Sematic Error (Lỗi Logic) – Nét chấm phá mới trong điện ảnh Hàn về tình yêu đồng giới
Khi đã thoát ra khỏi quá khứ “đen tối” ngày trước, hiện nay phim boy love đang phát triển rộng rãi đến công chúng. Điều này có lẽ đang tạo nên bước khởi đầu cho việc nới lỏng dần những định kiến xã hội.
Lỗi Logic đã gây ra hàng loạt tranh cãi khi bộ phim tạo nên một thể loại mới trong khuôn khổ của dòng phim lãng mạn Hàn Quốc. Đây là loạt phim gốc đầu tiên được lên sóng trên nền tảng phát trực tuyến Watcha của Hàn Quốc.
Trên thực tế, không ít người đặt câu hỏi rằng vậy Lỗi Logic được xếp vào loại phim gì? Đây là loạt phim mà người Hàn Quốc gọi là “BL”. Phim hình thành dựa trên một câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội và tác giả cho dòng truyện này được biết đến với tên gọi là “Jeosuri”. Phim chính là bản chuyển thể từ truyện tranh. Bên cạnh đó, “BL” là viết tắt của “boy’s love” - một thể loại tập trung vào mối quan hệ đồng giới giữa những chàng trai.
Câu chuyện xoay quanh Lỗi Logic diễn biến khá cơ bản. Choo Sang-woo (do Park Jae-chan thủ vai) là một sinh viên khoa học máy tính, người luôn nhìn mọi thứ qua lăng kính logic. Một ngày, Choo Sang-woo đột nhiên thấy mình phải đối mặt với Jang Jae-young (Park Seo-ham), một sinh viên thiết kế song lại khác với anh về mọi mặt.
Đối với Sang-woo, Jae-young chính là hình mẫu cho việc bị lỗi logic - đây là một thuật ngữ được sử dụng trong máy tính để chỉ những lỗi sai thường mắc phải trong thuật toán. Và cả hai đều nảy sinh mâu thuẫn trước khi tiến tới đích đến cuối cùng là tình yêu.
Tại thời điểm này, bạn có thể đặt một câu hỏi khác. Trong một thời gian dài, chúng ta đã nghe nói về thể loại được gọi là “phim queer”. Có lẽ bạn đang thắc mắc tại sao Lỗi Logic lại được gọi là loạt phim “BL” chứ không phải là một bộ “phim queer”.
Khái niệm boy love bắt nguồn từ Nhật Bản. Ngày trước, đây là một từ mang hàm ý miệt thị gọi là “yaoi”. Và phim boy love hiện tại đã được loại bỏ rất nhiều so với các câu chuyện queer được tạo nên bởi những người thuộc cộng đồng LGBTQ.
Thể loại này bắt đầu với “JUNE” (phát âm là “joo-nay”) trong một tạp chí hoạt hình xuất bản từ năm 1978. Theo đặc điểm hình thành trước đó, đây được xem là một thể loại gợi tả về những hình ảnh giả tưởng của một mối quan hệ tình ái. Đối tượng hướng đến cho dòng phim này là một nhóm người hâm mộ, chủ yếu ở nữ giới.
Hầu như những mẩu truyện boy love đều phản ánh chưa thật sự chính xác về những gì mà người trong cộng đồng LGBTQ đã thật sự trải qua trong thế giới hiện thực. Thay vào đó, họ kể câu chuyện về các nhân vật nam theo phong cách hoạt hình lãng mạn cùng với những ham muốn về tình dục của họ.
Trong suốt những năm 90, thể loại boy love đã trải qua một sự trỗi dậy bùng nổ. Giữa thập kỷ ấy, ta có thể chứng kiến một đợt sóng thực sự của boy love tràn vào Hàn Quốc, mở đầu với tác phẩm Zetsuai (1989) của huyền thoại Minami Ozaki.
Boy love của đầu những năm 2000 và ngày nay đã có rất nhiều sự khác biệt. Trong khi thời kỳ đầu được xem là một thể loại “đen tối” thì ngày nay đang ngày càng trở nên tươi sáng hơn.
Các nhà văn boy love nổi tiếng của Nhật Bản như Fumi Yoshinaga đã vươn tầm đến những giải đấu lớn bằng việc lồng ghép những câu chuyện queer ngày càng đi sát với hiện thực. Các tác phẩm của Yoshinaga bao gồm Antique Bakery (1999) đã được chuyển thể thành một phim Hàn Quốc mang tên Antique và What Did You Eat Yesterday? (2007) đều đang có trên Watcha.
New York New York (1995) được xem như một kiệt tác của Marimo Ragawa, đó là sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa boy love và chuyện queer gắn liền với thực tiễn.
Đây là bộ phim queer đầu tiên mở đầu cho sự trỗi dậy của thể loại này tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian mà truyện giả tưởng boy love của Nhật Bản cũng đang được đưa ra ánh sáng. Làn sóng này có thể bắt đầu vào năm 2006 với No Regret của đạo diễn Lee-Song Hee-il. Điều thú vị là, số lượng khán giả dành sự yêu mến cho No Regret còn phải kể đến cả những người đam mê với thể loại boy love.
