[REVIEW] Chào em, Chi Hoa – Lá thư cuối cùng bộc bạch những nỗi niềm của tuổi thanh xuân đầy hoài niệm
Chào em, Chi Hoa dừng lại ở mức xem ổn, làm tốt việc đưa khán giả quay lại những năm tháng đẹp đẽ của những rung động đầu đời nhưng mạch phim đôi lúc hơi loạn làm chững lại cảm xúc.
Kéo xuống để xem tiếp
Chào em, Chi Hoa là phim điện ảnh tình cảm lãng mạn của Trung Quốc được sản xuất và biên kịch bởi đạo diễn người Nhật Shunji Iwai, giám chế Trần Khả Tân. Với sự tham gia của các diễn viên Châu Tấn, Tần Hạo, Trương Tử Phong, Đỗ Giang... và khách mời đặc biệt Hồ Ca.
Chào em, Chi Hoa là bộ phim điện ảnh bằng tiếng Trung đầu tiên của đạo diễn Shunji Iwai. Đây cũng là phim đánh dấu lần tái hợp giữa Châu Tấn và đạo diễn Trần Khả Tân sau 13 năm. Bộ phim cũng đã được ra mắt tại lễ trao giải Kim Mã lần thứ 55 và được đề cử cho giải Kịch bản gốc hay nhất, Nữ diễn viên chính và phụ xuất sắc.
Trong Chào em, Chi Hoa, Châu Tấn vào vai một người phụ nữ ở độ tuổi trung niên tên là Viên Chi Hoa. Cô có một người chị gái là Chi Nam nhưng không may đã qua đời. Tại buổi họp lớp, tình cờ Chi Hoa gặp lại mối tình đầu Doãn Xuyên (Tần Hạo). Vì một vài lí do mà họ liên lạc với nhau thông qua những lá thư và qua đó cuộc đời của người chị gái Chi Nam hiện lên vô cùng sống động. Những bức thư ấy vô tình trở thành sợi dây móc nối ba con người lại với nhau, cùng kéo họ quay lại những quãng đời trung học đáng nhớ.
Đọng lại trong khán giả là một sự nhẹ nhàng, buồn man mác và tiếc nuối một tuổi trẻ đã qua. Chất phim mộc mạc bình dị, đời thường, không xuất hiện các tình tiết hư cấu hay kịch tính, chỉ là những cuộc hội thoại của các nhân vật hoặc khung cảnh sống hàng ngày quá đỗi bình thường của họ mà thôi.
Chào em, Chi Hoa không phô trương hay nói quá, bộ phim nhẹ nhàng và hết sức hợp lí về những câu chuyện tuổi trẻ trong cuộc sống. Việc thích thầm anh trai bạn thân hay cảm mến cô gái xinh đẹp tài giỏi của khoa, hay việc em gái nhút nhát nép mình sau bóng cô chị. Những điều đó trong chúng ta ai chẳng trải qua một lần. Bộ phim mang đến rất nhiều cảm giác hoài niệm và tiếc nuối, nhưng thanh xuân đã chẳng đáng quý đến thế nếu chuyện gì cũng suôn sẻ chảy trôi. Những năm tháng quá khứ đáng trân trọng hơn bởi sự chính sự chưa trọn vẹn đó, phải khuyết một chút mới là hoàn hảo.
Vì cơ bản, cuộc sống là vậy, luôn có những hồi ức đẹp đẽ đi đôi với nỗi buồn, luôn có những câu nói “giá như…”, “biết thế…” và một cái tặc lưỡi đầy xót xa. Phim có những khoảng lặng là để ta suy nghĩ và thấu hiểu, chứ không đơn thuần chỉ là những cảnh phim không đầu không cuối làm ngắt mạch cảm xúc. Phim được đạo diễn và biên kịch bởi Iwai Shunji – một tác gia nổi tiếng của Nhật bản, nên phong cách phim mới đặc sệt chất Nhật như vậy, chậm rãi để miên man suy tư.
Tiêu đề phim trong tiếng Việt là Chào em, Chi Hoa nhưng tên gốc là Last Letter - bức thư cuối cùng. Lá thư này chính là lời Chi Nam nói trong video cuộc họp lớp đầu phim, trong bài diễn thuyết của Chi Nam trước các bạn đồng lứa và trong thư gửi các con của mình ở đoạn kết. Đó là những lời bộc bạch về tuổi trẻ và ý nghĩa cuộc sống mà cô ấy theo đuổi cùng sự trân trọng quá khứ hạnh phúc tươi đẹp.
