[REVIEW] Like Father Like Son – Câu chuyện nhạt hay tuyệt tác về gia đình?

Đánh giá phim · shinsei11 ·

Người xưa có câu: “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nhưng liệu câu tục ngữ này có phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp?

Người xưa có câu: “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nhưng liệu câu tục ngữ này có phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp? Liệu cảm xúc khi gắn bó suốt bao nhiêu năm có thể dễ dàng bị thay thế bởi một người thân xa lạ? Tất cả những đắn đo, những cảm xúc ấy sẽ được truyền tải thông qua Like Father Like Son.

Bộ phim mở đầu với hình ảnh của một gia đình ba người kiểu mẫu. Người bố, Ryota Nonomiya, là một kiến trúc sư thành đạt luôn bận bịu với công việc. Người mẹ, Midori, một bà nội trợ Nhật kiểu mẫu và Keita, cậu con trai 6 tuổi của hai vợ chồng. Ryota luôn cố gắng chăm chỉ làm việc để cho vợ con một cuộc sống đầy đủ sung túc. Những tưởng gia đình sẽ mãi là điểm tựa để anh yên tâm cố gắng làm việc cho đến khi một biến cố xảy ra làm anh lung lạc. Một cuộc điện thoại từ bệnh viện nơi sinh Keita lạnh lùng thông báo rằng cậu bé thực ra đã bị hoán đổi và không phải là con ruột của hai người.

Đứa trẻ mang huyết thống của Ryota và Midori hiện đang được nuôi dưỡng trong một gia đình có gia cảnh khác biệt hoàn toàn. Người chồng tên Yudai Saiki là chủ một cửa hàng nhỏ, người vợ Yukari phải đi làm thêm ở tiệm cơm và họ phải nuôi đến tận 3 đứa con. So với vẻ ngoài sang trọng, lịch lãm của Ryota, ông Saiki trông chẳng khác gì một lão già bần hàn thô tục. Trong khi quan điểm của vợ chồng Ryota là tiền bạc không quan trọng, điều cần quan tâm hơn cả là lợi ích của những đứa trẻ thì vợ chồng nhà Saiki cứ luôn ra rả về chuyện tiền bồi thường. Phim nhanh chóng cho thấy sự đối lập từ gia cảnh đến cách suy nghĩ của cả hai gia đình, và bên đáng tin cậy hơn, hẳn nhiên là gia đình Ninomiya.

Nhịp phim trôi một cách bình thản và chậm rãi, kéo theo đó là sự thay đổi trong suy nghĩ của khán giả. Ryota luôn biết cách thành công trong công việc nhưng lại không biết cách làm cha. Ở Ryota không có cách nói chuyện ấm áp, truyền cảm của một người cha, không có khoảng thời gian âu yếm hay chơi đùa với con. Anh luôn trưng ra một bộ mặt lạnh lùng, một nụ cười gượng gạo, cách hành xử vụng về và cố áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Trong khi đó, một người có vẻ thô tục, nghèo túng, tham tiền lại có vẻ “thành thạo” hơn trong việc làm cha. Không một đứa trẻ nào trong gia đinh Saiki phải lớn lên mà thiếu vắng tình thương của những đấng sinh thành. Trong ngôi nhà nhỏ ấy luôn tràn đầy những tiếng cười nói hạnh phúc, trong khi căn hộ sang trọng kia luôn buồn bã, lạnh lẽo và chứa đựng những thanh âm u sầu. Đó là lý do vì sao Keita đã nhanh chóng thích nghi với sự bảo bọc của hai vợ chồng nhà Saiki, còn Ryusei, con ruột của Ryota và Midori, lại cảm thấy ngộp thở trong chính căn nhà của cha mẹ ruột.

Ryota có một cuộc sống khá “hoàn hảo” và điều này khiến anh luôn đứng ở vị trí trên cao nhìn xuống mà coi thường ông Saiki. Thế nhưng qua biến cố này, anh mới nhận thức được rằng 6 năm qua mình chỉ là một người cha thất bại. Và, chính ông Saiki là người đã giúp anh nhận ra thiếu sót, giúp anh khơi gợi bản năng và chỉ cho anh biết một người cha là như thế nào. Bộ phim cũng chính là câu chuyện về sự thức tỉnh bản năng làm cha của Ryota, về những cảm xúc thật sự anh dành cho Keita vẫn luôn bị ẩn dấu dưới lớp mặt nạ lạnh lùng bấy lâu nay và nói rộng hơn là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với các bậc cha mẹ và cả những người sắp đón nhận sức mệnh thiêng liêng ấy.

Không giống như những tác phẩm lấy đề tài hoán đổi tương tự, Like Father Like Son lựa chon cách kể chuyện nhẹ nhàng, đơn giản, không tập trung khắc họa vào những nỗi đau dằn xé hay sự lưỡng lự, trằn trọc trong mỗi quyết định. Điều này khiến người xem cảm thấy thoải mái, không bị đè nặng bởi áp lực tâm lý và tận hưởng trọn vẹn bộ phim. Việc để lộ cảm xúc của các nhân vật khá dè xẻn nhưng tinh tế, khiến cho ta càng lúc càng thấy thấm và cảm thông hơn. Bên cạnh diễn xuất tuyệt vời của nam tài tử Masaharu Fukuyama, ta không thể không nhắc đến đóng góp quan trọng từ hai diễn viên nhí. Cậu nhóc Keita Ninomiya có đôi mắt to tròn trong trẻo cùng vẻ hiền lành đáng yêu, còn Ryusei Saiki lại toát ra vẻ tinh nghịch lém lỉnh mà chẳng có chút gượng gạo nào. Chính hai viên ngọc quý ấy đã tô điểm cho bức tranh, biến nó từ màn đêm âm u, trở thành buổi bình minh ấm áp.

Đừng nghĩ rằng cứ nhẹ nhàng, đơn giản thì phim sẽ nhạt, bởi lẽ sẽ có lúc bạn bị cuốn vào mạch cảm xúc lúc nào không hay.