10 bộ phim thriller yêu thích của Quentin Tarantino
Tin điện ảnh · Maii ·
10 bộ phim thriller đã tạo nhiều cảm hứng cho phim của Quentin Tarantino.
Quentin Tarantino là một trong những vị đạo diễn nổi tiếng nhất hiện nay, được công nhận không chỉ bởi vì những bộ phim hay, mà còn bởi tính tình hơi kỳ quái và có kiến thức sâu về phim. Tác phẩm của ông nổi tiếng là thường bày tỏ sự yêu mến đến những phim mà ông yêu thích lúc nhỏ hoặc lúc ông còn đang làm việc cho Video Archives.
Ông có lẽ là một cinephile trước khi trở thành một đạo diễn, và không ngạc nhiên lắm khi trong nhiều bài phỏng vấn, ông có nhắc đến vài bộ phim lạ lùng mà ông yêu thích cũng vì lý do nào đó lạ lùng không kém. Trong số những phim từng được ông nhắc đến, nhiều phim trong số đó còn là phim thể loại giật gân (thriller). Sau đây là 10 phim thriller hay nhất mà đạo diễn Quentin Tarantino gợi ý.
1. Ms .45 (1981)
Với những phim như Ms. 45, Bad Lieutenant, King of New York và New Rose Hoel, Abel Ferrara đã tự gầy dựng danh tiếng của mình với tư cách là bậc thầy phim neo-noir. Phong cách của ông đã đưa nhiều tác phẩm của vị đạo diễn lên hàng phim cult.
Ms .45 không nằm ngoài hướng đi đó và lần này xoay quanh thể loại cưỡng hiếp - trả thù. Thana (Zoë Lund) trong phim là một cô thợ may câm làm việc tại New York. Cô bị sốc và hoá điên sau khi đi làm về và bị cưỡng hiếp 2 lần trong một buổi tối. Sau sự việc, cô bị ám ảnh và tất cả đàn ông đều là mối đe doạ đối với cô gái. Với khẩu súng .45, cô bắt đầu giết người để trả thù, lang thang trên đường phố New York vào buổi tối.
Abel Ferrara làm Ms. 45 lấy cảm hứng từ các nhà làm phim New York nổi tiếng như Stanley Kubrick, Woody Allen, và Martin Scorsese. Những chi tiết nhắc đến Taxi Driver đều là những ví dụ dễ nhận ra, thêm vào đó, một trong những phim khác tạo cảm hứng cho Ms. 45 là Thriller: A Cruel Picture. Ms. 45 và Thriller: A Cruel Picture đều là những bộ phim nổi tiếng được Tarantino yêu thích, và cả 2 đều ảnh hưởng đến phim của ông sau này là Death Proof. Với fan của Death Proof thì 2 câu chuyện về nữ chính báo thù trên đều rất đáng xem.
2. Joint Security Area (2000)
Tarantino vốn là fan của điện ảnh Châu Á, dễ dàng nhận thấy khi rất nhiều phân cảnh hành động Hồng Kông và Nhật Bản xuất hiện trong Kill Bill, hay cách làm phim ít nhiều tỏ rõ tình yêu đối với phim giật gân Hàn Quốc. Joint Security Area là một trong những phim giật gân Hàn mà ông khen ngợi. Năm 2009, ông đưa phim vào danh sách cá nhân 20 phim hay nhất kể từ năm 1992, năm ông bắt đầu sự nghiệp.
Phim xoay quanh một vụ nổ súng diễn ra giữa biên giới Nam-Bắc Hàn. 2 người lính Bắc Hàn đã bị bắn chết, nhưng số đạn ở hiện trường vụ án không khớp với số đạn còn lại trong khẩu súng. Để giữ hoà bình, một đội điều tra đã được chỉ định và thành lập để đi tìm chân tướng sự việc.
Với nhiều phim hit như Oldboy, The Handmaiden, Stoker… Park Chan-wook là một trong những đạo diễn tài năng và nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn là quốc tế. Không ngạc nhiên lắm khi Joint Security Area không phải là phim giật gân duy nhất của ông mà Tarantino gợi ý. Ở LHP Cannes năm 2004, vị đạo diễn người Mỹ bầu cho Oldboy chiến thắng giải Cành Cọ Vàng, tuy cuối cùng giải thưởng cao nhất vẫn thuộc về Fahrenheit 9/11. Dù đã là bộ phim rất nổi tiếng, Oldboy vẫn xứng đáng nhận được nhiều lời khen ngợi hơn nữa.
