[REVIEW] Kẻ Độc Hành (Netflix) – Phần tiền truyện hợp lý dù vẫn còn vài yếu điểm muôn thuở

TV Series · Đánh giá phim · miduynph ·

Kẻ Độc Hành đánh dấu cột mốc quan trọng trên con đường làm phim của Huỳnh Lập khi trở thành series đầu tiên tại Việt Nam được Netflix phát hành độc quyền toàn châu Á.

Tiếp nối thành công của loạt phim về đề tài tâm linh, Huỳnh Lập tiếp tục chiêu đãi khán giả bằng một tác phẩm hoàn toàn mới mang tên Kẻ Độc Hành. Bộ phim cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trên con đường làm phim của Huỳnh Lập khi trở thành series đầu tiên tại Việt Nam được Netflix phát hành độc quyền toàn châu Á. Ngay từ khi giới thiệu, bộ phim lập tức thu hút sự chú ý từ đông đảo "fan cứng" của chuỗi series lẫn những khán giả lần đầu biết đến.

Kẻ Độc Hành là mảnh ghép đặc biệt của web-drama Ai Chết Giơ Tay và phim điện ảnh Pháp Sư Mù mà Huỳnh Lập từng thực hiện. Phim bật mí cho khán giả những câu chuyện bi hài về thân thế của nhân vật Tinh Lâm, trước khi anh trở thành pháp sư trong Ai Chết Giơ Tay. Phần tiền truyện này xoay quanh cuộc sống của chàng trai trẻ Tinh Lâm (Huỳnh Lập) làm nghề bán vòng phong thủy và có niềm đam mê mãnh liệt với thế giới tâm linh. Cha mẹ anh mất sớm nên gia đình chỉ còn lại ông Vú (Quốc Khánh) để anh nương tựa và chăm sóc.

Thế nhưng vốn dĩ ông Vú cũng không tin vào những trò hành pháp mà Tinh Lâm đang theo đuổi. Vì vậy anh càng trở nên cô độc và cố gắng tìm cách chứng minh rằng khả năng của mình có thể cứu giúp người khác. Trong lần bắt ma tại một gia đình giàu có, Tinh Lâm gặp gỡ ma nữ Linh Lan (Vy Vân) và được cô chỉ dạy những bí thuật trong giới tâm linh. Kể từ đó, Tinh Lâm ngày càng đến gần hơn với ranh giới âm dương và hàng loạt sự kiện kỳ quái liên tục đeo bám chàng pháp sư trẻ.

Mở đầu series là cái chết bí ẩn của một cô gái mặc áo dài trắng tinh khôi khiến người xem cảm thấy khá hồi hộp và lôi cuốn. Cách dẫn dắt của phim trực tiếp nêu ra vấn đề và dần dần đi vào khai thác, giải thích góp phần làm cốt truyện có đích đến, tránh rơi vào trường hợp vẽ vời mông lung cho người xem. Tuy nhiên phong độ ở từng tập phim lại chưa được giữ vững, đặc biệt là ở những tập đầu tiên. Xuyên suốt 3 tập phim mở màn là những tình tiết không mấy đặc sắc và có phần buồn ngủ. Có thể hiểu đây thường là giai đoạn thiên về giới thiệu nhân vật, sự kiện nên ít có sự gay cấn. Nhưng với thời lượng dài mà câu chuyện ít có tiến triển, cộng với việc tình huống lặp đi lặp lại khá nhiều dễ khiến người xem bỏ phim giữa chừng.

Vốn là một bộ phim mang phong cách hài hước pha lẫn tâm linh đặc trưng của Huỳnh Lập, Kẻ Độc Hành vẫn giữ nguyên tinh thần đó nhưng đôi lúc những mảng hài được thêm thắt một cách rập khuôn và không phù hợp. Người viết cảm tưởng rằng có sự phân bổ xen kẽ nhau hẳn hoi, cứ 1 miếng kinh dị trôi qua sẽ cố chèn ngay 1 miếng hài bù vào để cân bằng lại, nhưng cách này dường như không hiệu quả và khá “phá mood”. Điểm đáng ghi nhận là đa số câu thoại hài vẫn mang tính chân thật, gần gũi đời sống chứ không bị sượng ngắt, vô duyên.

