Taste Of Cherry : Hương vị Anh Đào – hương vị khó nuốt
Đánh giá phim · siomiochan ·
Khó nuốt, buồn ngủ và gây khó hiểu.
Tôi coi bộ phim này ở Art House Sài Gòn, và thiết nghĩ, nếu không có một buổi nào chiếu phim thì chắc tôi sẽ không bao giờ có đủ kiên nhẫn để ngồi xem một phim khó nuốt đến như thế này. Đúng như những gì anh Bá Vũ từng nói về bộ phim: khó nuốt, buồn ngủ và gây khó hiểu.
Bộ phim là hành trình của một người đàn ông tên Badii đi tìm người làm một việc duy nhất cho mình với giá: 200 ngàn toman. Tuy nhiên, đây không phải là một công việc bình thường, ông tìm người gọi tên ông hai lần vào buổi sáng khi ông ta nằm trong cái hố dưới bóng cây trên sa mạc. Sau khi gọi 2 lần, nếu ông không thức dậy đáp lại lời gọi thì hãy dùng đất lấp chôn ông ta. Ông lái xe rong ruổi trên những con đường đầy cát bụi để làm cuộc hành trình tìm người chôn mình, ông Badii đã gặp gỡ và trò chuyện với một anh lính trẻ, một người đàn ông Afghanistan đang theo học một trường dòng và một người đàn ông trung niên đang cần tiền để chữa bệnh cho con.
Mặc dù trong suốt quá trình xem bộ phim, tôi đã không ít lần chảy nước mắt vì...ngáp nhưng tôi không nghĩ bộ phim này quá dở hoặc quá khó hiểu. Tôi nghĩ cái hay của đạo diễn là ông đã tạo ra những chi tiết khiến người khác gây tranh cãi về bộ phim của ông.
Cuộc sống tồn tại những người thắp đèn
Ở phân đoạn ông Badii lái xe đến một nhà máy gặp gỡ anh chàng bảo vệ. Ông vẫn hỏi những câu thông thường: Anh đang làm gì, anh là người ở đâu. Cả hai có cuộc trò chuyện nho nhỏ, khi ông Badii hỏi về việc anh có thể lên xe và đi cùng ông ấy thì anh bảo vệ đã trả lời rằng: Tôi có nhiệm vụ canh gác chỗ này. Badii nói ở đây là một nhà máy bỏ hoang, không ai đủ sức để kéo những cỗ máy nặng nề, nhưng anh ta kiên quyết ở trong phòng bảo vệ.
"Tinh cầu của bác nhỏ bé quá đến nỗi chỉ bước chơi ba bước là đi xong một vòng. Bác chỉ cần bước chậm chậm một chút là luôn luôn đứng dưới bóng mặt trời. Lúc nào bác muốn nghỉ ngơi thì bác bước bước đi... và tùy ý bác muốn bao nhiêu thì ban ngày sẽ kéo dài ra bấy nhiêu." [1]
Tuy nhiên, ông thắp đèn lại không muốn thử làm điều mà vị hoàng tử bé gợi ý. Ông nghĩ nó thật vô dụng.
"Cái đó chẳng giúp gì cho ta lắm đâu, người thắp đèn nói. Điều ta muốn trong đời, là ngủ." [2]
Thế đó, dường như ai cũng đang trở thành những người thắp đèn đứng ở một hành tinh của riêng mình – nơi chỉ đủ chỗ cho bản thân và công việc của chính mình. Họ luôn lo sợ về việc ai đó tiếp cận mình. Từ anh người lính trẻ tuổi, một vị học ở trường dòng, và cuối cùng là một ông già từng trải đời, đến những người chỉ lướt qua Badii trong hành trình ông lái xe lòng vòng để tìm kiếm sự hỗ trợ. Và chính nhân vật chính Baddi cũng là người thắp đèn.
