[REVIEW] Indiana Jones – Về đâu chiếc nón chàng Indy?

Đánh giá phim · Moveek ·

Bộ phim đầu tiên mà tôi được thưởng thức trong loạt phim về tiến sĩ khảo cổ học này là phần 4 Indiana Jones And The Crystal Skull vào một mùa hè năm 2008.

Bộ phim đầu tiên mà tôi được thưởng thức trong loạt phim về tiến sĩ khảo cổ học này là phần 4 Indiana Jones And The Crystal Skull vào một mùa hè năm 2008. Có lẽ do trước đó tôi đã được đọc cuốn truyện tranh nói về thành phố El Dorado và những cuộc viễn chinh vào rừng rậm Amazon, nên tôi đã ngay lập tức say mê câu chuyện mà phim mang lại. Tôi hoàn toàn không hề hay biết rằng thật sự phần 4 này lại là một trong những phần phim nhàm chán nhất. May mắn nhờ vào truyền hình cáp và đặc biệt là Internet “thần thánh”, tôi mới biết được trước nó là cả trilogy kinh điển. Một trilogy khiến tôi đã tiếc là mình lại sinh sau đẻ muộn.

Phần phim mà tôi tâm đắc nhất trong loạt phim là phần đầu tiên Raiders of the Lost Ark (1981) với một câu chuyện kể về một giáo sư khảo cổ học Indiana Jones dưới sự giao phó của chính phủ Mỹ, lặn lội đến Ai Cập để tìm Chiếc rương thánh tích chứa những phiến đá ghi lại 10 điều răn của Chúa, trước khi đối thủ của ông là tiến sĩ Belloq và những tên phát xít giành được và dùng nó cho mục đích xấu. Một câu chuyện được dựa trên những dữ kiện có thật, khắc họa lại câu đố mà người xưa để lại cho nhân loại tìm cách chinh phục. Nội dung phim rất đơn giản, không có gì đánh đố người xem. Với một số người thì có thể phim đã được đánh giá quá cao khi nhận được nhiều đề cử và giải thưởng, nhưng với người viết thì điều đó không quan trọng. Phim đã mang lại chính xác những cảm xúc mà có thể ta đang cần và “đào bới” tìm kiếm; cảm giác tò mò, phiêu lưu, tìm kiếm những tri thức mới là một trong những bản năng giúp chúng ta tồn tại.

Thông điệp mà loạt phim muốn gửi gắm chính là việc tìm ra “vàng” mà tiền nhân để lại. Là những kiến thức vượt tầm hiểu biết con người hay là những vật chất bên ngoài, những quyền lực không phải của chúng ta? Và hãy cẩn thận với những gì mình ước, bởi có lẽ bạn sẽ được chính xác những gì mình muốn nhưng theo cách bạn không lường trước được. Cuối phim là cảnh Chiếc rương được cất giấu kỹ lưỡng và thậm chí đến cả phần thứ tư vẫn chưa được nghiên cứu như là một sự khiêm tốn và thận trọng cần thiết. Với những sức mạnh vượt quá tầm hiểu biết thì ta cũng chẳng khác gì những thổ dân Hovitos coi Belloq như là thần thánh.

Nội dung phim chính là kết hợp tài tình và khéo léo sự tưởng tượng với những gì được mô tả trong kinh thánh, những dữ kiện có thật trong chiến tranh, và những giả thuyết về sự xuất hiện của người ngoài hành tinh thời cổ đại. Kết thúc của phim tạo cảm giác như câu chuyện có thể đã xảy ra ở đời thật, chiếc rương có lẽ đã được tìm thấy và giấu kín hoặc đang nằm ở đâu đó ngoài kia chờ nhân loại tìm ra và nghiên cứu. Bản thân người viết là một “tín đồ” của thuyết nhà du hành vũ trụ thời cổ đại và là fan hâm mộ của loạt phim tài liệu Ancient Aliens . Bộ phim đã dành hẵn một tập phim để tả về Chiếc rương thánh tích, với những giả thuyết về nguồn gốc cũng như công dụng và những nghi lễ xung quanh nó. Chiếc rương có thể là chiếc máy chứa đựng năng lượng hạt nhân, hoặc có thể là một chiếc radio để trò chuyện với thánh thần giống như những gì Belloq thuyết phục Indy. Một vật có thể không thuộc về trái đất đúng như những gì nhân vật phụ tá Sallah đã nói. Ancient Aliens còn chỉ ra rằng Adolf Hitler đã thật sự đọc cuốn Kinh Thánh như một cuốn lịch sử, và hành trình tìm Chiếc rương hay Chén thánh là những hành trình có thật.

