trả lời “Nơi cầu vồng kết thúc”. Tiệm quần áo Bill mua trang phục cho bữa tiệc tình dục có tên Cầu vồng, vẽ hình cầu vồng trên bảng hiệu, và thậm chí viết “Dưới cầu vồng”. Kubrick nhấn mạnh chi tiết này ở đây không phải để hàm ý điều gì.

Điều thú vị là Bill lấy được số liên lạc của bảy người phụ nữ suốt đêm, tương ứng với bảy màu trên cầu vồng. Sự thừa thãi của chủ nghĩa tượng trưng cần giải mã trong bộ phim có lẽ luôn gây tranh cãi trong nền điện ảnh. Không có cảm nhận nào về bộ phim được cho là thực sự “đúng”, ngoại trừ việc bộ phim thể hiện mặt trái của hôn nhân.

3. Before Midnight

Celine (Julie Delpy) và Jesse (Ethan Hawke) gặp nhau trên tàu đến Vienna 20 năm trước trong Before Sunrise. Mười năm sau, họ gặp nhau tại Paris trong Before Sunset. Và gần đây trong phần cuối cùng của trilogy Before của Richard Linklater, Celine và Jesse lấy nhau có hai bé gái song sinh và cùng tận hưởng kì nghỉ gia đình ở Hy Lạp. Phần đầu tiên nói về mối quan hệ ngẫu nhiên giữa hai tâm hồn và làm thế nào những khoảnh khắc thoáng qua có thể trở nên khắc cốt ghi tâm. Trong phần hai, hai nhân vật đã trưởng thành hơn và thẳng thắn kể về những bất mãn trong công việc cũng như cuộc sống riêng. Đó là những khoảng trầm tư đau đớn của tuổi trưởng thành.

Before Midnight là góc nhìn về cách vượt qua những thất vọng trong cuộc sống và tiếp tục thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ. Điều đó vật lộn với những phức tạp trong việc duy trì tình yêu với đối phương. Linklater và dàn diễn viên đã phác họa cuộc sống hôn nhân thực tế nhất có thể và thông qua những đoạn đối thoại giữa các nhân vật, chúng ta nhìn lại bản thân và tự hỏi hôn nhân sẽ ra sao khi tình yêu đã phai nhạt?

4. Contempt

Jean-Luc Godard luôn bị ám ảnh bởi những mối quan hệ nam nữ. Nhiều người xem Contempt là đỉnh cao ông khám phá về đề tài này. Trong phim, Paul được nhà sản xuất Hollywood (do Jack Palance thủ vai) thuê về để làm mới kịch bản chuyển thể từ tác phẩm The Odyssey chỉ đạo bởi Fritz Lang (do chính anh thủ vai).

Suốt quá trình đó, hôn nhân của Paul và vợ anh Camille rạn nứt và cô trở nên khinh bỉ anh. Với ngân sách lớn hơn nhiều so với trước đó, Contempt là bộ phim thứ hai của Godard được quay màu và kĩ thuật Cinemascope. Kết hợp với khung cảnh xinh đẹp nhìn từ ngôi nhà Casa Malaparte trên hòn đảo Capri, vẻ đẹp mê hồn của bộ phim chỉ làm tăng thêm nỗi đau của cuộc hôn nhân ngày càng tồi tệ.

Trên nền nhạc sôi nổi của Georges Delerue, điểm đặc sắc của bộ phim là phân đoạn dài 30 phút trong căn hộ, nơi Paul và Camille cãi nhau vì mọi thứ hoặc thậm chí không vì lí do gì cả. Họ gần như luôn xuất hiện cùng nhau trên khung hình nhưng bị chia cách về hai phía bởi một điều gì đó.

Cách mà khung hình phim Cinemascope chia tách họ về mặt thị giác đại diện cho chướng ngại vật giữa hai người. Không rõ tại sao Camille lại đột ngột ghê tởm ông chồng của mình. Paul nói: “Hôm qua em vẫn còn yêu anh” nhưng Camille hiểu rằng: “Giờ nó kết thúc rồi” Cả hai đều biết có lí do gì đó nhưng họ không rõ đó là lí do gì. Đỉnh điểm là câu nói của Camille: “Em không còn gì ngoài khinh bỉ anh”

Câu hỏi mà Contempt đặt ra là những cảm xúc ấy đến từ đâu và tại sao hôm nay hôn nhân vẫn ổn nhưng đến ngày mai, nó đã chấm hết. Trong một bộ phim tài liệu gần đây, Godard chia sẻ khi làm bộ phim này, ông đã nói với bản thân: “Tôi không biết sự khinh bỉ này là gì” và 50 năm sau, ông cũng không biết.

Một vài nhà phê bình cho rằng bộ phim là lăng kính phản ánh hôn nhân của chính Godard vào thời gian đó, cuộc hôn nhân trên bờ tan vỡ. Karina và Godard ly hôn hai năm sau khi bộ phim phát hành. Godard cũng tham khảo sử thi The Odyssey làm khuôn mẫu cho hôn nhân. The Odyssey thực chất là câu chuyện về sự khinh bỉ của người phụ nữ đối với người chồng vắng mặt của cô. Trong phim, Paul là Ulysses còn Camille là Penelope.

