[REVIEW] Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông – Hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực học đường
Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông là bức tranh thu nhỏ về một vấn đề còn đang nhức nhối được tái hiện qua lăng kính điện ảnh.
Kéo xuống để xem tiếp
Phim là bức tranh thu nhỏ về một vấn đề còn đang nhức nhối được tái hiện qua lăng kính điện ảnh.
Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông hay còn có tên gọi khác là Bi Thương Nghịch Lưu Thành Hà, tên tiếng anh của phim là Cry Me A Sad River, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Quách Kính Minh. Anh là cha đẻ của series Tiểu Thời Đại và Tước Tích, là nhà văn và biên kịch nổi tiếng của Trung Quốc.
Phim xoay quanh Dịch Dao (Nhậm Mẫn) một nữ sinh cấp 3 mất cha từ sớm và có mẹ làm nghề "massage". Dịch Dao có tuổi thơ và cuộc sống không mấy hạnh phúc, người bạn duy nhất của cô ở thời điểm này là Tề Minh (Triệu Anh Bác) – cậu hàng xóm thanh mai trúc mã.
Dịch Dao là nạn nhân trực tiếp của bạo lực học đường, thế giới của cô sẽ là một vực sâu hun hút nếu không có sự xuất hiện của cậu bạn Cố Sâm Tây (Tân Vân Lai). Người giúp Dịch Dao chống trả lại những chiêu trò bắt nạt của bạn học, thay vì cậu hàng xóm Tề Minh.
Những cảm giác bị bạn học dội nước trên tầng cao xuống, bị ăn trộm tiền, bị đổ thức ăn thừa, bị sỉ nhục bởi những lời lẽ hạ đẳng và ghê tởm, là trung tâm của những tin đồn vô căn cứ, chúng đã ám ảnh Dịch Dao và khiến tâm lí một nữ sinh bình thường bị ảnh hưởng nặng nề.
Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông là sự phản ánh mặt tối của vấn nạn bạo lực học đường, là câu chuyện của những cô cậu học trò đang tuổi tâm sinh lí chưa vững vàng. Không riêng Dịch Dao mà những nhân vật còn lại như Tề Minh, chị em Cố Sâm Tây và Cố Sâm Tương, bạn học “ác quỷ” Đường Tiểu Mễ (Chu Đan Ni) đều có những câu chuyện rất riêng, rất đời.
Tề Minh là đứa con được nuôi “trong lồng trứng”, là kết quả của sự bảo bọc quá kĩ của bố mẹ mà mất đi chính kiến và tín ngưỡng của bản thân. Đường Tiểu Mễ là nạn nhân của bạo lực học đường nhưng đồng thời cũng chính là kẻ gián tiếp gây ra cái chết cho bạn học. Dù có quá khứ thế nào, Đường Tiểu Mễ vẫn đáng trách hơn là đáng thương, một người dùng đau khổ của bản thân để làm tổn thương người khác không xứng đáng có được sự cảm thông của khán giả.
Phim còn có sự tham gia của nữ diễn viên gạo cội Ô Quân Mai trong vai mẹ nữ chính Dịch Dao, một người phụ nữ yêu thương con cái nhưng không bao giờ thể hiện ra ngoài. Khi biết sơ suất của mình là nguyên nhân làm Dịch Dao mắc bệnh phụ khoa, lần đầu tiên bà đã thể hiện tình yêu của mình với con gái, giờ đây những thứ như tiền nong hay cái nghề “massage” đó liệu còn quan trọng với bà. Hình ảnh cuối phim khi bà bán đi chiếc bàn nhắc lại quá khứ đáng buồn là một trong nhiều cảnh phim để lại ám ảnh cho khán giả.
Ai đó từng nói: Điện ảnh chân chính là bức tranh thu nhỏ tái hiện lại cuộc sống con người và phải phát triển bằng ngôn ngữ và thước đo của đại chúng. Bằng cách nào đó Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông là một tác phẩm như vậy. Phim phản ánh thành công được mặt tối của vấn đề xã hội đang rất nổi cộm và “gãi đúng chỗ ngứa” của nhiều người.
