[Review] The Good Bad Mother – Phim chữa lành, chữa tới đâu khóc tới đó
TV Series · Đánh giá phim · miduynph ·
The Good Bad Mother ( Người Mẹ Tồi Của Tôi) là một bộ phim giàu ý nghĩa và đong đầy dư vị đọng lại.
Kéo xuống để xem tiếp
The Good Bad Mother (Người Mẹ Tồi Của Tôi) tiếp tục ghi tên mình vào bộ sưu tập phim đẫm nước mắt của Lee Do Hyun. Trải qua 14 tập phim, khán giả không khỏi vừa cười vừa khóc với câu chuyện đầy cảm xúc về hai mẹ con nhà Kang Ho. Dẫu biết tập cuối sẽ khó lòng mà vui vẻ tưng bừng nhưng quan trọng hơn hết là bộ phim đã làm tốt nhiệm vụ “chữa lành” của mình cho đến phút cuối cùng.
Câu chuyện của The Good Bad Mother xoay quanh bà mẹ đơn thân Young Soon (Ra Mi Ran) và con trai Choi Kang Ho (Lee Do Hyun). Sau cái chết đột ngột của chồng, bà dọn đến ấp Jou, một mình sinh con và tiếp tục duy trì trang trại lợn. Vì muốn Kang Ho mạnh mẽ, có quyền lực tiền tài để không phải chịu bất công như vợ chồng bà đã từng, bà đã trở thành một người mẹ nghiêm khắc, cay nghiệt với chính con trai mình. Choi Kang Ho từ nhỏ đã không được sống như những đứa trẻ vô tư khác, cậu phải học hành chăm chỉ và thành công tố viên như mong muốn của mẹ. Cũng vì vậy mà giữa 2 mẹ con ngày càng có khoảng cách, Kang Ho lúc nào cũng lạnh lùng và chỉ miệt mài theo đuổi học hành, sự nghiệp.
Bỗng một tai nạn giao thông hi hữu xảy đến, Choi Kang Ho bị chấn thương nặng và khi tỉnh dậy cậu chỉ còn kí ức của một đứa trẻ 7 tuổi. Kể từ đó, bà mẹ Young Soon một lần nữa được nuôi dạy lại đứa con trai. Bà nhận ra trước kia mình đã quá cực đoan với con và đây xem như là cơ hội để bà sửa chữa những sai lầm của mình với “cậu bé” Kang Ho. Hành trình của 2 mẹ con tuy gian nan và gặp không biết bao thử thách nhưng rất dạt dào cảm xúc. Càng về cuối phim, khán giả càng thấy được tình mẫu tử thiêng liêng không thể diễn tả bằng lời của bộ đôi mẹ con này.
The Good Bad Mother có một kịch bản dễ bắt gặp trong phim Hàn như mất trí nhớ, bệnh nan y, con trả thù cho cha,… nhưng phim không đi theo chiều hướng bi kịch hoá mà lại có cách triển khai nhẹ nhàng và sâu lắng hơn. Phần lớn thời lượng phim có bối cảnh ở ấp Jou – vùng quê bình yên nơi xóm làng sẵn sàng giúp đỡ hay cãi nhau chí choé như người thân trong nhà. Vì vậy, phim tạo được bầu không khí gần gũi, vui vẻ và ấm áp. Đan xen với đó là những âm mưu chính trị, tội ác của kẻ quyền cao chức trọng, cũng là phe phản diện chính của phim. Do thế, nhìn chung tác phẩm vẫn mang màu sắc tươi sáng cùng thông điệp “chữa lành” có nhiều sức nặng.
Không quá tập trung vào kế hoạch trả thù như khán giả từng dự đoán, bộ phim đánh vào tình làng nghĩa xóm, tình cảm sâu sắc giữa những con người tưởng chừng xa lạ, cùng sự thay đổi trong cách giáo dục con của bà mẹ Young Soon khi Kang Ho 7 tuổi với 35 tuổi. Đau thương trong quá khứ có thể vừa là động lực để con người bước tiếp nhưng cũng vừa là vết nứt ảnh hưởng đến cả đời sau. Bà Young Soon cũng như thế nhưng may mắn thay bà lại có được những người hàng xóm tốt bụng cùng cậu con trai hiểu chuyện đến đau lòng người.
