[Review] Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát (Where the Crawdads Sing)
Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát (Where the Crawdads Sing) có thể không phải là một bộ phim hoàn hảo nhưng đây chắc chắn là một bộ phim đáng xem khi tái hiện một bi kịch theo một cách rất đẹp đẽ.
Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát (Where the Crawdads Sing) là một bộ phim đậm chất văn học khi bám rất sát với nguyên tác.
Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát là một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Oliver Newman ra mắt vào tháng 8 năm 2018 và cũng là tác phẩm đầu tay của bà, tác phẩm ngay lập tức đã trở thành một hiện tượng trong làng sách văn học năm đó và liên tục lọt vào danh sách bán chạy của tờ The New York Times. Do đó, bà kiêm luôn vai trò đạo diễn và bộ phim đã trở thành một dự án có được điểm đánh giá rất cao từ khán giả.
Bộ phim mở đầu bằng một vụ án mạng bí ẩn của một thanh niên khi không có quá nhiều chứng cứ tại hiện trường nhưng địa điểm thì khá quen thuộc: đồng lầy. Do đó, nữ chính Kya (Daisy Edgar-Jones thủ vai) hiển nhiên trở thành nghi phạm với lí do đơn giản: nó là đứa tách biệt với xã hội. Câu chuyện bắt đầu từ đây khi mọi thứ được giới thiệu rất rõ ràng, từng nhân vật, từng hoàn cảnh, từng mẩu chuyện. Mặc dù xuyên suốt phim là một vụ phá án để giải oan cho nữ chính Kya nhưng đạo diễn rất biết cách xen kẽ từng phân cảnh của quá khứ với hiện tại để dẫn dắt người xem đi đến từng nút thắt của vấn đề.
Mặc dù mạch phim rất chậm và nó có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim của nhiều khán giả, nhưng điều này làm nổi bật hơn chất “thơ” của tác phẩm này. Mọi sự biến chuyển trong tự nhiên đều rất từ tốn nhưng lại đầy bất ngờ mà đúng không? Một hạt mầm dần dần thành cây, quá trình đó rất chậm rãi, nhưng lại đủ để khiến chúng ta bất ngờ với sự lớn lên của nó. Với mạch phim từ tốn như thế, người xem dường như có thể từ từ hiểu và cảm nhận được bản chất của từng nhân vật trong đây, tốt có, xấu có, thế nhưng không thực sự biết được đến cuối cùng, sức mạnh bên trong của mỗi con người có thể lớn đến mức nào, giống như sức mạnh của mẹ thiên nhiên.
Không hổ danh là một tác phẩm được đề cao bởi cảnh quay đẹp, Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát làm hiện lên một đồng lầy đầy chất thơ nhưng cũng rất ma mị với những gì trần trụi nhất của tự nhiên. Mọi cảnh quay trong đây đều rất đẹp, rất lãng mạn cho dù những gì mà đồng lầy chứng kiến là hạnh phúc hay tuyệt vọng thì đồng lầy vẫn giữ bản chất của đồng lầy, nước vẫn chảy, cây vẫn lớn, hoa vẫn nở và chim vẫn bay. Nhưng lẫn trong những điều đẹp đẽ này là một sự khác biệt hơn hết, dù sự khác biệt này vẫn rất đẹp, đó là Kya.
Kya rất đẹp, phải dành một lời khen lớn cho nữ diễn viên Daisy khi hóa thân thành một cô gái đồng lầy quá xuất sắc, cô sống trọn vẹn trong nhân vật, hết sức thuyết phục với vai diễn này để bất kì ai trong chúng ta cũng có thể đặt lòng tin vào sự ngây thơ thuần khiết nhưng không hề kém phần dữ dội của sức mạnh từ bên trong cô gái ấy. Âm nhạc của phim được giới thiệu có sự góp mặt của giọng ca Taylor Swift nhưng chỉ ở cuối phim nên xuyên suốt bộ phim âm nhạc chưa phải là điểm quá ấn tượng. Thứ ấn tượng là những âm thanh của thiên nhiên, tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót.
Lấy bối cảnh của những năm 60, khi mà tính nam độc hại được xem là một chuyện quá bình thường thì đối với Kya nó như một cơn ác mộng khi phải giam trong mình một nỗi ám ảnh lớn về bạo lực. Sống tách biệt với thị trấn, không phải Kya sợ con người, chỉ là cách mà cô gái này được giáo dục là phải tách xa con người, từ đó hình thành nên một tính cách cho cô gái ấy. Kya có thể đắm chìm với đồng lầy, say mê tìm hiểu đặc tính của từng sinh vật ở nơi đây và không cần phải giao du với ai để có niềm vui, đối với Kya, đồng lầy như một thiên đường, như một vùng an toàn hơn hết với cô cho dù người khác có xem nó là thứ đáng sợ.
Thế nhưng quy luật tự nhiên vốn là vậy, Kya cũng biết yêu dù thật sự cô cũng không biết tình yêu là gì. Tình yêu đó thật lãng mạn, nên thơ, cũng có lúc dữ dội và bùng nổ và cũng có lúc tuyệt vọng. Đối với Kya, niềm tin giống như một lâu đài cát đang ở giữa bờ biển kia, cố gắng xây lên nó, sóng đánh vỡ tan tành, nhưng cô vẫn cố gắng xây nó lên một lần nữa và sóng lại đánh vỡ tan tành. Những điều này có phải quá tồi tệ với một cô gái không?
Phiên tòa của Kya cũng có chút kịch tính khi cả hai bên công tố và luật sư đều có những lí lẽ cho mình về việc kết án tử hình cho Kya. Rõ ràng ở ngoài kia gần như tất cả mọi người đều quy chụp rằng chỉ cần khác biệt thì là không tốt. Tư tưởng đó vẫn luôn ăn sâu trong nhân loại khi hầu hết họ chưa học được cách chung sống với những ai khác biệt, họ tin rằng đám đông luôn đúng. Không cần bất cứ gì khác, Kya vẫn bị kì thị vì bị bỏ rơi và lủi thủi nơi đồng lầy. Thế nhưng giữa những thứ tầm thường đó, bộ phim này vẫn đúng với chất thơ của nó đó là đâu đó vẫn còn những người tử tế với Kya vô điều kiện.