Nếu nói về mảng sản xuất phim hoạt hình/animation thì người viết nghĩ chắc hiện tại Nhật Bản và Âu Mỹ vẫn là những quốc gia đứng đầu và nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, theo nhiều khảo sát, những năm gần đây, Hàn Quốc và Trung Quốc đã có nhiều bước tiến vượt bậc đáng ngạc nhiên trong ngành nghề này. Kĩ thuật đồ hoạ, âm thanh và những mảng khác đều được đại chúng và giới chuyên môn đánh giá tích cực.
Nhưng hôm nay, mình chỉ tập trung vào vấn đề chuyển thể webtoon/truyện tranh thành phim hoạt hình thôi. Đặc biệt là lý do tại sao Hàn Quốc không chú trọng vào việc chuyển thể các sản phẩm đã được nhắc đến bên trên thành phim hoạt hình, dù tài nguyên rất đa dạng, người theo dõi và ủng hộ nguyên tác cũng nhiều và mảng manhwa/webtoon của Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ khó tin.
1. Thị hiếu Hàn Quốc không thích phim hoạt hình
Nghe qua bạn có lẽ sẽ thấy lý do này có vẻ không được hợp lý lắm. Nhưng theo người viết khảo sát nhiều thông tin từ người nước ngoài và các trang mạng Hàn Quốc thì đúng là họ rất thích xem truyện tranh, webtoon và tiểu thuyết mạng nhưng đối với phim hoạt hình lại là một vấn đề khác. Dù số lượng fan anime Nhật từ manga nguyên tác vẫn đông đảo nhưng phần đông người dân Hàn Quốc vẫn không chuộng xem hoạt hình.
Đối với họ thì hoạt hình chỉ dành cho thiếu niên và trẻ nhỏ. Nếu chịu khó tìm hiểu về những sản phẩm hoạt hình mà Hàn từng cho ra mắt, bạn sẽ thấy hầu như animation dành cho thanh thiếu niên và người trưởng thành có số lượng khá hạn chế. Và những bộ nổi tiếng được biến đến ngoài quốc tế hầu như đều có nội dung vui vẻ, hồn nhiên, đáng yêu, có thể kể đến như: Chim Cánh Cụt Pororo, Pucca, Larva, Bernard Bear,...Thậm chí, trên nhiều diễn đàn thảo luận, người Hàn Quốc cũng thẳng thắn cho rằng phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ em, họ không dành nhiều thời gian để xem chúng.
2. Thị trường phim chuyển thể người đóng quá mạnh mẽ
Nhưng không phải người Hàn không biết tận dụng tài nguyên dồi dào có sẵn. Họ tập trung chúng sang mảng chuyển thể phim người đóng, còn gọi là live-action. Mỗi năm số lượng phim truyền hình, phim trực tuyến gọi chung là K-drama được sản xuất và ra mắt đều đặn và dày đặc. Chỉ trong 2021 và 2022, ta đã được xem một số bộ khá nổi như: Nevertheless, True Beauty, D.P, Dog Day, Hellbound, Love&Leashes... Hàn Quốc luôn là nước được biết đến có số lượng phim người đóng được khán giả ưa chuộng không chỉ ở Châu Á và còn ở thị trường quốc tế.
Doanh thu mà công nghiệp phim ảnh mang lại cho Hàn Quốc là con số khổng lồ. Bên cạnh đó, phim ảnh là một hình thức để quảng bá sản phẩm cho các nhãn hàng từ tầm trung đến cao cấp đã được Hàn tận dụng từ khá lâu khi mà các quốc gia khác còn chưa áp dụng. Nên mức đầu tư và tài trợ cho khâu sản xuất từ các hãng thời trang, thực phẩm, xe cộ, nội thất... cho mảng này là điều kiện để các nhà sản xuất thêm động lực cho ra nhiều sản phẩm hơn. Đây là mặt hạn chế mà phim hoạt hình khó mà so được.
3. Hàn Quốc chuộng thần tượng Kpop và diễn viên
Bên cạnh phim ảnh, có thể nói ngành công nghiệp thần tượng/idol của Hàn Quốc có thể nói là đứng đầu Châu Á. Người viết không so sánh về chất lượng hay doanh thu đĩa, sản phẩm ăn theo được tiêu thụ. Nhưng phải công nhận là người nổi tiếng của Hàn có vị trí trên thị trường quốc tế được đánh giá cao hơn về tổng quát so với các quốc gia khác. Phần này được đánh giá theo vị thế của các diễn viên, idol được nhãn hàng kí kết, số lượng sản phẩm họ quảng cáo được tiêu thụ, thậm chí là đồ dùng hàng ngày mà họ chia sẻ trên mạng xã hội hay được công chúng nhìn thấy.