Họ luôn mong muốn tìm kiếm một điều gì đó để tồn tại. Ngày trước, từng có người chia sẻ suy nghĩ của anh ấy về việc anh không thích thế giới này tồn tại những người thắp đèn. Anh cảm thấy họ quá yếu đuối khi cứ ở mãi trong vùng an toàn của chính mình. Họ luôn lo sợ không muốn bước ra, và khi có người đứng ngoài, gợi ý giải pháp. Nhưng vì họ quá sợ nên họ vẫn mãi ở trong vùng an toàn.
Và, câu chuyện về việc người thắp đèn có thử làm theo những gì Hoàng Tử Bé đã gợi ý cho ông, đó là điều ta không thể khẳng định được, vì tác giả Saint-Exupéry đã bỏ lửng cái kết về ông thắp đèn.
Cũng vì thế, tôi không thể khẳng định được những gì anh ấy nói có thật sự đúng với tất cả mọi người hay không. Với bản thân tôi, việc thực hiện một hành động theo một cỗ máy, dễ khiến cho tôi cảm thấy nhàm chán. Tôi cũng nhìn thấy bản thân mình là người thắp đèn, cũng từng nhận được không ít lời khuyên tương tự như vị Hoàng tử Bé đã gợi ý. Và tôi cảm thấy rằng, bản thân mình là người tự thắp ngọn đèn để soi sáng cho con đường mình đã, đang và sẽ đi, một cách rõ ràng nhất.
Tự tử - sự chọn lựa cái chết cho bản thân mình?
“Càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước.”[3]. Nhạc sĩ Trịnh Công đã từng nói như thế.
Nếu chưa từng đối mặt với cái chết, chúng ta dễ coi thường mạng sống của mình. Đúng là cái chết chưa bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước, hệt như số phận an bài, đến thời điểm đó, họ phải ra đi. Nhưng, tự tử thì có phải bạn chủ động lên kế hoạch hò hẹn cùng thần chết? Những người có ý định tự tử luôn nhận biết bản thân mình sẽ chết vào thời điểm nào. Có nhiều người lên kế hoạch cụ thể rằng ở thời điểm, nơi chốn và bằng cách gì, họ sẽ chết. Thay vì để số phận định đoạt quyền tước đi sự sống, chính bản thân họ sẽ quyết định cái chết của chính mình.
Bộ phim không nói rõ gia cảnh của Badii – ông giàu có nhưng không có chi tiết nào nói rõ về gia cảnh của ông cũng như lý do vì sao ông lại làm một việc duy nhất từ đầu đến cuối phim, là lái xe hơi để tìm người chôn ông. Nghe thật lạ, một người bỏ ra một số tiền lớn, chỉ để nhờ ai đó – không có mối quan hệ mật thiết để giúp đỡ ông chôn cất cho chính mình.
Một kế hoạch tự tử tưởng chừng đơn giản nhưng đến lúc thực hiện mới thấy khó khăn làm sao. Baddi tưởng rằng, có tiền sẽ có tất cả, ông sẽ dễ dàng nhờ một vị thanh niên đang phục vụ trong quân đội, làm công-việc-ông-cho-rằng-cực-kỳ-đơn-giản, là sáng hôm sau, đứng ở cái hố bên cạnh cái cây bên đồi, gọi to tên ông. Nếu không thấy ông trả lời, hãy dùng xẻng xúc đất chôn cất ông. Anh lính trẻ mặc dù rất muốn kiếm tiền nhưng rất sợ hãi và trốn chạy khi Baddi yêu cầu anh làm điều đó.
Việc nhờ một người đang học tại một trường dòng – vốn dĩ trong tâm trí anh ta luôn tồn tại niềm tin với những tư tưởng tôn giáo: tự tử là một tội ác. Vì thế việc hỗ trợ Badii chôn cất, chẳng khác gì đang tiếp tay cho tội ác, anh ta sẽ phá vỡ niềm tin vốn có của chính mình.