Kể từ đó, boy love đã vượt lên khỏi hình ảnh giả tưởng về một mối quan hệ tình ái đơn thuần mà thay vào đó là sự kết hợp cùng những câu chuyện queer mang sắc thái nghiêm túc hơn. Dường như chính việc làm ấy đã khiến cho ranh giới giữa boy love và queer đang dần được xóa mờ.
Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải theo dõi boy love. Hầu hết những câu chuyện BL đều bỏ qua tất cả những định kiến và hận thù mà người thuộc cộng đồng LGBTQ thực sự phải gánh chịu. Và thể loại này có thể không thoải mái đối với các khán giả muốn thưởng thức những câu chuyện queer nghiêm túc hơn.
Nhưng để phổ biến những câu chuyện queer rộng rãi đến công chúng thì việc thêm vào những tình tiết mang tính giả tưởng sẽ giúp cho người xem cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp cận với tác phẩm. Năm 2010, Life Is Beautiful (2010) của nhà văn Kim Soo-hyun đã trở thành bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên kể về câu chuyện tình yêu của một cặp đôi đồng tính nam. Tuy nhiên, bộ phim đồng thời cũng vướng phải nhiều hạn chế bởi trên thực tế, chính các nhân vật trong câu chuyện ấy vẫn luôn lo lắng về việc bị phát hiện.
Lỗi Logic là một trường hợp hoàn toàn khác. Hầu như không có bất kỳ nỗi sợ nào liên quan đến việc “công khai”. Tuy có nhiều trong các câu chuyện được đăng tải ở mạng xã hội nhưng những cảnh quay nóng lại thiếu vắng trên màn ảnh. Trong một số cuộc phỏng vấn, đạo diễn Kim Soo-jung của Lỗi Logic đã giải thích rằng cô ấy “đã cố gắng làm cho điều đó trở nên nhẹ nhàng cho những khán giả tiếp xúc với thể loại boy love lần đầu tiên”. Mặt khác, những cảnh quay còn lại đều được chắc chắn rằng vẫn giữ nguyên mô típ thanh xuân vườn trường.
Và liệu đó có phải là một điều tồi tệ? Khi đã thoát ra khỏi quá khứ đen tối, hiện tại, phim đam mỹ đang dần tiến lại gần hơn với công chúng. Sự phát triển này đồng thời cũng là một điều thú vị khi góp phần tạo nên sự khởi đầu cho việc nới lỏng dần những định kiến xã hội.
Gần đây nhất vào năm 2015, loạt phim Schoolgirl Detectives của đài JTBC đã phải chịu hình thức kỷ luật từ Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) vì bộ phim xuất hiện những cảnh hôn đồng giới. Loạt phim trực tuyến về đề tài đồng tính nữ Lily Fever cũng đã nhận được yêu cầu bắt buộc phải “thay đổi cảnh quay” từ KCSC vào năm 2016 vì “vi phạm thuần phong mỹ tục và trật tự xã hội khác”.
Ossan's Love (2018), được phát sóng trên TV Asahi, là một thành công chưa từng có đối với loạt phim có chủ đề boy love và tương tự với các chương trình sau này như Cherry Magic! (2020). Hàn Quốc ngày nay dường như đang theo bước chân của Nhật Bản với những phim truyền hình “nhẹ nhàng” và các bộ phim chuyển thể từ truyện.
Đối với những ai đang nghĩ đến việc đăng ký Watcha và xem Lỗi Logic sau khi đọc xong bài viết này thì nên lưu ý một điều rằng đây không được xem là tác phẩm xuất sắc. Lỗi Logic gần giống với những bộ phim chiếu mạng thông thường với mức đầu tư kinh phí thấp và được một dịch vụ phát trực tuyến của Hàn Quốc tạo ra nhằm thu lợi nhuận từ một thị trường thích hợp. Bởi lẽ không như các dịch vụ quốc tế như Netflix, nguồn lực sản xuất bị hạn chế chính là nguyên nhân cản bước cho sự phát triển của Watcha.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể phủ nhận đi sự thành công của Lỗi Logic khi đã góp phần mở ra một thị trường ngách mới và đây được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu cho sự phát triển rực rỡ trong tương lai. Cụ thể, đối tượng tiếp nhận dự kiến sẽ được mở rộng trong thời gian sắp tới.
Theo dự đoán của tôi, chẳng cần mất nhiều thời gian để chúng ta có thể được nhìn thấy những bộ phim mang chủ đề boy love xuất hiện không chỉ trên các nền tảng phát trực tuyến mà còn được phát sóng tại các kênh truyền hình cáp và truyền hình công cộng. Đối với thế giới phim ngắn Hàn Quốc, bộ phim là một phần “lỗi” đẹp.
Nguồn: Hankyoreh