6 cơ chế du hành thời gian thú vị trong điện ảnh

Tin điện ảnh · Calvinnn ·

Du hành thời gian là thử thách và cũng là mỏ vàng sáng tạo mà các nhà làm phim luôn muốn khai thác.

Kéo xuống để xem tiếp

Du hành thời gian trong phim ảnh vốn là đề tài rộng, khó, là thử thách nhưng cũng là mỏ vàng cho những nhà làm phim yêu thích đề tài sci-fi. Từ những yếu tố cơ bản của khái niệm du hành thời gian, các nhà biên kịch đã mở ra vô số các quy luật đặc biệt và cách thức du hành độc đáo nhất mà họ có thể nghĩ ra, khiến câu chuyện càng thêm thú vị. Các câu chuyện về đề tài du hành thời gian có thể vô cùng phức tạp với những kịch bản chặt chẽ, đầy logic, và cũng có những câu chuyện hoàn toàn lờ đi tính logic của nội dung mà tập trung vào những tình tiết viễn tưởng xoay quanh nó.

Phim: Back To The Future
Phim: Back To The Future

Do đề tài này trong phim ảnh thì muôn hình vạn trạng, vậy nên hãy cùng Moveek “hoạt động não” một chút để khám phá về một số cơ chế thú vị của du hành thời gian từng được thực hiện trên phim, những cơ chế có một không hai mà các biên kịch đã nghĩ ra, để xem trí tưởng tượng của con người to lớn tới mức nào. Tất nhiên có rất nhiều thể loại du hành thời gian và cách tác động độc đáo khác nhau lên dòng thời gian, vậy nên trong giới hạn bài viết chỉ có thể nêu một số đại diện tiêu biểu nhất. 

1. Khi kết quả lại chính là nguyên nhân

Đại diện tiêu biểu: Harry Potter And The Prisoner Of Azkaban, The Terminator

Time-Turner trong Harry Potter And The Prisoner Of Azkaban
Time-Turner trong Harry Potter And The Prisoner Of Azkaban

Cả hai phim đều sử dụng thuyết tiền định làm chủ đề chính. Nhân vật du hành tác động đến quá khứ để nhận ra chính quyết định đó lại vô tình tạo nên kết quả không tránh khỏi ở tương lai. Nguyên nhân và kết quả luôn liên kết với nhau bằng một cách nào đó, tạo nên một vòng lặp khép kín. Việc sử dụng cơ chế này là để hạn chế phim xuất hiện những lỗi logic thường thấy liên quan tới nghịch lý ông nội.

Dòng thời gian của The Terminator, từ khoảng thời gian John Connor được sinh ra và lớn lên, đến Ngày phán xét, rồi trận chiến với phe Skynet
Dòng thời gian của The Terminator, từ khoảng thời gian John Connor được sinh ra và lớn lên, đến Ngày phán xét, rồi trận chiến với phe Skynet

Trong Harry Potter And The Prisoner Of Azkaban, Harry và Hermione quay ngược thời gian để giải quyết vấn đề, vô tình cứu sống bản thân họ trong quá khứ mà không hề nhận ra từ đầu. Điều tương tự xảy ra với The Terminator, John Connor gửi Kyle Reese về quá khứ để ngăn chặn Skynet thủ tiêu mẹ mình - Sarah Connor lại chính là nguyên nhân cho việc John được sinh ra đời, T-800 bị hạ ở cuối phim kẹt lại trong nhà máy lại vô tình được nghiên cứu ngược để chế tạo ra người máy, tạo là một vòng lặp khép kín.

