[REVIEW] Hơn cả một phim cung đấu, Hậu Cung Như Ý Truyện là bức tranh bi tráng về cuộc hôn nhân Đế Hậu
TV Series · Đánh giá phim · chuoichuoi ·
Cảm ơn đoàn làm phim và các diễn viên vì đã mang đến một bộ Thanh cung đẹp đẽ và bi thương đến vậy!
Kéo xuống để xem tiếp
Mùa hè năm 2018 khán giả yêu phim truyền hình Trung Quốc hẳn đã “bơi” trong biển phim cổ trang khi liên tiếp nhà sản xuất cho trình làng những cái tên “nặng kí” như Diên Hy Công Lược, Hậu Cung Như Ý Truyện, Thiên Thịnh Trường Ca,…Ngoài sự thành công vang dội của Diên Hy Công Lược thì một bộ phim khác cùng đề tài cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn từ khán giả, chính là Hậu Cung Như Ý Truyện do đạo diễn Uông Tuấn, biên kịch Lưu Liễm Tử hợp tác thực hiện
Từng tạo ra một Chân Hoàn Truyện gây nên cơn sốt toàn châu Á năm 2011, Lưu Liễm Tử được mong đợi sẽ có thêm một tác phẩm để đời. Và Hậu Cung Như Ý Truyện quả thực là “bom tấn” cổ trang khi có sự tham gia của những cái tên như Châu Tấn, Đổng Khiết, Trương Quân Ninh, Ô Quân Mai,… đều là những gương mặt nổi bật với diễn xuất thực lực cùng kinh phí đầu tư thuộc hàng “khủng”.
Phim chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên, kể về cuộc sống chốn hậu cung của nàng Ô Lạp Na Lạp Như Ý, tức Kế Hoàng Hậu của Càn Long Đế. Vậy nên nhiều khán giả mong đợi đây sẽ là phim cung đấu gay cấn nối gót “đàn chị” Chân Hoàn.
Tuy nhiên đạo diễn Uông Tuấn cho rằng Như Ý Truyện không phải là một bộ phim cung đấu đơn thuần, mà còn có khuynh hướng giảng giải tình yêu, một tình yêu từng hồn nhiên trong thể chế phong kiến, thể hiện cái chuyện xưa đế vương rắp tâm làm hủy hoại tình yêu đó (theo tờ báo The paper.cn)
Tình yêu thuở ban đầu luôn đẹp đẽ và hạnh phúc như thế!
“Người ta nói, tình yêu thuở ban đầu lúc nào cũng là đẹp nhất. Khi những rung động đều rất bỡ ngỡ. Khi cái chạm tay cũng đủ làm ngượng ngùng. Khi cái nhìn vẫn còn e thẹn. Khi những suy nghĩ của người ta chỉ hướng đến người còn lại…”
87 tập phim đã khẳng định lại tính chính xác của câu nói này. Bối cảnh thời đại và cuộc sống nơi hậu cung của những con người ở Tử Cấm Thành chỉ là nền để làm nổi bật tình yêu của Kế Hoàng Hậu với Càn Long Đế.
Như Ý xuất thân từ dòng dõi Ô Lạp Na Lạp, cô mẫu là Hoàng Hậu của Ung Chính Đế, nàng là một tiểu thư khuê các đúng nghĩa. Nàng là thanh mai trúc mã với Hoằng Lịch, nàng nguyện dâng hiến toàn bộ trái tim mình cho chàng thiếu niên năm đó. Chấp niệm của nàng chính là bóng hình tươi cười sôi nổi của “Hoằng Lịch ca ca” và những năm tháng thuở thiếu thời.
