[REVIEW] Blonde: Câu Chuyện Khác Về Marilyn (Netflix)

Đánh giá phim · _bylyy16 ·

Blonde không phải là một bộ phim để giải trí, nó mang lại cảm giác ám ảnh thì đúng hơn.

Blonde là một bộ phim chính kịch hư cấu do Andrew Dominik viết kịch bản và đạo diễn dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 2000 của Joyce Carol Oates. Bộ phim là hoàn toàn hư cấu về một khía cạnh khác của cuộc đời và sự nghiệp nữ diễn viên người Mỹ Marilyn Monroe do Ana de Armas thủ vai. Phim đi từ cái nôi đến nấm mồ của một cô bé 7 tuổi chịu ám ảnh từ người mẹ trầm cảm của mình cho đến khi trở thành một ngôi sao và kết thúc cuộc đời mình với quá nhiều biến cố.

Blonde là bộ phim hoàn toàn hư cấu về một khía cạnh khác của cuộc đời Marilyn Monroe
Blonde là bộ phim hoàn toàn hư cấu về một khía cạnh khác của cuộc đời Marilyn Monroe

Blonde hiện lên với nhiều đặc trưng, đẹp đẽ có, mê hoặc có, đáng sợ có, đáng khinh thường có và xót xa cũng có. Nó khắc họa Hollywood như một cái hộp đóng kín, mà khi bước vào đó, những người ở đây coi như bước vào một địa ngục rực lửa, sau ánh hào quang, mọi thứ chân thật nhất lại đau đớn đến vậy. Có lẽ việc nhận được “cà chua thối” của Blonde là vì người ta nghĩ rằng bộ phim đã xuyên tạc sự thật về diễn viên Monroe mà quên mất rằng Blonde không phải là phim tiểu sử về Marilyn Monroe mà là tác phẩm chuyển thể trung thành của tác giả Joyce Carol Oates hư cấu cuộc đời của Monroe trong vai Norma Jeane. Do đó, nó là một khía cạnh khác và như một cuộc đời hoàn toàn khác của người phụ nữ này.

Blonde không phải là phim tiểu sử
Blonde không phải là phim tiểu sử

Blonde, nó đi sâu vào cuộc sống nội tâm của một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất từng sống nhưng khi càng đi sâu vào thế giới cô ấy, người xem càng thấy bối rối. Cô ấy bị bao quanh bởi rất nhiều vấn đề, những vấn đề mà cô chưa từng tưởng tượng sẽ xảy đến trong đời cô, cô thấy mình dường như chưa bao giờ có sự lựa chọn, chưa bao giờ có được quyền quyết định cho cuộc đời của mình đi theo hướng mà cô mong muốn.

Hình ảnh của Blonde rất chỉn chu nhưng kịch bản thì chưa đủ ấn tượng
Hình ảnh của Blonde rất chỉn chu nhưng kịch bản thì chưa đủ ấn tượng

Về mặt thẩm mỹ, Blonde rất đẹp. Với những diễn viên sáng giá cùng cách kết hợp các tỉ lệ khung hình, lúc gần lúc xa và cách sử dụng các vật thể, hiện tượng để gợi liên tưởng khá độc đáo. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Blonde có một kịch bản chưa đủ ấn tượng. Trong khi Blonde hầu như chỉ thể hiện tất cả những điều khủng khiếp đã xảy ra với Marilyn Monroe và điều này chính là thứ gây ám ảnh. Có lẽ phần hấp dẫn nhất của Blonde là sự thay đổi của một người phụ nữ với nhân cách kép khi lồng trong mình là một cô bé 7 tuổi luôn sợ hãi, lo lắng về mọi thứ và một ngôi sao đầy hào quang trên màn ảnh.

Blonde xếp hạng NC-17
Blonde xếp hạng NC-17

Và như được cho biết từ trước, đây là một bộ phim xếp hạng NC-17 nên bạn hãy cân nhắc kĩ, nó có cưỡng hiếp, lạm dụng, phá thai thậm chí tự tử. Một số đánh giá khác cho rằng đây là một bộ phim phân biệt giới tính, tàn nhẫn và là một trong những bộ phim đáng ghét nhất" từng được thực hiện. Nó còn như lật ra một mặt tối khác ở Hollywood, điển hình là khi Norma Jeane ở trong một lớp học diễn xuất, người hướng dẫn của cô ấy mô tả diễn xuất là giữ cho bản thân và nhân vật bạn đóng tách biệt. Blonde chỉ ra rằng đó là cách Norma Jeane sống với Marilyn Monroe cho đến khi sự khốn khổ của cô ấy trên phim trường rõ rệt đến mức cô ấy đã cho phép người đó tiếp quản cuối cùng.

Có rất nhiều cảnh đáng buồn trong phim, một trong số cảnh đó là khi chuyên gia trang điểm của cô ấy lặp lại "cô ấy đang đến, cô ấy sắp đến rồi" khi anh ấy biến Norma Jeane thành Monroe như thể sự biến đổi đó sẽ khiến cô ấy khỏe lại. Nó sẽ giúp cho mọi người trong ekip và cả cô được trả tiền nhưng nó đang phá hủy chính cô ấy. Chính sự duy trì tính cách đó đã khiến tâm trí cô ấy rơi vào một vòng lặp tối tăm. Ở đỉnh cao của danh vọng, cô ấy được như một món hàng từ tưởng tượng của người này đến tưởng tượng của người khác. Đó là sự đau thương chứ không phải là sự cứu rỗi.