Một ví dụ cho vòng lặp khép kín: viên bi quay ngược thời gian để đập trúng chính nó, di chuyển sang vị trí mới, tiếp tục du hành
Một ví dụ cho vòng lặp khép kín: viên bi quay ngược thời gian để đập trúng chính nó, di chuyển sang vị trí mới, tiếp tục du hành
 

Điểm chung là những người du hành đều không có ý chí tự do, tức khả năng thay đổi định mệnh, tất cả những gì họ giống như một bản năng hơn là một quyết định có tính thay đổi số phận. Họ chỉ đơn giản được gửi về quá khứ để hoàn thành vận mệnh vốn có của mình chứ không thể thay đổi bất kì thứ gì. Do định mệnh là một điều khó mà lý giải theo cách thông thường, vậy nên việc hợp lý hay không cho vấn đề này không được giải đáp rõ ràng trong phim. Tất cả những gì khán giả cần là hiểu những thứ trên màn ảnh chứ đừng hiểu sâu thêm.

2. Con gà có trước hay quả trứng có trước?

Đại diện tiêu biểu: Predestination

Gà hay trứng?
Gà hay trứng?

Đại diện tiêu biểu duy nhất trong việc đưa khái niệm con gà và quả trứng lên tới đỉnh điểm và biến nó thành một ý tưởng vô cùng điên rồ và táo bạo là Predestination. Vẫn là thuyết tiền định, nhưng điều thú vị nằm ở người du hành chứ không phải ở dòng thời gian, khi người du hành lại vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả cho mọi diễn biến nằm trong phim. 

Jane, một phụ nữ liên giới tính (là nữ nhưng có bộ phận sinh dục nam ẩn), sau một số vấn đề xoay quanh cơ thể, cô buộc chuyển giới trở thành đàn ông hoàn toàn với danh phận là John. John sau đó được tuyển dụng để trở thành đặc vụ thời gian bởi chính bản thân mình ở tương lai (đã thay đổi khuôn mặt do gặp tai nạn) để ngăn chặn tên khủng bố Fizzle Bomber - một John tương lai xa bị ảnh hưởng tâm trí quá nhiều bởi những lần du hành thời gian.

Khó mà tin được cả phim chỉ xoay quanh đúng một nhân vật
Khó mà tin được cả phim chỉ xoay quanh đúng một nhân vật

Điều đáng nói hơn là khi John quay lại quá khứ để báo thù cho bản thân, anh vô tình nhận ra anh chính là người đàn ông đã làm mình đau khổ lúc còn là phụ nữ. Thế nhưng, John nhắm mắt để nương theo số phận của mình mà phải lòng chính bản thân - Jane. John rồi cũng rời đi như dự kiến và để lại cho Jane một đứa bé. Đưa bé của Jane sinh ra sau cuộc tình oan trái đó bị đánh cắp bởi người tuyển dụng (cũng là John), đem trở về năm 1945 (thời điểm ra đời của Jane), đặt trước cửa cô nhi viện, bắt đầu một vòng lặp không hồi kết.

Nguồn: Roger Ebert
Nguồn: Roger Ebert

Khái niệm điên rồ này trong phim đưa chúng ta từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khó mà có thể hình dung được một bộ phim chỉ xoay quanh đúng một nhân vật, khi anh ta khởi đầu và cũng là kết thúc, là cái chết và sự tồn vong của dòng thời gian này, giống như hình ảnh của con rắn Ouroboros. Đồng thời giải quyết các nghịch lý bằng việc biến nhân vật chính thành một nghịch lý sống, nằm ngoài quy luật của tạo hóa và thời gian.

3. Thay đổi quá khứ, biến đổi tương lai

Đại diện tiêu biểu: Looper, Back To The Future và X-Men: The Day Of Future Past

3 đại diện được coi là nổi bật nhất của kiểu du hành này, với việc dòng thời gian luôn bị biến động mỗi khi có người tác động tới quá khứ. Một trong những giả thuyết ảnh hưởng lớn đến kiểu du hành này là hiệu ứng cánh bướm, tức một tác động dù nhỏ thôi ở thời điểm nào đó sẽ tạo ra một biến động vô cùng lớn cho tương lai với mỗi nhánh của dòng thời gian đều khác đi mỗi khi tác động tới quá khứ. Hậu quả của việc này thường khá tai hại như việc tự tay xóa tên mình khỏi sự tồn tại trên thế giới, cho tới tốt đẹp hơn như thay đổi vận mệnh của bản thân.

