[REVIEW] Thor: Ragnarok – Lộng lẫy và hoành tráng hơn bối cảnh trong 2 phần trước

Đánh giá phim · khacduy ·

Bạn đừng chờ đợi đến khi phim ra bản HD trên mạng, mà nên trực tiếp đến rạp để thưởng thức siêu phẩm này kẻo sẽ hối hận như tôi khi không xem Doctor Strange năm ngoái.

Lấy bối cảnh 2 năm sau sự kiện trong Avengers: Age of Ultron, phim bắt đầu khi Thor (Chris Hemsworth) đang tìm kiếm câu trả lời cho giấc mơ bí ẩn về Ragnarok của mình. Hành trình này đưa anh đến Muspelheim và bị con quỷ lửa khổng lồ Surtur giam giữ. Sau khi đánh bại hắn, Thor quay trở lại Asgard – nơi mà Loki (Tom Hiddleston), kẻ đang trị vì Asgard dưới nhân dạng Odin đã khiến vương quốc này tiến đến bờ vực hủy diệt. Sự suy yếu này đã tạo điều kiện cho Hela (Cate Blanchett), nữ thần của cái chết, tấn công và gần như hủy diệt Asgard. Từ đây, Thor và Loki phải chu du từ hành tinh này sang hành tinh khác, cho đến khi Thor bị bắt làm tù binh ở Sakaar, nơi mà anh gặp lại và phải chiến đấu với người đồng đội cũ Bruce Banner aka The Hulk (Mark Ruffalo). Thor sẽ phải sát cánh với Hulk, Loki và nữ chiến binh Valkyrie nhằm ngăn chặn Ragnarok – ngày tận thế của Asgard và các vị thần.

Khi nhắc đến 2 phần đầu tiên của Thor, thật sự người viết không có ấn tượng quá tốt, tuy vẫn đáng xem vì các màn kĩ xảo – hành động đã mắt nhưng chúng vẫn khá lạc nhịp trong vũ trụ điện ảnh Marvel nếu so sánh với loạt phim solo của Captain America hay Guardian of the Galaxy. Nhưng đối với phần 3 này, như những gì người viết đã nhắc đến trong bài Những điều bạn cần biết trước khi thưởng thức siêu phẩm Thor: Ragnarok, Marvel đã đem đến những thay đổi lớn trong đội ngũ làm phim nhằm thổi một làn gió mới vào hồi kết cho loạt phim solo của anh chàng thần sấm Thor.

Sự xuất hiện của nhà làm phim lập dị Taika Waititi dù là nước cờ mạo hiểm nhưng cuối cùng đã cho ra quả ngọt. Với kinh nghiệm của mình, nhà làm phim người New Zealand rất biết cách cân bằng giữa hai yếu tố hài hước và hành động. Người xem sẽ liên tục được chiêu đãi bằng các pha hành động đã mắt lồng ghép với những tráng cười đầy sảng khoái, như màn vừa đánh vừa tâm sự giữa Thor và Hulk ở trailer. Các trò đùa gây cười trong phim cũng vừa phải không gây cảm giác quá lố, bản thân người viết cảm nhận tốt hơn hai tác phẩm khác của Marvel trong năm nay là Vệ Binh Dải Ngân Hà 2Spider-man: Homecoming. Về mặt hình ảnh, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra các cảnh phim của Thor giờ đây sẽ luôn có tông màu và cảnh vật tươi sáng hơn nhiều so với hai phần đầu. Asgard và hành tinh mới Sakaar giờ đây nhìn lộng lẫy và hoành tráng hơn rất nhiều so với những bối cảnh trong 2 phần trước.

