50 plot twist phim hay nhất mọi thời đại (P2)
Tin điện ảnh · Never ·
Sau 10 phim được liệt kê ở phần 1, hôm nay chúng ta hãy tiếp tục chọn ra những bộ phim có plot twist hay nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh nhé.
Sau 10 phim được liệt kê ở phần 1, hôm nay chúng ta hãy tiếp tục chọn ra những bộ phim có plot twist hay nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh nhé. Các bạn có thể tham khảo phần 1 tại đây.
(Ý kiến cá nhân, cảnh báo spoil)
11. Clive Owen chưa từng rời khỏi nhà băng – Inside Man (2006)
Bộ phim gần như được coi là bom tấn và là một trong những tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của Spike Lee với nội dung cực kì thú vị đồng thời khá giật gân, là sự kết hợp của Dog Day Afternoon và phong cách đoán đố của Christopher Nolan. Nội dung phim vui nhộn, thú vị và độc đáo, như những hộp trò chơi câu đố tuyệt vời với đáp án cực kì thông minh: lời tường thuật của Clive Owen ở đầu phim, vốn được cho là từ trong một “trại giam” nói về “vụ cướp nhà băng hoàn hảo”, hóa ra lại từ một căn phòng hắn bí mật dựng lên ngay bên trong ngân hàng, và hắn đã trốn trong đó trong suốt một tuần lễ trước khi đường hoàng bước ra khỏi cửa chính nhà băng, như đã cam đoan.
12. Bà ta, và cả lũ trẻ, đều đã chết – The Others (2001)
Bộ phim kinh dị mang phong cách Gothic này được đạo diễn bởi Alejjandro Amenábar, với motip quen thuộc về một câu chuyện ma quái xảy ra trong căn nhà ma, xoay quanh bà mẹ thần kinh với nước da tái nhợt (Nicole Kidman) và những đứa con mắc chứng sợ máy ảnh (chi tiết quen thuộc mà nếu ai đủ tinh ý sẽ dễ dàng đoán được chân tướng). Họ bị khủng hoảng do những tiếng thì thầm và những tiếng động, những sự xuất hiện lạ thường. Không khí phim được xây dựng một cách tinh tế và tâm lí người mẹ được đào sâu tới mức phải cho đến cuối phim, ta mới nhận ra cả bà mẹ và những đứa con đều đã chết. Đương nhiên, sự xuất hiện của những người sống sẽ là một điều kì lạ đối với những người đã chết, đặc biệt khi những hồn ma này lại không tự nhận thức được bản chất của chính mình.
13. Soylent Green là con người – Soylent Green (1973)
Thuộc về một nhóm nhỏ nhưng không kém phần quan trọng: “những twist bạn đã biết được từ trước khi xem phim nhờ có những trò đùa trong The Simpsons (xem cả Citizen Kane, Planet of the Apes), bộ phim khoa học viễn tưởng của những năm 70 - Soylent Green vẫn đem lại cảm giác đau buồn cực độ khi cái kết được mở ra, bất chấp việc cốt truyện không có gì đặc sắc. Charton Heston vào vai một thám tử của Sở Cảnh sát New York (NYPD) sống tại năm 2022, khi dân số loài người trở nên quá đông đúc và họ phải đối mặt với vấn nạn thiếu lương thực và hiện tượng nóng lên toàn cầu (những điều đã từng là khoa học viễn tưởng thời đó, giờ đây đã trở thành nhân thức chung của toàn xã hội). Con người giờ đây duy trì sự sống bằng một loại bánh kẹp được gọi là Soylent Green, và khi Heston điều tra về một vụ giết người, anh nhận ra vụ án này và sản phẩm bánh kẹp đó có mối liên kết với nhau. Hóa ra, chiếc bánh đó không được làm ra từ các phiêu sinh vật như nhà sản xuất đã công bố, mà chính từ thi thể con người. Sự kinh dị mà sự thật này đem lại, cũng như phân cảnh khi Heston, với đôi mắt mở to bàng hoàng, đã thét lên “Soylent Green là con người”, vẫn là một nỗi ám ảnh với người xem.
