Vùng Đất Quỷ: Riêng ý tưởng tốt thì chưa đủ

Tin điện ảnh · Moveek ·

Gây ấn tượng tốt bởi phần ý tưởng, nhưng những "hạt sạn" nhỏ của Viy – Vùng Đất Quỷ lại khiến nó trở thành một bộ phim khó có thể trụ lâu tại thị trường nước ngoài.

Vào thế kỷ thứ 18, nhà ký họa bản đồ Jonathan Green (Jason Flemyng) quyết định bỏ Anh quốc để thực hiện mộng phiêu lưu khắp thế giới và hoàn tất công trình nghiên cứu của đời mình. Anh bị lạc đến một ngôi làng hẻo lánh ở Ukraine, nơi mà mọi người đồn rằng tràn ngập phù thủy và những con quái vật.

Bí ẩn hơn cả là truyền thuyết về Viy, một vị thần dị dạng thường gieo rắc nỗi kinh hoàng cho dân làng. Được trưởng làng giao cho nhiệm vụ tìm ra lời giải cho cái chết một năm trước của con gái ông, Jonathan lao vào chuyến hành trình đầy huyền ảo nhằm giải đáp được những bí ẩn của ngôi làng này, đồng thời tìm ra chân tướng thực sự của vị thần Viy.

Vốn là phiên bản làm lại từ bộ phim phiêu lưu – kinh dị cùng tên vào năm 1967 của Nga, bản thân Vùng Đất Quỷ phiên bản 2014 là sự hợp tác giữa hãng Universal của Hollywood (đóng vai trò là nhà phát hành quốc tế) cùng hai hãng phim bản địa là Russian Film Group và Marins Group Entertainment.

Viy 2014 ra mắt với định dạng 3D hiện đại, có sự tham gia của hai diễn viên tên tuổi đến từ Anh quốc là Jason Flemyng (A Curious Case of Benjamin Button, X-Men: First Class) trong vai chính và Charles Dance (series Game of Thrones) trong một vai khách mời khá thú vị. Các diễn viên còn lại đến từ nước Nga nên tên tuổi vẫn còn lạ lẫm với khán giả quốc tế. Dù không thực sự có một sự đột phá nào trong vai diễn, các nam nữ tài tử đều diễn tròn vai của mình.

Phiên bản gốc tập trung nhiều hơn vào yếu tố kinh dị
Phiên bản gốc tập trung nhiều hơn vào yếu tố kinh dị

Khác với phần phim gốc với nội dung thuần kinh dị, Viy 2014 đậm chất phiêu lưu khám phá nhiều hơn, quái vật hay phù thủy chỉ là yếu tố phụ. Tuy vậy, tạo hình của những sinh vật này lại có nét độc đáo rất riêng, dẫu thời lượng xuất hiện không nhiều. Chân dung của "vị thần Viy" cùng các tay sai của ông ta khiến người yêu điện ảnh liên tưởng nhiều đến tạo hình của những quái vật trong hai phần phim Hellboy, vốn do "ông hoàng quái vật" Guillermo del Toro làm đạo diễn. Một con quái vật nửa người nửa dê có cánh dơi, một gã thây ma cầm theo chiếc đầu luôn mồm huyên thuyên, một mụ phù thủy già có cái bóng của một cô gái trẻ... tất cả đang chờ khán giả khám phá trong Viy 2014.

Tạo hình quái vật đáng sợ trong Viy
Tạo hình quái vật đáng sợ trong Viy

Nói thêm về tinh thần phiêu lưu mạo hiểm được thể hiện rõ nét trong phim mà tất cả được gửi gắm thông qua hình ảnh của nhân vật chính Jonathan Green. Vốn là con người của khoa học, nhưng đến với ngôi làng kỳ lạ này, niềm tin của Green dần bị lung lay, nỗi sợ hãi, dù vô hình hay hữu hình, mỗi lúc tiến đến gần hơn và đe dọa sinh mệnh của anh. Thế nhưng một nhà khoa học không đồng xu dính túi ấy muốn chứng tỏ được giá trị của bản thân mình, muốn dùng khoa học để giải đáp cho mọi phép màu, muốn có gì đó thật vĩ đại để kể lại cho con cháu mình về sau. So với câu chuyện gốc vốn chỉ xoay quanh vị linh mục trẻ phải đối đầu với cái xác phù thủy trong 3 ngày liền thì nội dung của phần mới đã mở rộng và có chiều sâu hơn rất nhiều.

Cốt truyện 2014 được mở rộng hơn nhiều so với bản gốc
Cốt truyện 2014 được mở rộng hơn nhiều so với bản gốc

Tuy vậy, dẫu ý tưởng có tốt, nội dung có hay thì Viy vẫn vướng phải những "hạt sạn" rất lớn. Màu phim cùng góc quay khá tệ và không tạo ra được chất điện ảnh chuyên nghiệp – cảnh quay không sắc nét và sáng, góc quay lắc giật khó chịu; tạo cho khán giả không tìm hiểu kỹ nội dung sẽ dễ lầm tưởng Viy là một phim kinh dị hạng B rẻ tiền, chứ không phải một bộ phim kỳ công có sự hợp tác của hai nền văn hóa.

Đi kèm sự khó chịu về phần hình ảnh là sự lê thê trong kịch bản. Một câu chuyện lôi cuốn, gãy gọn cùng cái kết bất ngờ đã có thể là điểm mạnh lấy điểm với người xem quốc tế, nhưng Viy lại tự phá hỏng điểm cộng này khi cách dàn trải thời lượng của phim không hợp lý, thừa mứa không cần thiết và hoàn toàn có vấn đề. Những đoạn chuyển cảnh ngẫu hứng và vô tội vạ khiến khán giả không thể nào tập trung để hiểu được việc gì thực sự đang xảy ra, trong khi chỉ riêng việc ghi nhớ tên tiếng Nga của các nhân vật đã đủ khiến họ vất vả rồi.

Góc quay của Viy vẫn còn nghiệp dư và chưa có sự trau chuốt
Góc quay của Viy vẫn còn nghiệp dư và chưa có sự trau chuốt

Xem Viy, dễ nhận ra một sự thật muôn thuở là người Mỹ rất... kém trong khoản lồng tiếng phim nước ngoài. Những câu thoại ngang phè hay biểu lộ cảm xúc thái quá, những sự lên xuống về cao độ không cần thiết cứ tưởng chỉ tồn tại trong những phim "chưởng Tàu" được người Mỹ lồng tiếng, thì nay lại xuất hiện trong Viy.

Là một sản phẩm điện ảnh có ý tưởng khá nhưng những lỗi nhỏ nhặt khi "góp gió thành bão" lại khiến Viy là một phim rất khó xem với khán giả thế giới cũng như tại Việt Nam.

Viy định dạng 3D ra mắt khán giả Việt từ ngày 5/9/2014.