3 lý do khiến khán giả Việt hụt hẫng về phim 50 sắc thái

Tin điện ảnh · Moveek ·

Sau rất nhiều nỗ lực, bộ phim Fifty Shades of Grey rốt cuộc cũng ra rạp từ ngày 13/2 và lập tức trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn E. L. James, 50 sắc thái đến từ đạo diễn Sam Taylor-Johnson là một trong những tác phẩm điện ảnh được chờ đợi nhất trong đầu năm 2015. Sau quá trình kiểm duyệt kéo dài, bộ phim cuối cùng cũng có thể ra rạp tại Việt Nam, nhưng lập tức nhận phải vô số ý kiến trái chiều và thiếu tích cực. Người hâm mộ cho rằng Fifty Shades of Grey bản điện ảnh kém xa nguyên tác văn học, Jamie Dornan thất bại trong vai tỷ phú Christian Grey, và bộ phim đã bị cắt sạch những cảnh nóng đầy hứa hẹn.

Dòng sông mô phỏng đại dương

50 Sắc Thái vốn là một tiểu thuyết tâm lý, tình cảm từng lập kỷ lục với hơn 100 triệu bản được phát hành trên toàn thế giới. Không chỉ hấp dẫn người đọc bằng chủ đề tình yêu và những ham muốn xác thịt, nữ văn sĩ E. L. James còn tỏ ra rất tinh tế và sâu sắc với nghệ thuật miêu tả tâm lý, tính cách. Nhân vật của bà tương đối phức tạp với những ẩn ức tình dục trong quá khứ hay những ham muốn bản năng giằng xé trong nội tâm. Mỗi trang tiểu thuyết của bà cuốn người đọc theo câu chuyện, kéo họ tham gia vào cuộc phiêu lưu tình ái của các nhân vật với cả niềm háo hức lẫn sợ hãi. Đây là lý do chính khiến không ít độc giả "chết mê chết mệt" cuốn sách này.

Trong khi đó, sự giới hạn về mặt hình ảnh so với câu chữ, cũng như sự hạn hẹp về thời lượng của một bộ phim khi so với cuốn tiểu thuyết hàng trăm trang, khiến đạo diễn Sam Taylor-Johnson khó lòng diễn tả được hết từng bước diễn biến kịch tính của nguyên tác văn học. Bất chấp sự tham gia của chính E. L. James trong vai trò biên kịch, Fifty Shades of Grey phiên bản điện ảnh chi như "một dòng sông mô phỏng đại dương" khi đứng bên cuốn tiểu thuyết. Bộ phim của Sam Taylor-Johnson bị các fan của nguyên tác xét nét là một "phiên bản mô phỏng lại cuốn tiểu thuyết của E. L. James", và đương nhiên hứng chịu chỉ trích khi không thể truyền tải trọn vẹn tinh thần của nguyên tác.

Một tượng đài không có thật

Linh hồn của nguyên tác văn học và là điều tạo nên sức hấp dẫn lớn nhất của 50 sắc thái là chàng tỷ phú Christian Grey lịch lãm, bí ẩn. Trên màn ảnh, nhân vật này do nam diễn viên Jamie Dornan thủ vai. Rất nhiều fan nữ bày tỏ niềm thất vọng lẫn phẫn nộ từ khi phim tung ra đoạn trailer đầu tiên. Theo họ, Jamie Dornan không diễn tả được hết vẻ lạnh lùng, mạnh mẽ đầy quyền lực của một kẻ "đa sắc thái bệnh hoạn" nhưng đầy quyến rũ trong câu chuyện của E. L. James. Đó phải là người đàn ông chỉ cần chớp mắt là khiến thế giới chao đảo, chỉ một cú phủi tay là có thể làm đại dương sóng sánh. Christian Grey là một "người trấn áp" đúng nghĩa với vô số những "người phục tùng" xung quanh. Đó thực sự là một tượng đài mà tiểu thuyết gốc đã xây dựng nên.

Ngay từ ngoại hình, Jamie Dornan không hề gợi lên những điều vừa được nêu ra. Chỉ vài bộ vest lịch lãm cũng như thân hình khoẻ khoắn, hấp dẫn của một người mẫu lâu năm không đủ để "nâng đỡ" anh cho vai diễn cực kỳ nặng đô này. Cộng thêm đó, sự quyến rũ và gợi cảm của bạn diễn Dakota Johnson trong vai cô sinh viên Anastasia Steele thu hút sự chú ý của khán giả trong hầu hết mọi cảnh quay. Điều này vô tình khiến cho Mr. Grey phiên bản điện ảnh càng thêm mờ nhạt.'

Phiên bản phim tại Việt Nam

Để có thể đến được với khán giả Việt trong dịp Valentine và Tết Nguyên đán 2015, bộ phim 50 sắc thái hẳn phải thực hiện không ít những "thỏa hiệp". Kết quả là bản phim được "biên tập" và cắt gọt sao cho phù hợp với chuẩn mực thẩm mỹ tại nước ta. Khán giả theo dõi bộ phim hẳn cảm thấy khó hiểu vì mạch phim bỗng dưng "nhảy cóc", các cuộc hội thoại bị ngắt giữa chừng, khiến diễn biến mối quan hệ giữa hai nhân vật chính có nhiều điểm không sáng tỏ. Dĩ nhiên, những ai mong chờ cảnh nóng trên màn ảnh rộng sẽ lại có thêm một phen thất vọng.

50 Sắc Thái từ chỗ là một tác phẩm bị đánh giá là trần trụi và dung tục nay trở nên rất "hiền". Người xem lúc này coi như được chiêm nghiệm một câu chuyện tình cảm lãng mạn đơn thuần trên phần nhạc phim cực kỳ xuất sắc, không bị "phân tâm" bởi cảnh giường chiếu.

Xét cho cùng, một bộ phim nên được đánh giá như một tác phẩm nghệ thuật độc lập, ngay cả khi nó dựa trên một nguyên tác nào đó. Sẽ là thiếu khách quan nếu như cứ chăm chăm so sánh Fifty Shades of Grey với cuốn tiểu thuyết của E. L. James. Và sẽ càng thiếu khách quan hơn khi đánh giá bộ phim sau khi theo dõi một phiên bản thiếu hoàn chỉnh.