14. Morales vẫn luôn giam giữ kẻ giết người – The Secret in their Eyes (2009)
Chúng ta thường không tìm đến danh sách những bộ phim đoạt giải Oscar cho Phim nói tiếng Nước ngoài hay nhất để tìm kiếm một bộ phim sát nhân, nhưng bộ phim kinh dị The Secret in their Eyes của Argentina, được đạo diễn bởi Juan José Campanella lại là một phim như vậy. Phim kể về Esposito (Ricardo Darin) – một điều tra viên tư pháp đã nghỉ hưu, cố gắng giải quyết dứt điểm một vụ án cũ, tìm kiếm kẻ đã sát hại vợ của Ricardo Morales (Pablo Rago). Kẻ nghi phạm, Gomez (Javier Godino) đã bị bắt, nhưng sau đó được đối thủ của ông thả ra với hi vọng có thể dùng hắn để thắng trong những cuộc du kích cánh tả. 25 năm đã trôi qua kể từ đó, Esposito đã bắt Morales phải thừa nhận việc sát hại Gomez, nhưng sự thật hóa ra hoàn toàn khác: Ông đã thực sự bắt được kẻ sát nhân, và đã giam giữ hắn ta trong một phòng giam ở miền quê trong hàng thập kỉ.
15. Tất cả những triệu chứng rối loạn đa nhân cách đều do hắn ngụy tạo nên – Primal Fear (1996)
Trước vai diễn cực thành công trong Fight Club, Edward Norton đã từng có một vai diễn khác thành công không kém trong Primal Fear. Là một trong những phim xử án hay nhất những năm 1990, plot twist của bộ phim được cho là dựa trên phong cách Witness For The Prosecution, nhưng là phiên bản hoàn hào hơn nhờ có diễn xuất của Norton. Richard Gere vào vai luật sư bào chữa cho một người đàn ông trẻ tuổi nhút nhát, có tật nói lắp (Norton) bị buộc tội sát hại Archbiship, người đã lạm dụng tình dục hắn và những tổn thương về mặt tinh thần có vẻ đã khiến hắn mắc chứng rối loạn đa nhân cách. Sau màn bùng nổ từ một nhân cách khác, “Roy”, hắn được xử trắng án bởi vấn đề thần kinh không được ổn định, nhưng khi Gere tới thông báo cho Norton về kết quả phiên tòa, gã đàn ông trẻ tuổi đã thả một quả bom vào cả Norton lẫn khán giả: Hắn là một tên tâm thần vẫn luôn ngụy trang bản thân bị rối loạn đa nhân cách nhằm mục đích thoát tội. Suốt cả bộ phim, diễn xuất của Norton đều vô cùng nổi bật, nhưng ở đây, chính nhờ khả năng xuất sắc của anh mà một chi tiết có vẻ rẻ tiền đã trở nên cực kì đặc sắc.
16. Cô ta không phải một đứa trẻ mà là một phụ nữ Estonia 33 tuổi bị bệnh tâm thần với chứng rối loạn tăng trưởng – Orphan (2009)
Vốn chỉ được coi là một bộ phim kinh dị nhảm nhí dành cho trẻ con, được sản xuất chỉ để lấp chỗ trống ở các rạp phim cho tới khi có phim gì khác hay ho hơn ra mắt, khán giả đã rất kinh ngạc với nội dung của Orphan. Một phần có lẽ bởi diễn xuất tinh vi của dàn diễn viên; một phần bởi sự chỉ đạo hàng đầu của Jamue Collet-Serra, và một phần bởi cái kết không thể đoán trước của phim. Phần mở đầu phim có hơi hướng giống như Bad Seed, với cặp vợ chồng (Vera Farmiga và Peter Sarsgaard) nhận nuôi một đứa bé 9 tuổi người Nga (Isabelle Fuhrman), người bị cho là có xu hướng bạo lực và đã từng cố gắng giết chết một trong số những đứa trẻ khác trong viện. Nhưng cô bé không hề bị ám, hay bị quỷ nhập, hay bất cứ thứ gì tương tự. Trên thực tế, đó là một phụ nữ 33 tuổi người Estonia với chứng thiếu hormone khiến mụ mãi mãi giữ hình dáng của một đứa bé và mụ đã phải giết gần một tá người trước khi được nhận nuôi. Có thể cách truyền tải cái kết này không được tinh tế cho lắm, nhưng không thể phủ nhận sự bất ngờ của nó.
