Tai Chi Hero tập trung vào võ thuật

Tin điện ảnh · Moveek ·

Không dùng nhiều công nghệ máy móc hay các pha hài hước như tập trước, phần hai của Tai Chi O khai thác sâu vào các màn đấu võ đẹp mắt.

Hồi tháng 9, bộ phim võ thuật Tai Chi O của đạo diễn Phùng Đức Luân đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả Việt Nam bởi việc kết hợp Đông - Tây, kim - cổ rất nuột nà và ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, sáng tạo. Sau hai tháng, phần hai của phim - Tai Chi Hero - tiếp tục ra mắt. Dàn diễn viên cũ từ phần một được giữ nguyên và thêm một số nhân vật mới do Ngô Ngạn Tổ, Phùng Thiệu Phong, Tạ Hiền và Tạ Hân Dĩnh đảm nhiệm.

Câu chuyện của Tai Chi Hero tiếp nối từ Tai Chi O. Trong lễ cưới của Dương Lộ Thiền và Ngọc Nương, đại ca của Ngọc Nương là Tài Ương (Phùng Thiệu Phong) đem theo người vợ câm (Tạ Hân Dĩnh) trở về sau nhiều năm lưu lạc. Nhóm ngón võ của Tài Ương sau nhiều năm khiến dân làng kinh ngạc. Chỉ có Trần sư phụ cảm thấy điều gì đó bất ổn từ cách ăn mặc của con trai mình. Tài Ương gợi cho dân làng chuyện về lời nguyền chiếc chuông đồng từ xa xưa nhằm đuổi Dương Lộ Thiền khỏi gia đình mình.

Bộ ba Viên Hiếu Siêu, Lương Gia Huy và Angelababy trong phần hai của Tai Chi O. Ảnh: HuaYi.
Bộ ba Viên Hiếu Siêu, Lương Gia Huy và Angelababy trong phần hai của Tai Chi O. Ảnh: HuaYi.

Theo tương truyền của một vị hòa thượng để lại, khi chiếc chuông đồng của nhà họ Trần rung lên, Trần Gia Câu sẽ phải đối mặt với đại họa. Dương Lộ Thiền bắt đầu bị dân làng xa lánh và coi là một tai ương chỉ vì anh là một người lạ được nhà họ Trần truyền dạy võ công. Trần sư phụ ra sức bảo vệ cậu con rể ngây ngô và tìm cách để Tài Ương lộ ra âm mưu bí mật. Trong khi đó, Phương Tử Kính chuẩn bị cùng quân đội với một tiểu đoàn đại pháo tiến tới Trần Gia Câu để trả thù cho cái chết của người yêu Claire trong phần trước...

Khán giả được thưởng thức Tai Chi Hero với định dạng 3D. Phim có nhiều cảnh quay đẹp, màu sắc hấp dẫn nhưng độ sâu hình ảnh không rõ rệt, ít màn tương tác với khán giả. Phần hai tiếp tục "kế thừa" những cú lia máy đẹp mắt và những cảnh slow motion nhấn nhá ở phần một. Hình ảnh, tông màu, ánh sáng của phim đều được làm khá kỹ lưỡng. Sự kết hợp Đông - Tây, kim - cổ còn được thể hiện ở những giai điệu âm nhạc rất hiện đại, lúc là piano cổ điển, lúc lại là nhạc rock dữ dội được lồng ở các cảnh hành động.

Phùng Thiệu Phong có khá nhiều đất diễn trong Tai Chi Hero. Ảnh: Huayi.
Phùng Thiệu Phong có khá nhiều đất diễn trong Tai Chi Hero. Ảnh: Huayi.

Ngô Ngạn Tổ và Tạ Hiền chỉ đóng vai trò là khách mời đặc biệt trong Tai Chi Hero, nhưng Phùng Thiệu Phong có khá nhiều đất diễn ở phần này. Ngoài tuyến nhân vật chính do Viên Hiếu Siêu và Angelababy đảm nhiệm, Tai Chi Hero còn tập trung vào hai cha con Trần sư phụ và Trần Tài Ương, cũng như quá khứ trong gia đình nhà họ Trần.

Nếu như phần một tạo điểm nhấn ở những yếu tố hài hước và công nghệ máy móc hiện đại giữa bối cảnh thời nhà Thanh thì ở phần hai, những thứ này được tiết chế đi để nhường chỗ cho các màn võ thuật. Chất hài vẫn được thể hiện ở nhân vật Dương Lộ Thiền cũng như mối quan hệ của anh và mỹ nhân Ngọc Nương. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất trong Tai Chi Hero là các cảnh đấu võ tay không được dàn dựng rất công phu và sáng tạo.

Ngô Ngạn Tổ và Tạ Hiền đóng vai khách mời trong Tai Chi Hero. Ảnh: HuaYi.
Ngô Ngạn Tổ và Tạ Hiền đóng vai khách mời trong Tai Chi Hero. Ảnh: HuaYi.

Vẫn là một phim hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn nhưng Tai Chi Hero không còn tạo được sự hưng phấn cho người xem như ở phần một. Nếu như Tai Chi O có từng chi tiết, từng phân đoạn đều gợi sự bất ngờ, thích thú và tò mò thì sang phần này, những yếu tố đó trở nên nhàm chán. Phần giữa phim khá dàn trải nhưng ở đoạn kết, Tai Chi Hero gỡ gạc lại được phần nào với màn tranh đấu kịch tính đúng nghĩa như tên phim – Thái cực quyền: Anh hùng bá đạo. Những khán giả nào yêu thích phần một vẫn sẽ cảm thấy dễ chịu với phần hai, dù tổng thể không hay bằng.

Tai Chi Hero (Thái cực quyền: Anh hùng bá đạo) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 2/11 với cả hai định dạng 2D và 3D.

Bài viết liên quan