[REVIEW] Scent of a Woman - “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”

Đánh giá phim · khacduy ·

Giây phút cậu nam sinh Charlie mở cánh cửa nhà của viên trung tá mù về hưu Frank Slade, không chỉ cậu mà những khán giả theo dõi cũng sẽ không biết được rằng chuyến phiêu lưu tới New York trong 3 ngày nghỉ lễ Phục Sinh sẽ thay đổi cuộc đời mình như thế nào.

Giây phút cậu nam sinh Charlie mở cánh cửa nhà của viên trung tá mù về hưu Frank Slade, không chỉ cậu mà những khán giả theo dõi cũng sẽ không biết được rằng chuyến phiêu lưu tới New York trong 3 ngày nghỉ lễ Phục Sinh sẽ thay đổi cuộc đời mình như thế nào. Vai diễn trung tá mù Frank cũng đã đem lại tượng vàng Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất cho sự nghiệp của diễn viên kì cựu Al Pacino.

“Cause no one want to do it alone” - Một cặp bài trùng khó quên

Đây là câu hát trong đoạn opening numbers của Neil Patrick-Harris ở Oscars 2010 nhằm nói lên Hollywood yêu thích công thức cặp bài trùng như thế nào. Hai nhân vật được xây dựng đối lập với nhau nhưng trong hành trình của mình, họ sẽ  uôn là thứ hương vị được các nhà biên kịch xoay quanh nhiều nhất mà nổi tiếng nhất là các cặp đôi như: Bonnie và Clynne, Rick và Morty hay Martin Riggs và Roger Murtaugh trong Lethal Weapon. Đối với Scent of a Woman, cặp bài trùng Frank và Charlie được khắc họa như chính câu nói của Frank đã đúc kết:

“Trên đời này có hai loại người: những con người khi gặp khó khăn sẽ đứng lên đối đầu với nó, và những kẻ còn lại sẽ chạy đi tìm chỗ trốn.”

Frank và Charlie
Frank và Charlie

Frank Slade trong bi kịch của chính đời mình đã chọn cách tìm chỗ trốn, trốn đằng sau những câu nói thô thiển, đôi khi kinh tởm, tiếng “HooAhh” được cất lên như một lớp vỏ bọc bảo vệ con người này như chính câu thoại cay đắng của ông:

“Cả cuộc đời ta, ta đã chọn đứng lên chống lại mọi vật và mọi người xung quanh vì nó làm cho ta có cảm giác rằng mình là một con người quan trọng.” 

Không thể đối diện với sự thật mình đã mất đi đôi mắt, sống trong bóng tối, Frank chọn cách thu mình lại trong căn nhà nhỏ, cách ly với họ hàng ruột thịt. Mục đích của chuyến đi đến New York càng thể hiện lên sự tuyệt vọng trong con người ông. Những giá trị cuối cùng mà người đàn ông này bấu víu để sống là: một giấc ngủ trên chiếc giường xịn nhất, ăn những món ăn và uống những loại rượu ngon nhất, làm tình với cô gái điếm đẹp nhất có thể kiếm được và rồi tự kết liễu đời mình.

Ngược lại với Frank, cậu nam sinh Charlie lại hiện lên hình ảnh một con người dù ngây ngô nhưng từ hành động đến suy nghĩ lại toát lên nhân cách chính trực. Charlie từ chối việc bán đứng người khác dù rằng hành động bao che bạn bè của cậu sẽ mãi nằm giữa lằn ranh đúng sai, nhưng đáng quý biết bao khi hậu quả ập đến cậu nam sinh này đã đứng lên đối diện cùng sự quả cảm của mình.

Frank quý mến Charlie vì ông nhìn thấy một nhân cách lớn ẩn sau vẻ bề ngoài thư sinh ấy. Charlie dần thấu hiểu ẩn đằng sau tính cách thô lỗ, cộc cằn của Frank là một người đàn ông cũng có lúc yếu mềm như bất kì con người bình thường nào khác. Mối quan hệ giữa hai nhân vật được xây dựng gần gũi mà đẹp đẽ biết bao, gợi lên thứ khí chất “anh hùng trọng anh hùng” như hình ảnh Kiều Phong và Đoàn Dự kết nghĩa huynh đệ trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung ngày nào. 