Người Hàn Quốc ưa chuộng và yêu thích các diễn viên, thần tượng gọi chung là người thật cao hơn rất nhiều so với các nhân vật giả tưởng được tạo ra trên mặt giấy. Và dựa trên các lý do đã nêu bên trên. Họ sẽ yêu thích hơn khi nhìn thấy một diễn viên, ca sĩ mà mình yêu thích vào vai nhân vật mà mình cũng mong chờ sẽ được ra mắt trên phim hơn so với xem phim hoạt hình. Dù cho đôi khi gương mặt được chọn không phù hợp với nguyên tác và bị lên án. Nhưng điều đó cũng chẳng tác động đến các nhà sản xuất sẽ ưu ái mảng animation hơn. Vì người nổi tiếng và fan của họ là bước đệm cho doanh thu phim và sản phẩm quảng bá.
4. Tài nguyên đa dạng nhưng sản phẩm chất lượng cao không nhiều, đặc biệt webtoon hầu như đều đã có màu sẵn
Về tài nguyên như manhwa và webtoon, ở Hàn hằng năm chúng được ra mắt rất nhiều và lượng tiêu thụ cũng rất tốt. Nhưng nếu kể ra thì hầu hết đều không gọi là quá chất lượng hay ổn áp để đầu tư sản xuất phim hoạt hình. Những bộ hay ho đều nhanh chóng được chuyển thể thành phim người đóng hoặc quá khó để chuyển thể. Như Windbreaker chẳng hạn (về đề tài thể thao, đua xe đạp). Vì số lượng nhân vật của các bộ đó quá đông đảo, thời lượng truyện dài, chưa kết thúc nguyên tác. Còn về thể loại hành động, có thể đây không phải là thế mạnh của Hàn Quốc trong mảng hoạt hình.
Bên cạnh đó, là nước có số lượng manhwa, webtoon có nội dung cuốn hút nổi tiếng nhưng lại mang yếu tố 18+ như bạo lực, tình dục khá nhiều và nặng đô. Với một quốc gia vẫn trọng Nho giáo như Hàn Quốc thì vấn đề cho ra mắt một sản phẩm thị chúng mà mang nhiều yếu tố hạn chế như vậy cũng là vấn đề nan giải. Phim chuyển thể cũng gặp nhiều trở ngại tương tự, dẫn đến thay đổi kịch bản, cắt giảm hay thêm thắt quá nhiều ảnh hưởng đến cốt truyện gốc. Ngoài ra, hầu hết các webtoon của Hàn hiện nay đều được tô màu sẵn. Việc này thể hiện ý muốn họ chỉ muốn phát triển sản phẩm dừng lại trên nền tảng truyện tranh mạng hay mặt giấy là cùng. Nếu đã xem truyện tranh màu rồi thì hoạt hình cũng không là thứ cần thiết nữa. Quá nhiều hạn chế cho việc sản xuất hoạt hình hiện nay trong tâm trí người Hàn.
5. E ngại những người tiền nhiệm và kẻ trỗi dậy mạnh mẽ
Nhìn chung, nếu hiện tại Hàn Quốc muốn phát triển mạnh mảng animation thì vẫn có 2 đối thủ cực mạnh để phải dè chừng và e ngại. Đầu tiên, chắc hẳn phải nhắc đến Nhật Bản, luôn là ông trùm Châu Á trong ngành công nghiệp này. Dù là khoảng tầm 6, 7 năm trở lại đây anime bị đánh giá đã qua thời hoàng kim và dần có dấu hiệu bão hoà và đi xuống do chất lượng nội dung không còn mấy đa dạng và gây ấn tượng mạnh nữa, điển hỉnh như quá nhiều bộ bị cho là kém thu hút và tập trung cho ra quá nhiều isekai anime cứ na ná nhau.
Nhưng không vì thế mà nói không có bộ nào hấp dẫn, Demon Slayer, Attack on Titan, Jujutsu Kaisen, One Piece, Conan và rất nhiều cái tên khác vẫn đang làm khán giả điêu đứng. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện bùng nổ mạnh mẽ với kĩ thuật đồ hoạ ngày càng tiên tiến, doanh thu cũng phát triển mạnh, một phần nhờ dân số quá đông, chất lượng phim hoạt hình của họ cũng ngày một cải thiện ổn áp hơn rất nhiều. E ngại là một chuyện khó tránh với Hàn, nên có lẽ họ vẫn tập trung hơn vào các thế mạnh của mình hơn là làm những cú bứt phá bất ngờ. Hơn thế nữa, truyện tranh Hàn lâu lâu cũng dính phốt đạo nhái Nhật và cả lẫn nhau cũng là nhiều vấn đề đáng lo lắng.