[Oscar Rewind] The Hurt Locker – Nỗi ác mộng mang tên những trái bom
Đánh giá phim · MaxD ·
“Chiến tranh là một cơn nghiện”
Sau sự kiện ngày 11-9 gây chấn động, cuộc chíến tranh Iraq kéo dài 8 năm và sự lên ngôi của chủ nghĩa khủng bố đã trở thành đề tài bất tận cho môn Nghệ thuật thứ 7. Tính chất ác liệt của nó và vô số những câu chuyện về các tấm gương anh hùng đã góp phần tạo nên 1 dòng phim chiến tranh kiểu mới song song với dòng phim thế chiến vốn có quá nhiều tác phẩm kinh điển.
The Hurt Locker có thể coi là 1 đại diện ưu tú cho dòng phim ấy với cách thể hiện chân thực và sâu sắc.
Năm 2009, The Hurt Locker gây tiếng vang lớn khi giành chiến thắng 6/9 hạng mục được đề cử Oscar lần thứ 82, trong đó có hạng mục phim hay nhất và đưa Kathryn Bigelow – cựu phu nhân của đạo diễn huyền thoại James Cameron – trở thành nữ đạo diễn đầu tiên trong lịch sử giành tượng vàng Oscar.
William James được điều về làm đội trưởng đội gỡ mìn, đại đội Bravo thuộc lực lượng Xếp gỡ chất nổ quân dụng (IOD) thay thế Matt Thompson vừa tử nạn trọng 1 nhiệm vụ trước đó. Cùng với JT Sanborn và Owen Eldridge, công việc hàng ngày của họ là nhận thông báo về các địa điểm nơi các viên đạn chưa nổ, các khối thuốc nổ tự chế của quân khủng bố hay những quả mìn trên khắp các đường phố Iraq để vô hiệu hoá chúng.
Nội dung chủ đạo của phim là miêu tả những khó khăn, nguy hiểm của những người lính làm công việc thoả hiệp với tử thần,đào sâu vào tâm lý của họ, những con người xa nhà, xa quê hương nhưng không biết liệu có được ngày về.
CHÂN THẬT – đó là những gì ngắn gọn nhất để nói về The Hurt Locker. Khi xem phim khán giả như được sống với những giây phút hồi hộp đến nghẹt thở khi Will và đồng đội của mình xử lý những quả bom nguy hiểm. Có những lúc tưởng chừng đã có thể thờ phào nhẹ nhõm thì phát hiện lại có 1 sợi dây dẫn nối đến những quả bom khác, hoặc có lúc đội của họ gặp phải 1 chiếc ô tô chứa đầy những quả đạn còn nguyên vẹn…. Những tình huống, chi tiết ấy được làm rất khéo léo và tự nhiên khiến người xem đi từ hồi hộp này đến hồi hộp khác.
The Hurt Locker có kịch bản với diễn biến xoay quanh tâm lý của các nhân vật chính. Bắt đầu từ lúc Will đến khi Sanborn và Owen chưa thực sự quên đi được người đồng đội cũ; với tính cách ngang tàn và vẻ bề ngoài bất cần, Will tỏ ra là kẻ khó ưa vô cùng đến mức có lúc Sanborn thoáng nảy ra ý định kích nổ 1 quả mìn để thổi bay kẻ đáng ghét kia thành nhiều mảnh. Rồi qua khó khăn tình cảm của những người lính nảy sinh và họ xích lại gần nhau hơn.
Xét tổng thể thì nội dung phim khá đơn giản, không chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa nhưng cũng không thiếu đi sự sâu sắc. Chúng ta dễ dàng thấy được nhiều thông điệp mà đạo diễn Kathryn Bigelow gửi gắm qua các tình tiết phim, như hình ảnh cậu bé Beckham bán đĩa DVD gần doanh trại, hồn nhiên với ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Rồi sau đó, Will và các đồng đội phát hiện ra cậu bé bị sát hại với cơ thể bị phanh ra và nhồi 1 khối thuốc nổ vào trong đó. Will đã rất ảm ảnh, cái chết ấy khiến anh như rơi vào khủng hoảng và trong phút chốc thiếu đi sự tỉnh táo. Nhưng rồi 1 sớm mai thức dậy, Will lại thấy dường như vẫn cậu bé ấy ôm trái bóng và xoè đống DVD chào bán. Thái độ của anh lúc này lại chẳng hề bận tâm nữa. “Có gì khác nhau giữa những đứa trẻ tại Iraq thời điểm ấy, số phận của chúng sẽ chẳng khác gì nhau. Trong chiến tranh, không ai đặc biệt cả…”.
Hay hình ảnh bước chân của Will khi quay trở lại chiến trường trên con đường dài vô định. Một đứa con trai kháu khỉnh, một người vợ xinh đẹp và mái ấm gia đình không khiến tâm trí anh ngừng thôi thúc anh quay về với mảnh đất Trung Đông sặc mùi màu và thuốc súng.