Nỗi buồn của phim vương trong từng cái rung khẽ nhất của góc quay và gieo vào tim ngay từ những giây phút bắt đầu. Cá nhân tôi vẫn muốn tin vào đoạn kết rằng Dịch Dao còn sống và sẽ gặp lại Cố Sâm Tây, sự cố hôm nay không quyết định cả cuộc đời sau này bạn chỉ toàn là vấp ngã, mấu chốt là bạn có đủ sức mạnh vượt qua không.
Sự ảnh hưởng bộ phim mang lại dù ít dù nhiều, dù tích cực hay tiêu cực thì cũng đánh một đòn mạnh xuống những “hung thủ” cả trực tiếp và gián tiếp của vấn nạn mang tên Bạo Lực Học Đường. Rằng, bạo lực đâu chỉ là những vết bầm trên cơ thể, nó còn là những vết hằn trong tim mà nhiều năm nữa những vết thương sẽ chẳng bao giờ khép miệng.
Khi Giáo dục và nhà trường nói chung nên là nơi để nuôi dạy và kiến tạo nên những chủ nhân tương lai của mọi đất nước, thì đắng cay thay, lại là mồ chôn của hi vọng và tuổi trẻ. Từ bao giờ mà nơi chắp cánh những ước mơ lại trở thành một "địa ngục" trong mắt nhiều người.
Một số khán giả đùa vui Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông dành cho những ai hay “khẩu nghiệp”, hãy xem và cảm nhận để quy về bản thân. Hãy suy nghĩ kĩ trước khi phát ngôn, đừng vì những lời nói chót lưỡi đầu môi mà làm tổn thương người khác, bởi sự ảnh hưởng của những lời tiêu cực đôi khi còn lớn hơn nhiều lần những vết thương da thịt.
Có thể nói 6 phút cuối phim là lúc bao cảm xúc dồn nén tích tụ suốt hơn 1 giờ đồng hồ được xả ra hết, vừa buồn lại vừa thỏa mãn. Cái kết của Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông không có happy ending cho tất cả mọi nhân vật, phim có rất nhiều mất mát và đau khổ nhưng nó lại là cái kết phù hợp nhất. Trong nhiều trường hợp không phải cứ sống sót trở về và bắt đầu lại từ con số 0 mới là tốt nhất, đôi khi cái chết cũng là một phương án giải thoát tốt.
Tuy nhiên, phim không hề cổ xúy hành vi tự sát, khi lâm vào đường cùng nhiều người sẽ có nhiều cách giải thoát khác nhau. Nhưng với Dịch Dao, lựa chọn như vậy là phù hợp nhất với cô và với mọi người. Phải cảm ơn đạo diễn Lạc Lạc đã thay đổi nội dung một chút so với tiểu thuyết gốc, những độc giả đã đọc Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông hẳn sẽ thấy cái kết của bản phim điện ảnh này đẹp và nhân văn hơn nhiều kết cục thật sự. Phim lược bỏ một số yếu tố đau khổ trong truyện và biến chuyển chút ít để vừa giữ cái hồn của tiểu thuyết gốc vừa giảm nhẹ tình tiết nặng nề gây ám ảnh cho người xem.
Với nhiều khán giả khó tính phim chưa tốt bởi nhiều lí do, có thể vì diễn xuất của dàn diễn viên trẻ chưa thuyết phục, góc quay không đẹp hay lời thoại còn nhào nặn nhưng về mặt ý nghĩa thì Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông quả thực sẽ xứng đáng đến từng phút một.
"Nguyện cho thanh xuân của người người đều được đối xử ấm áp" chính là ước vọng của nhà làm phim, mong một thế giới sẽ không còn bi ai bởi những người trẻ tự làm tổn thương lẫn nhau.
Xin được lấy câu nói của Cố Sâm Tây để kết lại bài viết này:
“Chào cậu, tên mình là Cố Sâm Tây, tây trong mặt trời mọc đằng Tây.”
Mặt trời có thể mọc đằng Tây đó bạn học Dịch Dao, vậy cuộc sống của cậu chắc chắn sẽ tốt hơn dù có ở thế giới nào đi chăng nữa. Xin gửi tặng những lời chúc tốt đẹp và sức mạnh cho không chỉ Dịch Dao mà còn những bạn học đang phải đối mặt với khó khăn thử thách, mong bạn sẽ có một tuổi trẻ khi ngoảnh đầu nhìn lại không hối tiếc !