Up in the air – Tự do hay ràng buộc ?

Tin điện ảnh · Quang Anh ·

Hài hước, kịch tính nhưng đầy triết lý, Up in the air được đạo diễn bởi Jason Reitman đã mang lại cho khán giả những bài học nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc về sự kết nối giữa con người với con người.

Hài hước, kịch tính nhưng đầy triết lý, Up in the air được đạo diễn bởi Jason Reitman đã mang lại cho khán giả những bài học nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc về sự kết nối giữa con người với con người.

Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Walter Kirn, bộ phim kể về gã đàn ông độc thân quyến rũ Ryan Bingham (George Clooney), một người làm công việc thay mặt những ông chủ của công ty để sa thải nhân viên của họ. Vì đặc tính của công việc nên Ryan luôn luôn phải có mặt trên những chuyến bay, di chuyển rất nhiều tới những công ty khác nhau nên gần như anh chẳng bao giờ có mặt ở nhà cũng như để tâm đến những mối quan hệ cá nhân của chính mình. Nhưng, những điều đó chẳng khiến anh bận tâm, Ryan còn tỏ ra khá tự hào bởi anh là một trong những người trẻ nhất sắp cán mốc bay 10.000.000 dặm của hãng hàng không American Airline và sẽ được vinh danh trong một ngày gần nhất.

Cuộc sống tự do tự tại đã khiến Ryan phát triển một triết lý đề cao quyền tự do và nhờ triết lý này, Ryan trở nên nổi tiếng và được mọi người mời đi diễn giả ở vô số hội thảo trong nước. ”Hãy tưởng tượng bạn có một chiếc balo, hãy nhét tất cả những gì bạn mong muốn vào đó, nhà cửa, tiền bạc, người thân… Bạn sẽ cảm thấy bị sức nặng của chiếc balo này kìm lại, khiến bạn chẳng thể nào có thể bước chân để tiến lên phía trước nữa. Đó chính là gánh nặng mà rất nhiều người đang phải mang trong cuộc sống này. Nhưng các bạn của tôi ơi, trong cuộc đời, kẻ nào di chuyển càng chậm thì càng không có cơ hội để vươn tới đỉnh cao – Triết lý ba lô rỗng“.

Thoạt nghe, có vẻ như triết lí “ba lô rỗng” này nói lên rất đúng tình trạng cuộc sống của chính chúng ta, những khán giả đang ngồi xem bộ phim này. Hàng ngày, chúng ta đều cố gắng làm việc để lo cho gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”, cứ mải miết rồi chợt nhận ra rằng chúng ta chẳng có tự do để làm điều mình thích, chẳng có tự do để theo đuổi ước mơ nữa. Cái gánh nặng vô hình mà chúng ta đang phải mang theo đã kìm bước chân của chính mình lại và rồi ngày qua ngày, con người cứ phải quanh đi quẩn lại cái vòng tròn mà chính họ đã tự nguyện đi vào.

Thế nhưng, nếu phim chỉ dừng lại góc độ miêu tả cuộc sống của Ryan thì có lẽ tính nhân văn của bộ phim này lại không được đề cao đến thế. Bước ngoặt xảy ra khi Ryan gặp được một người đồng nghiệp của mình là Alex (Vera Farmiga), Alex như một Ryan phiên bản nữ – như chính lời cô tự thừa nhận. Bọn họ đều làm công tác nhân sự, đều phải bay khắp miền của nước Mỹ do đặc thù công việc. Hai người họ cặp với nhau và sau một thời gian, Ryan chính thức cảm thấy anh muốn có một mối quan hệ nghiêm túc với người con gái này.

Người xem có thể cảm nhận được tâm lý của nhân vật Ryan thay đổi dần theo thời gian của bộ phim. Từ những phút đầu bất cần, tự do, anh đã trở nên biết quan tâm hơn, biết lắng nghe hơn và biết cảm thông hơn. Có thể nói George Clooney đã thể hiện vai diễn này khá tốt. Đành rằng vẻ ngoài lịch lãm của anh đã khiến cho nhân vật trở nên cực kì ấn tượng với người xem, nhất là những khán giả nữ. Nhưng những góc lặng, những giây phút bỗng nhiên “khựng” lại vô cùng tinh tế của George Clooney đã diễn tả hoàn hảo nhân vật Ryan.

Cảnh phim mà Ryan chạy hối hả từ sân bay đến nhà của Alex để tìm cô là một trong những cảnh đáng xem nhất của bộ phim. Không chỉ vì nó thực sự đánh dấu cột mốc một Ryan yêu tự do đã chính thức thay đổi mà còn vì cú “plot-twist” mà tác giả đã gửi gắm vào khiến cho bộ phim “đời” hơn rất nhiều so với cái kết mà khán giả đoán trước khi xem.

Một vai diễn khác cũng rất thú vị trong bộ phim này đó chính là Natalie (Anna Kendrick), một cô sinh viên mới ra trường đầy tham vọng. Do quan điểm của Natalie và Ryan về công việc quá khác nhau nên anh đã quyết định đưa Natalie đi cùng mình để “thực tập” và hiểu rõ hơn công việc mà anh đang làm. Kể từ đó rất nhiều tình huống hài hước đã diễn ra trong quá trình hai người làm việc. Nhìn chung, Anna Kendrick thể hiện ở mức độ tròn vai, những tình huống bày tỏ cảm xúc còn chưa đạt đến mức cần thiết nhưng cũng không quá “đơ” khiến cho người xem phải cảm thấy khó chịu.

Phần nhạc phim vô cùng nhẹ nhàng, phù hợp với bối cảnh cũng như tình tiết của phim. Một vài ca khúc như “Goin’ Home”, “The Snow Before Us”, “Angel in the Snow” làm cho cảnh phim như mượt hơn, mềm hơn cũng như giúp cho người xem cảm thấy thoải mái và thưởng thức bộ phim thêm trọn vẹn hơn.

Cuối phim, Ryan vẫn tiếp tục làm công việc của mình, nhưng, cảnh tượng anh đứng giữa sân bay, đơn độc cùng với nỗi buồn của sự cô đơn mà bây giờ anh mới cảm nhận được sẽ gây ấn tượng rất mạnh đến tâm trí người xem. Cuối cùng thì, con người, ai cũng cần có một tổ ấm để về.

Bộ phim được đề cử 8 giải tại liên hoan phim Broadcast Film Critics Association, chiến thắng giải phim chuyển thể hay nhất và 6 đề cử tại giải Golden Globe, chiến thắng tại mục kịch bản phim xuất sắc nhất. Ngoài ra, Up in the air còn mang lại cho nhà sản xuất hơn 3 tỷ đô la doanh thu tại các phòng vé trên thế giới. Đây chính là bộ phim hài kịch tính “nhất định phải xem” của những người yêu phim.

Nếu là người hâm mộ George Clooney, Anna Kendrick hay chỉ là một fan của điện ảnh, các bạn chắc hẳn sẽ chẳng thể nào bỏ qua được bộ phim này. Sự hài hước, tính triết lý của bộ phim sẽ khiến các bạn phải nghiềm ngẫm nó ngay cả khi cảnh phim cuối cùng được khép lại. Cuối cùng thì, bạn sẽ chọn trường phải nào: Tự do hay ràng buộc?