“Chiến tranh là một cơn nghiện”
Về phong cách quay phim, đạo diễn cho sử dụng những máy quay cầm tay là chủ yếu trong phần lớn thời lượng phim tạo cảm giác như 1 bộ phim tài liệu chiến tranh. Các góc máy rung lắc, các cú lia cận cảnh vào các nhân vật khiến chúng ta hồi hộp theo từng hành động của họ. Những khán giả yêu phong cách quay phim đậm chất nghệ thuật hay các góc máy theo tiêu chuẩn “vàng” kiểu The Girl with the Dragon Tatoo có thể sẽ đôi phần hụt hẫng khi thưởng thức phim. Nhưng ngẫm lại, trong bom đạn chiến tranh thì làm gì có vẻ đẹp hoàn mỹ.
Dàn diễn viên trong phim đã thể hiện tốt hình ảnh của những người lính trên chiến trường. Từng hành động, cử chỉ, tác phong của họ được biểu đạt hết sức thuần thục tạo cho người xem cảm giác đang được quan sát những người lính thực sự chứ không phải các diễn viên. Diễn suất tốt nhất có lẽ thuộc về Jeremy Renner, đây được xem là vai diễn “chào hàng” của anh với Hollywood và từ đó đến nay chúng ta có 1 nam diễn viên phim hành động hạng A chuyên trị những phim bom tấn. Jeremy Renner đã thể hiện một Will cá tính, bất cần với cái đầu lạnh nhưng sở hữu một trái tim nồng nhiệt và dễ giao động. Người viết đảm bảo rằng các bạn sẽ được thấy 1 trong những người lính ngầu nhất trên phim ảnh mà mình từng xem. Các vai diễn khác của Anthony Mackie và Brian Geraghty cũng được thể hiện khá tốt. Ngoài ra phim cũng khá chịu chơi khi mời diễn viên từng 2 lần được đề của Oscar Ralph Fiennes đóng 1 vai phụ trong chưa đầy 5 phút phim.
The Hurt Locker không phải 1 bộ phim hoàn hảo kể cả với những giải thưởng mà nó giành được. Thật vậy! Phim có cách kể chuyện tương đối hời hợt và thiếu điểm nhấn cần thiết. Một ít về nghiệp vụ xử lý bom mìn, một ít về tình đồng đội, một ít về nội tâm nhân vật. Thậm chí cả những tình tiết trung tâm về việc vô hiệu hoá bom mìn cũng được miêu tả khá đơn giản, chưa cho thấy được sự phức tạp của công việc này.Việc đưa vào phim nhân vật bác sỹ tâm lý chữa trị cho Owen nhìn sơ qua có thể là một tình tiết đắt giá để khiến cho phim có chiều sâu hơn nhưng do thể hiện chưa tới nên lại trở thành khá dư thừa.
Với kinh phí chỉ vỏn vẹn $11 triệu và nội dung về chiến tranh hiện đại, mặt nghe nhìn cũng là 1 thành công khác của The Hurt Locker khi phim rất biết chắt chiu những trường đoạn cháy nổ để khiến nó trở nên chân thực nhất có thể. Đạo cụ làm phim cũng được đầu tư tốt mang tính thực tế cao, nhất là những trái bom, những khối thuốc nổ luôn khiến ta có cảm giác rợn người khi nhân vật chính sờ vào nó. Âm thanh của phim rất xuất sắc; tiếng nổ, tiếng súng, âm thanh hỗn loạn trên chiến trường, tiếng sột soạt, mò mẫn khi xử lý bom mìn đã được mô tả giống thật hết sức có thể.
Tóm lại, tuy còn nhiều tranh cãi về nội dung trên phương diện 1 bộ phim độc lập với kinh phí eo hẹp, chiến thắng của The Hurt Locker tại Oscar lần thứ 82 là 1 chiến thắng toàn diện theo nhiều mặt. Bộ phim vinh danh những người hùng thầm lặng trên chiến trường và góp phần thay đổi tư duy của giải thưởng danh giá này khi không nhất thiết 1 bộ phim được đỡ đầu bằng 1 hãng phim khổng lồ với chiến dịch PR rầm rộ mới trở thành đối thủ đáng gờm. Dí dỏm hơn, đạo diễn Bigelow đã có 1 chiến thắng knock out trước người chồng cũ James Cameron ngay tại hạng mục chỉ đạo.
Kết bài đánh giá, có lẽ xin phép diễn giải 1 cách chủ quan của tình huống Will bất lực trong việc giải cứu người đàn ông Iraq mang chiếc áo bom trên người. Phải chăng đó chính là hình ảnh của nước Mĩ đang sa lầy trong cuộc chiến do họ tạo ra, Iraq với Mỹ đã chẳng thể cứu vãn thêm được nữa (Tất nhiên là tại thời điểm phim được chiếu, năm 2011 Mĩ đã rút đơn vị lính chính quy cuối cùng ra khỏi Iraq)
Thành tích tại Oscar 2010: 6 chiến thắng/9 đề cử
- Phim hay nhất – Chiến thắng
- Kịch bản gốc xuất sắc nhất: Mark Boal – Chiến thắng
- Đạo diễn xuất sắc nhất: Kathryn Bigelow – Chiến thắng
- Biên tập phim xuất sắc nhất – Chiến thắng
- Biên tập âm thanh xuất sắc nhất – Chiến thắng
- Hòa âm phối khí xuất sắc nhất – Chiến thắng
- Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Jeremy Renner
- Quay phim xuất sắc nhất
- Nhạc phim xuất sắc nhất