Bộ 3 khẩu nghiệp của khu phố
Bộ 3 khẩu nghiệp của khu phố

Từ tập 4 trở đi, phim lấy đà trở lại, nhịp phim gãy gọn và được kiểm soát tốt hơn. Các diễn biến cũng bắt đầu phức tạp, khiến khán giả phải có sự tập trung, suy đoán nhiều hơn nữa. Đồng thời, thông điệp của phim ngày càng được lồng ghép chặt chẽ, chạm vào cảm xúc người xem để làm nên một tác phẩm đậm tính nhân văn. Mượn yếu tố tâm linh để làm cầu nối truyền tải bài học ý nghĩa, bộ phim đã thành công ở khía cạnh đó.

Có lẽ vì thế phần hình ảnh, kỹ xảo lại chưa thật sự gây ấn tượng mạnh với người xem. Các cảnh quay ban đêm được phim làm tốt, khơi gợi nỗi sợ hãi khi ánh sáng u ám đủ nhìn rõ nhân vật kết hợp cùng hiệu ứng ma quỷ mờ ảo và âm thanh rùng rợn. Ngược lại ở những cảnh quay sáng, màu phim quá tươi tắn đã làm cho những oan hồn dễ lộ rõ khuyết điểm kỹ xảo.

Cảnh những âm binh đánh nhau nhằm phân định tài nghệ pháp sư
Cảnh những âm binh đánh nhau nhằm phân định tài nghệ pháp sư

Dàn diễn viên của phim thì không còn gì để chê bởi toàn sở hữu những gương mặt có tiếng trong làng hài kịch. Nổi bật trong bộ phim lần này không thể không nhắc đến Puka trong vai Quyên Hồng. Trái ngược với phong cách hài tưng tửng, nhố nhăng trước đây, Puka đã hóa thân vào một nhân vật lăn xả hơn, nhiều màu sắc hơn với đa dạng loại cảm xúc và biểu cảm khó nhằn. Có khi cô là một con Hồng giang hồ đầu trộm đuôi cướp, khi là một bé Hồng cute phô mai que, khi lại là thân xác vô hồn cho ma quỷ nhập vào hành hạ điên khùng.

Puka là người bị hành lên bờ xuống ruộng nhiều nhất phim
Puka là người bị hành lên bờ xuống ruộng nhiều nhất phim

Kẻ Độc Hành là một phần tiền truyện chỉn chu, đầy logic của Ai Chết Giơ Tay khi khai thác đúng trọng tâm những vấn đề mà khán giả tò mò về nhân vật Tinh Lâm trước khi thành pháp sư cao tay. Dù vẫn còn vấp phải những hạn chế nhất định, song đây vẫn là một tác phẩm đáp ứng được tính tò mò lẫn giải trí cho khán giả về một thế giới tâm linh chứa đựng nhiều bí ẩn. 

Xếp hạng 8 web drama Việt dựa trên lượt view trên Youtube - Bố Già chỉ về nhì trên BXH

Xếp hạng 8 web drama Việt dựa trên lượt view trên Youtube - Bố Già chỉ về nhì trên BXH

Web drama nào hiện đang có nhiều lượt view nhất? Bố Già, Thập Tam Muội, Ai Chết Giơ Tay... hay một cái tên nào khác quen thuộc hơn với khán giả?

[REVIEW] Pháp Sư Mù

[REVIEW] Pháp Sư Mù

Pháp Sư Mù của Huỳnh Lập mặc dù chưa thực sự xuất sắc, nhưng có thể coi là bất ngờ của điện ảnh Việt trong tháng 11 sau nhiều nỗi thất vọng trong tháng 10.