Xe du hành thời gian DeLorean
Xe du hành thời gian DeLorean

giải thích dòng thời gian trong Back To The Future

Trong Back To The Future, Marty sử dụng Delorean để quay ngược thời gian, nhưng vô tình tương tác với mẹ mình lúc trẻ, tạo ra một hiệu ứng domino khiến mẹ và cha của anh không gặp mặt và quen nhau, suýt chút nữa là gián tiếp xóa sổ sự tồn tại của Marty.

X-Men: The Day Of Future Past cũng tương tự, Wolverine - một kẻ tồn tại từ thế chiến thứ 1, trở về quá khứ bằng cách gửi tâm trí của mình xuyên dòng thời gian về thời điểm mà bản thân đang tồn tại ở quá khứ, tác động đến sự kiện chủ chốt tại nơi đó để bẻ nhánh dòng thời gian sang một thực tại mà loài dị nhân không bị đàn áp bởi Sentinel. Đặc biệt ở cả 2 phim, người du hành đều có thể quay trở lại hiện tại, tức thời điểm mà họ đến từ nhưng với một dòng thời gian hoàn toàn mới.

Kitty Pride dùng khả năng của mình để gửi tâm trí của Wolverine về quá khứ (Nguồn: Bussiness Insider)
Kitty Pride dùng khả năng của mình để gửi tâm trí của Wolverine về quá khứ (Nguồn: Bussiness Insider)

Sự rẽ nhánh thời gian trong phim được mô tả bằng việc hình ảnh, kí ức và sự tồn tại của người du hành sẽ bị tan biến khỏi thực tại họ vừa thay đổi, gỡ bỏ hoàn toàn những con người, sự vật tồn tại ở dòng thời gian cũ. Một hiện thực khá điên rồ, mở ra hàng tá các vấn đề khi du hành thời gian như việc phải tránh né những điều gì, tương tác ra sao và tác động phải như thế nào để ảnh hưởng dòng thời gian theo ý mình muốn...

1 hiện tại, 1 tương lai săn đuổi lẫn nhau trong Looper
1 hiện tại, 1 tương lai săn đuổi lẫn nhau trong Looper

Looper cũng có khái niệm tương đương vậy nhưng thay vì chuyển tương lai sang một nhánh mới, thì sẽ nhập dòng thời gian lại làm một. Các nạn nhân sẽ được gửi về quá khứ để các sát thủ xử lý họ, vì thủ tiêu ở thời điểm tương lai sẽ dễ bị cảnh sát tìm kiếm được nguyên nhân hơn là ở quá khứ, nơi mà luật lệ vẫn chưa được thắt chặt như vậy. Do vậy, phim mới mở ra các tình huống dở khóc dở cười như kẻ được gửi đến từ tương lai chạy trốn được tên sát thủ.

Cái chết ghê rợn của một nhân vật, mỗi lần phiên bản quá khứ bị cắt 1 bộ phận, tương lai cũng đồng thời bị mất 1 bộ phận

Các tác động từ quá khứ ảnh hưởng đến tương lai khá chi tiết và có chút ghê rợn, từ việc cắt bỏ hay làm tổn thương bộ phận nào đó trong quá khứ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thể ở tương lai của họ, cho đến việc bản thể tương lai sẽ hình thành kí ức mới khi bản thể quá khứ làm trái đi sự kiện mà lẽ ra họ phải làm (tới một địa điểm chưa tới bao giờ hoặc làm điều gì đó chưa làm ở dòng thực tại kia).

Tuy nhiên, đây lại là kiểu du hành thời gian gây ra nhiều tranh cãi và vướng phải nhiều lỗi logic nhất vì liên quan trực tiếp đến nghịch lý ông nội. Thế nhưng, thế giới viễn tưởng và trí tưởng tượng con người thì vô cùng bao la. Nhờ vào những phương pháp khắc phục vô cùng sáng tạo và độc đáo của những nhà làm phim, họ đã hợp lý hóa những vấn đề tưởng chừng như rất nan giải như vậy, để người xem mới có thể diện kiến những câu chuyện hoang đường và kì lạ mà chỉ có phim ảnh mới có thể có được.

