10 tiểu thuyết sci-fi khó chuyển thể thành phim nhất

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Cho đến hiện tại, một số ít tác phẩm vẫn thực sự quá điên rồ và kỳ lạ để có thể chuyển thể thành phim.

Công nghệ ngày càng phát triển và hầu như tiểu thuyết nào cũng có thể được chuyển thể thành phim. Những tác phẩm như Annihilation – từng được xem là bất khả thi để được đưa lên màn ảnh, cuối cùng cũng được chuyển thể thành công. Những điều được cho là không tưởng giờ đây đã trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít tác phẩm thực sự quá điên rồ và kỳ lạ để có thể chuyển thể thành phim. Dĩ nhiên là vẫn còn có cơ may để chuyển thể, nhưng những bộ phim đó có xem được hay không lại là chuyện khác.

1. Ubik của Philip K. Dick

Michael Gondry – đạo diễn của Eternal Sunshine of the Spotless Mind đã từng cố chuyển thể tiểu thuyết nói về chứng hoang tưởng và thực tế ảo của Philip K. Dick thành phim. Nhưng tác phẩm này quá phức tạp đến nỗi ông không biết phải làm một bộ phim như thế nào để khán giả có thể hiểu được.

Nhiều tác phẩm của Philip K. Dick đã được đưa lên màn ảnh rộng, nhưng hầu như chúng đều phải được diễn giải lại một cách cặn kẽ. Ubik có lẽ là câu chuyện phức tạp nhất mà Dick từng viết nên, kể về một thực tại có thể là ảo, hoặc không. Tất cả những nhân vật trong câu chuyện này có thể đều đã chết. Hoặc có thể chỉ là…nửa sống nửa chết.

Ubik là tiểu thuyết kinh dị thuộc thuyết hiện sinh, và độc giả không bao giờ thực sự hiểu rõ được điều gì đang diễn ra trong câu chuyện này.

2. The Man Who Folded Himself của David Gerrold

Những câu chuyện về du hành thời gian luôn kỳ lạ, nhưng xét về mặt kỹ thuật, chúng lại thuộc hàng dễ chuyển thể thành phim nhất. Và quả thật rất bất ngờ khi truyện ngắn All You Zombies của Robert Heinlein được chuyển thể thành công, với bộ phim mang tên Predestination.

Tuy nhiên, The Man Who Folded Himself có lẽ là tiểu thuyết du hành thời gian kỳ lạ nhất từng được viết ra. Tác phẩm này kể về một chuyến du hành thời gian cứ bị lặp lại liên tục liên tục liên tục, tạo ra vô số bản sao ở nhiều phần khác nhau của thực tại song song. Tất cả những bản sao này tác động lẫn nhau, khiến cho thực tại ngày càng bị mâu thuẫn. Ngoài nội dung “hack não” thì tiểu thuyết này còn có nhiều chi tiết ngớ ngẩn một cách ghê gớm, và nhiều cảnh khiêu dâm mà có lẽ không có studio nào dám nghĩ khán giả đại chúng sẽ bỏ tiền ra để xem một bộ phim như thế này.

3. The Gone-Away World của Nick Harkaway

The Gone-Away World là tiểu thuyết kinh dị theo thuyết hiện sinh siêu thực. Điều khiến nó thực sự kinh khủng chính là bạn không thể hiểu được tác phẩm này nói về cái gì. Chủ đề cốt lõi của tác phẩm này là thế giới phát triển thành một loại vũ khí mới mà có thể xoá bỏ bất cứ thứ gì mà nó chạm vào. Và sau đó thứ đó lại trở thành một thứ có thể chạm được lần nữa.

4. Dreamsnake của Vonda McIntyre

Dreamsnake là tiểu thuyết siêu thực kể về một người chữa bệnh dùng một loại thuốc được luyện từ nọc độc rắn để tạo ra ảo giác cực mạnh. Và hành trình đầy ảo giác trong câu chuyện này được thể hiện qua 5 giác quan, tất cả đều hợp nhất với nhau. Điều này quả thực rất khó để thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh.

5. Gravity’s Rainbow của Thomas Pynchon

Gravity’s Rainbow vừa là câu chuyện về quân sự, vừa là câu chuyện khoa học viễn tưởng phức tạp, và vừa là hành trình trừu tượng vào những nơi không thực. Tiểu thuyết này thường được xem là một trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng xuất sắc trong thế kỷ 20 và là một trong những tiểu thuyết hay nhất của Mỹ từng được viết nên.

Có tổng cộng hơn 400 nhân vật trong tác phẩm này, nhiều thuyết khoa học được nhắc đến. Bên cạnh đó, tiểu thuyết này còn nói về sự nghiện thuốc, những khái niệm liên quan đến tâm thần – tình dục và chủ nghĩa hiện sinh. Khó có thể tách yếu tố riêng lẻ nào từ tiểu thuyết để chuyển thể thành phim bởi tất cả những yếu tố đều có liên quan mật thiết với nhau và dường như hợp nhất lại thành một. Ngoài ra, Gravity’s Rainbow còn được viết với nhiều phong cách và sắc thái khác nhau để thể hiện được phong cách, tiếng nói của các nhân vật khác nhau, và tất cả kết hợp thành một thứ mà độc giả/khán giả khó có thể hiểu được.