Sự gặp gỡ người thứ ba – một cụ già đang nỗ lực kiếm tiền để giúp con chữa bệnh. Khác với hai người Badii từng gặp, người thứ ba là một người từng trải, xét về độ tuổi và đặc biệt, ông từng có ý định tự tử. Khi nghe câu chuyện của Badii, ông không vội phán xét hay sợ hãi, ông bắt đầu kể câu chuyện ông từng có ý định tự tử và ông cảm thấy may sao, vị chua thanh của trái dâu tầm đã cứu vớt cuộc đời ông.
Với nhiều người, khi nghe tin ai đó tự tử trên mặt báo, nếu là một người bình thường, họ - những độc giả chỉ lướt qua phần điểm tin hằng ngày. Nếu là người nổi tiếng, họ sẽ đưa ra những bàn tán về người đã khuất. Hay khi họ nghe tin ai đó – mối quan hệ đã từng thân thiết vừa kết thúc cuộc đời mình bằng việc tự tử, có người sẽ sốc, sững sờ, cũng không ít người cảm thấy người đã khuất thật đáng thương, cũng đáng trách.
Ai cũng bảo, những người có ý định tự tử là tâm thần, điên khùng. Tôi đã từng không hiểu vì sao họ lại có ý định đó. Khi tôi 17 tuổi, tôi đọc blog của thằng bạn học ở lớp bên cạnh, nó từng bảo rằng, vào năm 18 tuổi, khi tốt nghiệp phổ thông, nó sẽ tự tử, cho nhẹ gánh gia đình. Có lẽ sự biến mất của nó sẽ khiến cho gia đình bớt nặng nề hơn. Đã lâu tôi không gặp nó, cũng không rõ nó từng thử việc tự tử hay không, nhưng mừng vì nó vẫn còn sống, chí ích là vẫn online, cập nhật facebook thi thoảng vài tuần.
Năm 19 tuổi, tôi từng có ý định tự tử, khác với thằng bạn tôi, trước năm 18 tôi chưa từng nghĩ đến cái chết, tôi rất sợ chết và đặc biệt không có can đảm nghĩ đến chuyện mình tự tử. Nhưng rồi vì quá khủng hoảng, trong một lần hoảng loạn, tôi đã thử tìm đến cái chết bằng việc tự tử. Không chỉ thử chết một lần, tôi từng thử chết rất nhiều lần sau đó. Thú thật, khác với ông già trong phim Taste of Cherry, tôi không tài nào nhớ nỗi, cái gì đã lôi tôi về thực tại, với ông là vị thanh mát, ngọt lịm của trái dâu tầm chín mọng vào buổi sáng, còn với tôi, nó vẫn là một khối ký ức hư hư, thực thực không nhìn rõ. Hai vết sướt dài trên cổ tay trái của tôi, hệt như một hình xăm đặc biệt, đánh dấu một thời nông nổi của tuổi trẻ mà tôi từng trải qua.
Tôi từng đọc một bài phỏng vấn của cô ca sĩ Mai Khôi về việc cô sẽ chết vào năm cô 50 tuổi. Đó không hẳn là việc cô sẽ tự tử, mà cô đang muốn tự định đoạt cái chết của chính mình, vì theo cô, việc khó nhất đời người là tự sắp xếp sự chết cho chính mình [4].
Liệu rằng chết là hết?
Không tự nhiên ai đó đang trong trạng thái bình thường lại nghĩ đến cái chết. Nếu có chỗ dựa tinh thần thì dù khốn khổ thế nào cũng không ai tìm đến cái chết. Trước khi chết, họ luôn nỗ lực tìm hiểu sự hỗ trợ và quan tâm, về tinh thần và vật chất. Tôi ở trong những năm tháng đó, là một đứa luôn luôn cố gắng đưa ra thông điệp, hãy hiểu tôi, hãy giúp bởi vì tôi đang cảm thấy bản thân là người khốn khổ nhất trên đời.
