The Whirlwind (Netflix) – Cơn lốc đánh tan mọi định kiến về drama Hàn Quốc
TV Series · Đánh giá phim · linhhuynh0257 ·
The Whirlwind (Cơn Lốc) mang đề tài chính trị tưởng chừng khô khan, kén khán giả nhưng đang tạo một “cơn lốc” tại quê nhà Hàn Quốc. Dù không được Netflix quảng bá nhiều lúc mới ra mắt.
Kéo xuống để xem tiếp
Vài năm trước đây, khi nói đến drama Hàn Quốc người ta thường nghĩ đến những bộ phim tình cảm có phần sướt mướt với dàn trai xinh gái đẹp ăn mặc sành điệu. Nội dung thì có phần “đầu voi đuôi chuột”, hay lúc đầu nhưng dần “đuối” về sau.
Tuy nhiên đó đã là chuyện của quá khứ. Những năm gần đây drama Hàn ngày càng đa dạng hóa thể loại với nhiều phim hay, nổi bật như: Stranger, Signal (hình sự), Sweet Home (tận thế), Kingdom (xác sống). Và giờ đây là đề tài chính trị với Cơn Lốc (The Whirlwind).
Cơn Lốc – bộ phim xứng đáng nổi tiếng hơn
Trên mạng xã hội lớn nhất Hàn Quốc KakaoTalk, nhiều người thừa nhận đã xem một mạch 12 tập của Cơn Lốc (The Whirlwind), thậm chí bỏ ăn bỏ ngủ vì phim. Đây được xem là một điều hiếm thấy với một phim đề tài có thể nói là “nặng đô”, dàn cast lớn tuổi, lại không được quảng bá nhiều.
Tính đến thời điểm hiện tại là 1 tuần kể từ khi ra mắt, tuy rất hot tại quê nhà Hàn Quốc (Cơn Lốc đang đứng hạng 1 trong top series truyền hình Netflix được xem nhiều nhất tại Hàn). Nhưng phim vẫn chưa thể lọt vào BXH series truyền hình được xem nhiều nhất toàn cầu của Netflix. Thậm chí còn thua cả Miss Day and Night, một phim Hàn khác do Netflix hợp tác sản xuất.
Cảm hứng từ những sự kiện chính trị có thật
Nếu ai có theo dõi chính trị Hàn Quốc thì chắc chắn không lạ gì với những biến động trên chính trường tại nước này. Vài chục năm trở lại đây, những vụ “bê bối” chính trị lớn liên quan đến tham ô, cấu kết với tập đoàn chaebol khiến người dân phải đổ ra đường biểu tình hàng loạt không còn lạ lẫm gì nữa.
Nếu có một vị trí lãnh đạo quốc gia nào “kinh dị”, “sóng gió” nhất. Chắn chắn Hàn Quốc sẽ có một suất. Bởi người đứng đầu quốc gia này – Tổng thống ở nhiều nhiệm kỳ đều phải đương đầu với những vấn đề pháp lý nghiêm trọng (dù đang đương nhiệm hay đã nghỉ hưu). Thực tế có đến 9 cựu tổng thống Hàn Quốc từng ngồi tù, thậm chí tự tử.
Theo như biên kịch Park Kyung Soo thì Cơn Lốc không kể hay ám chỉ về một vị tổng thống có thật nào ở cả. Mà chỉ lấy một số chất liệu nhất định về chính trường Hàn Quốc để kể một câu chuyện về con người.
Khi đứng trước cám dỗ của tiền tài, danh vọng con người dễ trở nên tha hóa về mặt đạo đức. Dù cho đó là một chính trị gia lỗi lạc, từng có một lý tưởng cao đẹp.
Kịch bản hấp dẫn
Đạo diễn bậc thầy của Hollywood Alfred Hitchcock từng nói: “Muốn làm một bộ phim xuất chúng, cần phải có ba thứ đó là: kịch bản, kịch bản và kịch bản!”. Và câu nói này đặc biệt chính xác với trường hợp của Cơn Lốc.