Bộ phim đã gây ấn tượng ngay từ những cảnh đầu với sự xuất hiện của “kẻ đào trộm mộ” với kĩ năng thuần thục Indiana Jones và sau đó là cảnh Dr. Jones tại giảng đường (công việc bán thời gian của ông). Một sự đối lập làm tăng sự thú vị cho nhân vật. Khảo cổ học là việc đi tìm kiến thức của loài người qua hàng ngàn năm bị chôn vùi. Những kẻ phát xít mới chính là những kẻ trộm mộ khi đi tìm những thứ không thuộc sở hữu của mình. Indiana Jones là một nhân vật mà tôi thực sự mong muốn được trở thành, một siêu anh hùng của tôi. Cũng khá giống với Captain America một mình chống lại tổ chức Hydra, Indy cũng một mình một ngựa chống lại những tên phát xít. Những cảnh hành động hoàn toàn không thực tế nhưng vẫn khiến người xem thích thú dán mắt vào màn hình, Indy đã dùng ngựa để chiến đấu với xe tải và cả xe tăng (phần 3), dùng dây roi để đọ với súng, và dùng chính súng để kết liễu kẻ sát thủ dùng dao múa may tốn thời gian. Cảnh phim trong kịch bản gốc là việc Indy dùng roi để tước con dao nhưng chính  Harrison Ford đã gợi ý một cách nhanh chóng và hài hước hơn nhiều. Ngoài những cảnh hành động hài hước đặc trưng, phim còn dẫn ta phiêu lưu, chu du từ vùng rừng rậm Nam Mỹ đến dãy núi Nepal linh thiêng và cả Ai Cập huyền bí; những địa điểm đã từng đánh dấu sự tồn tại của những nền văn minh tiến bộ của loài người. Những công trình kiến trúc bí hiểm, những nghi lễ trang trọng, thần bí; những cái bẫy nguy hiểm chết người được dàn dựng hết sức công phu tỉ mỉ; dù cho có những điểm bất hợp lý nhưng vẫn kích thích trí tò mò của người xem.  

Trong mỗi phần phim, Indy đều có những người bạn đồng hành, nhân vật Marion Ravenwood do Karen Allen thủ vai được vinh dự là người đầu tiên đồng hành cùng chàng Indy đào hoa. Nhưng đáng tiếc nhân vật này lại là một “bánh bèo vô dụng” khiến người xem thấy khá phiền và chán nản hơn là nhận được một phản ứng hóa học nào tốt hơn giữa Ravenwood và Indy. Khá uổng phí cho diễn xuất hào hoa và thông minh của Harrison Ford. Nhân vật phản diện Belloq do Paul Freeman cũng khá thành công, tuy nhiên kịch bản lại không cho ông nhiều đất diễn và khiến nhân vật không phải là một đối thủ xứng tầm của Indy. Nhưng dẫu sao, phim cũng khắc họa được hai nhân vật với hai quan điểm đối lập nhau rõ rệt. Cả hai đều tôn sùng và muốn chiếm lĩnh những kiến thức của tiền nhân, và phần thua dành cho kẻ không biết mình biết ta. Song việc tôn sùng những cổ vật quý báu cũng chính là điểm yếu của Dr.Jones, khi ông thể dứt khoát phá hủy chiếc rương dù được Belloq tạo điều kiện. May mắn một cách vô lý là Belloq lại chỉ bắt sống Indy và Ravenwood rồi tự kết liễu chính mình do tham lam những gì vượt quá giới hạn, hay hắn muốn chứng minh cho Indy thấy rằng hắn là người chiến thắng sau cùng chăng?

Phim là một câu chuyện giả tưởng đầy tính giải trí và gợi cho khán giả nhiều sự tò mò thích thú. Với tôi, một người tin vào thuyết người ngoài hành tinh thời cổ đại thì cả loạt phim như một sự gợi mở tìm tòi khám phá: ‘Có những thứ không thuộc về trái đất này và vượt xa tầm hiểu biết của con người’.

Khá đáng tiếc là có khá ít bộ phim đi theo đề tài khảo cổ học như thế này, có lẽ do sự đảm bảo thành công về thương mại là khá ít, cộng với phải xây dựng một kịch bản đảm bảo những kiến thức thực tế nhưng vẫn lôi cuốn người xem. Hiện tại phần 5 của loạt phim đã được lên kế hoạch sản xuất và sẽ ra rạp vào năm 2019. Bộ phim vẫn được cầm trịch bởi thiên tài Steven Spielberg. Việc Harrison Ford vẫn tiếp tục thủ vai Indiana Jones có lẽ sẽ khiến nhiều fan vừa mừng vừa lo. Khó ai có thể thay thế được ông nhưng cũng nên có ai xứng đáng để kế thừa sự nghiệp khảo cổ học đầy vinh quang này chứ, và đó gần như chắc chắn không phải là Shia LaBeouf.

Thành viên: Vihh LY