Review Ma Da – Bộ phim đáng xem vào tháng cô hồn?
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · linhhuynh0257 ·
Với đề tài hấp dẫn liệu Ma Da có phải là một phim kinh dị đáng xem? Hay lại là một nỗi thất vọng to lớn cho khán giả, giống như đa phần những phim kinh dị Việt Nam thời gian gần đây.
Kéo xuống để xem tiếp
Truyền thuyết tâm linh (folklore) là yếu tố được khai thác rất nhiều trong dòng phim kinh dị. Đề tài này không chỉ mang đến những câu chuyện huyễn hoặc, thần bí mà còn thể hiện được nét văn hóa bản địa hết sức đặc sắc. Nổi bật nhất những năm gần đây là bộ phim Incantation (Chú Nguyền) vô cùng đáng sợ của Đài Loan.
Chất liệu dân gian hấp dẫn
Thực tế Việt Nam cũng có nhiều truyền thuyết tâm linh đáng sợ, rất có tiềm năng để chuyển thể thành phim. Ma Da chính là một câu chuyện như thế.
Trong số chúng ta, hầu như lúc nhỏ đều từng nghe lời hù dọa về Ma Da. “Coi chừng Ma Da kéo giò đó” là lời dặn dò của người lớn với trẻ con, ngụ ý là đừng đi đến những chỗ nước sâu như ao, hồ, sông, biển.
Theo những câu chuyện dân gian thì Ma Da chính là linh hồn của những người đuối nước không siêu thoát được. Vì cứ ở nơi sông nước lạnh lẽo nên Ma Da sẽ kéo chân người sống rồi lôi xuống nước. Dù bơi giỏi đến đâu cũng không thể thoát được con ma này.
Câu chuyện về Ma Da rùng rợn
Ngay từ đầu phim, khán giả đã nghe tiếng ca ai oán, rờn rợn rồi một cô gái áo đỏ gieo mình xuống dòng sông. Cô gái trở thành Ma Da. Và câu chuyện xung quanh cái chết của cô phủ một lớp màn bí ẩn.
Nhân vật chính của phim là bà Lệ (Việt Hương) – một người mẹ đơn thân sống cùng cô con gái là bé Nhung (Dạ Chúc) ở miền quê sông nước. Bà Lệ làm một công việc hết sức đặc thù – vớt xác người chết đuối.
Cho đến ngày, từng người dân trong xóm bà Lệ bị đuối nước một cách bí ẩn. Những dấu tích từ xác những người đã chết vô cùng kỳ lạ, như thể họ bị Ma Da bắt đi. Rồi cô con gái của bà Lệ cũng mất tích. Có phải việc làm của bà khiến cho oán linh nổi giận? Liệu còn có bí mật nào ẩn giấu nữa không?
Bên cạnh câu chuyện ghê rợn về Ma Da, phim còn nói về một nghề ít được biết đến là nghề vớt xác. Một nghề như đi giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Nói một cách khác, người làm nghề này giống như người kết nối giữa hai thế giới âm dương.
Chồng bà Lệ đuối nước khi bà còn trẻ, đang mang thai bé Nhung. Khi dân làng đã từ bỏ việc tìm kiếm, bà cứ ngồi ở bờ sông khóc chồng. Đột nhiên xác chồng nổi lên, bà Lệ bụng mang dạ chửa bơi xuống nước tự tay vớt chồng lên. Như một cái nghiệp, bà bắt đầu công việc đặc biệt này từ đây.
Diễn xuất của Việt Hương là điểm sáng
Việt Hương nổi tiếng là một nghệ sĩ hài ăn khách. Nhưng với Ma Da người ta không còn thấy bóng dáng hoạt ngôn của cô trên những show giải trí nữa. Tất cả những gì trên màn ảnh chỉ là một người đàn bà nhà quê, lam lũ vướng phải cái nghiệp với nghề vớt xác. Dù cho người thân, bạn bè xung quanh đều khuyên bà bỏ nghề đi.
Bà Lệ chỉ có một cô con gái duy nhất là bé Nhung. Cô bé rất đáng yêu và hiểu chuyện. Nhưng vì công việc, bà Lệ cứ mãi lặn lội đi vớt xác người cả ngày lẫn đêm. Khi về đến nhà thì đã khuya, con đã đi ngủ. Dù thế, tình cảm mẹ con vẫn rất tốt đẹp. Bé Nhung luôn mong muốn có thể ở bên mẹ nhiều hơn.