Cơn Lốc là câu chuyện đấu đá chính trường Hàn Quốc. Nội dung phim xoay quanh cuộc chiến giữa Thủ tướng Park Dong Ho (Sul Kyung Gu) và Phó Thủ tướng Jeong Su Jin (Kim Hee Ae). Mọi căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Thủ tướng quyết định ám sát Tổng thống đương nhiệm, thậm chí là đe dọa đến sự ổn định của cả quốc gia.
Không giới thiệu dông dài, ngay từ đầu phim khán giả được chứng kiến Thủ tướng Park Dong Ho (Sul Kyung Gu) thực hiện hành vi ám sát Tổng thống. Mỗi tập phim kịch bản lại “bẻ lái” liên tục khiến khán giả không khỏi choáng váng.
Ngay khi tưởng một nhân vật đã thất bại, đi vào ngỏ cụt thì lại có một cú twist bất ngờ. Và đặc biệt phim không gặp tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Càng về cuối, mạch phim càng được đẩy nhanh. Và đến tập cuối cùng khán giả sẽ không khỏi vỡ òa trước cú twist lớn ở cuối phim.
Tất nhiên Cơn Lốc không phải là một bộ phim hoàn hảo. Dù bị cuốn theo nhịp phim gấp gáp, căng như dây đàn, người ta vẫn thấy đâu đó một số lỗ hổng kịch bản, tình tiết vô lý. Thế nhưng tất cả phần nào được khỏa lấp bởi diễn xuất tuyệt vời của Sul Kyung Gu và Kim Hee Ae, cũng như chỉ đạo tài tình của đạo diễn Kim Yong Wan.
Nhân vật có chiều sâu
Một trong những điểm cuốn hút nhất của của Cơn Lốc chính là dàn nhân vật đặc sắc: đó là những chính trị gia, doanh nhân lọc lõi, cáo già, quen ăn miếng trả miếng. Người thông minh đối đầu với người thông minh. Thật không có gì hấp dẫn hơn!
Đó là chủ tịch Kang (Park Geun-hyung) – một Chaebol điển hình của Hàn Quốc. Một ông già tưởng chừng “gần xuống lỗ” nhưng có thể dùng quyền lực mềm theo túng mọi thứ ngay khi đang ở trong tù. Không ngại hy sinh cả con trai mình để bảo vệ cả đế chế.
Jang Il Jun (Kim Hong Pa) – vị tổng thống với những lý tưởng cao đẹp ban đầu. Một người từng đấu tranh vì công lý, quyền lợi của người nghèo trở nên biến chất khi ở tột đỉnh của quyền lực.
Cho Sang Cheon (Jang Gwang) – thủ lĩnh đảng đối lập. Một kẻ xảo trá, không từ thủ đoạn, sẵn sàng vì quyền lực mà bán rẻ tình thân. Nhưng vô cùng nhanh nhạy trong việc chọn phe phái.
Jeong Su Jin (Kim Hee Ae) – phó thủ tướng, chuyên xử lý các vấn đề về kinh tế. Jeong Su Jin cùng với Park Dong Ho là học trò của tổng thống Jang Il Jun. Sau này là cánh tay đắc lực của tổng thống. Giống như tổng thống Jang Il Jun, Jeong Su Jin vốn đầy hoài bão, lý tưởng dần dần cũng trở nên tha hóa, đầy thủ đoạn, nhẫn tâm.
Và linh hồn của bộ phim Park Dong Ho (Sul Kyung Gu) – một chính trị gia lão luyện, đã kinh qua mọi thủ đoạn của chính trường. Anh ta không phải là một nhân vật chính diện kiểu mẫu. Ngay từ đầu phim Park Dong Ho đã ám sát Tổng thống Jang Il Jun, người thầy, người cha trên chính trường của mình.
Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho kế hoạch lớn thật sự của Park Dong Ho. Người xem sẽ cảm nhận được sự cực đoan đến đáng sợ của nhân vật. Nhưng dần bị cuốn theo rồi yêu mến anh ta lúc nào không hay.
Đó là vì Park Dong Ho khác, khác rất nhiều với những chính khách trong Cơn Lốc. Có thể anh ta tàn nhẫn, sẵn sàng dùng “tiểu xảo” để thực hiện kế hoạch của mình. Nhưng chí ít anh ta thành thật với điều đó.
“Tôi chưa làm gì trong chính trường vì người dân cả. Tôi làm tất cả vì tôi. Vì tôi, kẻ không chịu nổi sự xấu xí của thế giới. Vì tôi, kẻ không chịu nổi việc bị đám bất chính điều khiển. Tôi làm tất cả vì tôi”.
Đứng trước những con “cáo già” chính trị này những nhân vật chính nghĩa, trung thực như Trưởng công tố viên Lee Jang Seok trở nên ngây thơ đến vô dụng với niềm tin vào công lý và sự thật.
Để cuối cùng Park Dong Ho phải thốt lên câu nói chua chát: “Jang Seok à, cậu vẫn tin sự thật thắng lời dối trá à. Thứ thắng lời dối trá chính là lời dối trá lớn hơn”.
Sol Kyung Gu – Bảo vật của màn ảnh Hàn Quốc
Kim Hee Ae, nữ diễn viên chính của Cơn Lốc đã nói rằng: “Sol Kyung Gu là một tài sản quý báu của Đại Hàn Dân Quốc”
Dù không nổi tiếng trên bình diện quốc tế như những ngôi sao như: Song Kang Ho, Lee Byung Hun. Nhưng tại quê nhà Hàn Quốc Sol Kyung Gu được xếp vào số ít những diễn viên hạng S (diễn viên điện ảnh có cát-xê hàng top với nhiều bộ phim doanh thu cao, đạt nhiều giải thưởng uy tín).
Sol Kyung Gu là một trong những diễn viên được kính trọng nhất màn ảnh Hàn hiện nay. Với một sự nghiệp lừng lẫy kéo dài 3 thập niên, từng giành giải Ảnh đế tại các giải thưởng danh giá như Baek Sang, Rồng Xanh. Những phim tiêu biểu của Sol Kyung Gu có thể kể đến là: Peppermint Candy, Public Enemy, Silmido, Haeundae, Cold Eyes, Hope.
Kể từ thập niên 90, Sol Kyung Gu đã không đóng phim truyền hình và chỉ toàn đóng phim điện ảnh. Cơn Lốc chính là bộ phim đánh dấu sự trở lại của diễn viên tài năng này với truyền hình sau 30 năm.
Sol Kyung Gu đã tiếp xúc với kịch bản của The Whirlwind và rất thích thú với nhân vật Park Dong Ho. Tuy nhiên, sau khi phim chiếu anh đã nói rằng không muốn có một nhân vật như Park Dong Ho xuất hiện trên đời. Bởi anh ta là một người nguy hiểm. Khi một người như thế này nắm được quyền lực tối cao thì không biết anh ta đi được đến đâu cả.
Cơn lốc là hiện tượng gió xoáy cực mạnh, được hình thành do những dòng không khí nóng bốc cao lên với cường độ mạnh. Sẽ cuốn đi mọi thứ trên đường đi của nó. Tuy nhiên cơn lốc chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Nhân vật Park Dong Ho trong The Whirlwind (Cơn Lốc) giống như một cơn lốc – cuốn đi mọi thứ dơ bẩn, nhiễu nhương trên vũ đài chính trị. Thế nhưng sau cuộc thanh trừng, thì cơn lốc cũng chẳng thể nào tồn tại được nữa.
[Review] Phong Hậu (Queenmaker)
Kim Hee Ae trở lại với thần thái "vạn người mê" trong Phong Hậu (Queenmaker).