[REVIEW] Nhà Không Bán (2022)

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Moveek ·

Nhà Không Bán - Bộ phim hài gia đình dành cho dịp Tết hay phim kinh dị phản ánh sự thống trị của tầng lớp địa chủ?

Nhà Không Bán, bộ phim kinh dị gia đình lấy bối cảnh năm 90 kể về Bà Ngọc và cháu gái mình cùng một cô bạn hàng xóm trở về quê nhà để thăm ông Ngà, người em trai của bà Ngọc. Căn nhà chung của hai chị em vốn là một căn nhà được xây dựng bởi cha của 2 người, ông Cả từ giai đoạn thời Pháp thuộc. Suốt khoảng thời gian bà Ngọc và cháu mình sinh sống bên Mỹ, ông Ngà toàn quyền trông coi nhà cửa và tiện chăm sóc bà Hạnh, người vợ mắc chứng tâm thần của ông từ khi hai đứa con Châu và Báu của hai người chết dưới giếng bởi lời nguyền cô Trinh, linh hồn người phụ nữ từng bị ông Cả hành hạ dẫn đến tự vẫn. Đó là lý do ngôi nhà này ông Ngà và bà Ngọc đều không thể bán để kiếm vốn di cư làm ăn, một phần do bị ảnh hưởng lời đồn ra tiếng vào từ những người hàng xóm gây ảnh hưởng không tốt với gia đình.

Đồng hành trong bộ phim có cháu ngoại của bà Ngọc là Betty, cô bé được sinh ra ở nước Mỹ, có sở thích phiêu lưu khám phá, đặc biệt là mê chuyện kinh dị. Cùng với hai người bạn Thúy Liễu và Thạch “Dên”, cả ba người dần khám phá ra những bí mật kinh hoàng từ gia đình mình từ câu chuyện của ông Cả và cô Trinh, đồng thời những sự kiện siêu nhân rùng rợn bắt đầu xảy ra.

Về mặt nội dung, Nhà Không Bán không quá vội vã khi giải thích về cội nguồn của lời nguyền ma nữ cùng với câu chuyện của ông Cả. Nội dung phim chia ra thành hai giai đoạn thời bình và thời chiến rõ rệt. Phim phản ánh sâu sắc sự thống trị, đàn áp một cách cực đoan đến từ giai cấp cầm quyền thông qua câu chuyện của ông Cả. Ông môi giới, buôn lậu, dâm dục, chia rẻ hạnh phúc và tước đoạt cuộc của người thiếu nữ đang ở tạm nhà ông là cô Trinh. Về thời bình, vẻ mặt của ông Ngà luôn u sầu đủ điều cùng với sự xót thương của bà Ngọc. Tội lỗi của bậc cha mẹ đã đẩy thế hệ sau vào khổ sở. 

Nhưng, những bộ phim kinh dị theo hướng tâm lý nào mà không có "twist" lớn. Lời nguyền, những sự kiện chết chóc liên tục xảy ra ở hiện tại sẽ không giống với những gì mà người xem nghĩ trước đó. Điển hình là phân đoạn Betty, Thúy Liễu và “Dên” lập bàn cầu cơ để thăm hỏi về linh hồn quanh quẩn trong căn nhà là thần hay quỷ. Tất nhiên, câu trả lời chẳng như nhân vật hay khán giả mong đợi. Điều bất ngờ đó đã dẫn đến câu chuyện rùng rợn khác liên quan đến hiện tượng xuất quỷ nhập hồn. 

Về hiệu ứng, do phim được ghi hình lấy bối cảnh hai thời điểm khác nhau nên tông màu thể hiện rõ rệt, từ màu vàng cũ kỹ, hoài niệm cho đến tông màu xanh u tối ở thời hiện tại. Thủ pháp hù dọa người xem cũng có thể được xem là tinh vi và có tâm, từ tạo hình cho linh hồn ma nữ cô Trinh cho đến những pha jumpscare liên tục đủ làm khán giả giật mình. Các màn hù dọa có thể đã cũ nhưng vẫn chứng tỏ hiệu quả, nhưng Nhà Không Bán vẫn dễ làm người xem mệt mỏi khi có quá nhiều các khung hình lặp đi lặp lại. Về mặt thủ công của bộ phim cũng thật sự nghiêm túc khi cho xây thêm một phiên bản căn nhà tươi mới, không mục nát để tiện cho những cảnh quay ông Cả xuất hiện, tuy phức tạp ở khâu xây dựng nhưng tạo được sự tiện lợi cho đội ngũ hậu kỳ bộ phim. 

Nhân vật gây ấn tượng nhiều đối với người viết trong Nhà Không Bán có lẽ là cả hai nhân vật ông Cả và người con trai - Ngà. Cả hai có khuôn mặt giống hệt nhau và đều được thủ vai bởi diễn viên Minh Hoàng. Dù bác đã nhiều năm quy ẩn, không tham gia một tác phẩm điện ảnh nào nhưng lần trở lại này, nam diễn viên đã để lại một ấn tượng khó quên khi đảm đương cả 2 vai ở hai thời kỳ khác nhau, nhập tâm xuất sắc người mang lòng nhân đạo và kẻ mang danh bạo chúa. Cả hai nhân vật của Minh Hoàng truyền tải rất rõ bài học về luật nhân quả mà cố nhân đã dạy.

 

Nhìn chung, Nhà Không Bán là một phim có tâm, chỉn chu, và không quá lạm dụng yếu tố hài hước. Phim vẫn tập trung yếu tố kinh dị, giật gân. Như vậy, Nhà Không Bán đã không đi vào lối mòn của các phim Tết – đủ cho thấy sự nghiêm túc của bộ phim. Đến cuối cùng, phim đã truyền tải thành công thông điệp của câu chuyện.