Phát Đài Brest - Nhân chứng tội ác của Phát xít Đức

Tin điện ảnh · BaVu ·

Có lẽ giống như đạo diễn Bá Vũ có chia sẽ, “Chúng ta không thích xem phim chiến tranh, chúng ta yêu hòa bình. Nhưng xem phim chiến tranh là để biết về lịch sử, là nhắc nhở thế giới tránh những điều tương tự”.

Phim tài liệu và phim chiến tranh là hai thể loại phim rất khó coi và mình cũng không thích xem phim về đề tài này. Nhớ hồi bé khi có phim tài liệu mình hay chuyển sang kênh khác. Có lẽ giống như đạo diễn Bá Vũ có chia sẽ, “Chúng ta không thích xem phim chiến tranh, chúng ta yêu hòa bình. Nhưng xem phim chiến tranh là để biết về lịch sử, là nhắc nhở thế giới tránh những điều tương tự”. Mình cũng xem được nhiều phim chiến tranh, phim tài liệu về chiến tranh chống phát xít Đức ở Art House Sài Gòn. Mỗi bộ phim mang một màu sắc khác nhau, tuy có cách khác nhau trong cách truyền tải, là những câu chuyện khác nhau, nhưng lại truyền tải cùng một nội dung: nỗi đau của những con người trong cuộc chiến, sự tàn bạo, độc ác của phát xít Đức, sự chiến đấu ngoan cường của quân dân Hồng Quân Liên Xô.

Pháo đài Brest là một bộ phim tái diễn một phần của cuộc chiến tranh chống vệ quốc vĩ đại như vậy.Trận đánh của Hồng quân Liên xô chống phát xít Đức tại Pháo đài Brest 1941 là một trong những sự kiện lịch sử sáng chói trong cuộc chiến chống phát xít Đức ở thế chiến thứ 2. Thông qua bộ phim, sự kiện này đã được tái hiện một cách sinh động, hoành tráng và xúc động nhất. Bộ phim làm mình cảm thấy ám ảnh, trong thời chiến, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật sự rất mong manh. Trước khi cuộc chiến xảy ra, không một ai nghĩ là sẽ có chiến tranh, mọi người vẫn ca hát, nhảy múa, xem phim, những hoạt động thường ngày vẫn diễn ra, có lẽ những điều bi thảm đã xảy ra chưa bao giờ là suy nghĩ đối với những người yêu hòa bình, có chăng họ cũng không hình dung rằng nó lại đến nhanh và ghê rợn đến như vậy. Tuy rất ít lời thoại, chủ yếu là lời kể của một nhân vật sống sót từ chiến tranh kể lại cho đứa cháu của mình nghe và một vài lời thoại của các nhân vật nhưng đã tạo được những hiệu ứng rất mạnh mẽ với người xem.

Chắc chắn rằng sau khi xem xong bộ phim này, mọi người không thể nào quên được những hình ảnh ghê rợn, tàn bạo của phát xít Đức khi bành trướng thế lực cũng như sự độc ác của mình bằng những trận không kích dữ dội xuống pháo đài, những đòn súng, những trận pháo bom liên hoàn, những việc làm vô nhân đạo, kể cả bắt con tinh là những người già, phụ nữ và trẻ em buộc quân nhân Hồng quân phải ra hàng. Theo ước tính, khi phát xít Đức tấn công Liên xô, pháo đài Brest có khoảng 8.000 chiến sĩ Hồng quân. Nhưng họ lại phải đối đầu với 17.000 lính bộ binh, hỏa lực pháo binh, không quân, xe tăng của địch ở biên giới. Những chiến binh Hồng quân đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn từ vũ khí, thức ăn, nước uống, viện binh, bác sĩ cứu thương, hậu cần và đôi khi là cả tinh thần có thể bị lung lay vì quân địch quá mạnh. Tuy nhiên, với sự chiến đấu kiên cường, tinh thần bất khuất tự cường, không ngại hi sinh, thà chết chứ không đầu hàng của Hồng quân liên xô. Những dòng chữ để lại trên bức tường ở tầng hầm pháo đài đã thể hiện điều đó:” Tôi chết, nhưng quyết không chịu hàng” Dưới dòng chữ là ngày tháng 20.07.1941.

Ngày 8 tháng 5 năm 1965, Pháo đài Brest được phong danh hiệu Pháo đài Anh Hùng như một nhân chứng về tội ác chiến tranh của Phát xít Đức và cuộc chiến ngoan cường của quân dân Hồng quân. Chiến tranh là điều kinh hoàng với nhân loại, 75 năm trôi qua, nhưng chắc rằng khi nhìn lại những hồi ức, những hình ảnh này, nhân loại không thể nào quên được những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần cũng như những tội ác mà phát xít Đức đã gây ra cho đồng loại của mình. Xem phim để biết lịch sử đã từng có những giai đoạn kinh hoàng như vậy, những sự kiện khiến con người phải rùng mình sợ hãi, để nhân loại biết rằng không nên và không đựợc tái diễn lại những nỗi đau như vậy.

Nguồn: Trần Thị Diễm Hương.