Would you like to tango, darling?” - Cuối cùng Al Pacino đã bước ra ánh sáng

Tôi tôn thờ Al Pacino và tôi nghĩ rằng mọi diễn viên đều nên làm như vậy”.

Alec Baldwin khẳng định sự vĩ đại của Al Pacino trong cuộc phỏng vấn với Conan O’Brien nhân dịp đoàn làm phim The Godfather đoàn tụ kỉ niệm 45 năm thực hiện bộ phim.

Với sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm với vô số những vai diễn xuất sắc nhưng vai viên trung tá mù Frank Slade trong Scent of a Woman lại được nhớ đến nhiều nhất vì đã đem lại cho ông tượng vàng đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Điểm đặc biệt của nhân vật Frank Slade toát lên trong cách xây dựng nhân vật từ nét anti-hero đầy phá cách ở thời điểm khi phim ra mắt, lôi cuốn khán giả bằng cách ăn nói dữ dằn, bặm trợn đầu phim gợi nhớ đến tác phẩm Full Metal Jacket, sự tinh tế, lọc lõi đến xảo quyệt cộng với những trò đùa mang hơi hướng chính trị từ thời còn ở Washington của Frank là một sự trùng hợp đến kì lạ với một anti-hero cũng nổi tiếng không kém hiện nay Francis Underwood được thể hiện bởi tài tử Kevin Spacey trong serie House of Cards. 

Nhưng tất cả sẽ không là gì nếu không có sự hi sinh vì nghệ thuật của Al Pacino trong suốt quá trình học hỏi, luyện tập để có thể nhập vai, từ thần thái cho đến đôi mắt vô hồn thể hiện sự trống rỗng trong tim. Al Pacino đã đưa bàn tay mời chúng ta trải nghiệm một điệu tango xuất sắc mà ta không thể làm gì khác ngoài việc bái phục diễn xuất của Al Pacino, và chỉ khi một diễn viên đã vượt ra khỏi chính giới hạn của bản thân mình để thật sự sống trong nhân vật mình hóa thành thì ngay cả viện Hàn Lâm cũng đã không còn lý do gì để từ chối việc trao cho ông tượng vàng cho vai diễn kiệt xuất này cả.

“If you make a mistake, get all tangled up, just tango on” – Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép

Con người rồi ai cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, cũng sẽ đi qua những mất mát của cuộc đời nhưng khi chúng ta dũng cảm đứng lên đối mặt với những sai lầm, mất mát ấy không còn trốn tránh nó nữa cũng chính là lúc mỗi con người có thể nhận ra rằng xung quanh vẫn còn bao thứ tươi đẹp khác để trân trọng biết bao.

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng

Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng

Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”

                                                             Em ơi đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn

 

Như chính trung tá Frank Slade đã nhận ra nét đẹp trong con người Charlie, ông dám đứng lên bảo vệ cậu và từ hành động tưởng chừng bộc phát ấy Frank tự giải thoát chính mình khỏi chính thứ bóng tối đang bao bọc lấy mình, người đàn ông đáng thương ấy bước vào ngôi nhà của cháu mình để tiếp tục sống, tiếp tục hành trình thưởng thức cái mùi vị từ người phụ nữ mang tên “Cuộc Sống” của mình một lần nữa.

“Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép.

Cứ yêu đi dù rằng mình ngu si.

Ai lừa ai, ai hờn ai, ai giận ai, ai thù ai.. cho qua đi”

                                                                                Vì tôi còn sống – Tiên Tiên

Truyền tải một thông điệp ý nghĩa với diễn xuất bậc thầy của Al Pacino, Scent of a Woman xứng đáng được xếp vào hàng những kiệt tác kinh điển của làng điện ảnh thế giới. Để kết thúc bài review, người viết xin giới thiệu với các bạn trích đoạn Tango scene của phim để minh chứng cho diễn xuất tuyệt vời của Al Pacino trong phim: