Step Up Revolution - sức trẻ từ trong trái tim

Tin điện ảnh · Moveek ·

Phần tiếp theo của loạt phim vũ đạo ăn khách tiếp tục mang tới một bữa tiệc trẻ trung tràn đầy âm nhạc, tình yêu, những bước nhảy đam mê và những chiếc "xế độ" rực rỡ sắc màu cho mùa phim hè.

Mùa hè năm 2006, phần đầu tiên của Step Up với diễn xuất của Channing TatumJenna Dewan đã tạo nên cơn sốt đối với khán giả trẻ mê vũ đạo. Năm 2008 và 2010, hai phần tiếp theo của phim tiếp tục khiến mùa phim hè trở nên sôi sục, hừng hực với những màn trình diễn đẹp mắt. Dù không được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng nội dung, Step Up vẫn trở thành một "thương hiệu" hấp dẫn với giới trẻ bởi hình ảnh lung linh, âm nhạc hay, dàn diễn viên đẹp. Năm nay, phần tiếp theo của phim có tên gọi Step Up Revolution tiếp tục khuấy động và tạo luồng không khí nóng bỏng đậm chất hè cho các rạp chiếu.

Sau Maryland, Los Angeles và New York ở ba phần trước, câu chuyện của phần bốn lấy bối cảnh ở thành phố biển xinh đẹp Miami - nơi nổi tiếng với những khu resort 5 sao, những bãi cát ngập nắng, những đường cong uốn lượn trong các bộ bikini và những chiếc "xế độ" bắt mắt. Chuyện phim xoay quanh hai anh bạn nối khố Sean và Eddy làm nghề chạy bàn trong khách sạn sang trọng Dimont của ông chủ độc đoán Bill Anderson. Những lúc rảnh rỗi, hai chàng trai cầm đầu nhóm nhảy đường phố The Mob đi biểu diễn những màn FlashMob công phu, đẹp mắt và chớp nhoáng khắp Miami.

Thành phố Miami là bối cảnh chính trong câu chuyện của Step Up Revolution. Ảnh: Summit.
Thành phố Miami là bối cảnh chính trong câu chuyện của Step Up Revolution. Ảnh: Summit.

Những màn trình diễn của The Mob thu hút sự chú ý của Emily, con gái rượu của Bill Anderson. Emily mong muốn trở thành vũ công chuyên nghiệp nhưng luôn bị cha ép từ bỏ ước mơ ấy. Cuộc gặp gỡ với Sean, trưởng nhóm The Mob đã khiến Emily có thêm động lực theo đuổi hoài bão. Emily gia nhập nhóm và cùng hàng chục vũ công Miami tạo thêm nhiều màn trình diễn FlashMob sáng tạo. Chuyện rắc rối xảy ra khi Bill Anderson quyết định di dời khu dân cư mà The Mob sinh sống để phá bỏ, xây một khu resort sang trọng tại đây...

Step Up Revolution có khoảng 8 màn vũ đạo chính với những ý tưởng độc đáo. Phong cách chủ đạo trong phần này là nhảy FlashMob - một xu hướng rất thịnh hành trong giới trẻ những năm gần đây. Các phần trình diễn của nhóm nhảy The Mob trong phim cùng với những chiếc "xế độ", mặt nạ cho tới loạt thang cuốn đều sẽ khiến cho người xem cảm thấy hưng phấn, choáng ngợp bởi sự sáng tạo. Trường đoạn FlashMob trong triển lãm nghệ thuật trên phim còn được kết hợp với màn biểu diễn ánh sáng và kịch hình thể ngoạn mục. Ngoài FlashMob là tâm điểm, Step Up Revolution còn đưa lên màn ảnh rộng nhiều loại hình vũ đạo và nghệ thuật khác như Hip Hop, Ballet, Salsa, vẽ Graffiti và cả Parkour.

Những màn trình diễn FlashMob độc đáo là điểm nhấn xuyên suốt phim. Ảnh: Summit.
Những màn trình diễn FlashMob độc đáo là điểm nhấn xuyên suốt phim. Ảnh: Summit.

Kinh phí không cao như các bom tấn 3D nhưng êkíp thực hiện biết cách dùng nhiều chiêu trò để biến Step Up Revolution thành một bộ phim "không thể không xem 3D" khi ra rạp. Sự tương tác giữa khán giả với các nhân vật trong phim rất tốt. Ở mỗi màn trình diễn, hiệu ứng 3D và các góc quay sẽ tạo cho người xem cảm giác như đang ở ngoài đường phố theo dõi trực tiếp các vũ công thể hiện những bước nhảy của họ. Màu sắc của phim cũng rất rực rỡ và ở mỗi trường đoạn biểu diễn đều có một tông màu riêng, tạo nên dấu ấn về mặt hình ảnh.

Cũng giống như ba phần trước, âm nhạc của Step Up Revolution cũng được nhà sản xuất chú trọng đầu tư. Timbaland, Busta Rhymes, Flo Rida, Jennifer Lopez, Justin Bieber, Pitbull hay Fergie... là những nghệ sĩ góp giọng trong từng phần biểu diễn của các vũ công. Những ca khúc chính của phim như Hands in The Air, Live My Life, Feel Alive hay Going In' đều rất bắt tai và phù hợp với không khí, tinh thần trẻ trung của bộ phim. Ở phần bốn có khá nhiều màn trình diễn Ballet nên cũng có thêm một số bản nhạc nhẹ nhàng như To Build A Home (The Cinematic Orchestra), Undone (Haley Reinhart) được sử dụng.

Kathryn McCormick và Ryan Guzman - hai diễn viên chính của Step Up Revolution. Ảnh: Summit.
Kathryn McCormick và Ryan Guzman - hai diễn viên chính của Step Up Revolution. Ảnh: Summit.

So với ba phần đầu thì hai diễn viên chính của Step Up RevolutionKathryn McCormickRyan Guzman có phần tương xứng, ăn ý về ngoại hình hơn. Kathryn McCormick vốn là thí sinh giành giải ba cuộc thi So You Think You Can Dance năm 2009 nên những phần biểu diễn của cô với độ dẻo cơ thể và những đường cong nóng bỏng sẽ khiến nhiều người phải trầm trồ. Ryan Guzman lại gợi đến hình ảnh của Channing Tatum (nam chính phần một) - đều có xuất phát điểm là người mẫu, không phải là vũ công thực thụ, nhưng lại có thể thực hiện những màn biểu diễn rất chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, hai diễn viên chính phần bốn đều tự tin với hình thể đẹp nên chịu khó "khoe" hơn các cặp trước. Kathryn McCormick luôn mặc váy ngắn hoặc quần soóc để lộ đôi chân thẳng, thon, dài, trong khi Ryan Guzman cởi trần phần lớn thời lượng phim để khoe cơ bụng sáu múi. Step Up Revolution cũng có sự tham gia của khách mời đặc biệt là Mia Michaels - nữ giám khảo duyên dáng của show truyền hình ăn khách So You Think You Can Dance.

Màn FlashMob đỉnh cao ở chiếc thang cuốn. Ảnh: Summit.
Màn FlashMob đỉnh cao ở chiếc thang cuốn. Ảnh: Summit.

Nội dung của Step Up Revolution vẫn dễ đoán như ba phần trước, vẫn là câu chuyện về một cô gái hoặc chàng trai đam mê vũ đạo nhưng bị trì hoãn bởi một số yếu tố. Tuy nhiên, khi có tình yêu tác động vào thì ước mơ trở nên bùng cháy... Cao trào, xung đột của phim cũng rất nhẹ nhàng với cách giải quyết cũng nhẹ không kém. Tuy nhiên, với những bộ phim như Step Up thì khó có thể đòi hỏi một câu chuyện phức tạp hay có gì đột phá. Nếu đi sâu vào câu chuyện thì Step Up sẽ giống như một đứa trẻ bị ép mặc chiếc áo người lớn rộng thùng thình. Như vậy sẽ quá nặng nề và không còn là "thương hiệu" của giới trẻ nữa.

Khán giả đi xem những tác phẩm thế này cũng chỉ trông đợi ở những màn trình diễn, những bước nhảy còn nội dung chỉ là một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, có thể nói câu chuyện của phần bốn đỡ "nhạt" hơn phần ba. Step Up Revolution gợi nhiều tới cách thể hiện của phần một, khi tập trung vào hai diễn viên chính hơn là dàn trải sang các tuyến nhân vật phụ khác như ở phần hai và phần ba.

Với những khán giả đòi hỏi cao về chất lượng, chiều sâu nội dung hoặc sự động não, suy luận khi xem một bộ phim thì khó có thể tìm thấy nó ở Step Up Revolution. Đây đơn giản là một tác phẩm với đúng nghĩa "enjoy the movie" mà khi thưởng thức, người xem có thể bỏ qua diễn xuất, câu chuyện, kỹ thuật làm phim để hòa mình vào không khí hừng hực, sôi nổi trong từng bước nhảy đam mê của các vũ công cũng như nhìn ngắm những phần trình diễn đẹp mắt, đầy sáng tạo. Với tính giải trí cao và hình ảnh - âm thanh nuột nà, Step Up Revolution cũng xứng đáng là một bộ phim mà khán giả trẻ, đặc biệt là những ai đam mê nhảy nhót, có thể xem lại được nhiều lần.

Step Up Revolution khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 3/8 với cả hai định dạng 2D và 3D.