4. Giả lập quá khứ để thay đổi tương lai

Đại diện tiêu biểu: Source Code, Assassin’s Creed

Phim: Ready Player One
Phim: Ready Player One

Về cơ bản thì du hành dạng này chả có tác động gì đến tương lai cả, điều này cũng có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn những nghịch lý trong du hành thời gian (vì có tác động được gì đâu). Phương pháp này thiên về việc trải nghiệm kí ức cũ hơn là trực tiếp gây biến động đến thế giới nhằm phục vụ cho việc điều tra hay thậm chí là tìm kiếm những báu vật chưa có ai tìm thấy. Đây có là cơ chế du hành thực tế và dễ trải nghiệm nhất ngoài đời thực vì thế giới giả lập trong thời đại ngày nay vốn không còn xa lạ gì với mọi người.

Sơ đồ vòng lặp thời gian của Source Code
Sơ đồ vòng lặp thời gian của Source Code

Trong Source Code, Một người lính được nhiệm vụ để truy dấu tên khủng bố đánh bom cả con tàu tốc hành. Bằng những kí ức được tổng hợp từ những hành khách tử vong, thông qua một công nghệ đặc biệt giúp người lính sống lại được khoảnh khắc đó trong vòng 8 phút dưới dạng vòng lặp thời gian, từ đó cung cấp thông tin cho thế giới thực, tóm gọn kẻ thủ ác.

Cỗ máy Animus trong Assassin's Creed cho phép người sử dụng có được tất cả kiến thức của tổ tiên thông qua việc trải nghiệm kí ức cha ông ở thực tế ảo
Cỗ máy Animus trong Assassin's Creed cho phép người sử dụng có được tất cả kiến thức của tổ tiên thông qua việc trải nghiệm kí ức cha ông ở thực tế ảo

Nghe có vẻ rất ảo diệu, nhưng Assassin’s Creed còn thú vị hơn vậy khi sử dụng mã ADN của con người bất kì để truy gốc về kí ức của tổ tiên họ hàng chục hàng trăm năm trước, giúp họ trải nghiệm quá khứ của cha ông, từ đó khai quật những bí mật trong việc tìm kiếm những cổ vật bị chôn vùi khắp thế giới. Điểm khác biệt duy nhất là ở Assassin's Creed, người trải nghiệm bị giới hạn một số thứ như vị trí đi lại. Trong khi ở Source Code, hành động của người trải nghiệm vượt quá giới hạn của một chương trình máy tính, như việc liên lạc với một người từ bên ngoài phạm vi con tàu, hay thay đổi kết quả của cuộc đánh bom dù chỉ là giả lập.

Cả hai đều có điểm chung là người du hành có thể làm bất kì thứ gì mà không lo ảnh hưởng đến tương lai. Do bản chất của việc sống lại kí ức của những người đã từng tồn tại nên vấn đề thay đổi dòng thời gian bỏ xó hoàn toàn mà tập trung vào việc phá án và tâm lí nhân vật hơn. Nhờ vào việc nhập thể vào tâm trí của người khác, tâm lí của những nhân vật này thường bị ảnh hưởng ít nhiều, từ động lực cho tới thế giới quan của họ dần bị thay đổi bởi môi trường xa lạ xung quanh, họ có thể đồng cảm, tức giận hay thậm chí là phải lòng một người khác trong thực tại đó, từ đó khiến những nhân vật này khó lường hơn.

5. Đa vũ trụ

Đại diện tiêu biểu: Avengers: Endgame, Star Trek

Cơ bản thì người du hành ở trường hợp này không quay ngược lại được thời điểm quá khứ mình đang sống mà chỉ có thể du hành sang một quá khứ của thực tại khác. Nói cách khác thì du hành về quá khứ sẽ mở ra một dòng thời gian mới tồn tại song song với thực tại của họ.