Ngoài ra, không thể không kể đến khả năng casting diễn viên "chuẩn không cần chỉnh" của Marvel khi các nhân vật khác từ chính tới phụ đều hoàn thành tốt vai diễn của mình. Hai nam thần quen thuộc Chris Hemsworth và Tom Hiddleston tiếp tục thể hiện tuyệt vời mối quan hệ phức tạp giữa Thor và Loki. Đặc biệt sự góp mặt của Mark Ruffalo trong vai Bruce Banner aka The Hulk cũng là một điểm sáng khác, khi Mark không chỉ tỏa sáng trong vai Banner như mọi khi mà còn trong vai Hulk với lối nói chuyện con nít và cái đầu nóng chỉ chực chờ đập nát mọi thứ sẽ khiến bạn tiếp tục yêu mến chàng khổng lồ xanh này.

Tuy phim không khai thác được quá nhiều về các nhân vật phụ như Doctor Strange (Benedict Cumberbatch), Grandmaster (Jeff Goldblum), Valkyrie (Tessa Thompson), Skurge (Karl Urban) hay anh chàng khổng lồ Korg (do chính đạo diễn Taika Waititi lồng tiếng) nhưng họ cũng kịp để lại ấn tượng cho người xem trong mỗi khung hình mà họ xuất hiện, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa Doctor Strange và Thor.

Riêng về phần phản diện chính - nữ thần của cái chết Hela do Cate Blanchett thủ vai. Marvel lại tiếp tục ghi điểm trong năm nay khi tiếp nối sau Ego và Vulture, Hela tiếp tục là một villain vô cùng ấn tượng. Khả năng diễn xuất của Cate Blanchett thật sự toát ra từ giọng nói ma mị, gương mặt quyến rũ đầy nét quỷ quyệt và sức mạnh khủng khiếp như được miêu tả trong comic, càng làm tăng thêm độ hấp dẫn cho tình tiết của phim.

Và nếu bạn bị nghiện bản nhạc Immigrant Song của Led Zeppelin từ khi nghe nó ở trailer của Thor: Ragnarok, thì hãy chuẩn bị tinh thần vì soundtrack của Thor: Ragnarok sẽ khiến bạn đắm chìm vào những bản nhạc techno mang hơi hướng thập niên 80 và nghiện bài Immigrant Song hơn nữa. Thật sự mỗi khi bản nhạc này cất lên hòa quyện với các pha hành động đều đem đến cảm giác phấn khích khó tả. Ngoài ra, giây phút bản nhạc nền Pure Imagination của tựa phim huyền thoại Willy Wonka & the Chocolate Factory vang lên ở hành tinh Sakaar thật sự làm người viết nổi cả da gà. Các âm thanh khác từ tiếng súng đến hiệu ứng cháy nổ đều được thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, Thor: Ragnarok cũng có những hạt sạn của riêng mình khi người viết vẫn cảm thấy hụt hẫng khi tuyến truyện ở Asgard của Hela vẫn không được khai thác đúng mức, có phần chìm so với thời lượng ở trên Sakaar, khiến người viết chưa cảm thấy được nỗi đau nhân vật này phải chịu đựng. Ngoài ra, đoạn kết của nhân vật Skurge và phần hồi tưởng về quá khứ từ Valkyrie diễn ra có phần chóng vánh chưa kịp để lại ấn tượng với người xem.

Tổng kết lại, bỏ qua những hạt sạn đó thì trong loạt 3 phim về Thor, Ragnarok chắc chắn là tác phẩm đáp ứng tốt nhất các yếu tố truyền thống để tạo nên một bộ phim siêu anh hùng của Marvel. Nhịp phim nhanh đưa người xem đi từ pha hành động này đến pha hành động khác, yếu tố hài hước vừa phải không gây cảm giác quá lố. Có thể nói Thor: Ragnarok tiếp tục là một tác phẩm rất đáng xem tiếp theo không chỉ đối với fan Marvel nói riêng và fan điện ảnh nói chung, phim cũng là hồi kết thỏa mãn dành cho anh chàng thần sấm trước khi chúng ta tái ngộ anh trong Infinity War năm sau. Bạn đừng chờ đợi đến khi phim ra bản HD trên mạng, mà nên trực tiếp đến rạp để thưởng thức siêu phẩm này kẻo sẽ hối hận như tôi khi không xem Doctor Strange năm ngoái.