6. Xeelee Sequence của Stephen Baxter

The Xeelee Sequence là một tác phẩm cực kỳ phức tạp và hoành tráng, với bối cảnh xuyên không gian và thời gian. Nó kể về một đường tên lửa được nhân loại bắn vào những vì sao, xuyên qua không gian và thời gian khi họ cùng với những giống loài ngoài hành tinh khác tiến hành một cuộc chiến tranh nhằm chống lại Xeelee - một chủng người ngoài hành tinh tồn tại trước cả khi những dạng sự sống khác được ra đời.

Tiểu thuyết này khai thác những chủ đề như sự suy đồi và độc ác của con người đối với chính giống loài của mình, và phạm vi rộng lớn của nó khiến cho các nhà làm phim khó có thể đưa nó lên màn ảnh. Đây quả thực là một tác phẩm có quy mô quá lớn để có thể diễn đạt một cách dễ hiểu bằng ngôn ngữ điện ảnh. Bên cạnh việc yếu tố thời gian giữa các sự kiện trong tiểu thuyết khó có thể được thể hiện trên màn ảnh thì những đặc điểm của chủng loài Xeelee cũng quá trừu tượng.

7. All of An Instant của Richard Garfinkle

All of An Instant là một tiểu thuyết khác không thuộc thế giới vật chất. Thay vào đó, nó tập trung vào những lĩnh vực vượt ra khỏi không gian-thời gian, nơi mà những sự khác biệt thông thường của cảm giác hay phương hướng trở nên vô nghĩa. Chính vì hế, các nhà làm phim không thể nào đưa một thế giới thậm chí còn vượt xa khỏi những hình ảnh thông thường lên màn ảnh.

8. Tất cả những tiểu thuyết do HP Lovecraft viết ra

Tiểu thuyết của Lovecraft đã nhiều lần được chuyển thể, nhưng chưa bao giờ thành công. Những bộ phim này luôn quá sến sẩm và ngớ ngẩn hoặc quá trừu tượng để khán giả có thể cảm thụ được. Ví dụ như tiểu thuyết The Color Out of Space đã được chuyển thể khá nhiều lần, kể về một màu sắc không giống với bất kì màu nào mà chúng ta đã từng được thấy. Màu này có thể bóp méo và bào mòn thế giới xung quanh nó. Làm thế nào mà một đạo diễn có thể tạo ra được một màu sắc mới?

Bên cạnh đó, những câu chuyện của Lovecraft đều thuộc dạng kinh dị và kì quái. Chúng đều kể về những thế giới mà không ai có thể giải thích nổi.

9. Dhalgren của Samuel R. Delany

Dhalgren của Samuel R. Delany khó hiểu đến nỗi những ai đã từng đọc qua nó cũng khó có thể giải thích được. Tiểu thuyết này kể về một thành phố tại miền Trung tây bị tách ra khỏi thực tại sau khi trải qua một thảm hoạ bí ẩn. Nhiều thứ kỳ lạ xảy ra. Con người biến thành những con côn trùng khổng lồ. Có nhiều mặt trăng trên bầu trời. Mặt trời to gấp 50 lần bình thường. Con người sau khi quan hệ tình dục thì bắt đầu biến thành cây. Và những vị thần đi lang thang khắp các con đường. Tất cả mọi thứ vừa thực vừa ảo, độc giả không biết được điều gì đang thực sự diễn ra.

Nói chung, Dhalgren là tác phẩm chỉ nói về những thứ kỳ lạ. Thật sự không thể giải thích được điều gì được truyền tải qua tác phẩm điên rồ này. Có lẽ nó chỉ là cách nhìn nhận của một cá nhân đối với thế giới. Hoặc có lẽ nó chỉ là một vòng lặp thời gian hoặc một thực thể vũ trụ nào đó đang hoạt động.

10. House of Leaves của Mark Z. Danielewski

House of Leaves là tiểu thuyết hoàn toàn phụ thuộc vào ngôn ngữ viết và những cách chơi chữ và thật sự không thể nào chuyển thể thành phim được. Về mặt lý thuyết, câu chuyện trong tác phẩm này khá đơn giản: có một ngôi nhà có kích thước có thể thay đổi, phụ thuộc vào nơi mà bạn bắt đầu đo nó. Rồi từ đó, câu chuyện dần phát triển, và nhiều vấn đề khác nhau được kể qua những góc độ khác nhau.

Tuy nhiên, tác phẩm này trở nên thực sư điên rồ khi bạn bắt đầu nhận ra rằng có những câu chuyện được lồng ghép trong những câu chuyện của những câu chuyện trong tiểu thuyết. Bạn sẽ được trải qua một hành trình đầy hoang tưởng, phải đọc lại những gì mình vừa mới đọc để tìm ra được những thông điệp ẩn sâu trong đó. Chính vì thế, tác phẩm này chỉ thành công ở dạng ngôn ngữ viết, còn việc chuyển thể thành phim thì quả thực rất điên rồ.

Nguồn: Screenrant