TFS và những bộ phim gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người

TV Series · Tin điện ảnh · tructhynguyen501 ·

Đây là những bộ phim đã được sản xuất cách đây khoảng 20 năm nhưng đến tận thời điểm hiện tại, những bộ phim do hãng TFS sản xuất đều vẫn giữ được nguyên vẹn mọi cảm xúc như khi lần đầu chúng ta xem.

Phim Việt Nam vào khoảng hơn 20 năm trở lại đây đã có nhiều sự thay đổi lớn về mọi mặt như cách làm phim, kỹ thuật quay, hậu kì, kịch bản và cả phong cách diễn xuất. Nhưng chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ về một loạt những bộ phim đình đám thuộc Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) như Đất Phương Nam, Đồng Tiền Xương Máu, Kính Vạn Hoa, Hương Phù Sa… và còn nhiều những bộ phim khác nữa. Đây là những bộ phim đã được sản xuất cách đây khoảng 20 năm nhưng đến tận thời điểm hiện tại, những bộ phim do hãng TFS sản xuất đều vẫn giữ được nguyên vẹn mọi cảm xúc như khi lần đầu chúng ta xem.

1. Ông Cá Hô

Năm 1995, tác phẩm Ông Cá Hô của nhà văn Lê Văn Thảo chính thức được ra mắt đọc giả. Ba năm sau, tức vào năm 1998, tác phẩm được hãng phim TFS chuyển thể thành phim với sự tham gia của diễn viên Lê Vũ Cầu trong vai Sáu Dương, Minh Hương vào vai cô đào kép Hồng Điệp, Hùng Thuận trong vai Hiên. Số phận bấp bênh của những con người theo gánh hát đã khiến cô đào hát chính Hồng Điệp phải trở thành người phụ việc ở một quán nước và chú Sáu Dương tình cờ trở thành Ông Cá Hô của Cồn Te lúc bấy giờ.

Nội dung phim nêu bật lên thông điệp về tình người, tình bạn của những con người sống ở Cồn Te nho nhỏ và điều thật sự thu hút khán giả chính là tình bạn gắn bó của chú Sáu Dương và cậu bé Hiên. Hai nhân vật được khắc họa hoàn toàn khác biệt về mọi mặt nhưng lại đồng điệu về tâm hồn, về tinh thần trượng nghĩa sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Tình cảm là một nét chấm phá đẹp trong phim, khi chú Sáu một lòng lo lắng cho Hồng Điệp dù không được cô đáp trả, nhưng không vì vậy mà chú nản lòng thậm chí, chú còn cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể giúp cô quay trở lại gánh hát, tiếp tục công việc cũng là niềm đam mê của bản thân cô.

Từng chi tiết và nhân vật đều thật gần gũi với đại đa số tính cách người dân miền Tây. Một cậu bé Hiên tuy tuổi còn nhỏ nhưng tấm lòng lại bao la rộng lớn, một chú Sáu Dương hiền lành, chân chất, luôn nỗ lực làm việc và hết lòng vì người mình yêu, cùng những người dân tuy thẳng tính nhưng lại không có ác ý, nếu lỡ làm sai thì họ sẽ can đảm nhận lỗi sai và mạnh dạn xin đối phương tha thứ.

Nổi tiếng ở lĩnh vực hài kịch, Lê Vũ Cầu khiến khán giả bất ngờ khi vào vai chinh kịch trong một bộ phim truyền hình, và đây cũng là vai diễn ấn tượng nhất của ông trên sóng truyền hình. Sự ra đi của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã để lại nhiều tiếc thương nơi khán giả. Phần Hùng Thuận nổi tiếng với vai cậu bé An trong Đất Phương Nam và phải cố gắng vượt qua cái bóng lớn ấy, thì sự thay đổi ngoại hình và lối diễn xuất của Hùng Thuận ở tuổi mới lớn cũng là một điểm xem của Ông Cá Hô.

2. Sống Chậm

Sống Chậm là một bộ phim được sản xuất dựa trên tác phẩm truyện ngắn Chú Bé Thổi Còi của nhà văn Nguyễn Hồ. Bộ phim lấy bối cảnh xa hoa, nhộn nhịp nhưng cũng đầy rẫy những cám dỗ của Sài Gòn. Sống Chậm đã nêu được một khía cạnh khác về một nhà văn trẻ “sống chậm” so với những người xung quanh. Điểm đối lập giữa nhịp sống của hai người bạn thân từ lúc học Đại học là Thuyết (Nguyễn Phi Hùng thủ vai), Trung (Huỳnh Anh Tuấn thủ vai) chính là phần nổi bật nhất của cả bộ phim.

Sài Gòn vào lúc bấy giờ là thời điểm mà ai ai cũng tất bật với vòng quay của công việc thì Thuyết – một nhà văn trẻ đã chọn cho mình một con đường khác, một con đường tránh xa những ồn ào, bộn bề lo toan của cuộc sống, nhưng anh lại rất hài lòng và vô cùng tận hưởng cuộc sống của mình. Trái lại, Trung lại bị cuốn vào công việc và những rắc rối cứ thế mà tìm đến, những điều này đã tạo cho anh không biết bao nhiêu áp lực và cũng chính vì vậy mà có những lúc anh dường như trở nên “phát điên” vì không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Ở phần cuối của bộ phim, với một kết thúc mở, hy vọng rằng Trung cũng sẽ tìm ra cho mình một lối đi.