Avengers du hành thời gian bằng cách nhảy qua quantum realm
Avengers du hành thời gian bằng cách nhảy qua quantum realm
 

Đối với Star Trek, Spock ở một vũ trụ khác, nơi mà mọi chuyện đã ngã ngũ nhảy sang quá khứ của mình ở vũ trụ kia để cảnh báo Starfleet về tương lai đen tối sẽ xảy ra. Avengers: Endgame đưa ra một giải thích hợp lý nhất cho việc này. Khi “nhảy cóc” từ hiện tại về quá khứ như vậy, quá khứ đó đối với người du hành đã trở thành hiện tại của họ, còn hiện tại mà họ vừa mới nhảy cóc thì đã trở thành quá khứ rồi, như vậy việc thay đổi quá khứ đâu có nghĩa lý gì nếu tương lai của thực tại này đâu thuộc về người du hành. 

Spock của hiện tại và tương lai (Nguồn: Trekmovie)
Spock của hiện tại và tương lai (Nguồn: Trekmovie)

Thực chất thì du hành dạng này có thể bỏ qua được hầu hết các nghịch lý cơ bản về du hành thời gian như tiền định, nghịch lý ông nội... vì cơ bản dù có làm gì cũng không ảnh hưởng đến dòng thời gian của người du hành. Biên kịch thoải mái tung hoành mà không lo về lỗi logic. Người du hành ở trường hợp này chỉ có thể đóng vai trò như một người dự báo, một sự hỗ trợ từ “bên ngoài” đối với nơi mà họ du hành.

Phim: Doctor Strange
Phim: Doctor Strange

Endgame mở ra cho khán giả một trường hợp khác khá đặc dị, đó là “mượn” đồ vật từ dòng thời gian khác để giúp đỡ cho dòng thời gian của mình, rồi sau đó trả lại đúng thời điểm của đồ vật đó. Mặc dù khá sáng tạo nhưng điều này cũng mở ra vô số các câu chuyện thú vị, chẳng hạn 2 bản sao ở 2 dòng thời gian đối đầu, sử dụng đồ vật dòng thời gian này để tương trợ cho dòng thời gian kia, hay thậm chí là vũ trụ này tấn công vũ trụ kia…

6. Ngược dòng thời gian kiểu siêu thực tế 

Đại diện tiêu biểu: Tenet, Primer

Đây đích thị là kiểu du hành phức tạp và kì lạ nhất trong những kiểu di chuyển không - thời gian. Thực chất, đây không hẳn là du hành theo kiểu “nhảy” tới chính xác thời điểm và vị trí mong muốn mà là đi ngược dòng thời gian đến thời điểm mình muốn với trải nghiệm thời gian như bình thường. Ngoài ra thì các định lý khoa học, nguyên tắc vật lý ngoài đời thực được áp dụng vào rất nhiều trong cơ chế hoạt động của những cỗ máy thời gian này, khiến 2 phim trên có phần nghiêng hẳn từ thể loại sci-fi sang hard sci-fi (tức là thể loại sci-fi nhưng sử dụng nhiều kiến thức ngoài đời thực và chủ trương khiến phim thực tế nhất có thể).

Tenet - bom tấn mới nhất của Nolan về đề tài thay đổi dòng thời gian
Tenet - bom tấn mới nhất của Nolan về đề tài thay đổi dòng thời gian

Mới đây Tenet đã tung hoành trên màn ảnh rộng và làm não của khán giả phải xoắn xuýt vì sự phức tạp của cơ chế này, mà phim giới thiệu là “nghịch đảo thời gian”. Người du hành đi ngược chiều thời gian bằng cách giảm entropy của mình, đảo ngược quy trình tự nhiên, bản thân sẽ di chuyển ngược chiều với dòng thời gian tịnh tiến (Entropy: Độ hỗn loạn của các phân tử. Entropy của một sự vật thì lúc nào cũng tăng hoặc giữ nguyên, càng tăng thì sự vật càng bị biến đổi và phát triển, chuyển từ trạng thái trật tự sang hỗn loạn, mà sự vật thì luôn bị tác động bởi thời gian, do vậy người ta có giả thuyết thời gian với entropy luôn đi đôi với nhau). Nhờ vào điều này, bản thân biết được tương lai quay lại quá khứ để tương tác với sự kiện ở quá khứ, thiên biến vạn hóa ra nhiều chiến thuật để thay đổi định mệnh của bản thân.

