Tại sao CGI của Jurassic Park (1993) vẫn luôn chiếm trọn tình cảm của khán giả yêu thích điện ảnh trong suốt những thập kỷ qua?
anan681 ·
Gần 30 năm trôi qua nhưng phần xử lý kỹ xảo CGI của Jurassic Park chưa bao giờ làm người xem thất vọng.
Bom tấn Jurassic Park của đạo diễn Steven Spielberg được xem là một trong những bước ngoặt quan trọng của sự phát triển CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) trong ngành điện ảnh. Mặc dù từ năm 1970, kỹ xảo hình ảnh do máy tính tạo ra đã xuất hiện dần trong phim, nhưng khi ấy các nhà làm phim vẫn còn đang miệt mài vật lộn với việc làm sao để sử dụng công nghệ mới mẻ này một cách hiệu quả nhất đến đầu những năm 90. Đến thời điểm năm 1993, khi mà đồ họa máy tính điện ảnh vẫn còn trong thời gian sơ khai đó, dàn khủng long sống động như thật trong Jurassic Park của Steven Spielberg đã xuất hiện trên màn ảnh gây choáng ngợp đến như nào cho khán giả, mang đến một sự đột phá mới mẻ cho ngành điện ảnh và sau này hơn hết nó đã thiết lập nên một số tiêu chuẩn vẫn được tuân thủ cho đến ngày nay. Những lý do nào khiến phần xử lý CGI của bộ phim lại trở nên tuyệt vời như thế này?
Các hình ảnh mô phỏng chân thật trong Jurassic Park được dẫn dắt chính và tạo ra từ công ty hàng đầu của Mỹ Industrial Light & Magic, bên cạnh đó còn nhận được sự hỗ trợ từ những hiệu ứng thực tế của bậc thầy Stan Winston. Gần 30 năm trôi qua, những hiệu ứng hình ảnh đó luôn được xem là một bước đột phá của ngành điện ảnh và là một thành tựu đáng kinh ngạc khi xét đến mức độ phát triển của ngành CGI trong vài thập kỷ qua. Giờ đây, CGI phổ biến đến mức hiếm có một bộ phim bom tấn nào mà không sử dụng những kỹ xảo hình ảnh này. Khi Jurassic World 3 ra mắt trong năm 2022, chắc chắn khán giả sẽ choáng ngợp trong dàn khủng long kỹ thuật số và những hiệu ứng hình ảnh mãn nhãn do máy tính tạo ra. Nhưng trở lại vào năm 1993, khi CGI còn là một điều gì đó khá xa lạ với khán giả, Jurassic Park ra mắt đã khiến bộ phim trở thành một bom tấn tiên phong thực sự.
Trên thực tế, để khiến cho Jurassic Park trở thành một bom tấn vượt qua thử thách thời gian không phải là một điều dễ dàng, đó tất cả là nhờ vào “kế sách” của Steven Spielberg, ông đã không quá lạm dụng vào CGI. Mà bên cạnh đó, vị đạo diễn tài ba này còn kết hợp nhuần nhuyễn và khéo léo tạo nên hiệu ứng hình ảnh cho bộ phim bằng những kỹ xảo chuyển động của các mô hình cơ khí, hiệu ứng kỹ thuật số và việc sắp đặt ánh sáng.
Một phần nào đó, Steven Spielberg đã bị thuyết phục khi thấy những hình ảnh mô phỏng khủng long sống động được tái dựng trên máy tính thông qua kết quả một cuộc thử nghiệm của công ty ILM. Nhưng không vì thế mà ông cho phép CGI sẽ xuất hiện với một tần số dày đặc trong bộ phim của mình vào thời điểm đó. Việc hạn chế các cảnh quay theo cách này cho phép một công nghệ vẫn còn non trẻ có thể phát huy tốt những hiệu quả của mình và bên cạnh đó che giấu đi nhiều thứ còn thiếu sót, trong khi đó sử dụng mô hình và những hiệu ứng thực tế vẫn giúp đảm bảo được cho bộ phim vận hành trong một guồng suôn sẻ.