Qua những lá thư trao đổi, hình ảnh người chị Chi Nam hiện lên ngày một rõ rệt qua từng đợt cảm xúc của các nhân vật mà cụ thể là qua kí ức của mối tình đầu Doãn Xuyên và cô em gái Chi Hoa. Cô có một mối tình đẹp với cậu bạn giỏi văn chương và lãng mạn, nhưng vì một lí do nào đó lại đứt gánh giữa đường. Và câu chuyện tình yêu buồn này còn vấn vương mãi bên Chi Nam ngay cả khi cô đã kết hôn với người mới và có tận hai đứa con.
Về phần Chi Hoa, có thể nói cô em gái này mang vai trò là cầu nối của mọi chuyện. Khi quyết định gửi những lá thư là cô đã gửi đi thứ tình cảm non nớt và đơn thuần của cái tuổi trăng tròn đầy thiếu sót nhưng cũng thật thơ ngây. Chi Hoa luôn muốn làm nữ chính nhưng muôn đời chỉ là nữ phụ đứng bên lề, nép đằng sau cái bóng quá lớn của người chị gái xinh đẹp giỏi giang.
“Nếu chú là bố của cháu thì thật tốt/ Nếu hồi đó anh và chị ấy kết hôn, chị ấy đã hạnh phúc hơn/ Giá như năm xưa anh níu kéo cô ấy lại…" và còn nhiều những điều luyến tiếc khác nếu nhắc về một quãng đời khi ta còn trẻ. Đó cũng là đặc điểm của dạng phim như Chào em, Chi Hoa, khi quá khứ của ai đó hiện lên qua những câu từ nét chữ thì luôn luôn xuất hiện hai chữ “Giá như”.
“Cuộc sống luôn tràn ngập tiếc nuối, nhưng có lẽ những tiếc nuối ấy sẽ khiến chúng ta gặp được bản thân tốt hơn. Có một vài chuyện chỉ có thể là kỉ niệm. Có một vài người chỉ có thể trở thành người khách.”
Đây là những thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải đến người xem. Cuộc sống sẽ luôn đầy sự luyến tiếc, nhưng không vì thế mà thời gian dừng lại. Mỗi lần tặc lưỡi cho qua, mỗi cái nhún vai hay mỗi cái cau mày bất lực đều có thể trở thành động lực để ta tốt hơn từng ngày. Hãy lấy đó làm thước đo cho những điều hạnh phúc tốt đẹp ta có trong đời thay vì mãi đắm chìm trong quá khứ dù nó có tốt đẹp đến đâu.
Như đã nói, Chào em, Chi Hoa được coi như phiên bản Trung của bộ phim Điện ảnh nổi tiếng về mối tình đầu của xứ sở mặt trời mọc, nhưng ở đây ta bắt gặp một bản thể khác, trưởng thành và gai góc hơn. Nếu trong Bức Thư Tình ta cảm thương cho mối tình của Itsuki – Itsuki bao nhiêu thì sang Chào em, Chi Hoa, Chi Nam và Doãn Xuyên cũng để lại rất nhiều tiếc nuối. Nhưng có lẽ họ may mắn hơn vì đã từng hạnh phúc bên nhau qua quãng đời đại học.
Cách biên tập phim của Chào em, Chi Hoa khá thú vị khi lồng ghép quá khứ và hiện tại qua mỗi bức thư và từng lời thoại, nhưng đôi chỗ chưa thực sự mượt và dễ gây rối cho người xem về mối quan hệ thời gian.
Nói phim xuất sắc thì chưa hẳn, Chào em, Chi Hoa dừng lại ở mức xem ổn, làm tốt việc đưa khán giả quay lại những năm tháng đẹp đẽ của những rung động đầu đời nhưng mạch phim đôi lúc hơi loạn làm chững lại cảm xúc. Nhưng với những cái tên như Châu Tấn, Iwai Shunji và là bản sao của Love Letter thì Chào em, Chi Hoa cũng rất đáng để bỏ ra hai giờ đồng hồ của bạn đấy.
[REVIEW] Lưu Lạc Địa Cầu
Lưu Lạc Địa Cầu là bom tấn khoa học viễn tưởng đáng khen, đáng hoan nghênh của Trung Quốc, đánh dấu cột mốc quan trọng cho nền điện ảnh Hoa ngữ.
[CẢM NHẬN] Chúng Ta Của Sau Này - Hạnh phúc không phải là câu chuyện, bất hạnh mới phải
"Hạnh phúc không phải là câu chuyện, bất hạnh mới phải." - Và Chúng Ta Của Sau Này cũng chính là một trong những câu chuyện bất hạnh đó.