Tình mẫu tử trong phim không chỉ được xây dựng giữa bà Yong Soon và Kang Ho mà phảng phất trong cả những người mẹ khác. Bà Jung Gum Ja (Kang Mal Geum), bà Park Sung Ae (Seo Yi Sook), Mi Joo (Ahn Eun Jin), Hwang Soo Hyun (Ki Eun Se) đều có đất để thể hiện tình yêu vô tận với đứa con của mình một cách chân thật chạm vào cảm xúc người xem.
Điểm thú vị của The Good Bad Mother còn ở chỗ trong một tập phim bạn có thể cười ngặt nghẽo phút trước rồi phút sau lại khóc như mưa mà không hề bị gượng gạo. Một tác phẩm khiến giả vừa khóc vừa cười như vậy sẽ đảm bảo được sự sâu lắng lẫn tính giải trí. Tập cuối của phim để lại nỗi buồn man mác cho nhiều người nhưng cái buồn này lại giàu ý nghĩa, mở ra tương lai tươi đẹp về sau. Nhờ vào sự mất mát đó mà thông điệp của phim được thể hiện trọn vẹn, sâu sắc hơn. Bà Young Soon dù có số phận đầy rẫy bất hạnh nhưng từ đó bà biết trân trọng các mối nhân duyên trong cuộc đời hơn, biết đối đãi với nhau như thể là lần cuối cùng để không buông lời tổn thương nhau.
Xem lịch chiếu & Mua vé dễ dàng hơn tại Moveek
Bộ phim có thể nói là trọn vẹn và viên mãn nhưng người viết khá tiếc khi The Good Bad Mother chỉ có 14 tập ngắn ngủi. Tiếc là vì các diễn biến về cuối được đẩy lên dồn dập, lại tương đối vội vã nên nhiều chi tiết được lược bỏ bớt đi. Điều đó vô hình trung làm lộ rõ sự gấp gáp, bối rối của phim khi xử lý những vấn đề then chốt cuối cùng. Nếu với thời lượng 16 tập, có lẽ phim sẽ thong thả hơn trong đoạn kết và mang đến một trải nghiệm vừa vặn với tốc độ hợp lý hơn cho khán giả.
Điều làm nên thành công vượt trội của bộ phim không thể không kể đến diễn xuất đỉnh cao của dàn diễn viên. Lee Do Hyun và Ra Mi Ran đã có màn “song kiếm hợp bích” quá đỗi hoà hợp và dạt dào cảm xúc. Ra Mi Ran với từng biểu cảm đều cho thấy tấm lòng của một bà mẹ luôn kiềm nén mọi đau khổ vào lòng để một mình chống chọi. Nước mắt chực chờ muốn rơi nhưng bà vẫn nín nhịn mỉm cười, nén cơn đau vào trong. Lee Do Hyun lại có diễn xuất thăng hạng với vai Choi Kang Ho. Một chàng trai lạnh lùng, một đứa trẻ 7 tuổi hay một Kang Ho xoá bỏ hận thù đều được anh thể hiện xuất sắc chỉ qua ánh mắt biết nói, khiến khán giả tin và cảm nhận được.
The Good Bad Mother (Người Mẹ Tồi Của Tôi) có thể nói là một trải nghiệm xem phim không hề tồi cho khán giả. Tác phẩm mang đến một câu chuyện vừa đủ kịch tính, vừa đủ hài hước và tràn ngập thông điệp về tình yêu thương khiến bạn lưu luyến mãi không thôi.
Doctor Cha vs The Good Bad Mother - 2 series thay phiên nhau chiếm lĩnh top 1 Netflix
Cả 2 bộ phim Doctor Cha và The Good Bad Mother đều đang “làm mưa làm gió” với câu chuyện hấp dẫn dần đi đến hồi kết.
[Cảm nhận] The Good Bad Mother – Tình tiết cao trào lấy đi không ít nước mắt người xem
The Good Bad Mother (Người Mẹ Tồi Của Tôi) hiện là 1 trong 2 bộ phim Hàn Quốc trên Netflix được thảo luận nhiều nhất.
[Preview] The Good Bad Mother (Netflix) - Hành trình chữa lành cho mẹ “tồi” và con trai “ngoan”
Bộ phim có sự góp mặt ấn tượng của “đao phủ” Lee Do Hyun.