[REVIEW] Giải Cứu Tí Nị - Dễ thương nhưng vay mượn quá nhiều ý tưởng
Bên cạnh cuộc hành trình thú vị của chú mèo máy nổi tiếng Doraemon, Giải Cứu Tí Nị cũng sẽ đồng hành cùng với các em nhỏ trong dịp đầu hè này.
Kéo xuống để xem tiếp
Mùa hè luôn là thời điểm hoàn hảo để các bộ phim hoạt hình đổ bộ ra rạp. Và năm nay, bên cạnh cuộc hành trình thú vị của chú mèo máy nổi tiếng Doraemon, Giải Cứu Tí Nị cũng sẽ đồng hành cùng với các em nhỏ trong dịp đầu hè này.
Giải Cứu Tí Nị được đặt trong một bối cảnh hết sức gần gũi và thân thuộc. Bộ phim là câu chuyện về những “người bạn” thú nhồi bông đáng yêu và thân thiết, vật đã luôn bên cạnh các bé từ khi còn rất nhỏ. Khi niềm hạnh phúc của tuổi thơ không ngừng truyền năng lượng cho những món đồ chơi, điều kì diệu đã xuất hiện, chúng trở thành những “Hộ vệ tuổi thơ”, luôn bên cạnh bảo vệ cho chủ nhân yêu quý của mình. Cô bé Tí Nị và người bạn thú bông Hổ Con đã có những ngày tháng rất êm đềm hạnh phúc như thế, cho đến khi… Tí Nị bị cuốn vào một âm mưu cực kì xấu xa, buộc “chàng hộ vệ” Hổ Con phải bắt đầu chuyến hành trình nhằm giải cứu cho chủ nhân của mình.
Bộ phim đã có một phần mở đầu tương đối ổn khi thành công vẽ nên hình ảnh của một gia đình ấm áp và tạo được cảm giác gần gũi, thân quen cho người xem. Nhưng chính tại thời điểm Hổ Con quyết tâm cứu chủ nhân của mình, bộ phim bắt đầu rơi vào sự hỗn loạn. Giải Cứu Tí Nị thực sự là một tác phẩm nghèo nàn về mặt ý tưởng. Đến mức mà diễn biến trong phim thực chất đều “mượn” từ những tác phẩm phương Tây nổi tiếng như Toy Story, Up, Big Hero 6, Rise of The Guardians, The Emoji… Người viết hầu như không thể nhìn thấy được gì nhiều về khả năng sáng tạo nội dung của các nhà làm phim mà chỉ nhìn thấy diễn biến và trang phục trong các bộ phim kia bị “bê” nguyên xi vào Giải Cứu Tí Nị mà thôi. Đã vậy còn làm không tới nơi tới chốn, thà rằng “mượn” ít chi tiết nhưng biết cách tập trung khai thác hẳn hoi, biết cách diễn đạt cho hết ý thì chắc hẳn là phim sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng không, nhà làm phim đã quá tham lam, “mượn” quá nhiều, làm cho phần nội dung vừa rối rắm lại vừa bị loãng.Thật sự không biết cảm nhận của các fan Big Hero 6 sẽ như thế nào khi thấy con King Kong Sắt trong phim đang cố gắng cosplay Baymax bằng một bộ cánh gần giống y chang. Cảm xúc của các nhân vật vẫn còn khá hời hợt, có thể thấy rõ điều này thông qua đoạn Hổ Con và Răng Sún tách nhau ra. Lời thoại có nhiều chỗ khó hiểu và có phần gượng ép, tạo cảm giác không phân biệt được đâu là việc nên làm, đâu thì không. Yếu tố đáng lẽ phải đóng vai trò chủ đạo trong phim là tình cảm gắn bó giữa các “Hộ vệ” và chủ nhân lại nhanh chóng trở nên nhạt nhòa bởi các cảnh chiến đấu chiếm nhiều thời lượng và những đoạn hội thoại vô nghĩa.
Tuy vậy, phim vẫn có những điểm hấp dẫn nhất định nhờ vào tạo hình dễ thương của các nhân vật cùng với đó là khâu hình ảnh được trau chuốt kĩ lưỡng. Khâu âm thanh cũng được làm khá tốt, kết hợp ổn với những tình tiết trong phim. Hơn nữa, khách quan mà nói thì đây cũng là một bộ phim khá hài hước, sử dụng các tình huống chọc cười đơn giản mà hiệu quả, khiến cho các em nhỏ trong rạp cười rất nhiều. Bên cạnh đó, những cảnh chiến đấu cũng thể hiện rõ điểm mạnh trong phần hình ảnh và âm thanh của phim, bấy nhiêu đó cũng đủ để khiến nhiều cậu bé thích mê rồi.
Có lẽ đối với các cô cậu bé còn nhỏ tuổi chưa biết về Toy Story, Up, Big Hero 6, Rise of The Guardians, The Emoji... thì Giải Cứu Tí Nị hoàn toàn có thể mang đến những giờ phút giải trí cùng những tràng cười vui vẻ. Vậy nên đây vẫn là một lựa chọn có thể cân nhắc khi đưa cả gia đình cùng đi xem phim.