17. Cô ta là một kẻ sát nhân đầy thù hận – Audition (1999)
Bộ phim Audition của Takashi Miike bệnh hoạn hơn rất nhiều so với phân cảnh được cắt ra dưới đây, nhưng chính phân cảnh này là bước ngoặt, khiến khán giả thay đổi cách nhìn về bộ phim. Nếu trước đó, toàn bộ nội dung phim có vẻ như tập trung vào một gã đàn ông lớn tuổi bệnh hoạn truy đuổi một cô bé ngây thơ, xinh đẹp và có phần bí ẩn thì phân cảnh này lại khiến khán giả phải tự hỏi có khi nào kẻ đáng sợ thực sự không phải người đàn ông kia hay không? Bộ phim có rất nhiều cảnh ám ảnh nhưng có lẽ khán giả sẽ nhớ nhất phân cảnh này, khi những giả thuyết của chúng ta trước nay về khái niệm nạn nhân và nữ tính bị gạt bỏ bởi sự bình tĩnh của cô gái khi chờ đợi cuộc gọi đến và nụ cười bí hiểm của cô khi chuông điện thoại reo.
18. Ông ta đã ngủ với chính con gái mình – Oldboy (2003)
Trong phim này, nhân vật Oh Dae-su của Choi Min-sik được thả sau 15 năm bị giam giữ bí mật và trong quá trình thực hiện kế hoạch trả thù, hắn đã yêu và ngủ với một người phụ nữ trẻ tuổi tên Mi-do (Kang Hye-jung). Nhưng khi cuối cùng cũng gặp được kẻ bắt giữ mình là Lee (Yoo Ji-tae), hắn lại được cho biết rằng người phụ nữ hắn vừa mới có quan hệ thân mật lại chính là con gái hắn, giờ đây đã trưởng thành. Việc này được sắp đặt bởi một người đàn ông mà trước đây, khi còn học trung học, Oh đã chứng kiến hắn ngủ với chị gái mình và gây ra một vụ scandal lớn đến nỗi người con gái đó phải tự sát.
19. Nó là em gái và là con gái tôi – Chinatown (1974)
Kể cả không biết gì về đạo diễn Roman Polanski đi nữa thì phân cảnh đã đi vào lịch sử dưới đây, được trích từ bộ phim kinh điển Chinatown, là không thể bỏ qua, từ sự xuất sắc trong diễn xuất của diễn viên cho tới sự bệnh hoạn ẩn giấu đằng sau những chi tiết đầy ẩn ý. Nhân vật Jake của Jack Nicholson đã đánh tới tấp vào mặt Evelyn (Faye Dunaway) cho tới khi cô ta chịu thú nhận rằng cô gái trẻ mà cô đang cố giấu kín chính là kết quả của mối quan hệ loạn luân giữa cô và chính cha ruột của mình. Nếu bạn đã biết Polanski, người từng bị phán có tội vì đã quan hệ tình dục “bất hợp pháp” với một bé gái 13 tuổi, thì khi xem cảnh này, bạn sẽ càng thấy rõ hơn sự u ám của nó, và, dù đúng dù sai, không ai có thể phủ nhận hiệu quả nó đem lại khi kết hợp với nội dung của toàn bộ phim.
20. Darth Vader là cha của Luke – The Empire Strikes Back (1980)
Hẳn những người đang đọc list này đều thấy buồn cười khi nghĩ rằng có người lại bật thốt lên “Hả? Darth Vader là cha của Luke Skywalker hả?”. Nhưng chỉ vì twist này đã được tiết lộ và in dấu trong nhận thức của chúng ta lâu đến nỗi tưởng chừng đã trở thành một nhận thức chung đi nữa, nó vẫn không khiến twist này trở nên kém phần đặc sắc. Chúng ta vẫn đang sống trong thế giới phim bom tấn mà Star Wars đã tạo nên (hơn bao giờ hết sau phần ngoại truyện vừa được phát hành năm ngoái), nhưng chính khoảnh khắc này, trong phần phim hay nhất của trilogy đầu tiên, đã giúp tên tuổi series phim lan xa hơn. Nó làm nổi bật lên tình cha con (chi tiết đến nay vẫn được khai thác trong Rogue One) và đồng thời xây dựng nên một câu chuyện thần thoại về số mệnh, sự truyền thừa và những gì một người có thể làm khi đối mặt với những tội ác mà cha mình gây ra – ít nhất cho đến khi mọi người nhận ra ý nghĩa của tình cảm Luke dành cho Leia.
Nguồn: The Playlist