Bởi yêu Hoằng Lịch, Thanh Anh (Như Ý) chấp nhận làm trắc phúc tấn và sau này trở thành Nhàn Phi của Càn Long Đế. Là nữ nhân chốn hậu cung thì việc tranh quyền đoạt sủng là điều khó tránh, những Lang Hoa, Hi Nguyệt, Kim Ngọc Nghiên đều có lí do tranh đấu của mình thì Như Ý lại thu mình sống không màng danh lợi. Bởi điều quan trọng với nàng là tình yêu đế vương và nàng đã toại nguyện, thì tranh làm gì nữa?
Bởi yêu Càn Long, khi bị vu oan và không có cách nào biện minh, Như Ý chấp nhận vào lãnh cung chỉ vì câu nói “Ta tin nàng” của hắn. Sự tin tưởng là điều vô cùng quan trọng trong tình yêu, đồng thời cũng là lí do khiến tình cảm Đế-Hậu rạn nứt về sau.
Những tưởng khi lên ngôi Hậu sóng gió đã qua, có thể sống trường trường cửu cửu bên cạnh đức lang quân
Khi thoát khỏi nơi giam cầm tù túng, bước từng bước lên đài cao, nhưng Như Ý có thể thấy được bầu trời xanh rộng lớn năm đó nữa không? Hồng tường cao vời vợi nơi Cố Cung cũng không khỏa lấp được ý muốn tự do của nàng. Nhưng bậc đế vương lại cần người bên cạnh xoa dịu nỗi cô đơn, một lần nữa, vì hắn, Như Ý bước lên bảo tọa hoàng hậu.
Thế nhưng ngày tháng dần trôi, lòng người ngày càng lạnh nhạt, tính đa nghi và thói ham mê nữ sắc của bậc đế vương, thêm sự khốc liệt của hậu cung khiến chàng thiếu niên năm xưa đã dần khuất dạng. Hiểu lầm nối tiếp hiểu lầm, sự tin tưởng dành cho nhau cũng không còn, một cái kết buồn cho cả hai là điều xảy ra sớm muộn.
Bừng tỉnh mộng, Như Ý chẳng thể cười với đức lang quân được nữa, nỗi đau của nàng hắn gián tiếp gây ra. Nước mắt đã cạn, tình cũng dứt! Sức nặng của hậu vị đã hủy hoại một con người chốn thâm cung. Vĩnh biệt Hoằng Lịch, Thanh Anh chúc người bảo trọng, câu nói “Hoa nở hoa tàn, tự có lúc” như một giấc mộng thanh xuân đã vỡ vụn, chỉ trách dòng đời là thế, kiếp người vốn dĩ vô thường bất định, nào ai có thể bảo trì bất biến.
Bộ phim hậu cung Thanh triều gần như hoàn hảo
Phim nổi tiếng với sự đầu tư “khủng” khi chi phí sản xuất lên đến 43,3 triệu USD khoảng hơn 1000 tỷ đồng. Ngoài các sự kiện lớn như lễ băng hà của Ung Chính Đế, lễ đăng cơ của Càn Long Đế, đại điển phong hậu thì một cảnh cực kì vĩ đại mà đoàn làm phim đã tái hiện được chính là cảnh săn bắn tại Mộc Lang thu tiển.
Như Ý Truyện là một trong những phim về hậu cung Thanh triều có số lượng phi tần đông nhất kéo theo sự góp mặt của một loạt diễn viên nữ đáng chú ý như Đổng Khiết, Trương Quân Ninh, Tân Chỉ Lôi, Lý Thuần, Lý Thấm cùng nhiều cái tên nổi bật khác.
Diễn xuất là điều tiên quyết để khán giả đánh giá một bộ phim hay hoặc không, và Như Ý Truyện lại chiến thắng ở hạng mục này. 87 tập phim đã có những phân đoạn lấy cạn nước mắt khán giả như cảnh Như Ý bị vu oan, Hi Nguyệt qua đời, Ý Hoan tự thiêu, Càn Long tát Như Ý, Kế Hậu cắt tóc đoạn tuyệt và nhiều những cảnh ấn tượng khác. Thành công đằng sau chính là sự hi sinh vì vai diễn của các diễn viên, đặc biệt là đại hoa Châu Tấn.
