[Review] Beef (Netflix) – Series “gây nghiện” từ nhà A24
TV Series · Đánh giá phim · miduynph ·
Xung đột trong Beef như một “quả bom nổ chậm” đang ngày càng khiến con người ta muốn phát điên lên và sẵn sàng “bùm” trong mọi khoảnh khắc.
Kéo xuống để xem tiếp
Sau thành công vang dội tại đấu trường Oscar với siêu phẩm Everything Everywhere All At Once, hãng phim A24 đã có màn ra mắt mới với Beef (Bất Hoà) – TV series hợp tác cùng Netflix. Không trái với kỳ vọng của người hâm mộ, Beef tiếp tục là tác phẩm chứng minh phong độ vững chãi của A24.
Beef (Bất Hoà) bao gồm 10 tập với thường lượng từ 30-35 phút, xoay quanh cuộc xung đột của 2 con người hoàn toàn xa lạ nhưng vô tình gắn kết với nhau theo cách chẳng giống ai. Từ một sự cố nhỏ mà bất cứ người nào khi tham gia giao thông cũng từng gặp qua ít nhất 1 lần trong đời, Danny Cho (Steven Yeun) và Amy Lau (Ali Wong) va vào nhau và bắt đầu lên kế hoạch cho cơn thịnh nộ của mình.
Xem lịch chiếu & Mua vé dễ dàng hơn tại Moveek
Thế nhưng thực chất, cô luôn dùng nụ cười để cố kiềm nén tất cả những cảm xúc, mong muốn của bản thân. Họ có 2 cuộc sống độc lập và dường như chẳng liên quan gì đến đời nhau, nhưng bị hút lại bởi một sự cố xe cộ hay nói cách khác là bởi bi kịch tiềm tàng đang từng ngày phá huỷ họ.
Từ những sự cố đơn giản trong đời sống nhưng lại bất ngờ leo thang bằng những màn trả đũa cay độc, Danny và Amy dần trở thành kẻ thù truyền kiếp của nhau. Loạt phim khai thác các chủ đề như trả thù, áp lực cuộc sống và nỗi sợ hãi hiện sinh của những con người trưởng thành đang ngày ngày vật lộn với cuộc sống. Beef không chỉ đơn thuần là một tác phẩm chính kịch – hài, mà nó còn phản ánh những bất an âm ỉ trong tâm lý con người khi sống ở một thế giới đầy rẫy hỗn độn. Bộ phim đánh dấu màn tái xuất đầy tài năng và sự đột phá mới lạ của Lee Sung Jin, nhà sáng tạo của Beef sau Dave (2020) và Undone (2019.)
Beef mượn chất liệu từ những việc bé nhỏ, diễn ra hằng ngày trong cuộc sống để biến chúng thành công cụ truyền tải bài học lớn lao mà không phải ai cũng dám đối diện và sửa chữa. Không cần đao to búa lớn hay rao giảng đạo lý, tác phẩm bóc tách trần trụi, thẳng thắn từng khía cạnh tâm lý, từng cảm giác thất bại, ê chề, từng nguyên do mà họ rơi vào hố đen vô định một cách bài bản, chắc tay dù cho Beef ban đầu có vẻ như là “nồi lẩu thập cẩm”.
Xem lịch chiếu & Mua vé dễ dàng hơn tại Moveek
Cuộc xung đột dữ dội giữa Danny và Amy được xem là chất kích thích cứu rỗi tâm hồn đang mục nát dần mòn của họ. Cả 2 mượn cảm giác chiến thắng cỏn con trong việc trả thù vặt nhau tạo thành chiến tích thoả mãn cho chính những áp lực, định kiến, giả dối mà họ đang chịu đựng.
Không chỉ khai thác mỗi Danny và Amy, Beef (Bất Hoà) cũng rất khéo léo khắc hoạ những khía cạnh tổn thương, đen tối của từng nhân vật phụ. Dù phụ nhưng không sơ sài, ngược lại còn tự nhiên, thuyết phục khiến khán giả có thể dễ dàng cảm nhận được. Mâu thuẫn gia đình chuẩn hình mẫu châu Á cũng được gửi gắm tốt. Kỳ vọng con cái, gánh nặng cơm áo gạo tiền của bậc phụ huynh đôi lúc vô tình hình thành nên những vết rạn trong tâm trí trẻ thơ và ám ảnh dai dẳng cho đến khi chúng trưởng thành.