Tuyến tình cảm mẹ con của bà Lệ và bé Nhung lúc ban đầu được xây dựng khá tốt. Không bị sa vào những tình tiết sướt mướt, lê thê mà người xem vẫn cảm nhận được tình mẫu tử của hai mẹ con.
Việt Hương năm nay đã gần 50 tuổi nên ban đầu thật khó hình dung cô sẽ đóng vai mẹ của một bé gái 10 tuổi như thế nào. Tuy nhiên, ngoại hình có phần già dặn của Việt Hương vô hình trung lại rất phù hợp với vai bà Lệ sớm tối ngụp lặn chốn sông nước, lại thường xuyên phải làm những công việc nặng nề, tiếp xúc với người chết.
Việt Hương cũng không ngại làm xấu mình với gương mặt không phấn son, rám nắng, lộ rõ tuổi tác. Thậm chí cô còn mượn quần áo của dân địa phương mặc để ra dáng bà Lệ thực thụ. Vì thế trong màn phỏng vấn đạo diễn phim Quật Mộ Trùng Ma Jang Jae Hyun đã không tiếc lời khen ngợi màn trình diễn của Việt Hương
Ma Da là bộ phim của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng, với sự cố vấn của đạo diễn Nhất Trung. Kinh phí của bộ phim là 35 tỷ đồng – khá lớn so với mặt bằng chung của phim Việt.
Bối cảnh quay chính của Ma Da là ở rừng ngập mặn Năm Căn, Cà Mau với quang cảnh hùng vĩ nhưng không kém phần âm u, bí hiểm. Hình ảnh thiên nhiên được ghi lại với nhiều góc độ với sắc độ từ tươi sáng đến u ám khá chỉn chu.
Khâu hóa trang cũng rất đáng khen ngợi, bởi Ma Da không lạm dụng kỹ xảo, tạo hình Ma Da quay cận mặt vô cùng đáng sợ. Chưa kể đến những cái xác chết đuối trương phình lên trông khá chân thật.
Ma Da lạm dụng nhiều những màn jump scare (hù dọa bất thình lình). Vì thế, khi đã “bắt được bài” khán giả dần mất đi cảm giác sợ hãi với những màn hù dọa này.
Phim khai thác nghề vớt xác. Đây là một yếu tố hấp dẫn nhưng tiếc rằng không được đào sâu hơn nữa. Phim có đề cập đến ông Dân (Trung Dân), một người từng làm cùng nghề với bà Lệ, nay đã bỏ nghề. Ông cũng nói rằng vợ và con ông đã chết. Bản thân nhân vật này và những đoạn thoại của ông rất cuốn hút. Tiếc là không được khai thác nhiều.
Bà Lệ: “Mình đưa người ta về với gia đình là mình đang làm việc tốt”
Ông Dân: “Nhưng trong số những người mà mày vớt lên, có một số người không muốn về với gia đình họ”
Đoạn kết của phim tuy muốn làm cho bất ngờ. Nhưng quá trình triển khai câu chuyện cho đến cái kết chưa thật sự thuyết phục. Kiểu đạo diễn muốn tạo sự bất ngờ nên bỏ lơi phần dẫn dắt, chính điều này khiến cho khán giả vô cùng khó chịu.
Đã thế 10 phút cuối của Ma Da khá sến, gây mệt mỏi. Gần cuối phim còn chèn thêm một đoạn hát dân ca, dù Cẩm Ly hát rất hay nhưng nó cứ “lạc quẻ” thế nào ấy! Nói cách khác, 10 phút cuối của phim kéo đi kha khá cảm xúc và hảo cảm của khán giả - điều mà phần đầu phim đã làm rất tốt.
Nếu đã xem Ma Da, chắc chắn sẽ không ai có thể chê phim nhảm cả. Phim được làm chỉn chu, có ý tưởng tốt mang đậm màu sắc bản địa, dàn diễn viên đóng tròn vai. Tiếc rằng đoạn kết của phim gây hụt hẫng ít nhiều nên chưa thể trở thành một bộ phim thật sự ấn tượng và bùng nổ của điện ảnh Việt. Nhưng nếu đang tìm kiếm phim kinh dị để giải trí hay muốn ủng hộ một bộ phim Việt được làm nghiêm túc thì Ma Da thực sự là lựa chọn không tồi.