[PHÂN TÍCH] Hellbound (Netflix) - 3 Điểm chưa tốt khiến bộ phim nhận nhiều tranh cãi

TV Series · Đánh giá phim · anan681 ·

Kéo xuống để xem tiếp

Tiếp nối các series Hàn ra mắt định kỳ vào thứ Sáu trên Netflix trước đó như D.P., My Name, Squid Game, Hellbound là cái tên tiếp theo được đặt khá nhiều kỳ vọng để có thể trở thành một dự án tiềm năng của ông lớn Netflix ở thị trường châu Á. Vẫn như các trường hợp trước đó, series lần này của Hàn được đón nhận tích cực và gây nên không ít tranh cãi. Sau hai ngày phát hành, Hellbound đã chễm chệ ở vị trí top 1 của hơn 70 quốc gia trên thế giới và ghi nhận từ thống kê của hệ thống Netflix số giờ xem của phim đạt đến 43 triệu, vượt xa con số 38 triệu giờ xem của Arcane trước đó. Nhận được sự đón nhận tích cực như vậy, cho thấy tiềm năng của thị trường châu Á đang ngày càng được mở rộng và phát triển trên nền tảng streaming Netflix, so với các series US-UK. 

Nhưng bên cạnh, những con số thống kê chót vót và các ý kiến tích cực từ khán giả về series mới này của Hàn, Hellbound cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều từ một bộ phận đông đảo người xem. Vậy phải chăng nhu cầu thưởng thức của người xem ngày càng được nâng cao hay bộ phim đã bỏ sót những yếu tố đắt giá nào dẫn đến nhiều sự tranh cãi gay gắt này? Cá nhân người viết đánh giá Hellbound là một bộ phim có tổng thể ổn và khai thác đào sâu những ý tưởng mới lạ, nhưng nó không tuyệt đối hoàn toàn như vậy. Theo dõi kỹ mọi góc độ của 6 tập sẽ có những yếu tố khiến chúng ta có nhiều bức bối, thậm chí là mơ hồ về cách mình cảm nhận và hiểu những gì phim muốn truyền tải. 

Hellbound là bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh của tác giả kiêm đạo diễn của phim là Yeon Sang Ho, người đã gây tiếng vang với bộ phim điện ảnh Train To Busan (2016). Lấy đề tài về tôn giáo, Hellbound có cái nhìn trực diện cũng như lột tả sự trần trụi xoay quanh vấn đề này, chính vì điều đó đây vừa là thử thách của đạo diễn cũng như cơ hội để mở rộng cho nền công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc. Vậy những yếu tố nhập nhằng nào mà có thể bộ phim đã giải quyết chưa tốt, lại gây nên nhiều tranh cãi như thế? Bài viết không với mục đích phê phán nặng nề hoặc coi thường cả một bộ phim đã được đầu tư chỉn chu như thế, sau đây là những điểm Hellbound xây dựng chưa được tốt và nó rất cần khắc phục để có được mùa tiếp theo hứa hẹn hơn.

1. Hệ thống nhân vật dàn trải và không được đào sâu tâm lý 

''KPOP
''KPOP

Với hai tuyến thời gian khác nhau giữa 3 tập đầu và 3 tập cuối, dàn nhân vật của phim cũng được phân chia theo dòng thời gian khác nhau. Tức tuyến nhân vật của 3 tập đầu sẽ có một sự thay đổi lớn, họ không bất cứ hành động nào sau kết thúc của tập 3 nữa. Điều này có thể thấy rõ là ở 3 nhân vật, tạm gọi là những nhân vật chủ chốt tạo thắt nút ở 3 tập đầu là thanh tra Kyung Hoon (Yang Ik Joon) cùng đứa con gái Hee Jung (Lee Re) và kẻ lập nên giáo lý cho Hội Chân Lý mới Jin Su (Yoo Ah In). 

Khi Hellbound mở đầu đã tạo nên câu chuyện tiền đề rất tốt cho phe đại diện công lý chính là thanh tra, sau đó chính anh ta lại bị mắc kẹt giữa lằn ranh thiện ác khi phát hiện hành động của đứa con gái. Một thắt nút đáng lẽ cần được khai thác sâu và đẩy mạnh tuyến truyện cho cả hai bố con vào những tập sau, thế nhưng sau tập 3, bỗng dưng không một lời lý giải thỏa đáng, cả hai đều biến mất nhưng chưa từng đóng góp và xây dựng gì cho câu chuyện của Hellbound. Về phần diễn xuất, nam diễn viên Yoo Ah In có lẽ chính là người được kỳ vọng nhất, vì ngôi danh “ảnh đế” của mình, nhưng sự quay trở lại phim truyền hình này của anh lại hết sức chóng vánh và gây hụt hẫng cho khán giả. Không thể thú nhận sự ra đi “bất thình lình” của anh ở cuối tập 3 đã làm bộ phim kém thu hút đi phần nào. Bên cạnh đó, câu chuyện từ nhân vật Jin Su về sau càng bị bóp méo cách hiểu càng khiến khán giả không cảm nhận được sự thuyết phục từ chính cách xây dựng tâm lý nhân vật này. 

''Netflix'
''Netflix'

Khi theo dõi một bộ phim, bạn sẽ nhìn nhận được dàn nhân vật chính, sau đó thông qua hành động của họ khiến câu chuyện có phần thay đổi và phát triển, người xem từ đó rút ra được nhiều thông điệp cho riêng mình. Nhưng dàn nhân vật của Hellbound lại mắc một lỗi đó là khá dàn trải và không biết tập trung chính xác vào mục tiêu nào để gửi gắm thông điệp. Cách sắp xếp sự xuất hiện của từng nhân vật chỉ khiến người xem thêm phần rối rắm trong việc định hình câu chuyện của riêng họ, có lẽ ý đồ của Hellbound vượt qua khỏi tầm một cá nhân có thể xây dựng mà muốn nhấn mạnh nhiều vào yếu tố cộng đồng. 