Trong cuộc sống thực, Godard nói rằng ông là Ulysses và vợ ông Anna Karina là Penelope. Sự tương đồng với những nhân vật thần thoại nghe có vẻ mỉa mai vì họ là con người bằng xương thịt, bị khống chế bởi cảm xúc. Có lẽ tất cả đã được báo trước từ ngay cảnh đầy tiên, khi Paul nói với Camille rằng anh yêu cô: “hết lòng, dịu dàng và đầy bi kịch” Vâng từ cuối cùng là chìa khóa cho tất cả.

5. Gone Girl

Amy từng nói: “Hôn nhân là công việc khó khăn”. Gone Girl được xem là bộ phim thể loại bí ẩn nhưng thật chất nó là tác phẩm châm biếm hôn nhân. Bộ phim đem đến thông điệp hôn nhân không thể tiếp tục vì trách nhiệm hay kì vọng. Qua đoạn độc thoại giữa phim, Amy (Rosamund Pike) tiết lộ tại sao cô quyết định gán tội mưu sát cho ông chồng của mình.

Đối với Nick (Ben Affleck), Amy sẵn sàng đóng vai “Cool girl”. Theo cô, đó là lời khen súc tích mà người đàn ông có thể thốt lên. “Cool girl nóng bỏng. Cool girl bản lĩnh. Cool girl hài hước. Cool girl không bao giờ nổi giận với người đàn ông của cô ta”. Khi Amy giả tạo, họ hạnh phúc. Cô “rèn luyện người đàn ông trong mơ. Chúng ta hạnh phúc khi giả vờ thành một người khác”.

Đối với Amy, hôn nhân là vở kịch. Ngay khi vở kịch kết thúc, hoặc trở nên nhàm chán, hôn nhân trở nên quá sức chịu đựng và Nick phải “chịu mọi hậu quả”. Nick chỉ có thể ngăn Amy hoàn thành kế hoạch trả thù bằng cách tiếp tục giả vờ, trở thành người đàn ông lý tưởng cô ta mong muốn. Cuối phim, Nick hét vào mặt Amy rằng: “Tất cả những gì chúng ta làm là bực bội nhau, cố gắng kiểm soát nhau. Chúng ta tổn thương lẫn nhau” Và câu trả lời của cô là “Đó chính là hôn nhân đấy”

6. Scenes From A Marriage

Tựa đề Scenes From A Marriage đã nói lên tất cả: bộ phim là chuỗi những cảnh trong hôn nhân, nói chính xác là cuộc hôn nhân giữa Marianne và Johan. Marianne là luật sư chuyên về những vụ ly hôn và Johan là giáo sư. Được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của Ingmar Bergman, Scenes From A Marriage ban đầu được chiếu trên truyền hình Thụy Điển. Tuy nhiên, cũng như Berlin Alexanderplatz của Rainer Werner Fassbinder, Dekalog của Krzysztof Kieślowski và Twin Peaks của David Lynch, bộ phim được biết đến là phim dài tập.

Ngay từ đầu, chúng ta chứng kiến những thăng trầm trong tình cảm giữa Marianne và Johan và bất cứ giây phút nào họ có thể đối đầu nhau, ly hôn là điều mà bất kì ai khác cũng lựa chọn. Thực tế là vậy. Dưới góc độ của người xem, bạn trở nên tuyệt vọng thay cho họ. Khi người chồng tuyên bố tình yêu dành cho người đàn bà khác, phản ứng của Marianne là chấp nhận.

Thú vị thay, hôn nhân của họ kết thúc từ sớm trong phim nhưng tựa đề ám chỉ phần sau khi những nhân vật đã đến tuổi trung niên, gặp nhau, hòa giải và vẫn là một phần trong hôn nhân của họ. Có lẽ đó là quan điểm tinh thần của Bergman. Khi bạn đã yêu ai đó, họ sẽ luôn là một phần của bạn và hôn nhân là vĩnh viễn. Hai mươi năm sau gặp lại, Marianne và Johan có thể trở lại với nhau, mặc cho những tổn thương trong quá khứ, cảm xúc, cái tôi và sự ích kỉ.

7. La Notte

Sau thành công vang dội của L’avventura, Michelangelo Antonioni tiếp tục chuỗi chiến thắng trong sự nghiệp với câu chuyện về sự ham muốn. Cũng giống như Eyes Wide Shut lấy bối cảnh suốt đêm, La Notte (nghĩa là màn đêm) theo chân Giovanni và Lidia (do hai diễn viên lừng danh Marcello Mastroianni và Jeanne Moreau thủ vai), một nhà văn và vợ của ông khi người chồng phải đương đầu với những cám dỗ có thể dẫn đến sự phản bội.