3. The Taking of Pelham One Two Three (1974)
The Taking of Pelham One Two Three là một ví dụ điển hình cho thấy cách thực hiện một bộ phim hành động giải trí tốt là như thế nào khi hội tụ đủ các yếu tố: Hài hước, nhịp phim vừa phải, nhân vật phát triển không quá hời hợt và được phát triển song song với cốt truyện. Dù sau này được remake 2 lần, nhưng cách tiếp cận đề tài, cách khắc hoạ con người New York chân thật của bản gốc chính là thứ giúp phim có được cộng đồng fan đông đảo nhất.
The Taking of Pelham One Two Three xoay quanh 4 người đàn ông cướp vũ trang một tàu điện ngầm và giữ hành khách làm con tin. Họ đòi $1 triệu trong vòng 1 tiếng và đe doạ sẽ giết 1 người nếu trễ 1 phút. 4 người đàn ông này liên lạc với cảnh sát Garber (Walter Matthau) thông qua radio và Garber quyết tâm giải cứu tình huống, bắt giữ 4 người đàn ông này.
4 người đàn ông phản diện này có bí danh là Mr. Blue, Mr. Green, Mr. Grey và Mr. Brown. Không ngạc nhiên lắm khi Tarantino chia sẻ rằng bí danh liên quan đến màu sắc tương tự lấy cảm hứng từ phim đã được dùng trong Reservoir Dogs. Hầu hết những lời khen ngợi đều dành cho kịch bản, dù kịch bản vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Morton Freedgood. Bên cạnh việc được xây dựng tố, nhạc nền của phim cũng rất đáng xem. Nói cách khác, bộ phim yêu thích này của Tarantino có rất nhiều điểm đáng để học hỏi và ngưỡng mộ.
4. Dead of Night (1945)
Dead of Night là một trong những phim kinh dị anthology sớm nhất và có thể là phim hay nhất. Phim xoay quanh một kiến trúc sư tên Walter Craig (Mervyn Johns), đang tìm việc ở một vùng ngoại ô nhưng sớm nhận ra dường như mọi chuyện ngoài đời thực càng lúc càng giống một cơn ác mộng mà mình từng mơ. Sợ hãi kết cục của giấc mơ, anh buộc phải nghe những người khách lạ mặt kể lại những trải nghiệm siêu nhiên kỳ lạ mà họ từng gặp.
Những câu chuyện siêu nhiên ngắn này kết hợp với nhau tạo thành phần anthology của bộ phim. Charles Crichton và Robert Hamer mỗi người đạo diễn một phân đoạn hồi tưởng, trong khi Alberto Cavalcanti đạo diễn hai đoạn và Basil Dearden đạo diễn một đoạn và câu chuyện chung. Câu chuyện chung được đánh giá là hay nhất, vì đã làm tốt công việc kết nối tất cả các phần còn lại với nhau.
Dù vậy, điểm sáng thực sự của bộ phim này chính là phân đoạn hồi tưởng mang tên The Ventriloquist's Dummy, giúp bộ phim trở nên nổi tiếng, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều bộ phim kinh dị liên quan đến búp bê (đặc biệt là búp bê nói tiếng bụng) sau này. Tarantino từng gọi nó là "phim về búp bê nói tiếng bụng vĩ đại nhất". Ngoài phân đoạn này, toàn bộ phim đều đáng xem với những khoảnh khắc hồi hộp và hài hước, một tác phẩm kinh dị Anh kinh điển trong lịch sử đáng để học hỏi.
5. The Bird with the Crystal Plumage (1970)
Rất nhiều khoảnh khắc trong các tác phẩm của Tarantino tri ân đến thể loại Giallo (thuật ngữ của Ý chỉ phim ảnh hoặc văn học giả tưởng kỳ bí, liên quan đến một vụ án cần được giải mã, có các yếu tố như đâm chém, kinh dị tâm lý...). Một trong những bậc thầy của thể loại này là vị đạo diễn Dario Argento và bộ phim của ông mà Tarantino yêu thích chính là The Bird with the Crystal Plumage. Trong Death Proof, trường đoạn "chụp ảnh" tái hiện gần như hệt như đoạn mở đầu của The Bird with the Crystal Plumage kèm nhạc nền hệt như trong bộ phim của Dario Argento.
