The Man from Earth – Định nghĩa lại khái niệm “Chém gió”
Tin điện ảnh · Moveek ·
Các bạn tưởng tượng một bộ phim mà: cảnh hành động không, kỹ xảo không, nhân vật phản diện không, hài hước không, “dark and deep” không nốt.
Có bao giờ các bạn từng nghĩ những buổi café chém gió của mình được làm thành phim thì sẽ như thế nào không? Hẳn là 1 ý tưởng thú vị thoáng qua. Tất nhiên, ý tưởng đó sẽ nhanh chóng tan biến. Có quá nhiều lý do để chúng ta đi đến kết luận: Nó sẽ chả ra sao cả, một thảm họa điện ảnh. Kết luận ấy cũng không có gì sai cả. Khán giả hiện đại có nhu cầu rất cao về nội dung, diễn xuất và cả sự hoành tráng. Còn các nhà biên kịch thì luôn giỏi trong việc nắm bắt tâm lý ấy. Tuy vậy, có một bộ phim đã đi ngược lại xu hướng đó - The Man from Earth.
Các bạn tưởng tượng một bộ phim mà: cảnh hành động không, kỹ xảo không, nhân vật phản diện không, hài hước không, “dark and deep” không nốt. Tất tần tật diễn ra trong một căn phòng khoảng hơn chục mét vuông với vài con người. Góc máy cũng là góc máy cơ bản. Ấy thế mà tôi và nhiều người bạn của tôi đã xem đi xem lại nó rất rất nhiều lần.
The Man from Earth là buổi tiệc chia tay dành cho John Oldman (David Lee Smith) – giảng viên đại học. Những người bạn của John đến chia tay anh sau 10 năm gắn bó. Họ ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Khảo cổ học, Tâm Lý học, Thần Học, Giải Phẫu Học, thậm chỉ có cả sinh viên. Tất cả đều là những con người giỏi ở lĩnh vực của họ. Họ đến với John với câu hỏi lớn nhất: Tại sao, một giảng viên, được nhiều sinh viên mến mộ, đang có cơ hội trở thành trưởng khoa, lại bỏ lại mọi thứ? Câu hởi tưởng chừng đơn giản với những đáp án đơn giản nhưng đó là nơi để mọi thứ bắt đầu.
Ở đó, John bắt đầu kể lại cuộc đời của mình, một câu truyện đậm chất hư cấu, nhưng với tinh thần của những nhà khoa học chân chính, họ bị thôi thúc đi đến tận cùng câu truyện. Trên hành trình đó, có người hoài nghi, có người nhập tâm, có người nhảy ra khỏi chiếc hộp của mình, có người hào hứng, có người tức giận, có cả người căm phẫn. Niềm tin, hiểu biết của họ bị thử thách liên tục bởi những nhận thức mới mẻ và táo bạo. Để rồi, họ đi từ hoài nghi đến tin tưởng và vỡ òa với cái cách mà John kết thúc câu truyện.
Người xem bị cuốn vào câu truyện của John, bị thôi thúc bởi câu hỏi liệu anh ta có bịa đặt? Người có nền kiến thức tốt bị cuốn vào cuộc đua tìm chỗ phi logic trong câu truyện của John. Người có nền kiến thức chưa tốt, bị lôi cuốn vào câu truyện, với những sự mới lạ trong nhận thức và hiểu biết.
Một story line lôi cuốn và logic, một dàn diễn viên có diễn xuất tuyệt vời và đạo diễn Richard Schenkman đã chứng minh một điều đơn giản: nghệ thuật bắt đầu từ những thứ giản dị nhất. Tuy vậy, đây vẫn là một bộ phim kén khán giả, nếu bạn thích một bộ phim giải trí nhẹ nhàng kiểu hài nhảm của VN, đừng xem. Nếu bạn thích những bộ phim đóng mác 13+ của Marvel, đừng xem. Nếu bạn chờ đợi những cảnh hành động hoành tráng với những góc máy nghệ thuật, đừng xem. Nếu bạn thích sự lê thê của cô dâu 8 tuổi, đừng xem. Nếu bạn mong chờ một triết lý nhân sinh sâu sắc, đừng xem. Phim không có những thứ đó đâu, nhưng bạn đã quyết định xem, hãy xem nó một cách nghiêm túc. Tại sao à? Vì giống như Inception, chỉ một chút lơ đãng thôi, bạn sẽ ngơ như bò đội nón ngay.
Nguồn: Ha Duong