Chắc những lời khen ngợi dành cho cô đã quá thừa thãi nhưng càng phải công nhận chỉ có Châu Tấn mới có thể diễn được vai Như Ý, Châu Tấn chính là Như Ý bước ra từ truyện, khiến nhân vật chân thật hơn bao giờ hết.
Không chỉ là một bộ phim thuần cung đấu
Nếu có nhược điểm ở Như Ý Truyện, bất quá là phim quá dài, những tập đầu có phần hơi lê thê và độ “ngược” khiến phim kén khán giả hơn những tác phẩm thuần cung đấu có nữ chính “hắc hóa” và phi tần đấu nhau nảy lửa gây tò mò phấn khích cho người xem.
Như Ý Truyện có mạch phim khá chậm rãi, có tranh đấu nhưng không kịch liệt mà chỉ dùng nó như một sự thủ đoạn, cái chân chính của bộ phim chính là nói lên cái tự sự cùng biểu đạt một đoạn tình yêu của Càn Long và Như Ý.
Tuy vậy nhưng sự sâu cay của mỗi lần tính kế là không thể phủ nhận. Phim tạm chia làm hai giai đoạn, tranh đấu khi Như Ý làm Nhàn Phi với phi tần “thế hệ 1” như Lang Hoa, Ngọc Nghiên, Hi Nguyệt, Hải Lan… và khi nàng làm hoàng hậu gồm dàn phi tần mới như Vệ Yến Uyển, Ba Lâm Mi Nhược, Hàn Hương Kiến,…
Nhưng xét cho cùng dù chốn hậu cung có nổi phong ba bão táp thế nào, Như Ý vẫn giữ một cái tâm trong sạch, thiện lương, không màng đến những thứ khác ngoài tình cảm chân thật của người nàng yêu.
Điều này cũng giải thích tại sao Như Ý mãi không chịu “ác”, thay vì sát phạt người khác, Như Ý chọn lương thiện, chọn làm người tử tế, điều còn khó hơn gấp bội việc “hắc hóa” ở chốn hậu cung này. Nhưng nàng không hề nhu nhược, có ân thì báo, có oán thì trả và không chủ động hại ai.
Uông Tuấn cho rằng:
"Như Ý Truyện là bộ Thanh cung mang màu sắc mới để cho người xem nếm thử… là bộ phim chứa cái văn hóa nhất định. Như Ý Truyện hoàn toàn vạch trần cái hôn nhân phong kiến, cái hôn nhân đế vương và cái nhân tính dần dần mất đi…"
Cái kết thực sự là dấu chấm tuyệt mĩ cho mối tình đầy đau thương, mặc dù Như Ý ra đi nhưng nàng được tự do, được giải thoát khỏi chốn cung cấm tù túng. Cảnh kết thúc khi Càn Long cắt một lọn tóc để chung hộp với mái tóc nàng năm xưa là minh chứng cho mối tình Thanh Anh - Hoằng Lịch tan rồi lại hợp, Thanh Anh muội muội xinh đẹp hiện lên lúc hắn nhắm mắt xuôi tay như đang đi đón chàng thiếu niên năm xưa vậy.
Câu chuyện hôn nhân của họ có thể giống với bất cứ ai trong chúng ta, buổi đầu thì mặn nồng thắm thiết, về sau lại nhạt nhòa chia ly. Như Ý Truyện là bộ phim rất tình, đong đầy cảm xúc mà cũng tỉ mỉ chỉn chu, xứng đáng là tuyệt tác của phim Hoa ngữ nói chung và phim truyền hình năm 2018 nói riêng. Cảm ơn đoàn làm phim và các diễn viên vì đã mang đến một bộ Thanh cung đẹp đẽ và bi thương đến vậy!