Phim nói về Sam Dalmas, một nhà văn người Mỹ sống ở Rome chứng kiến một người lạ mặt tấn công một phụ nữ phía sau một cánh cửa kiếng của một phòng tranh nghệ thuật mà bất lực vì không thể ngăn chặn. Là nhân chứng của vụ việc, cảnh sát có thẩm vấn nhưng anh dường như không thể nhớ lại chi tiết sự kiện. Anh quyết định tự điều tra, tự đưa bản thân lẫn bạn gái vào tình huống nguy hiểm.
Đây là phim đầu tay của Dario Argento, nhưng lại là một phim ấn tượng. Là bộ đầu tiên trong trilogy Animal (2 phim còn lại là The Cat o' Nine Tails (1971) và Four Flies on Grey Velvet (1971)), The Bird with the Crystal Plumage là phim giúp phổ biến thể loại Giallo nhưng quan trọng hơn, nó khởi đầu cho một sự nghiệp đạo diễn mang đến cho chúng ta nhiều viên ngọc quý của thể loại giận gân như trilogy Three Mothers (gồm Suspiria (1977), đã được remake; Inferno (1980), The Mother of Tears (2007)), hay các phim riêng biệt như Deep Red, Tenebrae, Phenomena, Opera...
6. Rolling Thunder (1977)
Phim neo-noir thứ 2 trong danh sách này chính là Rolling Thunder tăm tối. Bộ phim do John Flynn đạo diễn, kịch bản do Paul Schrader chấp bút và được Heywood Gould viết lại. Tuy vậy, rõ ràng là nó dựa trên một trong những câu chuyện của Schrader vì mang dấu ấn của Schrader rất rõ ràng.
Chuyện phim theo chân Charles Rane, một cựu binh lính Việt Nam vừa trở về nhà và được chào đón như một người anh hùng. Một ngày nọ, kẻ trộm đột nhập nhà ông và ăn cắp món tiền mà ông được thưởng vì sự phục vụ của mình. Chúng tra tấn Charles, phế bàn tay của ông và để ông và gia đình bị thương cho đến đết. Khi Charles sống sót, ông quyết định trả thù với một bên tay gắn một cái móc.
Tarantino gọi Rolling Thunder một trong những phim yêu thích của ông và thậm chí còn từng thành lập một công ty phát hành mang tên Rolling Thunder Pictures. Với Rolling Thunder Pictures, Tarantino cho ra mắt một số phim độc lập, phim cult và phim nước ngoài như The Beyond, Trùng Khánh Sâm Lâm và Sonatine.
7. Bullit (1968)
Steve McQueen là một trong những diễn viên nổi tiếng xuất hiện trong Once Upon a Time in Hollywood (2019) của Quentin Tarantino, có biệt danh ngoài đời là King of Cool và chuyên đóng các vai anti-hero. Trong phim, ông vào vai cảnh sát Frank Bullit có nhiệm vụ bảo vệ nhân chứng trong một vụ án chống lại ông trùm băng đảng Pete Ross. Khi nhân chứng bị giết, Bullit quyết tâm bắt những kẻ chịu trách nhiệm cho việc này bằng mọi giá.
Đây là bộ phim nổi tiếng nhất của đạo diễn Peter Yates nhờ vào trường đoạn chiếc Ford Mustang chạy đua qua những con đường nhỏ hẹp ở San Francisco, tạo nên những trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời. Trường đoạn này được đánh giá là một trong những cảnh hay nhất trong lịch sử phim ảnh và đã để lại di sản vĩ đại cho các thế hệ làm phim sau ở thể loại hành động, thậm chí một phiên bản Bullit của chiếc Ford Mustang đã được ra mắt vào năm 2001.
Khi Tarantino yêu một bộ phim thì ông có xu hướng bày tỏ sự kính trọng với bộ phim đó dù là nhỏ nhất. Một biển số xe trong phim Death Proof trùng với biển số xe trong phim Bullit là hình thức cho thấy ảnh hưởng của nó đến bộ phim của vị đạo diễn.