Đã có lúc tôi nghĩ chết là hết. Và đúng thật, chết là hết, là kết thúc cuộc sống của một con người, là khi sự hiện hữu của họ trên đời này, không nằm ở thì hiện tại và tương lai, mọi thứ thuộc về họ đã lui vào quá khứ. Người trẻ chúng tôi hay bảo nhau “Đời là bể khổ, bơi hết bể là hết đời”.
Tôi luôn nghĩ về cái chết, tôi đặt nhiều giả định về cuộc đời mình. Liệu rằng chết đi thì ai sẽ nhớ đến mình, khi chết đi thì tôi có được lên thiên đàng hay xuống địa ngục như những câu chuyện hồi bé tôi từng được nghe kể. Liệu rằng tôi có biến thành ma hoặc sau cái chết, có kiếp sau, mình sẽ hóa thành gì.
Chết là hết, là ta tự ngắt hết mọi liên kết của bản thân với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, có người không lựa chọn việc chết về mặt thể xác mà họ đang chết dần chết mòn trong tâm hồn. Họ vẫn sống, vẫn còn tồn tại đó, nhưng liệu rằng họ có đáng được xót thương không? “Đừng xót thương những người đã chết, Harry à. Hãy thương xót những người đang sống. Và hết thảy, là những kẻ sống mà không biết yêu thương”[5]
Hương vị Anh Đào – hương vị khó nuốt
Mặc dù đạo diễn đặt tên tựa phim Taste of Cherry – Hương vị anh đào, nhưng tôi không thấy một chi tiết hay gợi ý gì để gợi mở về cây anh đào. Cherry – anh đào, vốn dĩ là một loại cây chỉ phù hợp trồng ở những nước có điều kiện khí hậu ôn đới như châu Âu, Mỹ… Với bối cảnh khô cằn, đầy bụi bẩn và quá khắc nghiệt như trong phim, tôi cảm nhận được, sự kiếm tìm cherry là một điều quá khó khăn và bất khả thi. Tôi từng đặt giả thuyết Badii chọn cái chết trong cái hố được đào sẵn bên cạnh một cây to, phải chăng nó là cây cherry, nếu không may ông chết đi, ông vẫn có ích cho đời, nguyện làm phân chăm bón cho cái cây bên cạnh.
Nhưng không ai biết chính xác, Baddi có chết hay không? Biết đâu sau trận sấm sét cuồng phong, ông hoảng loạn chạy về nhà và từ bỏ cái chết. Cũng có thể ông chết thật. Cái kết của Badii do chính người xem tự quyết định.
Và hương vị anh đào của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami lạ, nó khiến cho khán giả nhớ mãi về hương vị ấy, vì đơn giản nó không phải là vị ngọt ngào, không phải là hình ảnh những trái anh đào đỏ mọng nước vốn có trong suy nghĩ. Vị anh đào ấy, là một cảm giác nhạt nhòa, khiến người xem bị hẫng lại, có chút khó chịu khi nếm lần đầu. Hệt như món ăn lạ miệng, lần đầu nếm thử, rất dễ nhổ toẹt ra và chê bai nó. Và chính vì sự khó nuốt ấy khiến cho người xem ghi nhớ, ngẫm nghĩ về nó. Hương vị anh đào hôm ấy như vết sẹo để lại trên da thịt/ tâm hồn trong tôi, sẽ trở thành một khoảnh khắc khó quên.
Sỏi
Chú thích:
[1]; [2]: Hoàng Tử Bé - Antoine de Saint-Exupéry- Bùi Giáng dịch
[3]: Tôi đã mơ chuyến đi của mình – Trịnh Công Sơn
[4] Bài phỏng vấn Mai Khôi: 'Tôi sẽ chết khi 50 tuổi' (Link: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tu... )
[5] Albus Dumbledore - Phim Harry Potter And The Deathly Hallows Part 2