Phong cách say đắm trong gam màu đen-trắng ảm đạm và khung hình phóng hết cỡ để chụp lấy những cảm xúc, tâm trạng là những gì bộ phim mang lại. Với nhịp phim chậm rãi, thong thả, Antonioni đã nhấn chìm chúng ta vào hành trình khó nắm bắt của những suy nghĩ không chung thủy và sự vỡ mộng trong tình dục.

8. Force Majeure

Kẻ kích động chính trị người Thụy Điển, Ruben Ostlund, luôn thành công trong việc kín đáo vạch trần hành vi của con người qua những tác phẩm điện ảnh. Nhiều cảnh trong phim của vị đạo diễn được rút ra từ viral video (video có khả năng lan truyền). Force Majeure của Ostlund, tác phẩm chiến thắng hạng mục Un Certain Regard tại LHP Cannes năm 2014, đề cập đến vai trò của nam nữ trong hôn nhân, có chút giống Gone Girl (nhưng không có yếu tố tội ác bí ẩn).

Ostlund đã tái dựng một gia đình hạt nhân. Tomas, Ebba và hai đứa con của họ đang tận hưởng kì nghỉ tại dãy Alps, và khi Tomas bỏ chạy để bảo vệ bản thân hơn là gia đình trong trận lở tuyết, căng thẳng hôn nhân nảy sinh.

Những cảnh quay tĩnh dài khiến bộ phim khó chịu và hài hước một cách đen tối khi Ebba chất vấn tất cả những gì cô từng nghĩ về chồng mình còn Tomas điên cuồng và thất bại trong việc bảo vệ bản thân và cố gắng chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình. Sự thờ ơ trơ trẽn khiến những nhân vật cảm thấy như những con kiến bị mắc kẹt dưới lớp kính hiển vi của ống quay. Toàn bộ câu chuyện được kiểm soát tốt và đây được xem là tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp làm phim của Ostlund.

9. In the Mood for Love

Với In the Mood for Love (Tâm Trạng Khi Yêu), Trương Gia Vệ đã quay về chủ đề mất mát trong tình yêu, thời gian trôi đi và sự khát khao về mối quan hệ giữa người và người. Tác phẩm đã chạm vào mọi ngóc ngách của thể loại này một cách chắc chắn và mộc mạc. Bộ phim được ca ngợi là tác phẩm tuyệt vời nhất của vị đạo diễn và là bộ phim hay thứ hai của thế kỉ 21 trong cuộc thăm dò của BBC, chỉ sau Mullholland Drive của đạo diễn David Lynch.

Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc vào vai một người đàn ông và một người phụ nữ nghi ngờ nửa kia của họ đang vụng trộm với nhau. Từ đó, hai người cũng bắt đầu phát triển những tình cảm lãng mạn dành cho đối phương, nhưng nhất trí không tiến đến vì họ không muốn tồi tệ như nửa kia của mình.

Phim nói về mối quan hệ giữa hai người không thể chính thức bắt đầu vì mối tình này xảy ra sai thời điểm và sai chỗ. Họ mang tâm trạng khi yêu nhưng không thể làm gì với tình yêu đó. Đối với họ, hôn nhân như rào cản. Nó là bản hợp đồng ràng buộc không thể phá vỡ về mặt đạo đức, dẫu cho nửa kia của họ đã phản bội từ lâu. Cuối phim, mọi thứ có thể kết thúc với nhân vật của Lương Triều Vỹ khi anh leo lên núi và thì thầm bí mật của mình vào khoảng trống.

10. Amour

Amour có lẽ là tác phẩm mạnh mẽ nhất mà Michael Haneke, nhà sản xuất của Funny Games, The Piano Teacher, CachéThe White Ribbon, từng thực hiện cho đến tận bây giờ. Bộ phim khác so với những cái tên trong danh sách này ở chỗ nó khiến chúng ta cảm thấy tuyệt vọng về hôn nhân không phải vì những mặt trái do hôn nhân mang lại mà phim thể hiện tình yêu bất diệt được thử thách trong cuộc sống của cặp đôi lớn tuổi.

Vẫn là sự cằn cỗi đặc trưng trong phong cách làm phim của Haneke, nhưng ở bộ phim này, đạo diễn đã thể hiện cái nhìn trắc ẩn hơn so với trước đây. Jean-Louis Trintignant và Emmenuelle Riva vào vai Georges và Anne. Isabelle Huppert vào vai con gái của họ, Eva. Anne bị đột quỵ và cả hai khăng khăng không tìm cách chữa trị, thay vào đó là dựa vào tình yêu và sự chăm sóc của Goerges dành cho vợ. Điều đau lòng của Amour là chúng ta phải chứng kiến thậm chí khi một cặp đôi có thể duy trì hôn nhân vài thập kỉ, nhưng đến cuối cùng, nó cũng không đáng là gì khi họ phải đối mặt với nỗi sợ tuổi già và kết thúc là cái chết. Đó là sự thật tàn nhẫn nhưng chúng ta phải chấp nhận.

Nguồn: Taste of Cinema