Vẫn theo phong cách lập dị đặc trưng của hãng A24, Beef tạo dấu ấu riêng qua những cuộc hội thoại có phần điên rồ. Với Everything Everywhere All At Once, 2 cục đá tĩnh lặng cũng có thể tâm sự và di chuyển thì ở Beef lại là 2 con quạ cùng nhau trò chuyện trên cây. Không chỉ thế, hình tượng “ông kẹ” bắt trẻ em hư mà cha mẹ hay răn dạy cũng được lồng ghép đáng sợ hay màn “hoán đổi thân xác” của Danny và Amy khi bị ngộ độc cũng kỳ dị không kém. Từ đó, ranh giới mỏng manh và lạc lõng nhất giữa sự sống và cái chết hiện diện rõ ràng hơn tạo điều kiện cho những cuộc đối thoại mang đậm tính hiện sinh giữa 2 con người từng xem nhau là kẻ thù.
Xem lịch chiếu & Mua vé dễ dàng hơn tại Moveek
Mối quan hệ giữa 2 nhân vật chính được phát triển uyển chuyển như 2 cục nam châm. Ở những màn đối đầu dữ dội, họ như 2 thái cực trái dấu hút vào nhau để xâu xé không thương tiếc. Thế nhưng, khi cùng dấu, cả 2 đều là những tâm hồn nhiều tổn thương, nhiều sai lầm. Thậm chí, họ còn là tấm gương phản chiếu hết thảy mớ hỗn độn của đối phương một cách tường tận và sâu sắc đến nỗi “đổi xác” nói luôn cho nhanh. Có thể thấy, sự đồng điệu này chỉ có được và sẽ tốt hơn khi họ là 2 đường thẳng song song soi rọi cho nhau.
Ngoài những ý nghĩa mà bộ phim truyền tải, Beef còn gây ấn tượng bởi sự tung hứng độc đáo của cặp đôi Steven Yeun và Ali Wong. Sau thành công trong The Walking Dead, Minari, Nope,… Steven lại một lần nữa ghi dấu với vai Danny Cho – một người đàn ông bất lực với chính cuộc sống của mình. Còn với Ali Wong, đây quả thật là màn thể hiện đầy bất ngờ bởi cô hóa thân tròn trịa vào một vai diễn nặng nề về mặt tâm lý và có những biến chuyển phức tạp trong cảm xúc.
Là “sân chơi” cho người dân gốc Á, ngoài 2 diễn viên chính còn có sự xuất hiện của nhiều gương mặt gốc Hàn, gốc Nhật và cả gốc Việt. Từ đó, tác phẩm hiện lên một cách gần gũi, chân thật với cộng đồng người gốc Á khi rời xa quê hương để lập nghiệp.
Một khi đã xem Beef (Bất Hoà), bạn sẽ khó mà dứt ra khỏi câu chuyện lộn xộn, nhỏ nhặt nhưng mang đậm triết lý nhân sinh về cuộc sống, con người trong xã hội. Bộ phim đem đến một trải nghiệm điện ảnh thú vị, cuốn hút và đọng lại dòng cảm xúc khó tả cho người xem chỉ qua màn ảnh nhỏ.
[Review] Murder Mystery 2 (Netflix) – Chỉ là “bình mới, rượu cũ”
Cặp đôi làng hài Adam Sandler và Jennifer Aniston cũng không thể khiến bộ phim trở nên hấp dẫn hơn.
[Review] Kill Bok Soon (Netflix) – Hơn cả một bộ phim hành động
Các phân cảnh hành động của phim gợi nhớ đến John Wick hay giờ đây có thể gọi là “Jeon Wick”.
[TỔNG HỢP] 7 bộ phim của nhà A24 nhất định phải xem sau Everything Everywhere All at Once
7 bộ phim A24 các mọt phim phải xem sau khi xem sau Everything Everywhere All at Once.