8. Fist of Fury (1972)
Trong Fist of Fury, khi Chen Zhen (Lý Tiểu Long) trở về quê nhà Thượng Hải để cưới hôn thê của mình thì phát hiện cái chết của sư phụ. Trong đám tang, thành viên của một võ đường Nhật Bản đến quấy rối và Chen là người duy nhất đứng lên chống lại họ. Sau đó anh phát hiện người Nhật chính là kẻ đứng sau cái chết của sư phụ, anh quyết trả thù và lấy lại danh dự cho người Trung bị áp bức.
Bản danh sách này sẽ không thể hoàn thiện nếu không có một bộ phim Hồng Kông của Lý Tiểu Long. Nam diễn viên người Mỹ-Hồng Kông hẳn không cần giới thiệu nhiều nữa vì ông là một trong những võ thuật gia nổi tiếng nhất, hay ít nhất cũng là người có ảnh hưởng nhất. Sáng lập nên môn phái Triệt Quyền Đạo, ông thường được xem là người mở đường cho MMA hiện đại hay võ tự do. Trong suốt nhiều năm ông hoạt động trong nền công nghiệp phim ảnh, nam diễn viên đã cho thấy kỹ năng võ thuật của mình trong nhiều bộ phim Mỹ và Hồng Kông.
Quentin Tarantino là fan của Lý Tiểu Long như đã thể hiện trong Once Upon a Time in Hollywood và trước đó là cả Kill Bill. Trang phục của The Bride/Kiddo chính là bộ đồ lấy cảm hứng từ bộ jumpsuit biểu tượng mà Lý Tiểu Long mặc trong Game of Death, bộ phim nổi tiếng vì chưa hoàn thành do Lý Tiểu Long qua đời khi đang sản xuất. Cảnh chiếu đấu chống lại băng Crazy 88 dựa một phần vào trận đấu của Bruce Lee ở võ đường trong Fist of Fury.
9. The Getaway (1972)
Steve McQueen lần thứ 2 xuất hiện trong phim này với vai tên tội phạm Doc McCoy trong bộ phim The Getaway. Vốn đã lãnh án 4 năm tù trong bản án 10 năm, nhưng được Jack Beynon (Ben Johnson) giúp được thả sớm, đổi lấy việc anh ta giúp hắn trong một vụ cướp ngân hàng. Khi vụ cướp không theo kế hoạch của Doc, anh và vợ (Ali MacGraw) phải chạy trốn đến biên giới Mexico.
The Getaway là một trong 2 phim hợp tác giữa Steve McQueen và Sam Peckinpah, phim còn lại là Junior Bonner, cũng ra mắt trong năm 1972. Đây là một bộ phim thú vị vì Peckinpah không đạo diễn nhiều phim với sao lớn, mặc dù đúng là có những ngôi sao lớn góp mặt trong các phim nổi tiếng của ông như The Wild Bunch, Bring Me the Head of Alfredo Garcia và Straw Dogs.
Như đã đề cập, Tarantino thích tri ân (có người lại gọi đó là đạo) đến phim và đạo diễn đã tạo niềm cảm hứng cho ông, và đương nhiên đây cũng là trường hợp của The Getaway. 2 khoảnh khắc trong The Getaway có thể được tìm thấy trong Death Proof, một bộ phim rõ ràng là đầy những hình ảnh tri ân và những mối liên hệ đến phim khác.
10. Amer (2009)
Thật khó mà tóm tắt nhanh chóng Amer bởi cốt truyện của nó khá gọn và là bộ phim mà bạn cần phải tự trải nghiệm. Bộ đôi đạo diễn Hélène Cattet và Bruno Forzani mô tả bộ phim của họ như sau: “Hành trình khám phá khao khát, cơ thể và sự gợi tình của nữ chính ở 3 khoảnh khắc trong cuộc đời cô.”
Amer là bộ phim đầu tay của bộ đôi đạo diễn Pháp-Bỉ sau nhiều bộ phim ngắn tiềm năng. Họ đã hoàn thiện phong cách lấy cảm hứng từ thể loại Giallo trong những phim ngắn để tạo nên Amer riêng biệt của họ. Bộ phim này đã khơi gợi sự hứng thú của Tarantino và ông đưa nó vào danh sách 20 phim yêu thích của mình trong năm.
Sau Amer, Cattet và Forzani tiếp tục với thể loại Giallo lần thứ 2 với The Strange Color of Your Body's Tears, sau đó là Let the Corpses Tan, cả 2 đều là hiện tượng của thể loại và cho thấy phong cách tuyệt đẹp của họ.
Nguồn: Taste of Cinema