Không sử dụng quá nhiều phần xử lý CGI trong Jurassic Park, Steven Spielberg đã đưa những con khủng long với kích thước to lớn như thế lên màn ảnh bằng cách nào? Đã đến lúc Stan Winston vào cuộc, chính ông là người đã vô cùng tỉ mỉ tạo ra vô số mô hình khủng long cho phần phim Jurassic Park. Với cách phối hợp khéo léo của việc dựng bối cảnh, sắp xếp bố cục ánh sáng và sử dụng những mô hình với gần đúng với kích cỡ thật, “dàn diễn viên” khủng long trong phim mỗi giây phút xuất hiện trên màn ảnh đều mang đến một cảm giác hết sức chân thật cho khán giả và cả phấn khích khi chứng kiến những chuyển động của chúng.
Ở những phân cảnh đầu tiên của bộ phim, con Triceratops được Ellie Sattler phát hiện, thật chất đó là một mô hình được làm bằng tay. Với chất liệu da khủng long từ đá cuội và được gắn những thanh điều khiển bên trong để phối hợp với chuyển động nặng nề của chúng. Và loài Dilophosaurus cũng được chế tác từ một mô hình cơ khí và điều khiển bằng cây cáp điện. Việc tinh giản đến mức thấp nhất của sự hỗ trợ CGI không khiến bộ phim trở nên mất tự nhiên và gượng gạo, mà đó lại làm cho Công Viên Khủng Long này lại trở nên chân thật hơn bao giờ hết. CGI chỉ giúp sức trong những phân đoạn thật sự cần thiết như những cảnh chuyển động hoặc diễn ra những hành động mạnh mẽ phản kháng từ loài sinh vật khổng lồ này.
Đối với những cảnh quay có khủng long xuất hiện, Spielberg, Winston và ILM phải luôn cân nhắc đến việc sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau để đảm bảo những con thú tạo ra bằng CGI vẫn đủ thuyết phục người xem. ILM họ dành ra cả hàng trăm giờ để nghiên cứu tư thế và cách di chuyển sinh học của các loài vật, bên cạnh đó nhóm nghiên cứu cũng đưa ra lựa chọn cụ thể về cách dựng khung hình và ánh sáng cho những cảnh yêu cầu CGI xuất hiện. Ví dụ điển hình có thể nhắc đến là cảnh T-Rex khủng bố Alan Grant khi nhóm của anh ta đang thu mình trốn trong chiếc xe Jeep của công viên.
Bằng cách dựng cảnh này trong một đêm mưa, ILM đã lo liệu tất cả những phần hiển thị chính xác của T-Rex trước ống kính. Các bộ phận khác của khủng long bạo chúa này khi ở trong bóng đêm chỉ là những vùng đen, trong khi đó trời mưa có thể giúp những bộ phận cần hiển thị lại được xuất hiện một cách vô cùng rõ nét và tăng thêm phần rùng rợn. Bên cạnh đó đội ngũ ILM còn được tham chiếu trước về cách T-Rex sẽ xuất hiện như thế nào trong khung ảnh nhờ vào con rối mô hình từ tay Winston. Bằng cách này, họ có thể tạo ra được chính xác một con khủng long bằng CGI nhưng có phần chuyển động một cách hợp lý với tất cả phản xạ ánh sáng và bóng đổ ở đúng nơi đúng mức phù hợp.
Tương phản với cảnh này là khoảnh khắc Alan Grant và Ellie Sattler lần đầu tiên chứng kiến Brachiosaurus xuất hiện ngoài đời thực, những hạn chế của công nghệ mô phỏng hình ảnh lại trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Cảnh sáng này vẫn ấn tượng và lung linh nhờ vào phần CGI, nhưng khung cảnh dưới ánh mặt trời tỏa sáng đó chắc chắn làm cho một số kết cấu da khủng long bị mờ trở nên đáng chú ý hơn. Trong hầu hết các phần, Jurassic Park đã giữ các cảnh CGI ban ngày ở mức tối thiểu và những phần phim cũng càng ngày trở nên thu hút hơn.
Nhìn chung, hiệu ứng hình ảnh của bộ phim luôn giữ vững phong độ rất tốt nhờ những quyết định thông minh như thế này. Vào đầu những năm 90, CGI đã phần nào được cải thiện nhanh chóng, nhưng việc Spielberg sử dụng công nghệ một cách khéo léo, chỉ xem đó là một công cụ trợ giúp hơn là lấy nó làm cơ sở cho toàn bộ phim, đã làm cho hiệu ứng hình ảnh trong Jurassic Park ấn tượng và gây đột phá ngay vào thời điểm ra mắt và kéo dài đến ngày nay.
Nguồn: ScreenRant