Ngoài ra, sự xuất hiện của Cậu bé thổi còi (Tân Tiến) cũng là một nút thắt quan trọng trong câu chuyện của Sống Chậm. Cậu bé câm với vóc người nhỏ nhắn và khả năng vũ đạo điêu luyện thường thổi còi để điều tiết giao thông, nhưng cậu bé hoàn toàn lạc lõng trong cái xã hội ai ai cũng đều có những mối bận tâm riêng và không ai có đủ thời gian để chú ý tới cậu, trừ Thuyết. Hai con người, có lẽ có cùng điểm chung là cùng bị chậm lại một nhịp so với người khác, họ cùng gắn kết lại với nhau chỉ bằng một chiếc còi. Phân cảnh Cậu bé trang nghiêm giao chiếc còi của mình lại cho Thuyết thật sự rất ấn tượng, nó vừa thể hiện được nét ngây ngô của cậu bé vừa thể hiện sự tôn trọng mà Thuyết dành cho cậu nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm và sự tin tưởng của họ dành cho nhau. Đây chính là một kết thúc hoàn mỹ trong câu chuyện của họ.

Nguyễn Phi Hùng giai đoạn những năm 2000 đang rất nổi tiếng với vai trò ca sĩ, nhưng anh vẫn mạnh dạn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh và để lại ấn tượng với nhiều vai diễn có chiều sâu. Đạo diễn Vũ Thái Hòa lúc ấy vẫn còn là tên tuổi mới, nhưng hiện tại anh cũng đã tạo được chỗ đứng với các bộ phim truyền hình, đặc biệt là những sản phẩm mới đánh dấu sự trở lại của TFS.

3. Xóm Cũ

Cuối cùng là một bộ phim của đạo diễn Lê Cung Bắc mang tên Xóm Cũ, được phát sóng lần đầu năm 2003, bộ phim kể về cuộc hành trình trở về “xóm cũ” của Hoàng (Võ Thế Vỹ). Những tình huống xảy ra một cách chân thật khi những sự kiện trong phim được lòng ghép khéo léo và tài tình. Số phận của những con người nơi Xóm Cũ được thể hiện rõ nét đến nỗi khán giả có thể cảm nhận được sự đau khổ và dằn vặt của từng nhân vật.

Nhân vật chính trong phim là Hoàng, một người vừa trở về sau bao nhiêu năm biệt xứ, trước ánh mắt nghi ngờ và định kiến của người dân, anh đã phải gánh chịu sự hoài nghi của tất cả mọi người khi anh vừa về thì ông Sáu Cự (Minh Dậu) - một tay buôn đất từng có hiềm khích với Hoàng qua đời tại nhà do bị sát hại.

Ngoài ra, phim còn đề cập đến một số vấn dề xã hội khác để làm phong phú thêm cốt truyện của phim. Có những người vì ham mê cờ bạc đã chấp nhận bán đi tất cả, thậm chí là cả con gái của mình. Nhân vật Kiều (Việt Trinh) là vợ của Hoàng, vì có một người mẹ nghiên cờ bạc đành phải chấp nhận bỏ Hoàng để đi thêm bước nữa với người đàn ông mà bản thân cô không hề quen biết. Mặc dù vậy, cô vẫn cảm thấy có lỗi với Hoàng vì cô vẫn còn yêu anh, mặt khác dù đã biết Kiều đã kết hôn với người khác nhưng Hoàng vẫn muốn giúp đỡ khi biết được hoàn cảnh của Kiều. Bi kịch của những người yêu nhau nhưng không đến dược với nhau là một khoảng lặng đáng suy ngẫm của bộ phim.

Đạo diễn gạo cội Lê Cung Bắc đã chọn những diễn viên được đánh giá cao về diễn xuất như Việt Trinh, Hoài An, Võ Thế Vỹ… để vào vai những nhân vật rất đời trong phim. Hiện các diễn viên trẻ của ngày ấy đã tìm được cho mình hướng phát triển riêng, nhưng những vai diễn năm nào vẫn đậm nét trong lòng khán giả.

Lời kết

Điểm chung của cả 3 bộ phim trên đều là những câu chuyện về những mảnh đời của những con người bình dân. Họ có thể không giàu, không có xuất thân nhưng phẩm giá và nhân cách của họ là một điều khiến chúng ta phải noi theo và học tập. Không những vậy, đây còn là những bộ phim gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Vậy nên, nếu bạn muốn xin một vé đi tuổi thơ, quay ngược thời gian trở về Sài Gòn, miền Nam những năm 2000 thì hãy nhớ 3 bộ phim này đã được Truyền hình FPT mua bản quyền và phát online nên hãy chú ý đón xem nhé.