Primer - một trong những phim về đề tài du hành thời gian hay nhất, kinh phí thấp nhất và... phức tạp nhất
Primer - một trong những phim về đề tài du hành thời gian hay nhất, kinh phí thấp nhất và... phức tạp nhất

Primer tuy là một phim ra đời rất lâu trước Tenet, nhưng lại là phim có lý thuyết du hành thời gian thực tế và phức tạp nhất của thể loại phim này. Tương tự như Tenet, người du hành không thể chớp mắt một cái là tới nơi, mà phải trải qua một khoảng thời gian để lùi về tương ứng (ngồi 1 tiếng, lùi về 1 tiếng).

Thế nhưng, quy trình sử dụng lại phức tạp hơn Tenet rất nhiều, người du hành bật máy thời gian nhưng không thể sử dụng liền. Trong 15 phút đầu, nhất định phải rời đi để tránh gặp bản thể trong máy (trong lúc rời đi là lúc họ sẽ tìm kiếm những thông tin có lợi cho quá khứ như chứng khoán, vé số…), rồi trở lại trong vòng khoảng thời gian 6 tiếng, họ sau đó chui vào máy thời gian, ngồi trong đợi với khoảng thời gian 6 tiếng tương ứng để lùi về quá khứ, chui ra và sống tiếp dòng thời gian mới. Thời gian lùi được tối đa là thời điểm mà máy được chế tạo và kích hoạt, và chỉ kích hoạt thì mới có thể sử dụng.

Infographic về cơ chế du hành của Primer
Infographic về cơ chế du hành của Primer

Mục đích của cơ chế du hành rối rắm như vậy, từ việc ra vào máy thời gian, rồi rời đi trong một khoảng thời gian nhất định là nhằm để mọi bản thể không tồn tại cùng một thời điểm, đảm bảo đó là một chu kì hoản hảo để không phá vỡ định luật tự nhiên. Giống như phần infographic trên đây diễn tả cách sử dụng và dòng thời gian của phim hoạt động ra sao, tất cả tạo nên một dòng chảy thời gian liên tục không bị ngắt quãng.

Do áp dụng các kiến thức khoa học và vật lý truyền tải vào kịch bản khá nhiều, cộng thêm cơ chế sử dụng máy thời gian quá phức tạp khiến việc hiểu nội dung phim trở nên “cực hình” đối với khán giả, chỉ cần sơ suất vài phút không theo kịp phim là sẽ ngơ ngác ngay. Do vậy, những phim có dạng du hành này thường có giá trị xem lại rất cao, vì mỗi lần xem lại, khán giả lại phát hiện ra những điều thú vị xoay quanh nội dung.

7. Lời kết

Du hành thời gian vốn là đề tài luôn khiến người khác phải tò mò, có người bảo là bất khả thi vì không có chứng cứ khoa học nào cụ thể để chứng minh, người thì bảo thì do công nghệ hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu để thực hiện nó, khiến du hành thời gian mãi mãi là một bí ẩn đối với nhân loại. Tuy điều này có thể khó mà trở thành sự thật, thế nhưng lại không làm khó được các nhà làm phim.

Chính sự bí ẩn của du hành thời gian là cơ hội để những tác giả và biên kịch thỏa sức sáng tạo ra những câu chuyện độc đáo và thú vị xoay quanh những giả thuyết, nghịch lý và vấn đề xoay quanh du hành thời gian. Phim ảnh và văn học thật sự chính là mảnh đất màu mỡ cho những tác phẩm sáng tạo như vậy.

Nguồn: Tổng hợp