Cũng chính sự dàn trải của nhân vật, điều đó dẫn đến chiều sâu tâm lý nhân vật lại không được làm tốt, người xem có thể xem đó, thấy phẫn nộ, xót thương phút chốc thoáng ra rồi thôi, cuối cùng không một nhân vật nào có thể để lại dấu ấn sâu sắc cho cả bộ phim. 

2. Lạm dụng bạo lực và yếu tố giả tưởng 

Netflix
Netflix

Từ lúc xuất hiện hình ảnh ba con quái trong trailer và buổi ra mắt giới thiệu phim, người xem đã biết đây chắc chắn là một bộ phim giả tưởng. Nhưng sau khi xem xong Hellbound, người xem sẽ nhận ra được rằng yếu tố giả tưởng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong việc khắc họa câu chuyện của phim cũng như đóng góp trong mạch phát triển chính. Yếu tố giả tưởng chỉ là “cần câu” để đạo diễn có thể sử dụng nó như một công cụ để dẫn dắt khán giả đến với những vấn đề hiện thực của xã hội trong bối cảnh 2022 lúc bấy giờ. Nhưng chính sự lạm dụng hình ảnh sự xuất hiện của những yếu tố giả tưởng như thiên thần, sứ giả địa ngục đã khiến người xem càng mơ hồ về phim.

Trích thoại từ một nhân vật giáo sư trong tập 4 khi nói về những hình ảnh sứ giả địa ngục, đó chỉ là hình ảnh biểu tượng cho những hiện tượng thiên nhiên như bão lũ, sóng thần mà con người phải ngẫu nhiên hứng chịu. Vậy cái kết của phim, khi một xác chết hóa tro tàn đen lại hồi sinh lại sinh ra yếu tố giả tưởng nào nữa? Khi các vấn đề cũ vẫn còn tồn đọng thì Hellbound lại vội vã đưa người xem đến những câu hỏi khác chuẩn bị cho phần mới, một sự tò mò hấp dẫn hay những tình tiết câu khán giả đầy mơ hồ? 

Polygon
Polygon

Bộ phim lạm dụng yếu tố bạo lực gây cảm giác khó chịu cho người xem có thể kể đến phân đoạn sở cảnh sát bị tàn phá hoang tàn và mất hết kiểm soát chỉ sau một đêm. Biết là Hellbound muốn khắc họa chân dung góc khuất xã hội một cách trần trụi và khốc liệt nhất, mang đến cái nhìn trực diện cho người xem, nhưng một bộ phim giả tưởng cũng cần logic nhất định, đừng phóng đại vấn đề đi quá xa và rồi lấy yếu tố giả tưởng ra làm lá chắn. Trước đó, không ít những bộ phim của Hàn cũng nhuốm màu chính trị, nhưng ít nhất nó không cần phải lạm dụng những tình tiết bạo lực xây dựng phi logic, gây khó chịu đến vậy. 

3. Cốt truyện dày đặc lại không giải quyết thấu đáo

Sau khi theo dõi xong bất cứ bộ phim nào, người xem cũng sẽ tóm lược được một cốt truyện chính mà phim đã xây dựng. Nhưng với Hellbound người xem khó có thể làm được điều này, khi nó ôm đồm quá nhiều thứ muốn truyền tải, trong khi đó từng vấn đề lại không được giải quyết một cách ổn thỏa, sau đó đã vội vàng xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới. Đầu tiên là câu chuyện của thanh tra lại bị bỏ ngỏ sau tập 3, giới chính quyền cũng bỗng yếu thế một cách bất ngờ không cần chống trả, sang đến tập 4 một tà giáo mới nổi đã có thể thao túng cả truyền thông hay rộng hơn là phần đông số dân của đất nước. Liên tiếp cho biến mất và xuất hiện những nhân vật khác nhau, câu chuyện của họ khắc họa một cách qua loa và mối liên kết lỏng lẻo khiến người xem cảm thấy mơ hồ cũng như bức bối về những câu chuyện bỏ ngỏ như thế. 

Tungtang
Tungtang

Cho đến cuối cùng, hiện tượng siêu nhiên bộ phim đặt ra vẫn chưa có một lời kết trọn vẹn, nó lại bắt đầu mở ra một hiện tượng kỳ lạ tiếp theo. Cả một series 6 tập chỉ dùng để đặt ra liên tiếp vấn đề mà lại chẳng mang đến một cách giải quyết nào, chỉ khiến người xem càng thêm mơ hồ và lẩn quẩn trong vòng bế tắc của phim gây ra. Ít nhất, khi muốn tạo tiền đề cho một sự phát triển của mùa mới thì cũng phải giải quyết những vấn đề đặt ra từ đầu phim chứ nhỉ? Cớ làm sao mà xuyên suốt một bộ phim chỉ lại đi đặt vấn đề mà không hướng đến những con đường giải quyết thỏa đáng nào. 

''cắt
''cắt

Nhìn chung, Hellbound vẫn là một tác phẩm xứng đáng để ghi nhận của Hàn, chỉ là một vài khiếm khuyết khi con người lại tự làm “rối tung” vấn đề thành những mớ bòng bong khó chấp nhận được, nó sẽ “ngòi châm” cho những cuộc tranh cãi từ khán giả. Nếu nói phim đen tối, hiện thực xã hội, khó xem thì hãy nhớ đến bộ D.P. trước đó, nó cũng bạo lực và đen tối nhưng không nhận quá nhiều tranh cãi trái chiều đến vậy. 

Bài viết liên quan